Thứ Sáu, 19 tháng 7, 2013

FIFA: Nén bạc đâm toạc Dân chủ

Khi tiếng còi của trọng tài kết thúc trận chung kết World Cup Nam Phi 2010, mọi chú ý của thế giới đều được dồn cho Brazil và công trình tổ chức cuộc tranh tài thể thao được xem là quan trọng nhất của thế giới sẽ diễn ra vào năm 2014.

Một năm trước đó ở Đan Mạch, mọi người chứng kiến thấy cảnh Tổng Thống Luiz Inácio Lula da Silva của Brazil khóc nức nở ngay tại cuộc họp báo ở Copenhagen, nghẹn ngào bảo “ước mơ của tôi từ thủa còn bé bây giờ đã trở thành sự thật”, đưa ra thế giới sẽ rủ nhau về Brazil để xem những trận banh không thể bỏ qua vào năm 2014, hai năm sau đó lại lũ lượt cùng nhau trở lại Brazil để xem đại hội thể thao toàn cầu Olympic, nơi quy tụ những lực sĩ tài ba nhất, tranh nhau giải thưởng cao quý nhất là chiếc huy chương vàng Thế Vận Hội.
Không chỉ một mình Tổng Thống  Brazil khóc mà ngay chính người dân Brazil cũng cùng khóc với ông. Chẳng ai tin một quốc gia lại liên tiếp được nhận lãnh vinh dự tổ chức 2 cuộc tranh tài thể thao quan trọng nhất, cũng chẳng ai tin điều đó sẽ đến với quốc gia Nam Mỹ nổi tiếng với điệu nhạc Samba. Từ Copenhagen, một nhà báo của đài truyền hình Global TV Network gửi ngay bản tin đầu tiên về cho người dân trong nước, mở đầu bằng câu Chúa đã ban phép lạ cho chúng ta, phép lạ này được Chúa dành riêng cho nước Brazil và cho người dân Brazil”.
Người dân Brazil vui mừng với phép lạ Chúa ban, nhưng không hài lòng với những gì chính phủ làm với phép lạ họ được hưởng.
Hình ảnh những cuộc biểu tình dữ dội xảy ra ở 50 thành phố trong những ngày vừa qua đi kèm với hình ảnh cảnh sát sử dụng hơi cay, vòi rồng để giải tán những cuộc tụ tập lên đến cả trăm ngàn người, cùng với những phiên họp khẩn cấp của chính phủ liên tục diễn ra đã chứng minh điều đó.
Tại sao vậy?
Đi tìm câu trả lời không khó: dân chúng Brazil không đồng ý với khoản tiền khổng lồ chính phủ bỏ ra để tổ chức 2 cuộc tranh tài World Cup và Thế Vận Hội, đòi hỏi giới lãnh đạo phải có chính sách thực tiễn giúp dân, thay vì sử dụng tiền thuế của dân để trang trải cho những chuyện được xem là xa xỉ, trong lúc đời sống của chính người dân trong nước không được cải thiện.
Chúng tôi đóng thuế, muốn thấy tiền thuế của chúng tôi được sử dụng một cách đúng đắn”, một thanh niên trẻ tên Filipe trả lời với hãng thông tấn Reuters.
“Báo cáo mới nhất của chính quyền cho thấy nhà nước bỏ ra 13.3 tỷ dollars cho World Cup, sau đó sẽ bỏ thêm 12 tỷ nữa để trang trải chi phí tổ chức Olympic 2016 trong khi giá sinh hoạt tăng quá nhanh khiến dân chúng không chịu nổi nữa”, theo lời anh thanh niên này trình bày. “Tiền cho thể thao thì có, tiền giúp dân thì không, đó là điều hoàn toàn vô lý”.
“Tôi biết nhà nước bỏ ra hàng chục tỷ bạc để khoe Brazil với thế giới nhưng đó không phải là mục tiêu quan trọng mà dân chúng trông chờ”, một cư dân ở Rio nói trên đài truyền hình.
“Nên nhớ đời sống của chúng tôi gắn liền với giá cả thị trường, với tiền đi xe buýt, với trợ cấp y tế, xã hội, đó là những mục tiêu mà chính phủ phải giải quyết cấp thời. Chúng tôi đã nhiều lần lên tiếng đòi hỏi phải sử dụng tiền thuế của dân cho đúng, phải dùng tiền thu được nhờ bán dầu thô vào các mục tiêu giáo dục, xã hội nhưng chính quyền không lắng nghe, thành ra chúng tôi chỉ còn một cách duy nhất là tập họp để tranh đấu”, theo trình bày của một người khác cư ngụ ở San Paulo.
Ông này bảo thêm “nhà nước xây những sân vận động thật vĩ đại cho World Cup, có cả những sân sau đó sẽ bỏ trống, thế tại sao không xây thêm chung cư cho dân chúng, cho những người đang cần nhà ở?”.
Tập họp biểu tình được kêu gọi qua những phương tiện truyền thông khác nhau, đặc biệt là qua những trang mạng xã hội. Thoạt đầu số người tham gia chỉ ở khoảng vài chục ngàn ở những thành phố lớn nhưng nhanh chóng tăng lên thành cả trăm ngàn ở tất cả mọi nơi trên lãnh thổ Brazil. Những người tổ chức cuộc biểu tình quyết định bày tỏ quan điểm vào đúng thời điểm Brazil đang tổ chức Giải Bóng Tròn Liên Lục Địa (Confederation Cup 2013) và sửa soạn đón Đức Giáo Hoàng đến thăm Rio cùng San Paulo vào tháng tới.
Những cuộc biểu tình dồn dập xảy ra đi kèm với những phiên họp khẩn cấp của chính phủ Brazil khiến mọi người nhớ lại mới đầu năm nay, Tổng Thư Ký Liên Đoàn Bóng Tròn Thế Giới (FIFA) là ông Jerome Valcke nói với báo chí tôi nói điều có thể các bạn nghĩ là điên khùng nhưng là sự thật: càng ít dân chủ thì càng dễ tổ chức World Cup”. Câu nói của ông chẳng điên chút nào cả: để được trao vinh dự, chính phủ một quốc gia bắt buộc phải cam kết dồn hết sức lực để hoàn tất những công trình xây cất theo đúng với tiêu chuẩn do FIFA đặt ra, quên đi những khó khăn mà chính người dân quốc gia đó đang phải đương đầu.
Trường hợp của Brazil cũng thế: thế giới trông chờ ngày nhìn thấy những công trình vĩ đại cho World Cup 2014 và Olympic 2016, người dân xứ này mong đợi ở chính quyền những điều thiết thực hơn như hạ giá xe buýt, giải quyết vấn nạn tham nhũng, lạm phát, không muốn thấy chính phủ sử dụng những khoản tiền khổng lồ vào những việc hoàn toàn không có lợi cho dân.
Tình trạng này đã xảy ra nhiều lần trước đây nhưng hầu như không hể được chú ý tới. Gần nhất là trường hợp Trung Quốc khi tổ chức Olympic Bắc Kinh 2008, dân chúng bị chính quyền thu dụng đất để xây sân vận động, những người chống đối bị bắt vào tù đến giờ vẫn chưa được trả tự do. Kế đến là Nam Phi, một quốc gia đang trên đà phát triển tốt nhưng vẫn còn rất nhiều khu phố nghèo nàn, trước ngày trái banh lăn tròn trên sân Johannesburg trong trận mở màn World Cup 2010, người dân Nam Phi đã nhiều lần lên tiếng than thở về chuyện chính phủ bỏ quá nhiều tiền để làm hài lòng thế giới và làm hài lòng FIFA, quên đi những nhu cầu thiết thực của dân chúng.
Lúc đó dân chúng Nam Phi không có được cơ hội để biểu tình phản đối, họ quyết định biểu tình ôn hòa bằng những chiếc áo thun (T-shirt) mang hàng chữ “FICK FUFA” (xin đọc ngược lại)  in thật đậm ngay trước ngực. Lần này, người dân Brazil thể hiện tinh thần dân chủ bằng những cuộc tập họp ngoài đường phố, đi kèm với những lời nhắc nhở “phải thật ôn hòa, không bạo động” cho dù bị cảnh sát dùng võ lực để đàn áp.
Đừng quên trong những cuộc biểu tình người dân Brazil cũng nói đến chuyện FIFA lẫn Liên Đoàn Olympic Quốc Tế (IOC) ký giao kèo khổng lồ với những đại công ty của thế giới và các đài truyền hình toàn cầu, khoản tiền này FIFA ôm trọn gói, không chia sẻ với quốc gia phải bỏ cả chục tỷ dollars để làm tròn những đòi hỏi mà 2 Liên Đoàn thể thao lớn mạnh nhất thế giới đề ra.
Cho đến giờ, cả FIFA lẫn IOC vẫn chưa lên tiếng nói gì về cuộc biểu tình vẫn diễn ra mỗi ngày ở Brazil - điều này không gây ngạc nhiên vì xưa nay, 2 tổ chức này luôn luôn theo đuổi chủ trương “thể thao đứng ngoài chính trị” để không can dự vào những trường hợp khó xử. Với chủ trương này, chuyện xảy ra ở Brazil để cho chính phủ và người dân Brazil giải quyết, đừng trông chờ FIFA hoặc IOC can dự dưới bất kỳ hình thức nào. Dù không lên tiếng bày tỏ quan điểm, nhưng chắc chắn thành phần lãnh đạo FIFA và IOC đang theo dõi thật sát những gì xảy ra ở Brazil để dự đoán chuyện có thể sẽ xảy ra với những quốc gia được chọn tổ chức các cuộc tranh tài thể thao sau này.
Riêng về điểm này có lẽ những người đang điều hành FIFA an tâm hơn: Hai cuộc tranh tài World Cup kế tiếp sẽ diễn ra ở Nga và Qatar, nơi người dân vẫn chưa thật sự có nhiều cơ hội thể hiện tinh thần dân chủ, tức không có cơ hội để tập họp biểu tình phản đối như người dân Brazil đang làm! Đừng quên lời ông Tổng Thư Ký Jerome Valcke đã nói: “Càng ít dân chủ thì càng dễ tổ chức World Cup”./THAO TRƯỜNG

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Best Blogger TipsBest Blogger Tips