Thứ Bảy, 6 tháng 7, 2013

Soccket ball - Quả bóng nhân văn

Quả bóng “công nghệ cao” được làm ra và mang đến châu Phi từ phát minh của cô Jessica O. Matthews (ảnh dưới cầm trái banh) và Julia Silverman.
Bóng đá là môn thể thao phổ biến nhất thế giới, và ở một số quốc gia bóng đá còn là một sinh kế. Trong lúc trưởng thành, cô Matthews cũng hiểu về bóng đá như vậy, và vào một lần đi thăm Nigeria, quê cha đất tổ của cô, để dự đám cưới của người dì, cô có dịp chứng kiến cảnh thường xuyên cúp điện ít được thấy ở Mỹ.
“Cúp điện là chuyện thường ngày ở đó,” cô Matthews nói, “nhưng hôm đó thì tôi thật là thất vọng khi ngày đám cưới của dì tôi lại bị cúp điện. Tôi hỏi người nhà của dì tôi là mình có thể chạy máy phát điện ở nhà được không, và tôi nhớ lại là mọi người xem tôi như người đang nói chuyện giả tưởng. Mọi người ở đây đã quá quen với chuyện này đến nỗi họ xem đó là ‘chuyện thường ngày ở huyện,’ và hầu như chẳng ai bận tâm nghĩ đến việc phải tìm cách khắc phục hay thay đổi.”
Vài năm sau đó, cô Matthews có mặt trong nhóm sinh viên năm thứ ba của đại học Harvard được giao cho đề tài nghiên cứu giải quyết một vấn đề xã hội nào đó bằng nghệ thuật hoặc khoa học.
“Chúng tôi chọn lấy môn thể thao được yêu chuộng nhất, đó là bóng đá, và chúng tôi chọn lấy một trong những vấn đề lớn nhất của thế giới, đó là vấn đề năng lượng sạch và tiếp cận với năng lượng, và phát động rằng chúng tôi sẽ trao cho các bạn chính môn chơi mà các bạn thích, rồi môn chơi đó sẽ mang lại điện năng cho bạn nữa.”
Ðề tài nghiên cứu chế tạo một quả bóng đá phát ra điện từ việc đá quả bóng đó, và tích trữ điện năng đó lại, để sau đó dùng thắp sáng đèn thật là lý thú và có ý nghĩa lớn đối với cô Matthews và cô Silverman, và cả hai đã quyết tâm lập ra một công ty mang tên Uncharted Play để phát triển dự án đó.
Cô Matthews nói: “Dự án quả bóng phát điện này nhắm mục đích giáo dục về năng lượng sạch, về năng lượng tái tạo, về năng lượng thay thế, được tạo ra bằng cách thức có ý nghĩa và lý thú.”
Trong một thế giới với 2,6 tỉ người không có điều kiện tiếp cận với nguồn điện năng ổn định, quả bóng phát điện Soccket Ball có thể là một giải pháp tích cực cho vấn đề.
“Bên trong quả bóng có một quả lắc, với cơ chế hoạt động có thể được hình dung như quả lắc trong đồng hồ tự động,” cô Matthews giải thích. “Quả lắc đó sẽ chuyển động năng từ sự di chuyển của quả bóng sang cơ cụ phát điện, và điện được tích vào một cục pin.” Quả bóng được mang ra đá trong khoảng 30 phút sẽ tạo được một lượng điện năng có thể thắp sáng một điốt phát quang, còn gọi là bóng đèn LED, đủ sáng để đọc sách được đến vài giờ đồng hồ, hoặc có thể dùng để nạp điện cho pin điện thoại.
Các chân sút và nhất là thủ môn có thể an tâm là quả bóng phát điện không quá nặng như những gì được mô tả. Cô Matthews giải thích rằng áp dụng các công nghệ của điện thoại di động đã giúp giảm thiểu đáng kể trọng lượng của quả bóng, và nó chỉ nặng hơn quả bóng đá thông thường chừng 30 cho đến 50 gram, và với công nghệ mới liên tục phát triển, cô Matthews hy vọng một ngày gần đây trọng lượng của quả bóng Soccket sẽ giảm xuống ngang bằng với quả bóng đá thông thường.
Dự án bóng phát điện này nhận được sự tán dương của các cầu thủ bóng đá nổi tiếng, các nhân vật nổi tiếng thế giới, trong đó có Cựu Tổng thống Bill Clinton. Ông Clinton nói: “Thật là tuyệt - đá bóng bật sáng đèn!” Ða số những người hâm mộ môn bóng đá lẫn những người không thích môn này đều công nhận Soccket ball là một bàn thắng đẹp./VOA
 Soccket ball được giới thiệu tại World Science Festival 2013
 Bài tiếp theo (Obama đề cao Soccket Ball)
Soccket ball là phát minh đậm tính nhân bản, thiết thực, gần gũi và dễ đến với mọi người nghèo ở những làng quê hẻo lánh. Trông người mà ngẫm đến ta...

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Best Blogger TipsBest Blogger Tips