Thứ Ba, 9 tháng 7, 2013

Ai Cập: Khi quân đội làm kinh tế

Từ khách sạn, nhà máy sản xuất ô tô, các xưởng làm bánh…
Quân đội Ai Cập kiểm soát một đế chế doanh nghiệp và không chịu bất cứ một sự kiểm soát nào. Các tướng lĩnh cản trở mọi sự cải cách và làm tê liệt nền kinh tế. Một khi điều này không thay đổi thì vị Tổng thống tiếp theo cũng sẽ không có cơ hội.

SCAF: Supreme Council of the Armed Forces = Hội đồng Tối cao các lực lượng vũ trang
Đêm thứ Năm [4/7] vừa qua, hàng trăm ngàn người đã đổ về quảng trường Tahrir ở Cairo ăn mừng sự hạ bệ ông Mohammed Mursi của phái Huynh đệ Hồi giáo. Cách đây hơn một năm, người dân Ai Cập từng hân hoan reo hò hy vọng vị tân Tổng thống này sẽ cải thiện cuộc sống của họ. Ông Mursi phải từ chức vì dưới sự lãnh đạo của ông, tình hình kinh tế Ai Cập ngày càng sa sút, tồi tệ hơn. Giờ đây người Ai Cập lại reo hò ngợi ca giới quân sự, cho dù chính giới quân sự là những kẻ phải chịu trách nhiệm về việc làm tê liệt sự vươn lên của nền kinh tế nước này.
 Pharaon thứ thiệt - thứ zỏm (dưới)
Ai Cập có một đội quân khoảng 420.000 binh sỹ, thuộc loại lớn nhất ở trong vùng; quân đội Ai Cập có một đế chế ngầm với hàng loạt doanh nghiệp và hoàn toàn không chịu sự kiểm soát dân sự nào. Theo ước đoán, quân đội Ai Cập tạo nên từ 8 đến 30% năng lực kinh tế đất nước, đây là một đế chế đen tối, lợi bất cập hại với Ai Cập.
... đến sản xuất lựu đạn và vòi phun nước
Chủ trương quân đội làm kinh tế ra đời năm 1979 khi Ai Cập ký Hiệp định hòa bình với quốc gia láng giềng Israel. Tổng thống thời đó là ông Anwar al-Sadat đã giảm đội quân một triệu người xuống còn một nửa. Để cho binh sỹ thất nghiệp có việc làm, giới quân sự đã thành lập hàng loạt doanh nghiệp dân sự.
Ngày nay trong các lĩnh vực kinh tế, Ai Cập có nhiều nhà quản lý mặc quân phục. Các ông tướng quản lý trang trại chăn nuôi, nhà máy làm bánh, nhà máy đồ hộp, cơ sở đốt rác thải, tập đoàn xây dựng và hàng loạt bệnh viện. Quân đội có một mạng lưới cây xăng phân bổ trong cả nước và hàng loạt khách sạn 5 sao (nhiều khu nghỉ dưỡng trên bán đảo Sinai được xây dựng trên các khu đất do quân đội quản lý).
Theo Think -Tanks Federation of American Scientists thì các doanh nghiệp thuộc bộ máy quân sự Ai Cập sản xuất gần như đủ các loại sản phẩm: từ súng máy cho tới dao, kéo, máy khâu; từ đạn chống tăng cho tới mỹ phẩm, quần áo lót, thậm chí cả vòi phun nước. Những thùng bỏ phiếu phục vụ cho cuộc bầu cử Tổng thống năm 2012 cũng do một nhà máy của quân đội sản xuất.
Trong nhiều thập niên đã hình thành một siêu tập đoàn hỗn hợp tạo ra hàng trăm nghìn việc làm; các doanh nghiệp quân đội lại được hưởng những ưu đãi bất hợp lý so với các doanh nghiệp tư nhân. Theo báo “Thế giới”, các tân binh phải làm việc một số tháng trong các doanh nghiệp dân sự của quân đội; nhờ đó các doanh nghiệp bất cứ lúc nào cũng có hàng trăm nghìn lao động với mức giá hết sức thuận lợi, theo nhận định của nhà kinh tế đồng thời là chuyên gia về Trung Đông Robert Springborg. Ngoài ra, các doanh nghiệp do quân đội quản lý còn được độc quyền về tiêu thụ sản phẩm và miễn giảm thuế. Các doanh nghiệp này cũng không phải trình báo sổ sách cho bất kỳ ai.
Hậu quả khôn lường
Bộ máy quân - dân sự này làm tê liệt sự cạnh tranh, khiến các nhà đầu tư nước ngoài nản lòng, gây khó khăn cho quá trình hiện đại hóa nền kinh tế Ai Cập. Hiện cứ 10 người Ai Cập thì có tới 4 người sống dưới mức nghèo khổ theo chuẩn của Liên hiệp quốc, nghĩa là 2 đôla mỗi ngày. Tầng lớp thanh niên có điều kiện tốt hơn song cũng không có tương lai sáng sủa để vươn lên.
Chừng nào quân đội Ai Cập còn quyết tâm bám giữ đế chế kinh tế của mình đến cùng thì Ai Cập khó có thể cứu vãn. Cho đến nay chưa có dấu hiệu nào cho thấy quân đội buông lơi lợi ích Business của mình. Trong nhiều thập niên giới tướng lĩnh Ai Cập luôn dựa vào đế chế kinh tế của họ để chống lại sự giảm sút quyền lực của mình.
Ngay từ đầu thập kỷ chín mươi, Bộ trưởng Quốc phòng Jussef Sabri Abu Talib đã ngỏ ý chấm dứt hệ thống doanh nghiệp dân sự và ông đã bị hạ bệ. Người thay thế ông là Mohammed Tantawi trong hơn hai thập kỷ đã liên tục mở rộng thế lực kinh tế của quân đội. Không một vị Tổng thống nào có thể hoặc muốn chấm dứt thế lực của giới quân sự. Ngay cả ông Mursi, Tổng thống đầu tiên không có quân hàm, cũng không dám làm điều này.
Việc ông Mursi phải từ chức một phần cũng vì các nguyên nhân kinh tế. Tổng thống Ai Cập không được làm giảm lợi nhuận của giới tướng lĩnh. Sự bất ổn kéo dài, sự kình chống giữa phe ủng hộ và phe chống đối cuồng tín đối với ông Mursi làm chia rẽ đất nước và tác động ngược về kinh tế: khách du lịch tránh né; tiêu dùng ảm đạm, sa sút. Túi tiền của các vị tướng cũng giảm theo.
Những người reo hò, nhảy múa trên quảng trường Tahrir rồi sẽ có Tổng thống mới. Ông ta cũng sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức trong việc cải tổ nền kinh tế Ai Cập cũng như ông Mohammed Mursi từng cam chịu thất bại vậy. (TIA SÁNG)
Bài cũ:
- Đêm Ai Cập sông Nile lại nổi sóng
- Lần đầu tiên dân Ai Cập đi bầu Tổng thống
- Tân tổng thống Ai Cập tuyên dương người biểu tình

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Best Blogger TipsBest Blogger Tips