Chủ Nhật, 9 tháng 9, 2012

Mỹ: Chuyện 3 bà

Ann Romney, người muốn làm đệ nhất phu nhân Hoa Kỳ. Phải nói là nếu ông Romney đắc cử, bà sẽ trở thành một đệ nhất phu nhân như khuôn mẫu của bà Jacqueline Kennedy, một mệnh phụ quen thuộc với xã giao và cuộc sống thượng lưu. Bà Ann Romney sẽ không bao giờ bị những vấp váp của một người như bà Michelle Obama khi mới vào tòa Bạch Ốc.
Bà Romney sẽ trở thành một người được báo chí tán thưởng. Những tờ báo thời trang sẽ có dịp ca ngợi quần áo của bà. Cái áo bà chọn đêm bà ra đọc bài diễn văn của nhà thời trang Oscar de la Renta chẳng hạn sẽ được ái mộ. Bà sẽ là một đệ nhất phu nhân kiểu mẫu, lúc nào cũng xuất hiện như một bức tranh toàn hảo. Bà sẽ hoàn toàn thoải mái với các ông hoàng bà chúa, nhưng bà cũng sẽ giữ đúng mức với những khách khác đến Tòa Bạch Ốc.
Có điều bài diễn văn của bà làm tôi hơi cảm thấy xa lạ. Tôi không nói đến sự ngập ngừng của bà lúc đầu vì sự ngập ngừng đó đã làm cho bà được cảm tình của tôi. Tôi muốn nói đến thế giới mà bà vẽ ra, một thế giới trong đó bà mẹ không phải đi làm kiếm sống, một thế giới mà ông chồng kiếm đủ tiền để bà vợ có thể ở nhà nuôi con. Ngày nay có bao nhiêu gia đình Mỹ còn có thể sống sung túc với một đồng lương? Dĩ nhiên chúng ta đều ao ước đến một thế giới như vậy, nhưng sự thực thì khó lắm thay.



Michelle Obama. Phải nói đây là một bà Michelle lão luyện hơn trong vai trò “phụ tá cho chồng.” Cũng xin nói ngay là tôi hơi thiên vị bà Michelle vì tôi cảm thấy gần gũi với bà hơn. Là người phụ nữ, tôi không khỏi không để ý đến quần áo, nhất là quần áo của các bà, và ít nhất là cái áo của Tracy Reese cỡ ba bốn trăm đô la cũng còn khiến tôi nghĩ là nếu mình dành dụm cũng có thể mua được, nếu không thì cũng có thể mua qua eBay, chứ còn cái áo Oscar de la Renta, trên một ngàn đô la thì quả là quá xa tầm với của mình.
Hơn thế, dầu sao chăng nữa, trước khi Michelle Obama trở thành đệ nhất phu nhân bà là một luật sư đang hành nghề. Bà cũng có một cuộc sống như cuộc sống của hầu hết người Mỹ, vừa đi làm, vừa lo cho con, cho gia đình.

Nếu quý vị thấy con ngựa đẹp cực kỳ của bà Ann Romney ở Thế Vận Hội Luân Ðôn, một con ngựa trị giá bạc triệu, thì mới hiểu tại sao mà tôi nghĩ là bà Romney có lẽ thể nào cũng có người giúp đỡ khi nuôi con.
Ðây cũng chính là điểm làm tôi bất bình. Là một phụ nữ chuyên môn, suốt đời tay làm hàm nhai, nhưng đồng thời cũng là một người tự hào với sự nghiệp riêng của mình, tôi không hiểu tại sao khi vào đến Tòa Bạch Ốc, một vị đệ nhất phu nhân không còn được phép duy trì cá tính của mình, cũng như phải bỏ sự nghiệp của mình. Tôi thầm nghĩ bà Michelle Obama, trong những nghi lễ này đến nghi lễ kia liên tiếp hẳn đã có lúc thèm muốn trở lại văn phòng luật sư của mình.

 
 Đệ nhất phu nhân Michelle Obama (48 tuổi) và ứng viên đệ nhất phu nhân Ann Romney (63 tuổi)

Và đó cũng là lý do tại sao tôi muốn nói đến vị phu nhân thứ ba, bà Hillary Clinton. Nếu tôi phải chọn một người làm khuôn mẫu cho con mình hay cho chính mình thì tôi chọn bà Clinton. Ðây là một phụ nữ tài ba nhưng đầy tinh thần phục vụ. Bà cũng đã phải chịu đựng tám năm trời khi ông chồng làm tổng thống, bỏ sự nghiệp để làm “đệ nhất phu nhân.” (Dĩ nhiên chưa kể cái tính lang bang của chàng, một việc mà có lẽ hơn ai hết bà hiểu, bởi như một phụ tá của ông Clinton đã giải thích ông Bill yêu vợ, chỉ có điều ông không cầm được khi thấy phụ nữ).
Bà đã ra ứng cử tổng thống với rất nhiều hy vọng, và có lẽ nếu bà là một người đàn ông, bà đã thắng dễ dàng Thượng Nghị Sĩ Barack Obama và cũng đã thắng được Thượng Nghị Sĩ John McCain. Nhưng bà là một phụ nữ và bà đã thua.
Nhưng như chính ông Bill Clinton đã giải thích, tranh chấp chính trị ở một quốc gia dân chủ không phải là một cuộc chiến đẫm máu. Thất cử không có nghĩa là mất tất cả. Khi tổng thống đắc cử Barack Obama mời bà làm ngoại trưởng, bà đã chứng tỏ một sự rộng rãi đáng kính nể khi nhận lời.
Ðiều còn đáng kính nể hơn là sau khi nhận lời bà đã làm hết sức mình để trở thành một trong những ngoại trưởng tài ba nhất của Hoa Kỳ.

Tuần vừa qua chẳng hạn, khi ở Washington diễn ra đại hội lưỡng đảng, bà Clinton đang đi thăm Á Châu Thái Bình Dương. Ngoài việc làm quần đảo Cook, nước chủ nhà, lúng túng, sự hiện diện của ngoại trưởng Hoa Kỳ ở Diễn Ðàn Ðảo Thái Bình Dương đã là một bước tính toán lý thú. Với việc, như chính ngoại trưởng đã nói, Trung Quốc đã thường xuyên mời các lãnh tụ Nam Thái Bình Dương đến Trung Quốc để “chuốc rượu và mời tiệc (wine and dine)” thì sự việc bà ngoại trưởng đến dự cuộc họp thường niên của các đảo quốc này là một điều làm họ hài lòng.
Cũng trong chuyến công du lần này bà ghé thăm không những Indonesia mà còn cả Ðông Timor. Ðông Timor nghèo nàn, nhỏ bé, một thí nghiệm dân chủ mới nhất của thế giới, đã thường bị bỏ quên, nhưng đáng được chú ý hơn như chính bà ngoại trưởng đã nói, “Các nền dân chủ mạnh, chúng tôi biết qua kinh nghiệm lâu dài, tạo láng giềng ổn định và bạn bè có khả năng.” Việc cho đến nay một số các quốc gia ASEAN vẫn muốn từ chối không cho Ðông Timor tham dự trong khi họ đã tiếp nhận Lào là một điều thật đáng chê trách và sự hiện diện của ngoại trưởng Hoa Kỳ là một thông điệp rất mạnh.
Nhưng khó khăn nhất trong chuyến công du này của bà ngoại trưởng là Trung Quốc. Bắc Kinh đã làm đủ cách để cho chuyến đi vô cùng khó chịu nhưng bà Clinton đã chứng tỏ đủ bản lãnh để đối phó. Trước khi bà đến Trung Quốc chính quyền đã cho báo chí mở một chiến dịch đến mức mà tờ Hoàn Cầu Thời Báo, tờ báo lá cải của Nhân Dân Nhật Báo, còn dám công khai bảo “Nhiều người Trung Quốc không thích bà Clinton.” Nhưng bà vẫn tiếp tục lên tiếng yêu cầu Bắc Kinh tham gia vào một điều đình về một Quy tắc ứng xử ở Biển Ðông với toàn khối ASEAN. Bà cũng đã thẳng thắn nói, “Hoa Kỳ, chắc chắn là bản thân tôi, sẽ không né tránh việc bảo vệ cho những quyền lợi chiến lược của chúng tôi, và nói rõ khi nào chúng tôi không đồng ý.”
Làm sao mà không thán phụ vị phu nhân này cơ chứ?
Lê Phan/Bài gốc

 Cử tri nữ rất quan tâm đến việc ăn mặc của hai bà
Giá bộ váy của hai bà và kết quả thăm dò của một tờ báo

3 nhận xét:

  1. Mỗi dịp đại hội đảng Cộng hòa hay Dân chủ đều là cơ hội bằng vàng cho hai chính đảng ấy lôi cuốn sự chú ý của cử tri vào ứng viên và chính sách tranh cử của mỗi bên. Cử tri Mỹ chú ý nhiều nhất vào cuộc tranh cử từ ngày đại hội đảng của bất kỳ đảng nào. Cuộc tổng tuyển cử tại Hoa Kỳ luôn luôn là dịp cho những ai ưa chuộng văn hóa Anh ngữ, thưởng ngoạn những áng văn hùng biện và đầy hoa mỹ...

    Trong hai tuần liên tiếp, phu nhân Ann Romney của ứng viên tổng thống từ đảng Cộng hoà và phu nhân Michelle Obama của đương kim tổng thống, ứng viên từ đảng Dân chủ đã trỗ tài thuyết khách để tìm kiếm sự ủng hộ cho hai đức lang quân. Và diễn giả được ca ngợi nhiều nhất trong Đại hội đảng Dân chủ vào tối 5/9 là cựu tổng thống Bill Clinton, người đã ứng khẩu suốt gần 50 phút để bảo vệ và giới thiệu đương kim tổng thống như người xứng đáng nhất cho nhiệm kỳ thứ hai. Một nhà hùng biện khác, ứng viên phó tổng thống Paul Ryan, tối 29/8 cũng đã lôi cuốn được sự xúc động của giới cử tri nữ, khi ông nói về bà mẹ mình như một phụ nữ đơn độc nuôi con đến chỗ thành tài.

    Mỗi bà một vẻ...

    Điều giống nhau là cả hai bà phu nhân không hề chỉ trích đối thủ của chồng, mà chỉ kể những câu chuyện của riêng mình, với mục đích để tranh thủ phiếu cho hai vị phu quân. Điều khác nhau là bà Ann Romney nói về phu quân với những kỷ niệm không phai từ ngày cưới đến lúc thành đạt; bà mô tả ông như một thanh niên xuất thân từ giới bình dân, một con người chăm chỉ, mực thước, đạo đức, liên tiếp thành công, và là người cần thiết để lãnh đạo nước Mỹ. Còn bà Michelle Obama thì kể lại một vài kỷ niệm lứa đôi từ thuở hàn vi, nhấn mạnh ở sự nghiệp học vấn vất vả, gốc gác gia đình không mấy sung túc của họ, để ca ngợi đường lối chính sách thiên về xã hội, tận lực yểm trợ tầng lớp trung lưu của tổng thống Obama.

    Đại hội toàn quốc của đảng Cộng hòa khai diễn tại Florida. Diễn từ của bà Ann Romney, phu nhân ứng cử viên Tổng thống Mitt Romney tối 28/8 đã gây ngạc nhiên từ phút đầu, khi bà nói: "Tối nay tôi không nói chuyện về chính trị, về đảng phái, mà nói về những gì xuất phát từ con tim, đó là "Tình Yêu". Và từ sự ngạc nhiên chuyển sang thích thú, tán thưởng, khi cái "nửa tốt hơn" của ông ứng viên tổng thống làm cho hầu hết cử toạ phụ nữ trong đại hội rơi nước mắt với bài nói chuyện gọi là về tình yêu giữa bà và phu quân Mitt Romney.

    Rồi Ann Romney kể lại cuộc sống bình dị của hai người sau lễ cưới. Đôi vợ chồng trẻ phải thuê buồng ở dưới tầng hầm, cùng chia nhau làm việc nhà, cùng nhau tới trường đại học, tối về cùng ăn trên chiếc bàn con là cái bàn xếp để ủi đồ, được mở ra để dọn bữa tối, thường là mì gói và cá hộp, rồi cùng học bài, làm việc trên chiếc bàn, là một cánh cửa đặt trên chiếc giá bàn cưa". Và suốt từ ngày đó tới nay, người thanh niên tên Mitt Romney vẫn giỏi pha trò làm người vợ luôn luôn cười vui trong mọi hoàn cảnh, cả khi đôi vợ chồng đã có 5 mặt con với nhau.

    Trả lờiXóa
  2. Phía sau các ứng cử viên tổng thống -lúc 15:09 12 tháng 9, 2012

    Rất hiếm khi giữa đại hội của một đảng chính trị lại có "câu chuyện tình" (Love Story) được nói lên bằng những lời tha thiết, chân tình, tạo được âm hưởng thân mật và gần gũi. Nhưng một "câu chuyện tình" như vậy đã gây xúc động cho hằng chục triệu khán giả truyền hình, đem lại thành công bất ngờ cho đại hội đảng Cộng hoà. Phu nhân Romey thuật lại với một phong cách nồng nhiệt và chân thực cả một lịch sử "câu chuyện tình" của bà với người thanh niên "dáng dấp cao gầy, thanh nhã, vui tính" đã đưa người thiếu nữ tên là Ann về nhà sau bản khiêu vũ đầu tiên trong tiệc cưới cách đây đã 47 năm tròn.

    Còn đây là cách Michelle Obama tôn vinh người chồng của mình tại Đại hội đảng Dân chủ tại Bắc Carolina: "Barack hiểu giấc mơ Mỹ bởi vì anh ấy đã sống với nó và anh ấy muốn tất cả mọi người trên đất nước này phải có cơ hội như nhau, bất kể chúng ta là ai, bất kể chúng ta đến từ đâu, hay diện mạo của chúng ta như thế nào, hay những người chúng ta yêu thương là ai". Và bà đã truyền cảm hứng ấy cho cử tọa: "Anh ấy tin rằng khi các bạn đã làm việc chăm chỉ, và các bạn đã hoàn thành tốt, và đi qua cánh cửa của cơ hội, các bạn sẽ không bị đóng lại sau lưng; các bạn sẽ trở lại, và cho người khác cùng cơ hội đã từng giúp các bạn thành công".

    Ông Clinton là lợi khí của ông Obama

    Có thể thấy, sự đăng đàn của cựu tổng thống Bill Clinton là một nỗ lực nhằm tăng cường sức hút cho đương kim tổng thống Obama đối với các cử tri lao động da trắng, các cử tri độc lập, những người vẫn chưa quyết định có nên bỏ phiếu để ông Obama tiếp tục ở lại Nhà Trắng bốn năm tiếp theo hay không. Vốn luôn được nhiều người yêu mến, đặc biệt, với tài hùng biện lôi kéo của mình, lời nói của cựu tổng thống Bill Clinton có sức nặng đối với người Mỹ. Hơn nữa, khi ông còn đương nhiệm, kinh tế Mỹ rất phát đạt, bởi vậy giới chuyên gia nhận định ông Bill Clinton có khả năng giải thích và bênh vực thích hợp nhất cho kết quả nhiệm kỳ vừa qua của tổng thống Obama, vốn bị bao phủ bởi tình trạng kinh tế u ám.

    Trong bài diễn văn chi tiết và lôi cuốn về tổng thống đương nhiệm Obama, cựu tổng thống Bill Clinton nói rằng các cử tri đang phải đối mặt với sự lựa chọn giữa các chính sách của đảng Dân chủ giúp mang lại một nền thịnh vượng to lớn hơn và các chính sách của đảng Cộng hòa ưu tiên tầng lớp giàu có. Một mặt, ông bảo vệ rất đanh thép các chính sách của tổng thống Obama và nói rằng các chính sách kinh tế của đương kim tổng thống đang phát huy hiệu quả. Mặt khác, ông phê phán mạnh mẽ chương trình kinh tế và các cam kết chính sách của đảng Cộng hòa.

    Phát biểu trước toàn thể đại hội, cựu tổng thống Bill Clinton nói chính cử tri Mỹ sẽ "quyết định họ muốn sống trong một đất nước như thế nào" thông qua lá phiếu của mình. Ông nhấn mạnh: "Nếu quý vị muốn một xã hội mà thân ai người đấy lo, mạnh ai người đấy được thì hãy bầu cho đảng Cộng hòa. Nhưng nếu quý vị muốn một đất nước mà ở đó ai cũng chia sẻ các cơ hội và trách nhiệm, một xã hội mà mọi người cùng chung sức thì hãy bỏ phiếu cho Barack Obama và Joe Biden".

    Với khả năng diễn thuyết lôi cuốn và lập luận chặt chẽ, Bill Clinton ca ngợi những đóng góp của ông Obama năm 2009 đã giúp kích thích sự phát triển xã hội, như chương trình hỗ trợ học phí cho sinh viên, hay các nỗ lực nhằm thúc đẩy ngành năng lượng tái sinh. Cựu tổng thống Clinton giải thích vì sao luật y tế của ông Obama sẽ mang lại lợi ích cho tầng lớp bình dân Mỹ, đồng thời cảnh báo rằng chính sách cắt giảm các chương trình y tế của đảng Cộng hòa sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới những người thuộc tầng lớp nghèo khổ, dễ bị tổn thương nhất trong xã hội.

    Trả lờiXóa
  3. Phía sau các ứng cử viên tổng thống -lúc 15:10 12 tháng 9, 2012

    Ryan và Christie - bộ đôi hùng biện của ông Romney

    Tuy nhiên những người quan tâm đến chính trị đã chú ý nhiều hơn đến bài diễn văn của thống đốc New Jersey Chris Christie. Diễn giả chính của ngày đầu tiên đại hội đảng Cộng hoà đã nói về thân mẫu của mình nhiều lần trong phần đầu bài diễn từ. Điều này chứng tỏ đảng Cộng hòa cũng áp dụng chiến thuật thu hút giới cử tri phụ nữ, là những cử tri mà đến nay vẫn tỏ ra ưa thích đảng Dân chủ và tổng thống Barrack Obama hơn, vì lập trường ôn hoà và cấp tiến đối với những vấn đề về phụ nữ và giới tính. Bài phát biểu (gần như nói vo) của thống đốc Chris Christie là áng văn hùng biện nhiều giá trị. Thành công của ông là đã xây dựng được hình ảnh của ông Mitt Romney như một tổng thống thực sự xứng đáng trong tương lai.

    Diễn từ của ứng viên phó tổng thống Paul Ryan được đánh giá là thành công trong mục tiêu hiệu triệu đảng Cộng hoà hết lòng ủng hộ cựu thống đốc Mitt Romney trong cuộc tranh đua gay go vào Nhà trắng. Giới quan sát cho rằng bên cạnh cuộc tấn công mạnh mẽ vào chính sách bảo hiểm y tế và chính sách xã hội của tổng thống Obama, ứng viên phó tổng thống Paul Ryan cũng làm tròn nhiệm vụ nêu rõ hình ảnh của ứng viên tổng thống Mitt Romney như một nhà lãnh đạo của Hoa Kỳ trong bốn năm sắp tới. Ryan đã chuẩn bị mọi thuận lợi để ông Romney đăng đàn vào tối hôm sau, chính thức ra hiệu lệnh cho đảng Cộng hoà xuất quân tham dự cuộc đua đầy hào hứng và ngoạn mục.

    Mỗi dịp đại hội đảng là một cơ hội bằng vàng cho hai đảng chính trị ở Mỹ lôi cuốn sự chú ý của cử tri vào ứng viên và kế hoạch chính trị của đảng mình, vì người Mỹ thường chỉ chú ý nhiều nhất vào cuộc tranh cử từ ngày đại hội đảng đầu tiên của bất kỳ đảng nào trong cuộc tuyển cử. Những cuộc tổng tuyển cử tại Hoa Kỳ luôn luôn là dịp cho người Mỹ và những ai ưa chuộng nền văn chương Anh ngữ, thưởng ngoạn những áng văn hùng biện và đầy hoa mỹ. Đằng sau những áng văn ấy là sự lồng ghép các chính sách nội trị và chiến lược toàn cầu của các nhân vật hàng đầu trong giới lãnh đạo của Hoa Kỳ.
    Đinh Mai Hương/VHNA

    Trả lờiXóa

Best Blogger TipsBest Blogger Tips