Thứ Năm, 21 tháng 8, 2014

Vụ nhà báo Mỹ bị chặt đầu: Đăng hay không đăng?

James Foley, Tripoli (Libya) airport, August 2011
Đăng lên mạng, tải về, phát, xem đoạn video rùng rợn chiếu cảnh chặt đầu nhà báo Mỹ James Foley có thể bị coi là hành vi vi phạm luật chống khủng bố.
James Foley, Aleppo, Syria – 08/12
Khi đối mặt với những hình ảnh tàn bạo như thế, các hãng truyền thông luôn đứng trước câu hỏi khó về việc sẽ làm gì. Giờ đây, tới lượt các trang mạng xã hội, những nhà điều hành web và bất cứ ai sử dụng internet phải đối mặt với câu hỏi tương tự.

James Foley, Syria, 2012
Ngày 19-8, khi IS đăng một đoạn video chiếu cảnh chặt đầu Foley, hầu hết các hãng tin phương tây đã không đăng lại đoạn băng mà chỉ đăng các bức ảnh tĩnh chụp từ video ở gần những phút cuối cuộc hành quyết.
Một số người bình luận còn nói các hãng tin nên thận trọng hơn nữa không dùng cả các bức ảnh. Twitter và Facebook, hai trang mạng xã hội lớn nhất thế giới hiện nay, tỏ ra chia sẻ điều đó.
Sau khi một số người dùng chia sẻ các bức ảnh và đường dẫn tới đoạn video, những người khác đã yêu cầu họ xóa các bài đăng và đưa ra các đường dẫn khác tới hình ảnh tác nghiệp của Foley. Có vẻ như những người dùng mạng xã hội đang thiết lập tiêu chuẩn báo chí cho chính họ.
Xem hay không xem
Kelly Foley, một người họ hàng của nhà báo xấu số, viết trên Twitter: “Đừng xem đoạn băng, đừng chia sẻ. Cuộc sống không phải là như thế”.
Nhưng có khác biệt lớn giữa quyết định của một cá nhân và một tổ chức, như Twitter hay YouTube. Với các trang web, cắt bỏ nội dung luôn là một hình thức biên tập, hay kiểm duyệt.
Đoạn băng với độ phân giải rất tốt này ban đầu được đăng trên YouTube, nhưng bị trang này gỡ bỏ vài giờ sau đó. YouTube cũng nói họ sẽ gỡ bỏ bất cứ đoạn băng tương tự nào.
Một đại diện của YouTube, trang web thuộc sở hữu hãng Google, nói họ “có chính sách rõ ràng cấm các nội dung bạo lực ghê rợn, các bài phát biểu phân biệt chủng tộc gây thù hằn và kích động bạo lực, và chúng tôi gỡ bỏ những đoạn băng như thế khi người dùng của chúng tôi “gắn cờ” (một hành vi cảnh báo của người dùng với YouTube)”.
“Chúng tôi cũng sẽ treo tài khoản đăng ký của bất kỳ thành viên nào bị xác định là thuộc một nhóm khủng bố nước ngoài”, người đại diện này nói thêm.
James Foley, Syria, 2012
Tuy nhiên, đoạn băng chiếu lại cảnh hành quyết vẫn còn trên các trang khác. Một trang như thế, LiveLeak, nói ngày 20-8 rằng họ đang “có lượng truy cập tăng đột biến”.
Twitter cũng đối mặt với vấn đề tương tự, và sức ép lớn từ người dùng khi họ phải “đi dây” giữa quyền tự do bày tỏ ý kiến và những giá trị đạo đức nhân bản.
“Chúng tôi đã và vẫn đang liên tục treo các tài khoản đăng tải nội dung này”, giám đốc điều hành Twitter Dick Costolo viết trong một tin nhắn sáng 20-8 trên tài khoản của ông.
Hãng truyền hình lớn của Mỹ CNN thì không đăng đoạn video, nhưng đăng lại các bức ảnh chụp.
“Giọng nói của tay đao phủ có thể tiết lộ nhân thân hắn ta, đó là tin tức”, biên tập viên quốc tế của CNN Jonathan Mann giải thích.
“Sự kiện này có thể thay đổi những gì các chính phủ và quân đội làm tiếp theo, đó là tin tức. Đoạn băng này được lan truyền trên các mạng xã hội, đó là tin tức, dù cho chúng ta có làm gì đi nữa”.
Tờ báo khổ nhỏ ở Mỹ New York Post quyết định đi xa hơn, đăng trên trang bìa một hình ảnh chụp từ đoạn video cho thấy kẻ hành quyết bắt đầu cắt cổ nạn nhân.
Một số người dùng internet sau đó đã đề nghị Twitter treo tài khoản của tờ báo này/Chiêu Văn

3 nhận xét:

  1. Tổng thống Mỹ Barack Obama nói rằng “cả thế giới kinh hoàng” trước việc những phần tử chủ chiến Nhà nước Hồi giáo chặt đầu phóng viên người Mỹ James Foley ở Trung Đông.

    Phát biểu hôm thứ Tư tại nơi nghỉ mát của mình, nhà lãnh đạo Mỹ lên án vụ hành quyết và cho biết đã gọi điện thoại gửi lời chia buồn đến gia đình Foley.

    Ông nói những chiến binh nhóm Nhà nước Hồi giáo thể hiện sự vô nhân tính bằng việc tiếp tục những cuộc tấn công tàn bạo tại Syria và Iraq, và bằng việc sát hại Foley, quay lại cảnh hành quyết và đăng lên mạng những hình ảnh về cái chết của công dân Mỹ 40 tuổi này.

    “Cuộc sống của Foley hoàn toàn trái ngược lại đối với những kẻ sát hại anh,” ông Obama nói. “Chúng lộng hành khắp các thành phố và làng mạc, giết hại những người vô tội, những người người dân không vũ khí bằng những hành động bạo lực hèn hạ.”

    Ông Obama nói nhóm Nhà nước Hồi giáo không đại diện cho bất kỳ một tôn giáo nào, và đại đa số nạn nhân của nhóm này là người Hồi giáo.

    Tổng thống Obama tuyên bố Mỹ sẽ “cảnh giác” và “không nao núng” trong việc bảo vệ người Mỹ khỏi những cuộc tấn công khủng bố.

    Trước đó, các giới chức Mỹ xác nhận đoạn video ghê rợn quay cảnh chặt đầu Foley được những phần tử chủ chiến công bố là thực. Gia đình Foley cũng xác nhận cái chết của anh và nói rằng anh đã cống hiến cuộc đời của mình để “cho thế giới biết đến nỗi khổ mà người Syria phải chịu đựng.”

    Foley đã mất tích trong một chuyến đi tác nghiệp đến Syria vào tháng 11 năm 2012 và không có tin tức nào về anh kể từ khi đó.

    Trả lờiXóa
  2. "Chúng tôi tin rằng con tôi là một liệt sĩ. Một liệt sĩ vì tự do", cha mẹ của nhà báo James Foley hôm qua nói bên ngoài căn hộ tại thành phố Rochester, bang New Hampshire. Ông John và bà Diane nói họ biết về cái chết của Foley "giống như tất cả mọi người", khi báo giới đưa tin nhóm phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) đã giết con họ và đăng một đoạn video.

    Tuy nhiên, hai ông bà đã không xem hình ảnh đáng sợ đó. "Thật khủng khiếp", ông John Foley nói. "Người ta có thể chết bằng nhiều cách khác nhau, nhưng đây là cách khủng khiếp nhất và tôi bị ám ảnh khi nghĩ tới việc nó phải chịu đau đớn đến mức nào, biện pháp hành hình này tàn nhẫn ra sao".

    "Điều đó chứng minh sự dũng cảm của nó. Nó đã dũng cảm tới phút chót và tôi nghĩ nó đã chấp nhận hoàn cảnh, nó chấp nhận lòng tin của Chúa với bản thân, và niềm tin của nó với Chúa", ông Foley nói. "Điều đó gợi nhắc chúng tôi tới Chúa Jesu. Jesu là hiện thân của tình yêu, lòng tốt, và Jim đang trở nên giống như thế", bà Diane Foley nói. Jim là tên gọi thân mật của nhà báo James Foley.

    Hai ông bà cho biết họ vừa nói chuyện với Tổng thống Mỹ Barack Obama và cầu xin ông tìm cách cứu mạng nhà báo Steven Sotloff, người cũng đang bị IS bắt giữ và đe dọa mạng sống, cũng các tù nhân khác.

    "Chúng ta sẽ chịu đựng điều này bao lâu nữa?", người cha của nhà báo Mỹ bị chặt đầu nói, ý chỉ sự tàn bạo của những tên khủng bố, trong khi vợ ông bật khóc.

    "Jim là một người Mỹ tuyệt vời và nó tin vào những điều tốt đẹp nhất của đất nước này", người mẹ nói.

    Kelly Foley, chị gái của James Foley, cũng kêu gọi mọi người trên mạng xã hội Twitter không xem hay chia sẻ đoạn video quay cảnh em trai cô bị chặt đầu.

    Đoạn phim hành quyết nhà báo Mỹ Foley với tựa đề "Một thông điệp gửi tới Mỹ" mới đây xuất hiện trên mạng, gây chấn động dư luận thế giới. Hành động của phiến quân được cho là nhằm đáp trả quyết định của ông Obama cho phép không kích các mục tiêu IS ở Iraq.

    Trả lờiXóa
  3. Chính quyền Mỹ rõ ràng đã cố gắng cứu James Foley trước khi người phóng viên này bị tổ chức quá khích Nhà Nước Hồi Giáo (IS) hành quyết một cách tàn bạo. Bộ Quốc Phòng cho thực hiện một cuộc hành quân biệt kích hồi đầu mua Hè sau khi có được đủ tin tình báo về nơi Foley và những con tin khác bị giam giữ ở vùng Đông-Bắc Syria. Nhưng chiến dịch giải cứu không thành vì các con tin không có tại địa điểm này vào thời điểm ấy.

    Tuy nhiên có một phương cách giải cứu khác, có thể dễ dàng hơn và ít khó khăn nguy hiểm, nhưng chính quyền Hoa Kỳ không chịu làm, đó là trả tiền chuộc mạng cho nhóm người bắt giữ con tin.

    Trên lý thuyết, Pháp và hầu hết các quốc gia khác tán đồng chủ trương của Hoa Kỳ và Anh, tuy nhiên họ đã dùng những kẽ hở để biện hộ. Martin Michelot, ủy viên nghiên cứu và chương trình của German Marshall Fund cho biết: “Chính quyền Pháp không trực tiếp trả tiền chuộc mà chuyển tiền tới chủ nhân của con tin và họ là người trách nhiệm nạp tiền chuộc mạng. Như thế trên bề mặt Pháp vẫn giữ đúng chủ trương.”

    Những khoản tiền chuộc mà Âu Châu và các quốc gia vùng Vịnh đã trả giúp cho các nhóm khủng bố có sẵn một tài khoản rất lớn để tổ chức, tuyển mộ và hoạt động. IS được coi là nhóm có hệ thống tống tiền và tuyên truyền hiệu quả hơn cả al-Qaeda và có ngân sách ước lượng $2 tỷ.

    Nhưng cái chết khủng khiếp của James Foley gây ra sự hoài nghi là phải chăng nên có một đối sách khác. Hôm Thứ Năm, NBC phỏng vấn ông John và bà Diane Foley, hai người nói rằng họ đã hy vọng có thể thương thuyết được với những người bắt giữ con mình.

    James Foley mất tích đúng ngày Lễ Tạ Ơn năm 2012 tại thành phố Taftanaz miền Bắc Syria trong khi đang làm phóng viên tường trình về cuộc nội chiến cho hãng tin GlobalPost ở Boston. Gia đình giữ kín chuyện này trong 6 tuần lễ rồi mới bắt đầu công khai kêu gọi cho biết tin tức, tìm kiếm và can thiệp phóng thích James. Tới tháng Chín, 2013 mới có tin chắc chắn là anh ta còn sống và bị bắt giữ tại một nơi nào đó, Nhưng sau đó ông John Foley cho biết không nhận được tin gì khác về con mình nữa.

    Tháng 11 năm đó, bất ngờ gia đình nhận được một e-mail mã hóa không cho biết xuất xứ, đòi tiền chuộc 100 triệu euros ($134 triệu). Tới lúc ấy có thể đoán biết James bị nhóm ISIL (tên cũ của IS – Nhà Nước Hồi Giáo) bắt giữ. Nhưng một phần vì chính sách không trả tiền chuộc của Hoa Kỳ, mặt khác món tiền quá lớn không thực tế, tỏ ra đây không phải là điều kiện để có thể thương thuyết.

    Matthew Levitt, chuyên viên chống khủng bố thuộc Washington Institute think-tank cũng đồng ý với phân tích ấy: “Khi đòi hỏi $132 triệu để thả một người thì chỉ có nghĩa là họ muốn cố gắng xác định một điều gì, đồng thời để chứng tỏ rằng việc làm của họ không phải vì cần tiền.”

    Một vài e-mail tiếp sau cung cấp bằng cớ xác minh rằng quả thật James Foley đang bị nhóm này giữ. Các e-mail được viết bằng tiếng Anh rất đúng văn phạm nhưng không thể biết nơi và người viết.

    Đến tuần trước, e-mail cuối cùng cho biết James Foley sẽ bị hành quyết để trả thù việc Hoa Kỳ oanh kích quân IS. Theo lời ông John Foley, ông hiểu sự nguy hiểm trong sự đe dọa này nhưng không thể mường tượng ra sự tàn bạo của nhóm IS. Bà Diane Foley cho biết gia đình đã cố gắng gởi đi nhiều e-mail trả lời với hy vọng đây là dấu hiệu mới của IS tỏ ra muốn thương lượng, và chỉ có thể chờ đợi.

    Cuộc thương lượng không bao giờ đến nhưng người ta vẫn hoài nghi là nếu có thì liệu có cứu được sinh mạng của James Foley hay không, bởi vì dù tiền chuộc lớn đến đâu không thể so sánh với mạng sống của một con người, là vô giá.

    Michel Juneau-Katsuya, một chuyên viên về an ninh của Canada nói với truyền hình CTV hôm Thứ Sáu: "Những quốc gia chịu trả tiền chuộc cho bọn khủng bố có nghĩa là xác định chỗ yếu của mình, và hậu quả là công dân nước họ bị bắt làm con tin nhiều hơn.”

    Trả tiền hay không nên trả tiền chuộc mạng là một vấn đề tranh luận không bao giờ dứt, bởi vì còn tùy thuộc rất nhiều điều kiện cá biệt, không gian, thời gian và hoàn cảnh thực tế.
    (Click tiêu đề xem toàn bài)

    Trả lờiXóa

Best Blogger TipsBest Blogger Tips