Thứ Năm, 28 tháng 8, 2014

Cuba rụt rè mở cửa làm gia tăng bất bình đẳng

La Fabrica de Arte Cubano, vừa mở cửa vào tháng Ba vừa qua, là nơi tập trung một tầng lớp khá giả trong một đất nước nghèo nàn, nơi mà chính quyền vốn luôn đề cao sự bình đẳng xã hội.
Người dân Cuba đến nơi này để xem phim, thưởng thức các buổi hòa nhạc, chiêm ngưỡng các tác phẩm nghệ thuật làm cho người ta có cảm giác như đang sống giữa lòng thành phố Berlin, New York hay Barcelona. Để vào La Fabrica, người dân phải trả 1 CUC (tức là đồng peso đã được chuyển đổi, tương đương 0,75 euro, chiếm 1/20 đồng lương trung bình hàng tháng của người dân). Khi ra khỏi nơi này, người Cuba còn phải trả những tiêu xài khác trong quán bar.
Đi đôi với quần thể giải trí La Fabrica còn có một nhà hàng sang trọng mà giá của nó cao đến mức nhiều người Cuba không thể với tới. Tuy nhiên, nhà hàng này vẫn được dân địa phương thường xuyên lui tới và không hề vắng khách.
Cách đây không lâu, dân bản xứ và khách du lịch không lẫn lộn với nhau. Người Cuba không có quyền cũng như phương tiện để vào các nhà hàng chuyên tiếp đón du khách. Ngày nay, các rào cản trên đã bị giỡ bỏ. Thứ nhất là vì chính phủ La Habana từng bước mở cửa. Thứ hai là một số người Cuba bắt đầu có điều kiện để xâm nhập vào giới giàu sang. Tuy nhiên, đại bộ phận dân số trên hòn đảo vẫn còn sống với đồng lương trung bình do nhà nước chi trả, tương đương với 14 euro/tháng. Lương hưu chỉ khoảng 6 euro/tháng.

Mọi người dân Cuba đều có một sổ nhỏ gọi là “libreta”. Đây là cuốn tem phiếu dùng để lãnh một số thức ăn hàng tháng do nhà nước bao cấp như (5 quả trứng, 5 kí gạo, 2 kí đường, một túi cà phê, dưới 1 kí lô thịt gà…). Các mặt hàng này chắc chắn là không đắt tiền nhưng không đủ để sống quá 10 ngày, theo nhận xét của Amelia, một người dân Cuba.
Để có được những mặt hàng khác như thức ăn, xà phòng, kem đánh răng…, người dân phải vào các cửa hàng quốc doanh, bán ra với giá tiền chuyền đổi CUC (1CUC=25 peso) hoặc ra chợ nhưng giá cực đắt. Đối với người Cuba, bình đẳng quả là một điều nan giải.
Để sống sót, người dân khắp nơi phải xoay sở, bằng mọi hình thức. Chẳng ai sống được chỉ với đồng lương tại Cuba, theo nhận định của Olivera, một nhà báo độc lập. Người Cuba tìm mọi cách mua cho được đồng CUC để mua bán những mặt hàng do nhà nước bán. Hỗ trợ tài chính từ các kiều bào Cuba giúp cho người bản xứ có tiền trang trải gánh nặng cuộc sống. Cộng đồng Cuba ở hải ngoại đã gửi về nước cho cha mẹ họ từ 2,5-3 tỷ đô la/năm. Ngày nay, để mở một nhà hàng tư nhân, cần phải có nguồn ngoại tệ, thường là từ gia đình gửi về.
Để có cuộc sống thoải mái, một số khác làm việc cho các công ty nước ngoài đặt tại Cuba. Trong trường hợp này, nhân viên có cơ may nhận được đồng CUC do chủ trả lương bổ sung, lương cơ bản vẫn do nhà nước trả. Ngoài ra, giao du với người nước ngoài cũng giúp người bản xứ kiếm được đồng CUC.
Không phải người dân Cuba nào cũng được mua đồng CUC. Do đó, họ xoay sở mọi cách để kiếm được đồng tiền quý giá này, bằng cách ăn cắp, hay buôn hàng trộm cắp của nhà nước, dẫn đến việc hình thành một thị trường chợ đen rộng lớn. “Khái niệm bất hợp pháp không còn tồn tại trong tâm lý người dân”, theo lời ghi nhận của một người địa phương. Khi có dịp là người ta sẵn sàng đánh cắp một con cá, một túi xà phòng, một cái áo phông.
Từ khi chính phủ La Habana cho phép người Cuba được tự do xuất ngoại và nhập cảnh đã mở ra thị trường chợ đen cho hòn đảo. Nguồn gốc quần áo người Cuba mặc toàn đến từ Hoa Kỳ. Người dân hòn đảo này chỉ cần mua vé máy bay đi Miami và trở về với vali đồ nặng trĩu 30 ký lô. Hàng hóa mang về được tuồng đi nhanh chóng đến từng nhà.
Lê Vy/RFI – bài gốc
Bài cũ:
-Fidel Castro: Hoàng đế Cuba đội lốt cách mạng?
-Cải cách mới ở Cuba

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Best Blogger TipsBest Blogger Tips