Thứ Tư, 28 tháng 11, 2012

Trung cộng bất lực trước làn sóng người Tây Tạng tự thiêu

Nếu trong làng có người tự thiêu thì từ gia đình thân nhân, người chia buồn với tang gia cho đến cán bộ bày tỏ thiện cảm đều bị trừng phạt. Các dự án đầu tư tại thôn làng cũng bị đình chỉ. Trên đây là biện pháp mới của Bắc Kinh nhằm đối phó với phong trào tranh đấu của dân Tây Tạng sau hàng loạt chiến dịch bạo lực vô hiệu quả. Chỉ trong vòng 3 tuần của tháng 11 này, 19 người Tây Tạng đã tự thiêu.
Theo chính phủ Tây Tạng lưu vong, từ tháng ba năm 2009 đến nay đã có 81 tu sĩ và người thế tục Tây Tạng tự thiêu. Chỉ riêng trong tháng 11/2012, trong bối cảnh Trung Quốc thông báo ban lãnh đạo mới, đã có 19 vụ hy sinh bằng biện pháp bất bạo động tuyệt đối này. Chính phủ Tây Tạng lưu vong kêu gọi ông Tập Cận Bình «nhanh chóng đáp ứng nguyện vọng của người dân Tây Tạng» mà nỗi tuyệt vọng đưa họ vào con đường tranh đấu «bằng tự thiêu».

Lời kêu gọi này rơi vào sa mạc. Theo hãng tin Asia News, Bắc Kinh ra lệnh cho chính quyền địa phương ở Thanh Hải thi hành một loạt biện pháp trừng phạt mới từ cá nhân đến tập thể: nếu xảy ra tự thiêu hay bất cứ một hình thức phản kháng nào thì từ thân nhân cho đến cả thôn làng đều bị trừng phạt.
Không kể lãnh địa Tây Tạng bị sáp nhập, tại Trung Quốc cộng đồng người Tây tạng còn sống tập trung tại ba tỉnh Tứ Xuyên, Cam Túc và Thanh Hải. Trong tháng 11 này, vào lúc đảng Cộng sản Trung Quốc huy động bộ máy an ninh kiểm soát mọi động thái của người dân, kể cả cấm xe taxi lưu thông ở Bắc Kinh hạ cửa kính, để «bảo vệ tốt» đại hội 18, thì làn sóng tự thiêu dâng cao chưa từng thấy.
Ngày khai mạc đại hội đảng 07/11/2012, một phụ nữ 25 tuổi tự thiêu. Ngày 15/11/2012, ngày ông Tập Cận Bình chính thức được «bầu» làm lãnh đạo số một thì cũng tại Thanh Hải, một thiếu niên 14 tuổi tự thiêu. Trong ba tuần qua, chỉ riêng ở Thanh Hải đã có 11 vụ tự thiêu trong số 19 vụ.
Ngày 09/11/2012 tại huyện Rebkong, 5000 học sinh và thầy giáo đã tuần hành biểu lộ lòng ưu ái đối với những người hy sinh và tố cáo thái độ vô cảm của chính quyền và báo chí nhà nước. Tại Dowa, sinh viên hạ cờ đỏ 5 sao của Trung Quốc treo tại học viện và của một vài cơ sở nhà nước để bày tỏ lòng phản kháng.
Sau các vụ này, Bắc Kinh chỉ thị cho Thanh Hải thi hành 5 biện pháp đối phó nghiêm ngặt.
- Một là tất cả cán bộ các cấp phải tuân thủ và thi hành lệnh trừng phạt, ngưng mọi hình thức tài trợ xã hội cho thân nhân có con em tự thiêu. Cán bộ nào không chấp hành sẽ bị trừng trị để làm gương. Làng xã có cư dân tự thiêu sẽ bị ngưng tài trợ dự án đầu tư.
- Thứ hai, phải điều tra, lập danh sách cán bộ bày tỏ tình liên đới với người tự thiêu như đến phúng điếu, chia buồn, dự tang lễ.
- Thứ ba, trừng phạt tu sĩ hay nhân viên nhà nước tham gia tổ chức tang lễ hoặc thăm viếng gia đình người tự thiêu.
- Thứ tư, công an phải lập tức «điều tra và bắt ngay» những ai tham gia biểu tình hoặc hội họp đông người cầu siêu cho cho người «tự tử»
- Điểm cuối cùng quy định chính quyền địa phương phải công bố chỉ thị này và bắt buộc dân tuân thủ. Ai không tuân thủ sẽ bị bắt giam và trấn áp.
Song song với chỉ thị đàn áp mới này, Bắc Kinh, qua báo chí chính thức, tung một chiến dịch truyền thông quy buộc cho Đức Đạt Lai Lạt Ma «xúi giục» tuổi trẻ tự thiêu. Từ đàn áp đến bôi nhọ, phải chăng giới lãnh đạo đảng Cộng sản Trung Quốc đã cạn ý?
Tú Oanh/Việt Thức
Xem thêm:



1 nhận xét:

  1. Hôm 20/07/2013, thêm một nhà sư Tây Tạng vừa qua đời, sau khi tự thiêu để phản đối chính quyền Trung Quốc. Nhà sư Kunchok Sonam, 18 tuổi, là người Tây Tạng thứ 121 chọn hành động phản kháng quyết liệt này, kể từ năm 2009.

    Hành động tự thiêu của nhà sư Tây Tạng Kunchok Sonam xảy ra gần một tu viện thuộc Aba - vùng tự tri của người Tây Tạng và người Khương tỉnh Tứ Xuyên. Một nhân chứng địa phương cho RFA biết, trước khi châm lửa, nhà sư đã hô to: «Tự do cho người Tây Tạng!».

    Đây là vụ tự thiêu đầu tiên của một người Tây Tạng tại Trung Quốc kể từ năm tuần nay. Ngày 11/06, ni cô Wangchen Dolma, 31 tuổi, đã tự thiêu tại tu viện Nyitso, cũng thuộc tỉnh Tứ Xuyên, nhân đại lễ Jan Gunchoe, quy tụ hơn 5.000 tu sĩ đến từ 50 tu viện trong khu vực. Ni cô Wachen Dolma đã qua đời hơn một tuần sau đó.

    Theo giới quan sát, đa số những người tự thiêu là các sư nam và phần lớn là người thuộc tỉnh Tứ Xuyên, nơi có phong trào phản kháng mạnh mẽ chống lại chính quyền trung ương.

    Chính quyền Bắc Kinh liên tục khẳng định đã «giải phóng một cách hòa bình» Tây Tạng và làm cho đời sống của người dân tại khu vực nghèo khó và cách biệt này được cải thiện, bằng nhiều đầu tư vào kinh tế. Tuy nhiên, nhiều người Tây Tạng ngày càng không chấp nhận điều mà họ cho là sự thống trị gia tăng của người Hán, sắc tộc chiếm tuyệt đại đa số tại Trung Quốc, với các đàn áp nhắm vào tôn giáo và văn hóa của người Tây Tạng.

    Ngày 09/07 vừa rồi, Bắc Kinh tuyên bố sẽ cứng rắn hơn nữa đối với Đức Đạt Lai Lạt Ma, lãnh tụ tinh thần của người Tây Tạng, bị họ coi là người chủ trương ly khai nguy hiểm. Ngược lại, Đạt Lai Lạt Ma khẳng định ông chỉ đấu tranh để đòi cho Tây Tạng được nhiều quyền tự trị hơn.

    Trước đó, ngày 06/07, công an Trung Quốc đã bắn vào một đám đông người Tay Tạng, trong đó có các sư tăng, tập hợp tại tỉnh Tứ Xuyên để mừng ngày sinh nhật lần thứ 78 của Đức Đạt Lai Lạt Ma, khiến nhiều người bị thương nặng.
    TRỌNG THÀNH

    Trả lờiXóa

Best Blogger TipsBest Blogger Tips