Thứ Năm, 8 tháng 11, 2012

Dư âm bầu cử Mỹ

Nhớ chỉ sau 100 ngày ở cương vị Tân tổng thống Hoa Kỳ, mái tóc Obama đã loăn xoăn điểm bạc, qua 4 năm gần như bạc hết... Bầu cử Mỹ đã kết thúc, nhưng dư âm vẫn còn và các blogger VN vẫn râm ran bình lựng:
Gia đình Obama trong đêm "chiến thắng"
Sự khác nhau trong hai sự kiện đang nóng nhất thế giới: bầu cử tổng thống ở Mỹ, và đại hội lần thứ 18 đảng cộng sản cầm quyền Trung Quốc, là gì nhỉ?
Ở Mỹ, dân chúng nô nức đi bầu tổng thống, phải đến phút chót cuộc bầu mới biết ai là người đắc cử. Ông Obama tiếp tục lãnh đạo nước Mỹ do đa số người dân (đa số đại cử tri) tín nhiệm ông.
Ở Trung Quốc, chưa khai mạc đại hội, đã biết hầu hết kết quả sắp được bầu, trong đó ông Tập Cận Bình sẽ làm Tổng bí thư, và đương nhiên sẽ là Chủ tịch nước. Đảng, hay nói chính xác là một nhóm nhỏ của đảng, quyết hết tất tần tật, dân không có quyền gì cả, ngoài quyền chấp nhận sự đã rồi.
Anh nào cũng bảo mình hay, mình đúng. Thế mới lạ.
Nguyễn Thông blog
Obama 2009
Xem một vài hình ảnh Đêm mừng chiến thắng của Obama dưới đây được rút từ VnExprss (tại đây) tự nhiên phải đặt câu hỏi: tại sao ở ta dân thường dửng dưng trước việc ông này bà nọ trúng cử hoặc thất cử?
Dễ thôi.
Một cuộc bầu cử mà dù kết quả thế nào cũng không thay đổi được cuộc sống của người dân thì ai người ta mất thời giờ để quan tâm.
Một cuộc bầu cử diễn ra theo lối đảng cử dân bầu tự nó đã cho dân biết họ đang bầu những người Đảng muốn chứ không phải họ muốn, vậy thì việc trúng trật đâu có liên quan đến họ.
Một cuộc bầu cử mà dân mất quyền kiểm soát được sự kiểm phiếu thì kết quả dù có vô tư đến giời cũng chẳng mấy ai tin.
Tóm lại một khi dân thấy rằng mọi sự không phải của mình, không phải vì mình, không phải do mình thì hà cớ gì dân không dửng dưng trước mọi cuộc bầu cử?
Rứa đo rứa đo.
Nguyễn Quang Lập - Quê choa blog
Tổng thống Obama an ủi một nạn nhân siêu bão Sandy
Tôi là người trong vài chục năm gần đây đã 4 lần không đi bầu Quốc hội, và 1 lần đi bầu chỉ vì bị vợ buộc phải đi “cho khỏi điếc tai”, ấy thế nhưng con người vô chính trị này lại hau háu theo dõi cuộc bàu cử Tổng thống Hoa Kỳ.
Trạng thái tâm lý kẻ công dân thế giới này có lẽ đáng được đem ra để tự phân tích.
Còn nhớ cách đây bốn năm, Obama thắng cử, tôi đã thức cả đêm để dịch bài nói của vị Tổng thống da màu đầu tiên của Hợp chủng quốc Mỹ. Chẳng ai bắt mình làm việc đó hết. Làm xong bản dịch cũng chẳng mang lại lợi lộc gì cho mình hết. Nhưng mình vẫn cắm cúi làm. Thế có kỳ không?
Không! Thực ra, dịch Obama cũng có lợi cho mình. Như thể mình được hà hơi thêm một sức sống. Change We Can. Khẩu hiệu của ông ta đó. Ý chí của ông ta đó. Tâm hồn và tính cách của ông ta đó. Thật giản dị. Giản dị mà hấp dẫn. Và ai cũng thấy ông ta đáng tin cậy.
Như thể cả nước Mỹ nguyện cầu cùng với Obama bằng những lời kệ mới mẻ dễ thương biết bao. Change We Can. Chúng ta đủ sức thay đổi mọi điều. Change We Can. Chúng ta đủ sức thay đổi mọi điều. Change We Can. Chúng ta đủ sức thay đổi mọi điều. Change We Can.
Năm nay, rút kinh nghiệm, không thức cả đêm để dịch nữa. Vả lại, năm nay cũng già hơn dịp năm nhuận lần trước những bốn tuổi đời nữa rồi. Chẳng còn hăng hái được mấy. Nhưng vẫn lướt vội mấy lời của vị Tổng thống đắc cử. Và vẫn thấy xao động trong lòng.
Obama năm nay nói The best has yet to come. Điều tốt đẹp hay ho nhất hạng vẫn chưa nằm trong tay chúng ta đâu các bạn ạ. Lời của một thủ lĩnh, vĩ đại đấy, mà thực thà đến dễ mến. Một con người đại diện cho một đất nước thừa sức để mà kiêu căng. Nhưng vị Luật gia tráng niên ấy vẫn rủ mọi người tiếp tục hành động. Tiếp tục làm việc. Tiếp tục chiến đấu cho sự thay đổi (Dĩ nhiên không rủ rê con dân tiếp tục ăn tàn phá hại).
Obama lại nói nữa Whether I earned your vote or not, I have learned from you. I will return to the White House more determined and inspired than ever. Tonight, you voted for action, not politics as usual. Cho dù tôi có được các bạn bỏ phiếu cho hoặc không bỏ phiếu cho, tôi vẫn nhận được từ các bạn những bài học. Tôi sẽ quay lại Nhà Trắng kiên định hơn và dạt dào cảm hứng hơn bao giờ hết. Đêm nay, và khi nào cũng vậy cả thôi, các bạn đã bỏ lá phiếu bầu cho hành động, chứ không bầu cho chính trị.
Obama cũng nói thêm It moves forward because of you. We are an American family and we rise or fall together as one nation, and one people. Nước Mỹ tiến lên là nhờ các bạn. Chúng ta là một gia đình Mỹ, và chúng ta cùng nhau lớn lên hoặc sụp đổ, trong tư cách một quốc gia, trong tư thế một dân tộc.
Ngay từ hôm nay đã có thể thấy bốn năm nữa một Obama vẫy chào tạm biệt hết hai nhiệm kỳ xứng đáng với một nước Mỹ của những gương mặt ngời ngời. Một nước Mỹ không có ai khóc gượng và cười gượng.

Hoan hô Obama.
Nhà giáo Phạm Toàn - Bauxite blog
Obama 2009
Theo tôi quan sát được, thì từ năm 2008 đến giờ, sự chú ý của giới trẻ đối với cuộc bầu cử tổng thống Hoa Kỳ đã có sự tăng lên nhất định.
Qua quan sát của tôi, thì họ mới chú ý ở mức độ là, cuộc bầu cử này diễn ra giữa những ứng cử viên nào và hai là cuộc tranh luận của hai ứng cử viên. Qua các truyền hình trực tiếp, ngay cả truyền thông Việt Nam cũng đưa tin trên báo chí truyền hình Nhà nước, kể cả trên TV của chính quyền hiện nay, thì đấy cũng là nguyên nhân khiến giới trẻ chú ý đến.
Còn một nguyên nhân nữa, mà tôi cho là cũng rất quan trọng. Đó là những người quan tâm đến cuộc bầu cử tổng thống Hoa Kỳ thường là những người có mối quan tâm đến tình hình chính trị Việt Nam hiện nay. Cuộc bầu cử tổng thống Hoa Kỳ hiện nay có rất nhiều điểm gây cho họ sự hưng phấn, hấp dẫn. Thí dụ như những chi tiết về các ứng cử viên được báo chí ở nước Mỹ, trên thế giới, kể cả báo chí Việt Nam đưa tin rất nhanh, cập nhật thường xuyên, rõ ràng và có những điểm, mà đối với họ, là rất đặc biệt. Như về đời tư của các ứng cử viên, chi tiêu, cả các cương lĩnh chính trị… được đưa gần như hoàn toàn công khai trên mặt báo chí. Điều này khác với tình hình ở Việt Nam là các cuộc bầu cử, hoặc là những vấn đề tạo ra một vị trí trong Quốc hội, hay trong chính phủ thì đều diễn ra một cách rất trầm lắng, chỉ có rất ít thông tin về các ứng cử viên.
Cũng xin nhấn mạnh là, về vấn đề sâu sắc về chính trị, cũng như những điểm cụ thể trong cuộc bầu cử tổng thống Hoa Kỳ thì tôi nghĩ là cũng chưa có nhiều người, nhất là giới trẻ tìm hiểu thật kỹ.
Phạm Hồng Sơn/RFI
Hiếm có quốc gia nào mà bầu cử sôi nổi như Hoa Kỳ. Cá nhân tôi, cũng như nhiều anh em trong nước, cũng mong muốn Việt Nam mình bao giờ cũng được như thế thì hay quá. Chúng ta được bầu những người mà chúng ta thấy là họ có những chính sách đúng đắn. Chúng ta được quan tâm đến những cái vận mệnh của đất nước, những cái đúng cái sai của từng cá nhân.
Người dân ở nước Mỹ quan tâm đến chính sách của cả hai đảng Cộng hòa và Dân chủ, đến đời sống kinh tế chính trị của đất nước. Người ta thấy đảng nào làm tốt, thì người ta ủng hộ. Người ta không ủng hộ chính quyền (hay chính phủ) của ông này, thì người ta sẽ lên tiếng người ta biểu tình phản đối, để lật đổ chính quyền của ông đó, nhằm đưa một ông tổng thống khác thuộc một đảng khác lên. Người Mỹ có cơ hội để lựa chọn. Họ chống đảng, chống chính quyền này, thì họ sẽ tham gia vào đảng phái khác, ủng hộ đảng phái khác. Bất cứ đảng phái nào thì sau cùng họ vẫn là người tham gia vào xây dựng đất nước, và chẳng có ai là kẻ thù của đất nước cả.

Đây là một điều lâu nay tôi rất trăn trở. Từ năm 1975, đảng Cộng sản Việt Nam nắm quyền, thì những người có những tư tưởng chống cộng sản, hay chống đảng ấy, không có đảng phái đối lập để tham gia. Thế thì số đông chọn con đường im lặng, hoặc là bỏ ra nước ngoài. Hiện nay, người Việt ở nước ngoài rất đông, trong đó những người thuộc chế độ Việt Nam Cộng hòa cũ ở Hoa Kỳ khoảng 3 triệu người. Làm sao mà có thể rủ, mời họ vào đảng Cộng sản được? Nhiều người, rất nhiều người trong số đó, ở dạng đối lập với đảng Cộng sản, tức là đối lập luôn với đất nước. Và số đông đó không muốn góp phần ủng hộ, xây dựng đất nước gì cả. Đấy là một mất mát lớn cho Việt Nam (…)
Đỗ Việt Khoa/RFI
Nỗi buồn Romney

Em nghĩ rằng, các cuộc bầu cử ở Mỹ hay là chính thể dân chủ ở Mỹ là một tấm gương rất lớn đối với những người đang đấu tranh cho tự do dân chủ ở Việt Nam. Và em nghĩ rằng, nhiều người rất thích thú đối với những vấn đề trong một chính thể dân chủ như thế, nhưng mà việc xây dựng một xã hội dân chủ ở Việt Nam thì có đặc sắc riêng, tại vì chúng ta có những văn hóa riêng, có những khác biệt. Nên là cái nền dân chủ Mỹ không ảnh hưởng gì đến việc đấu tranh cho dân chủ và tự do ở Việt Nam.
Trở lại vấn đề nhân quyền, chính sách ngoại giao của Mỹ đối với Việt Nam, thì em nghĩ dù ông này hay ông kia lên thì cũng không giải quyết được vấn đề gì. Tình hình nhân quyền ở Việt Nam vẫn không có gì cải thiện đáng kể. Dù có một vài áp lực khiến họ nới tay một chút, thì tình hình Việt Nam vẫn không có khởi sắc chút nào.

Em nghĩ là, tình hình Việt Nam trước tiên phải do lực lượng đối lập Việt Nam quyết định, và tiếp theo sau đó là một điều kiện, mà chúng ta gọi là «thiên thời» cho cuộc chuyển hóa dân chủ ở Việt Nam là Biển Đông. Vấn đề mà người Mỹ sẽ hành xử thế nào, có lợi cho việc thay đổi chế độ độc tài ở Việt Nam thế nào thôi.
Huỳnh Thục Vy/RFI

2 nhận xét:

  1. CHÚC MỪNG TỔNG THỐNG OBAMA
    Chúc mừng ngài Obama
    Ngài tái đắc cử cũng là đúng thôi
    Bởi Ngài là người tuyệt vời!
    Chăm lo chu đáo mọi người như nhau
    Ngài không thiên vị kẻ giầu
    Và biết chia sẻ nỗi đau người nghèo
    Nhìn gương Ngài mọi người theo
    Khó khăn vất vả chống trèo vượt qua
    Nước Mỹ có Obama
    Sống rất dân dã thật là đáng yêu
    Người dân kính trọng Ngài nhiều
    Vì Ngài sống rất biết điều, thương dân
    Cả nhà lao động chuyên cần
    Các con tuy nhỏ tự thân kiếm tiền
    Trông trẻ là niềm vui riêng
    Ngoài ra lại có chút tiền để ra
    Vì chặng đường đời còn xa
    Tích lũy chút vốn để mà học lên
    Không cần ô dù ưu tiên
    Không cần dựa dẫm chức quyền của Cha
    Chúc mừng Ngài Obama
    Nhiệm kỳ kế tiếp thật là Vinh quang!.

    06/11/2012
    Thư ký Thời Đại

    Trả lờiXóa
  2. Ô-ba-ma
    Nom ông chất phác như nông dân
    Hiền lành như củ khoai, củ sắn
    Cái miệng hay cười của người tốt tính
    Tóc cắt ba phân như thể chiến binh.

    Ô-ba-ma
    Người da màu được làm tổng thống
    Cái xứ ngày nào kỳ thị da đen
    Đất nước mới hai trăm năm tuổi
    Thế mà hơn cả mấy nghìn năm
    Ở đó không thấy ý thức hệ độc tôn
    Nên có sự hòa hợp dân tộc
    Cả nước coi nhau như thể gia đình
    Không có đấu tranh giai cấp để triệt hạ lẫn nhau
    Không có chuyên chính đưa người bất đồng chính kiến vào lao lý
    Báo chí, văn chương mà cũng được tự do, lạ kỳ?

    Ô-ba-ma
    Ông lại làm tổng thống lãnh đạo nước Mỹ
    Và nước Mỹ lãnh đạo toàn thế giới
    Thấy ông có vẻ dễ dãi
    Nên tôi muốn khuyên ông vài điều:
    – Chớ có hùa với doanh nghiệp đi cướp ruộng nông dân
    Người ta trắng tay là sinh phản kháng
    - Chớ có phát triển thủy điện tràn lan hủy hoại môi trường
    Đừng xây đập ở vùng đứt gãy, động đất mà khó phủi tay đùn đẩy
    - Chớ có bán hết tài nguyên, khoáng sản
    Con cháu đời sau sẽ hạch tội ông.
    - Chớ có hàng Tàu lấy cơ tồn tại
    Người đời nguyền rủa bán nước hại dân
    - Chớ có làm luật biểu tình, nếu chót hứa rồi thì cù cưa trì hoãn
    Kẻo khi dân chúng tức quá điên lên là không dập được đâu
    - Chớ có tự do báo chí và nối mạng
    Khỏi phải nghe ý kiến trái chiều, để chỉ nhất ông thôi…

    Ô-ba-ma
    Khi nào rảnh rỗi mời ông quá bộ ghé qua nhà tôi chơi
    Tôi đãi ông rượu ngô Nà Hang, uống chè Thái Nguyên và đi suối khoáng
    Ông sẽ lâng lâng thư giãn
    Và thấy thiên đường chỉ có ở chỗ tôi
    Không chừng ông lại đưa nước Mỹ tiến lên chủ nghĩa xã hội
    Và hô vang khẩu hiệu Chủ nghĩa Mác- Lênin vô địch muôn năm!

    Thành phố Tuyên Quang, 8/11/2012
    Vũ Xuân Tửu

    Trả lờiXóa

Best Blogger TipsBest Blogger Tips