Thứ Ba, 2 tháng 4, 2013

Mặt thật của Pháp quyền XHCN sẽ lộ ra hết từ hôm nay

HÔM NAY 02/4/2013 VIỆT NAM XÉT XANH EM ĐOÀN VĂN VƯƠN
Đây là vụ án lớn được dư luận trong nước rất quan tâm theo dõi từ 15 tháng nay, và cũng đựơc dư luận thế giới chờ đợi, để có thể đánh giá và kết luận rằng chính quyền trong nước hiện đi theo con đường nào - con đường dân chủ pháp quyền mà họ vẫn rêu rao, hay theo con đường độc đoán đảng trị mà họ vẫn một mực thực hiện. Đây cũng là một trắc nghiệm lý thú xem nhóm lãnh đạo Cộng sản có thật tâm xây dựng một hiến pháp của dân, do dân, vì dân, hay một hiến pháp do của đảng, vì đảng, và do đảng trong những việc làm của họ.
Chính sách đất đai hiện nay đang dồn không biết bao nhiêu người dân vào hoàn cảnh Đoàn Văn Vươn. Công việc của vị thẩm phán xử anh Vươn cũng như một chiến sỹ công binh. Nếu bản án chỉ lo trấn áp thì sẽ dồn những Đoàn Văn Vươn khác vào bước đường cùng, sức công phá của những quả bom ấy sẽ khốc liệt chứ không chỉ gây tiếng nổ. Nếu bản án công bằng với anh Vươn thì những ngòi nổ trong hàng loạt quả bom Đoàn Văn Vươn khác cũng tự nhiên được tháo ra. Bởi những người nông dân mất đất ấy sẽ trì hoãn sự phản ứng của mình để chờ công lý.
Bản án là thông điệp của nhà nước trung ương tới chính quyền địa phương; là sự lựa chọn giữa người dân lương thiện và đám cường hào; là sự xác lập chuẩn mực công vụ: bảo vệ dân chúng hay nhân danh nhà nước để chà đạp lên dân chúng.
Phiên tòa chắc chắn sẽ không kết thúc ngay cả khi bản án đã có hiệu lực. Tên tuổi của Đoàn Văn Vươn rồi sẽ còn vang. Chuyến tàu đi vào lịch sử của anh đủ chỗ để các vị thẩm phán và cả người đứng đầu chế độ quá giang. Vấn đề là họ chọn chỗ đứng trên bia miệng hay ở trong lòng hậu thế.
Phiên tòa xử Đoàn Văn Vươn sắp tới, sẽ đi vào lịch sử. Người ta có thể quên những phiên tòa khác, những sự kiện khác nhưng sẽ không bao giờ quên phiên tòa này. Nếu nó có công lý nó sẽ được ca ngợi đời đời. Nếu nó man rợ và đê hèn thì nó sẽ bị nguyền rủa và khinh bỉ trong nhiều thế hệ con cháu chúng ta từ hôm nay cho đến ngàn năm sau.
Những người đang nắm trong tay quyền quyết định phiên tòa này hãy nhớ lấy điều đó.
Chúng tôi chờ xem công lý của nước CHXHCNVN có bằng thời Pháp thuộc xử vụ Đồng Nọc Nạn hay không?

Xem lại bài cũ:

Mấy tuần trước đọc tin tức về vụ Tiên Lãng, thấy cái tin Đại tá Đỗ Hữu Ca, Giám đốc Công an Thành phố Hải Phòng không hài lòng về vụ cưỡng chế, tôi nghĩ cũng là chuyện bình thường. Làm sao mà hài lòng cho được với...

Nhiều báo hôm nay tập trung phản ánh và phẫn nộ về lời khẳng định dối trá của Đỗ Trung Thoại, Phó Chủ tịch UBND TP. Hải Phòng trong việc nói nhân dân đã phá nhà hai anh em Đoàn Văn Vươn...
Ngày 5/1/2012, khi tổ chức cưỡng chế, ông Khanh là người chỉ đạo trực tiếp, ra lệnh cho tổ cưỡng chế phá dỡ các công trình trên tại khu vực đầm nuôi trồng thủy sản của ông Đoàn Văn Vươn. Ông Khanh còn là người gọi...

Theo đó, hành vi của ông Đoàn Văn Vươn nên chăng chỉ bị cơ quan tiến hành tố tụng xem xét khởi tố, truy tố về tội “Giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh” theo Điều 95 Bộ luật Hình sự...

Nhưng lần này, có lẽ rút kinh nghiệm thời sự từ vụ việc Đoàn Văn Vươn ở huyện Tiên Lãng (Hải Phòng), tỉnh Hưng Yên và huyện Văn Giang đã huy động một cách quy mô lực lượng cảnh sát cơ động và dân phòng...

Huyện Tiên Lãng bắt sống Văn Vươn Xã Vinh Quang đánh người cô phụ. Việc nay xem xét. Chứng cứ còn ghi. Mới đây: Anh em họ Đoàn, ngăn biển lấp đất. Mồ hôi chan mặt, máu đổ xuống đầm...

15 nhận xét:

  1. Ngày 10/02/2012, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng đã đưa ra kết luận về vụ cưỡng chế, trong đó khẳng định:

    - "Các Quyết định số 460/QĐ-UBND ngày 23/4/2008, Quyết định số 461/QĐ-UBND ngày 07/4/2009 của Uỷ ban nhân dân huyện Tiên Lãng thu hồi đất của ông Đoàn Văn Vươn với lý do hết thời hạn sử dụng là không đúng với quy định của Luật Đất đai 2003 và Nghị Định 181/2004/NĐ-CP ngày 29/10/2004 của Chính phủ về thi hành Luật Đất đai năm 2003".

    - "Do quyết định thu hồi đất không đúng với quy định của pháp luật đất đai nên Quyết định cưỡng chế thu hồi đất cũng không đúng pháp luật. Mặt khác, việc tổ chức cưỡng chế thu hồi đất của UBND huyện Tiên Lãng cũng có nhiều thiếu sót, sai phạm".

    Chính sự bất công, thiếu trách nhiệm và không giải quyết thấu tình đạt lý và chỉ đạo cưỡng chế trái pháp luật của các cơ quan công quyền Tiên Lãng - Hải Phòng, đối với các khiếu kiện trong suốt thời gian dài của gia đình ông Vươn đã như giọt nước làm tràn ly - cái ly đã và đang chất chứa sự uất ức, phẫn nộ đến tột đỉnh. Và, cái gì đến thì nó phải đến: một “tác phẩm mới - Bước đường cùng” - nhưng không phải tác phẩm văn học của của Nguyễn Công Hoan viết về sự bất công, áp bức từ thời phong kiến xa xưa, mà là “Bước đường cùng” của anh em nhà họ Đoàn viết ngay trong thời đại văn minh mà Nhà nước quản lý xã hội bằng pháp luật. Và dĩ nhiên, một Nhà nước của Dân, do Dân và vì Dân như Nhà nước CHXHCN Việt Nam ta thì chúng ta không thể chấp nhận sự tồn tại những kẻ dã tâm như tên “Nghị Lại” trong “Bước đường cùng” của Nguyễn Công Hoan.

    Như vậy, việc cưỡng chế trái pháp luật đối với gia đình họ Đoàn của chính quyền Tiên lãng – Hải Phòng là không thể chối cãi. Bản kết luận của Thủ tướng và cáo trạng VKSND TP. HP đã truy tố bị can Lê Văn Hiền, nguyên Chủ tịch UBND huyện Tiên Lãng về hành vi Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. Các bị can: Nguyễn Văn Khanh (52 tuổi), nguyên Phó chủ tịch huyện Tiên Lãng, Phạm Xuân Hoa (58 tuổi), Trưởng phòng TN&MT huyện, Lê Thanh Liêm (50 tuổi), nguyên Chủ tịch UBND xã Vinh Quang và Phạm Đăng Hoan (53 tuổi), nguyên Bí thư Đảng ủy xã, đều bị truy tố về Tội hủy hoại tài sản, là một minh chứng hùng hồn.

    Có quan điểm cho rằng, lực lượng cưỡng chế dù có thực hiện một quyết định cưỡng chế trái pháp luật thì vẫn được coi là “Thi hành công vụ” và người kí ban hành quyết định cưỡng chế sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Nên mọi hành vi chống đối như đã diễn ra của anh em nhà họ Đoàn đều phải bị xử lý hình sự. Nhưng trên thực tế, căn nhà 02 tầng bị san phẳng không có trong quyết định cưỡng chế trái pháp luật của UBND huyện Tiên Lãng, thì bất luật thế nào cũng không thể gọi là “thi hành công vụ” được. Và, nếu một quyết định cưỡng chế trái pháp luật mà vẫn được coi là “Thi hành công vụ”, thì đó là điều vô cùng tệ hại và nguy hiểm. Bởi lẽ, không ai dám chắc rằng, những kẻ vì lợi ích nhóm, lợi ích cá nhân của mình sẽ dừng tay trong việc cưỡng chế trái pháp luật, mà sự thực có thể gọi là “ăn cướp”, xâm phạm lợi ích hợp pháp của người dân lương thiện.

    Vì thế, nếu “Nhân danh Công lý”, TAND TP. Hải Phòng chỉ có thể tuyên: Hành vi chống trả lực lượng cưỡng chế của những người trong gia đình họ Đoàn là hành vi PHÒNG VỆ CHÍNH ĐÁNG.

    Vì, nếu như những người như em Hưng và anh em nhà họ Đoàn mà bị xét xử về “Tội giết người”, thì lời tuyên án mà những vị Thẩm phán - chủ tọa phiên tòa - cho rằng mình đang Nhân danh Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam dùng luật pháp trừng trị “cái ác” này lại vô tình “nuôi dưỡng” cái ác khác!
    (Click tiêu đề xem toàn bài)

    Trả lờiXóa
  2. Xét rằng, trong vụ án Đoàn Văn Vươn, chính quyền huyện Tiên Lãng, Hải Phòng đã có nhiều sai phạm trong việc thực hiện ‘công vụ’, vi phạm nguyên tắc thượng tôn pháp luật và đi ngược lại lợi ích của người dân,

    Xét rằng, căn cứ truy tố Đoàn Văn Vươn cùng một số thân nhân về tội giết người thi hành công vụ, theo điểm d, Khoản 1, Điều 93, Bộ luật hình sự, và chống người thi hành công vụ, theo điểm d, Khoản 2, Điều 257, cùng bộ luật, là không thỏa đáng, do căn cứ này vi phạm nguyên tắc về tính hợp pháp của công vụ,

    Xét rằng, hành vi chống trả của Đoàn Văn Vươn cùng một số thân nhân, xuất phát từ quyền tự vệ và quyền bảo vệ đối với tài sản của gia đình đã được gây dựng trong nhiều năm, là hệ quả của ‘công vụ’ sai pháp luật,

    Xét rằng, phiên xử sơ thẩm của vụ án vào tháng Tư tới đây có thể sẽ không đảm bảo được tính khách quan, bởi cáo trạng không lột tả được bản chất sự việc, không làm rõ những chứng cứ và nguyên tắc xác định sự thật của vụ án, cùng nhiều bất cập khác,

    Chúng ta, những người nhận thức rõ về các vấn đề trên, xướng lên bản Tuyên ngôn Công lý cho Đoàn Văn Vươn, nhằm nhắc nhở cơ quan xét xử (Tòa án Nhân dân TP. Hải Phòng), phải thực hiện xét xử công minh, tuân thủ các nguyên tắc xét xử của luật quốc gia và luật quốc tế, cùng các chuẩn mực nghề nghiệp khác. Cụ thể như sau:

    Theo Điều 130, Hiến pháp Việt Nam hiện hành, “Khi xét xử, Thẩm phán và Hội thẩm độc lập và chỉ tuân theo pháp luật.”

    Theo Điều 10, Tuyên ngôn Phổ quát về Nhân quyền, 1948: “Ai cũng có quyền, trên căn bản hoàn toàn bình đẳng, được một toà án độc lập và vô tư xét xử một cách công khai và công bằng để phán xử về những quyền lợi và nghĩa vụ của mình, hay về những tội trạng hình sự mà mình bị cáo buộc.”

    Theo Khoản 1, Điều 14, Công ước Quốc tế về Các Quyền Dân sự & Chính trị, 1966, mà Việt Nam đã gia nhập và do đó có nghĩa vụ thực hiện: “Mọi người đều bình đẳng trước các toà án và cơ quan tài phán. Mọi người đều có quyền được xét xử công bằng và công khai bởi một toà án có thẩm quyền, độc lập, không thiên vị và được lập ra trên cơ sở pháp luật...”

    Tuyên ngôn của chúng ta, những người yêu chuộng lẽ phải, không chỉ nhắc nhở, mà còn khuyến khích cơ quan xét xử hãy can đảm và thực hiện đúng vai trò quan tòa của mình, một cách độc lập và khách quan nhất có thể, trong việc phân định đâu là công lý.

    Và vì thế, chúng ta ký tên vào bản tuyên ngôn này.

    Chúng ta hiểu rằng, sự hưởng ứng dù chỉ bằng một chữ ký, cũng có thể góp phần đáng kể để tạo nên một danh sách hàng vạn chữ ký nhằm làm mạnh mẽ thêm tinh thần của Đoàn Văn Vươn.

    Chúng ta hiểu rằng, sự hưởng ứng dù chỉ bằng một chữ ký, cũng có thể góp phần làm cho bóng tối khiếp sợ, và lùi bước trước sự lan tỏa của ánh sáng.

    Chúng ta hiểu rằng, mỗi chữ ký của chúng ta, sẽ góp phần làm lay động những người bàng quan, và từ chỗ bàng quan, họ trở thành những chiến hữu.

    Chúng ta hiểu rằng, mỗi chữ ký của chúng ta, sẽ góp phần tạo nên sức mạnh lớn lao của lẽ phải, để làm bừng lên ánh sáng công lý cho Đoàn Văn Vươn.

    Trả lờiXóa
  3. Luật sư Trần Quốc Thuận, nguyên Phó Chủ nhiệm Thường trực Văn phòng Quốc Hội, nói với BBC ông tin rằng giữa hai vụ xử này có tương quan nhất định:

    Ông nói: "Vụ xử đó cũng là một tương quan với vụ Đoàn Văn Vươn... Và vụ đó xử những người thừa hành mệnh lệnh của các ông lãnh đạo thành phố Hải Phòng thôi. Cho nên tại sao lại không xử những ông đó mà lại chỉ xử những người thừa hành?"

    Luật sư Thuận cho rằng những người có trách nhiệm ra lệnh cao nhất ở chính quyền Thành phố Hải Phòng chưa bị đưa ra tòa và giải thích:

    "Những người đó theo đúng nghĩa là những người thi hành công vụ, vì họ làm theo lệnh của bên trên. Nhưng không thấy xử những người ra lệnh đó mà chỉ xử những người hành động."

    Về bản án mà tòa có thể tuyên với các bị cáo là quan chức, luật sư Thuận nói: "Họ có thể suy rằng những người thi hành công vụ đó vượt quá quy định, hoặc vượt quá lệnh mà họ đã ban ra."

    Khi được hỏi về trình tự, tương quan giữa kết quả của hai vụ xử, cựu quan chức Văn phòng Quốc hội nói:

    "Nếu xử ông Đoàn Văn Vươn thật nặng theo tinh thần cáo trạng thì những người kia (quan chức Hải Phòng) sẽ bị xử rất nhẹ. Còn nếu Đoàn Văn Vươn mà xử nhẹ, thậm chí là không có tội, thì những người kia sẽ bị xử nặng hơn."

    Cuối cùng, ông cho nhận định đây là "vụ án điểm" và có thể đã có "duyệt án", "chỉ đạo" từ cấp cao mà kết quả sẽ không thay đổi nếu có các phiên phúc thẩm.
    (Click tiêu đề xem toàn bài)

    Trả lờiXóa
  4. Ngày 2-4-2013, sau “cá tháng 4” một ngày, là một ngày sẽ đi vào lịch sử Việt Nam, ghi dấu cuộc chiến đấu “giáp lá cà” giữa SỰ THẬT và DỐI TRÁ. Đó là ngày xử án vụ Đoàn văn Vươn và gia đình về cái gọi là tội “giết người, chống người thi hành công vụ”! Nhưng tôi tin lịch sử sẽ đặt lại tên vụ án này, vụ án điển hình về “Quyền tự vệ của người dân trước nạn cướp ngày được thể chế hóa”.

    Về vụ Đoàn Văn Vươn, sau khi gọi thẳng đó là vụ “Cướp ngày”, “phản cách mạng đã rõ ràng”, cụ bà Lê Hiền Đức đã viết như sau “Chừng nào ông Đoàn Văn Vươn và những người thân của ông còn phải nằm trong vòng lao lí, còn chưa được bồi hoàn các quyền lợi về vật chất, tinh thần đã bị xâm phạm thì chừng đó tôi còn nhìn chính quyền trung ương của Việt Nam chỉ như là sự PHÓNG TO của chính quyền huyện Tiên Lãng, chính quyền thành phố Hải Phòng mà thôi”.

    Và hôm nay, với comment trên Anhbasam, KTS Trần Thanh Vân viết một câu gọn lỏn: “Phiên tòa này sẽ dẫn đến một cuộc khởi nghĩa nông dân. Không thể khác được!”. Xem như vậy thì gọi vụ án Đoàn Văn Vươn là một “quả bom” là còn nhẹ.

    Quả bom này chất nổ nằm ở nông dân nhưng người có thể tháo vỏ, tháo kíp chính là nhà nước, mong lắm thay! Vụ này là sự nhắc nhở thiết thực đến nhu cầu sửa đổi Hiến pháp hiện nay sao cho tháo gỡ một kíp nổ?.

    Những tiếng nói phản biện lâu nay thường xuất phát rôm rả từ các nhân sĩ-trí thức, nhưng trí thức kỳ thực chỉ là những người báo thức, là chất gây men. Nông dân mới đích là “quân chủ lực”, cách mạng chỉ được cái nói đúng! Chủ lực đã ra quân thì… trí thức chỉ biết đứng sau ủng hộ và cảm phục.

    Tình hình đất nước lâu nay rất lạ, cứ nửa như thực nửa như mơ, như thật như đùa, như thật như giả, giữa chính và tà, mọi thứ đều mong manh, bảo là “bên miệng hố” cũng được mà bảo “chẳng có gì mới” cũng xong? Nhưng xin thưa: đùa gì thì đùa, không thể đùa với vận mệnh dân tộc.
    HÀ SĨ PHU
    (Click tiêu đề xem toàn bài)

    Trả lờiXóa
  5. Dự kiến từ ngày 2-4 đến 5-4-2013 sẽ xử vụ Đoàn Văn Vươn. Ông và 3 người khác bị truy tố về tội giết người theo điều 93 Bộ luật Hình sự.

    Về tội danh “giết người” này báo chí đã bàn luận sôi nổi ngay từ khi xảy ra vụ cưỡng chế thu hồi đất ngày 5-1-2012 đến nay (chính xác hơn từ khi khởi tố vụ án ngày 10-1-2012).

    Theo Tuổi trẻ ngày 30-12-2012, ông Đinh Văn Quế nguyên chánh tòa hình sự Tòa án nhân dân tối cao cho rằng “khó xử ông Vươn tội giết người” bởi vì anh em ông Vươn chỉ bàn bạc lên kế hoạch chống cưỡng chế thu hồi đất chứ không phải để giết ai đó, như thế nhiều nhất “họ chỉ phạm tội với hình thức lỗi cố ý gián tiếp”, và trong trường hợp đó nhiều nhất họ chỉ bị truy tố về tội “gây thương tích” chứ không phải tội “giết người”. Đấy là ý kiến của một chuyên gia hàng đầu về án hình sự.

    Không những thế, mìn tự chế bằng bình gas của anh em ông Vươn được đặt quanh nhà không thuộc diện tích bị cưỡng chế và lực lượng cưỡng chế đã phá rào để vào mà không thông báo, không xin phép là hành vi vi phạm chỗ ở của công dân. Như thế hành động của anh em ông Vươn có thể được coi là sự tự vệ chống lại những kẻ xâm lấn, chứ không phải chống lại những người thi hành công vụ.

    Thế nhưng cơ quan Cảnh sát điều tra Hải Phòng đã khởi tố vụ án giết người và chống người thi hành công vụ.

    Ngày 10-2-2012 Thủ tướng Chính phủ đã kết luận: việc thu hồi đất và cưỡng chế thu hồi đất của ông Vươn là sai; huyện Tiên Lãng huy động lực lượng quân đội tham gia cưỡng chế là không đúng; “để xảy ra việc này là rất đáng tiếc”. Thế nhưng Thủ tướng cũng yêu cầu lãnh đạo Hải Phòng phải “khẩn trương đưa vụ án “giết người và chống người thi hành công vụ” ra xét xử công khai, bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật”. Cái phần “khẩn trương” này của kết luận của Thủ tướng được ít người chú ý đến. Và đấy có lẽ là lý do vì sao tội danh “giết người” vẫn được duy trì.

    Việc chỉ đạo, yêu cầu của nhiều lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam, của lãnh đạo các cơ quan hành pháp hoặc lập pháp đối với việc khởi tố, xét xử các vụ án là một chuyện được coi là “bình thường” ở Việt Nam. Đấy là một tập quán hết sức “không bình thường” trong một nhà nước pháp quyền mà chúng ta phấn đấu xây dựng.

    Sự không độc lập của hệ thống tư pháp gây ra nhiều hậu quả tai họa. Nó phá hủy lòng tin vào hệ thống pháp luật. Nó mở đường cho sự lạm dụng quyền lực và tham nhũng. Nó là một “lỗi hệ thống” trầm trọng, cản trở sự phát triển của đất nước và vì thế cần sửa gấp.

    Trong thảo luận góp góp ý cho việc sửa đổi hiến pháp cần phải làm rõ tính độc lập của ngành tư pháp để tránh những việc “rất đáng tiếc” như vụ thu hồi đất và cưỡng chế thu hồi đất ngày 5-1-2012 ở Tiên Lãng và rất rất nhiều vụ khác. Những người kiên trì chống sự độc lập của ngành tư pháp, rốt cuộc là những người gây bất ổn xã hội và cản trở sự phát triển của đất nước và như thế phải bị lên án.
    NGUYỄN QUANG A
    P/s: Bài viết cho một tờ báo của nhà nước mấy ngày trước, nhưng không được sử dụng và tác giả được trả lời là “lệnh của trên không cho viết về vụ Đoàn văn Vươn cho đến khi xử án xong”.

    Trả lờiXóa
  6. Tòa chưa xử đã “chụp” tội giết người
    Cái mũ chụp lộn đầu nạn nhân bị hại
    Thế kỷ 21 khoa học văn minh mà cũng có chuyện Tây Du
    Có vòng Kim Cô tẩy não người oan trái

    Kẻ ác mang chiếc mặt nạ Quan Âm để giơ cao lưỡi hái
    Nhưng người oan đâu phải con khỉ Tề Thiên mà đề kháng phép thần
    Người oan chỉ biết khai khẩn đất hoang đơm hoa kết trái
    Chứ không lạnh lùng như phán quyết vô tâm

    Bài thơ này chẳng phải tuyên ngôn
    Chẳng có súng ống vũ trang, chẳng có khiên đồng áo giáp
    Bài thơ trần truồng như đời Đoàn Văn Vươn
    Kẻ vô tội bị đóng gông giữa thời mạt pháp

    Cứ tưởng cái thời Tây đô hộ Việt Nam mới sinh chuyện tên bay đạn lạc
    Sinh chuyện đàn áp nông dân, đốt lúa người nghèo
    Ai dè ngay Tiên Lãng Hải Phòng tái sinh Đồng Nọc Nạn
    Máu nhuộm đất lành, chim đậu tả tơi theo

    Tại sao đám đông “lấy thịt đè người” cướp đất phá nhà thì ân sủng án treo
    Còn nạn nhân tự vệ bị quy là sát thủ

    Chẳng lẽ tòa án Tây ngày xưa lại có Bao Công Tàu
    Còn ở Việt Nam thời nay thì luật rừng tự xử

    Con người nhờ có khối óc và trái tim mới hơn con thú
    Trái tim đòi trả tự do cho những kẻ cùng đường
    Khối óc đòi công lý loài người trước phiên tòa bức tử
    Đừng để Máu Thắm Đồng Nọc Nạn nhuộm hai lần trên mảnh đất quê hương

    Bùi Chí Vinh
    Đêm 31 tháng 3 năm 2013

    Trả lờiXóa
  7. Cứ nói mãi về cánh đồng Nọc Nạn
    nhưng đây là Tiên Lãng
    cứ nói mãi về oan trái bất công
    nhưng đây là Đoàn Văn Vươn

    vì sao nông dân lại thành kẻ thù của chính quyền?
    vì sao người chăm chỉ làm ăn lại thường gặp nạn?
    vì sao phải bắn súng hoa cà hoa cải?
    vì sao phải “chống người thi hành công vụ”?


    nếu Đoàn Văn Vươn cam chịu
    mất đầm tôm mất tất
    rồi mất nhiều năm tham gia đội quân khiếu kiện
    thì biết bao giờ mới sửa Luật đất đai ?

    thôi thà gióng lên hồi chuông
    bằng vài tiếng súng hoa cải bụp xẹt
    chẳng chết ai, chỉ khiến dăm chiến sĩ tét đít
    và người cả nước bừng tỉnh

    sao lại thế này?

    chẳng phải Đảng ta chiến đấu cho quyền lợi nông dân?
    chẳng phải chính cương đầu tiên là “Người cày có ruộng”?
    ông Trường Chinh đâu có ngờ một ngày Tiên Lãng
    người cày mất ruộng người khai phá đầm nuôi tôm mất đầm
    người cắm cờ mừng có ruộng năm xưa thành người mất ruộng ở Văn Giang
    và những ông Cò Tây lại mang dáng hình lãnh đạo công an đất Cảng
    “một trận đánh hiệp đồng rất đẹp”
    cứ như bác đang nói chuyện giải phóng Hoàng Sa?

    đánh đẹp thế này
    chắc Trung Quốc chạy mất dép?

    Đoàn Văn Vươn thân yêu
    dẫu biết ở đời nhiều oan trái
    nhưng khi nhìn bên trong túp lều rách của vợ con em
    thấy chăn màn quần áo sách vở xếp ngay ngắn dưới đất
    anh tin một điều rất thật
    những đứa trẻ sẽ nên người

    nên người, bất chấp mọi cảnh ngộ
    đó mới là điều đáng kể

    nên người, dù bị tròng vào cổ “tội giết người”
    đó mới là điều đáng kể

    THANH THẢO
    01/04/2013

    Trả lờiXóa
  8. Về vụ án Đoàn Văn Vươn đang xét xử đã có quá nhiều bài viết nghiên cứu và bình luận. Bản thân tôi cũng đã viết nhiều bài về vụ này khi nó mới xẩy ra. Nay nhân chuyện vụ án được đưa ra xét xử, tôi chỉ muốn nói thêm một điều thôi: các cơ quan chức năng đang xử lý ngược quy trình cần thiết.

    Từ năm 1997, 1998 tôi đã chủ trì một đề tài khoa học cấp bộ nghiên cứu về xung đột xã hội và xử lý xung đột xã hội phát sinh trong quá trình đổi mới. Đề tài đã vận dụng lý thuyết xã hội học xung đột để tiếp cận hiện trạng mâu thuẫn, tranh chấp, xung đột dẫn đến tình trạng mà người ta vẫn quen gọi là “điểm nóng” về an ninh xã hội. Theo đó chúng tôi đã thống kê, phân tích và phân loại các loại hình xung đột, đặc biệt nghiên cứu sâu về các đặc điểm pháp lý của các vụ án liên quan đến xung đột.

    Trong nghiên cứu của mình, chúng tôi đã đề xuất hai khái niệm mới là “vụ việc nguyên thủy” và “vụ gây rối”.

    Vụ việc nguyên thủy là vụ việc xẩy ra trước, là nguyên nhân hoặc nguyên cớ làm phát sinh các vụ việc xung đột sau đó, như: chống người thi hành công vụ; hủy hoại tài sản; bắt giữ người trái pháp luật...Ví dụ vụ anh thanh niên chết bất thường dưới mương nước là vụ việc nguyên thủy, dẫn đến vụ gây rối là “vụ quan tài diễu phố” ở Vĩnh Phúc vừa qua.

    Trong vụ án Đoàn Văn Vươn vụ việc nguyên thủy chính là chủ trương thu hồi và tổ chức cưỡng chế đầm tôm một cách sai pháp luật của chính quyền huyện Tiên Lãng. Để đảm bảo ổn định chính trị xã hội khi có xung đột xẩy ra việc trước tiên bao giờ chính quyền cũng phải làm là “hạ nhiệt” điểm nóng, tìm mọi cách an dân, đồng thời điều tra xử lý cả vụ việc nguyên thủy và vụ gây rối. Sau bước “hạ nhiệt” ban đầu, cần tập trung điều tra xử lý cả hai loại vụ việc, nhưng ưu tiên trước hết cho việc điều tra, xác minh xử lý dứt điểm vụ việc nguyên thủy.

    Chính các động thái điều tra khẩn trương, khách quan, xử lý nghiêm minh của chính quyền đối với vụ việc nguyên thủy là biện pháp an dân tốt nhất, là tiền đề thuận lợi cho việc điều tra, xử lý vụ gây rối. Ngay đến khâu xét xử là khâu gần như cuối cùng của tố tụng thì cũng không nên đưa vụ gây rối ra xử trước, mà phải đưa vụ việc nguyên thủy ra xét xử trước, hoặc đồng thời.

    Với một vụ án lớn, phức tạp như vụ Đoàn Văn Vươn việc tách thành hai vụ án để điều tra, xử lý không hẳn đã là sự “lách luật” như rất nhiều người bình luận. Vấn đề quan trọng, cốt tử nhất là:

    Một, cả hai vụ án đó có được điều tra, xử lý nghiêm minh hay không; và
    Hai là phải đưa ra xét xử vụ cố ý làm sai trong việc thu hồi và cưỡng chế đầm tôm trước.

    Nếu vụ này được điều tra, xử lý nghiêm minh, đúng pháp luật thì sẽ là tiền đề pháp lý và chính trị quan trọng, hết sức quan trọng cho việc xét xử vụ “gây rối” của anh em nhà họ Đoàn. Làm được như thế thì không những sẽ đảm bảo được ổn định xã hội mà lòng dân cũng an hơn.

    Rất tiếc người ta đã làm ngược quy trình. Có phải đây chỉ là sự non yếu về nghiệp vụ, hay thực sự người ta có mục đích khác?
    PHẠM XUÂN CẦN
    Chú thích: Tác giả Phạm Xuân Cần, chủ blog Tạp hóa Faxuca, nguyên là trung tá công an, chánh văn phòng Sở công an Nghệ An, từng là tỉnh ủy viên phó bí thư thành ủy Tp Vinh, nay là phó giám đốc Sở khoa học công nghệ tỉnh Nghệ An

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Ba ngày sau phiên tòa ông Đoàn Văn Vươn và thân nhân, hôm nay ngày 8/4 đến lượt các quan chức huyện Tiên Lãng đã chỉ đạo phá dỡ nhà của anh em ông được Tòa án Hải Phòng đưa ra xét xử.

      Tổng cộng có 5 bị cáo bị truy tố, trong đó có cựu chủ tịch và phó chủ tịch huyện Tiên Lãng là các ông Lê Văn Hiền và Nguyễn Văn Khanh.

      Các bị cáo còn lại bao gồm ông Phạm Xuân Hoa, cựu trưởng phòng Tài nguyên Môi trường huyện, Phạm Đăng Hoan và Lê Thanh Liêm – cựu bí thư và chủ tịch xã Vinh Quang.

      Ông Khanh là người đứng đầu Ban chỉ đạo cưỡng chế khu đất nhà ông Vươn với ông Hoa làm phó và các ông Hoan và Liêm là thành viên.

      Còn ông Hiền là người đã ra quyết định cưỡng chế và thành lập Ban chỉ đạo cưỡng chế này.

      Xóa
    2. Trong phiên tòa xử vụ «hủy hoại tài sản» của gia đình ông Đoàn Văn Vươn từ ngày 8 đến 10/04/2013, bốn quan chức của huyện Tiên Lãng chỉ bị đề nghị án treo. Riêng ông Nguyễn Văn Khanh, nguyên phó chủ tịch huyện, người từng phản đối việc cưỡng chế đất của gia đình Đoàn Văn Vươn lại bị Viện Kiểm sát đề nghị án tù giam.
      Trả lời phỏng vấn của RFI Việt ngữ, ông Vũ Văn Luân, thư ký Liên chi hội nuôi trồng thủy sản nước lợ huyện Tiên Lãng cho rằng phiên tòa này chỉ là một trò hề:
      Trước kia thì chúng tôi cũng đã trả lời, là với vụ án này thì Hải Phòng sẽ không bao giờ có công lý. Và kịch bản cho cái việc hủy hoại tài sản này thì chúng tôi cũng đã nhìn thấy rồi. Chúng tôi cho rằng đó là một cái trò hề, vì trước đó chúng tôi cũng đã nhận được rất nhiều thông tin rằng anh em ông Hiền, ông Liêm từng nói đã chạy được tất cả án treo. Thế thì đây là một vấn đề rất là nhức nhối. Hôm nay chúng tôi thật sự ngỡ ngàng khi đại diện Viện Kiểm sát đề nghị các bị cáo trong vụ án «hủy hoại tài sản» mức độ như một trò hề như thế.

      RFI: Tức là trước khi tòa xử thì ông Hiền đã nói với mọi người là ông ta sẽ nhận được án treo ?

      Ông Vũ Văn Luân: Trước đó thì chúng tôi nghe dư luận là anh em ông Hiền, ông Liêm nói với dân là đã chạy được cái án treo rồi. Trong khi đó khung hình phạt về tội hủy hoại tài sản theo điều 143 ở khoản 2, khoản 3 thì thấp nhất là phải 7 năm. Chúng tôi cũng không nghĩ rằng việc đó có thể xảy ra, nhưng đúng là nó đã diễn ra với đại diện Viện Kiểm sát. Họ đề nghị mức án đó cho các bị cáo thì thực sự chúng tôi cho đó là một trò chơi, một trò hề của ngành tư pháp Hải Phòng trong phiên tòa này.

      RFI: Theo ông thì vì sao ông Vươn đề nghị tòa giảm án cho ông Khanh và tăng án cho bốn bị cáo khác, nhưng ngược lại ông Khanh lại là người bị đề nghị án nặng nhất?

      Thì chúng tôi cũng đã nhận định rồi, ông Khanh là một nạn nhân trong vụ án như thế này. Bởi vì trước đó, ngày 18/10/2010, lần đầu tiên ông Khanh đã phản đối vấn đề cưỡng chế và yêu cầu ông Hiền phải làm thủ tục theo đề án 30 giao lại đất cho chúng tôi để sản xuất và làm nghĩa vụ với Nhà nước theo thỏa thuận ở Tòa án Nhân dân thành phố Hải Phòng và đại diện Ủy ban Nhân dân huyện ngày 09/04/2010.

      Thế nhưng chúng tôi biết rằng ông Khanh khi tuyên bố như thế, đương nhiên là đang chống lại toàn bộ Đảng bộ, chính quyền huyện Tiên Lãng và rộng hơn, là thành phố Hải Phòng này. Và như thế thì người ta cho rằng ông Khanh là một người phản bội lại cái tổ chức đó, trong khi tất cả những ý đồ chiếm đoạt đất của chúng tôi trên toàn bộ huyện Tiên Lãng là đã được hình thành.

      Vì vậy tôi cho rằng việc các cơ quan tư pháp, mà có thể là đằng sau đó đã có sự chỉ đạo của ai đó bên Thành ủy và Ủy ban thành phố Hải Phòng, như một đòn trả thù dằn mặt ông Khanh, cho rằng ông ấy là một người phản bội. Do đó họ đã tách ông Khanh ra, mặc dù ông Vươn cũng đã có ý kiến về ông Khanh như thế nhưng vẫn không được chấp nhận. Cho nên chúng tôi cho rằng cái kịch bản này là người ta đã sắp xếp, và đến bây giờ đúng là cũng đã diễn ra.

      Xóa
    3. Mấy ngày tòa xử anh em nhà họ Đoàn, cả trên báo chí chính thống (dù chỉ được đưa tin theo kiểu tăng phản ánh kết quả, giảm bình luận), trên các kênh truyền thông xã hội, truyền thông chém gió vỉa hè, âm ỉ trong từng gia đình, công sở, bàn phát sốt. Có thể quan điểm có khác, thậm chí chênh nhau, thậm chí còn bị soi là có kẻ thù địch ở đâu đó giật dây kích động, thì vẫn phải khẳng định là mối quan tâm của cộng đồng với số phận anh em họ Đoàn rất nóng, từng buổi một, từng ngày một, từng chi tiết một.
      Đến giờ, qua hai ngày xét xử các quan phạm tội trong vụ cưỡng chế đầm Vươn, gọi nôm là vụ Vươn 2, thì không khí chùng xuống đến ngạc nhiên: Báo chí đưa tin một cách trể nãi và đơn điệu, công chúng thì chẳng mấy ngó ngàng gì đến, trên mạng xã hội hình như cũng quên… Nói theo ngôn ngữ sân khấu hồi kịch Vươn 1 viết khá, đạo khá, âm thanh, tiếng động, nhạc khá, cuốn, hấp dẫn, nhưng đến hồi kịch Vươn 2, nhạt hẳn, đuối, chán, chẳng bõ xem.
      Vì sao nhạt?
      Nhạt 1: Vì sai kịch. Vấn đề kịch ở Vươn 2 hoàn toàn không chỉ là cái nhà hai tầng (lúc xảy ra nhiều bác quan cứ đau đáu ghi vào tim mình cái chữ lều cơ). Cái nhà ấy chỉ là một trong nhiều thứ thiệt hai mà gia đình họ Đoàn đã cay đắng gặt hái phải vụ cưỡng chế trái pháp luật. Hàng mấy năm đi khiếu nại, rồi xử, rồi khiếu nại, thậm chí còn bị tòa lừa, là ngần ấy thời gian gia đình họ Đoàn thấp thỏm, không dám đầu tư, không dám làm ăn lớn, cò cưa sinh sống vậy qua ngày qua tháng để đợi kết quả khiếu nại. Và tới khi một lệnh cưỡng chế sai bét tung ra, cộng tất tần tật thiệt hại thì nói như anh Vươn phát biểu trước tòa là không thể biết đã thiệt hại bao nhiêu tỉ, chứ không hẳn là con số mấy trăm triệu được tòa công bố. Kịch sai nên nhạt. Người ta chăm chú vào việc xử việc bắn chết một con chim và đền một con chim mà không thèm tính đến, vì phát súng bắn chết con chim đó mà cả đàn chim ngàn con bay mất. Khi xem kịch, khán giả thấy kịch sai thì chán, ngáp, bỏ về, nói chuyện, hoặc ngủ, thì vụ án này cũng thế, nhận định thiệt hại chưa tới nơi tới chốn, chưa tổng quát, chưa chính xác thì còn gì để xem? Nếu đặt lên bàn cân công lý phép cộng của những thiệt hại sau mấy năm chính quyền gây khó cho dân, ngáng trở dân, dọa dẫm dân, thì tội của mấy quan kia cộng lại sẽ là bao nhiêu năm tù cho xứng, và đó không còn là tội “ hủy hoại tài sản” nữa.
      ...
      Kịch sai thì không thành tác phẩm.
      Nếu cứ xử sai kiểu này bất thành tòa.
      Bất thành tòa thì bất thành công lý.
      Rứa thôi.
      NGUYỄN QUANG VINH
      (Click tiêu đề xem toàn bài)

      Xóa
    4. Sau ba ngày xét xử, sáng nay 10-4, HĐXX vụ án phá nhà anh em ông Đoàn Văn Vươn (xã Vinh Quang, huyện Tiên Lãng, Hải Phòng) đã tuyên án các bị cáo.

      Theo đó, bị cáo Lê Văn Hiền (nguyên phó bí thư huyện ủy - chủ tịch UBND huyện Tiên Lãng) bị phạt 15 tháng tù nhưng cho hưởng án treo về tội “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.

      Bị cáo Nguyễn Văn Khanh (nguyên phó chủ tịch UBND huyện Tiên Lãng) bị phạt 30 tháng tù giam về tội “hủy hoại tài sản”.

      Cùng về tội hủy hoại tài sản, các bị cáo Phạm Xuân Hoa (nguyên trưởng Phòng TN-MT huyện Tiên Lãng) và Lê Thanh Liêm (nguyên chủ tịch UBND xã Vinh Quang) bị phạt 24 tháng tù nhưng cho hưởng án treo. Bị cáo Phạm Đăng Hoan (nguyên bí thư Đảng ủy xã Vinh Quang) bị phạt 15 tháng tù nhưng cho hưởng án treo.

      Xóa
    5. - Lọt hết bọn chủ mưu rồi. Công lý bị treo cổ.
      - Hai phiên tòa, cũng như nhiều phiên tòa khác, phản ánh đúng bản chất "ưu việt" của chế độ ta do Đảng cộng sản Việt Nam quang vinh lãnh đạo: Cứ làm đúng chỉ đạo của Đảng thì có giết người cũng... không sao!
      - Không biết đảng viên mà bị án treo thế này không biết có tranh cử để làm đầy tớ nhân dân được không? nếu không được làm đầy tớ nhân dân mà cho về nhà đuổi gà thì bôi bác địa phương lắm lắm. nếu lập công ty riêng đi buôn e rằng giang hồ không phục, nếu buôn bán với các đồng chí đảng viên trung kiên (được phép làm giầu) thì chỉ sợ các đồng chí ấy sợ liên luỵ, các đồng chí ấy chỉ chơi với những ai chưa bị lộ thôi.
      - Không còn gì để nói về sự trâng tráo, trắng trợn, bỉ ổi của bọn cướp ngày này nữa, thật khốn kiếp!!! Phá nhà, cướp đất, cướp của, hôi của... dẫn người ta đến bước đường cùng buộc phải phòng vệ mà xử người ta tội "Giết người", còn mình thì chỉ vì mỗi cái "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng"(???) Vậy còn gì để nói về lũ mặt người dạ thú này nữa, nhưng yên tâm đi gieo nhân nào gặt quả ấy, TRỜI SẼ KHÔNG DUNG VÀ ĐẤT CŨNG KHÔNG THA những loại người này đâu (!!!)
      - Xử thế thì "oan" và "nặng" cho quan huyện quá! Không tin nổi pháp luật này?!
      - Một trò hề nhạt toẹt. Đúng là khốn nạn. Chờ xem Mĩ sẽ đưa ra trong nay mai vấn đề nhân quyền ở VN - ti toe đòi vào hội nhân quyền thế giới mà lại đi đàn áp nhân quyền trong nước với đồng bào mình?
      - Xử đểu... vô tư!
      - Chà chà, nghiêm minh quá, nghiêm minh quá. Không biết trong tòa có đoạn đối đáp "chim khoét, chuột đào" không nhỉ?
      - Kết luận và bản án của phiên tòa lần này, sao nghe giống định nghĩa của nhà thơ Thanh Tịnh quá vậy? Nhà thơ xứ Huế Thanh Tịnh định nghĩa về cái rắm như sau: "RẮM" là tiếng nói của hậu môn, là hương vị của... đầu tôm đuôi cá. Nghe thối inh cả làng.
      - Nhìn, nghe, thấy thì đã biết chế độ này đi đâu về đâu rồi!
      - Án treo có nghĩa các lão này sau này sẽ còn được "treo" cao hơn nữa, có khi còn "treo" lên tận trung ương chứ chả bỡn.
      - Thế này bọn cán bộ xấu lại càng lộng hành! Chết dân lành rồi!!!
      - Phiên tòa này chỉ cần 10 phút thôi: Tuyên án luôn, khỏi "Cáo trạng", tranh tụng làm gì. Mà chả cần đến trụ sở tòa án, thông báo bằng "Nghị quyết" của Đảng là toàn dân "Nhất trí" ngay mà. "Tinh hoa trí tuệ của nhân loại" chỉ có ĐÚNG TUYỆT ĐỐI! Nếu ai nghi nghờ thì đó là... "thoái hóa"!
      - Từ một trận đánh đẹp đến một phiên tòa xử đẹp.
      - Biết trước là treo rồi. Các quan chức thì án treo. Cái dây treo án thành cái dây treo cổ anh em nhà họ Đoàn. cái chế độ tam quyền phân công. Phân công tên ra lệnh không xuất đầu lộ diện, tên cầm loa là thằng mõ và tên thứ ba đánh là thằng côn đồ!
      - Không còn gì để tin tưởng ở chính quyền!
      - Người ta nay đang phân vân rằng: Thực ra, chế độ phong kiến là tốt đẹp.
      - Một hệ thống khốn nạn tận cùng! Họ chỉ biết kết bè nhóm, cướp của, hiếp người, bao che nhau. Người dân chúng ta, mỗi người - mỗi cách, cùng nhau truy nã bọn quan tham, cùng nhau triệt tiêu hệ thống bất nhân này.
      - Theo dõi vụ án này tức không chịu được. Cho tôi nói một câu "Bắn chết mẹ chúng nó hết đi!"
      - Những phiên toà như ẻ.Quá xấu hổ!!!!
      (Trích từ Blog Tễu)

      Xóa
  9. Hôm nay, 29/7/2013, phiên tòa phúc thẩm liên quan đến gia đình anh Đoàn Văn Vươn diễn ra tại trụ sở tòa án nhân dân TP. Hải Phòng. Theo dự kiến, phiên phúc thẩm sẽ diễn ra trong 3 ngày, từ 29 đến 31/7/2013.

    Sáu người trong gia đình anh Vươn cùng bị truy tố tội danh “Giết người” và “chống người thi hành công vụ” sau vụ nổ súng chống cướp đất chấn động dư luận ngày 5 tháng 1 năm 2012.

    Phiên tòa này giống như món “kê cân” của Tào Tháo năm xưa. Kê cân” nghĩa là gân gà, ăn không có vị gì, mà bỏ thì tiếc. Tình thế vụ án này giống như “kê cân” của Tào Tháo, tiến thoái lưỡng nan.

    Không phạt nặng mấy anh em Đoàn Văn Vươn bắn súng hoa cải vào chính quyền thì sợ dân nơi khác noi theo làm loạn. Tha bổng thì xấu hổ như Tào Tháo lui quân. Đã bắt thì nhất định phải có tội.

    Phạt nặng cũng không được, vì chính quyền huyện Tiên Lãng cưỡng chế sai luật, Sai của chính quyền địa phương kéo theo việc làm sai của anh em Đoàn Văn Vươn.

    Món kê cân đã được quan trên cố nuốt. Trong phiên tòa sơ thẩm, tòa đã tuyên 5 năm tù giam đối với anh em Đoàn Văn Vươn, Đoàn Văn Quý. Một số người trong gia đình cũng bị án từ 3 năm đến tù treo.

    Xử án như hề ngay sau đó liên quan đến 5 cựu quan chức cấp huyện/xã. Tội danh bao gồm “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” và “hủy hoại tài sản”.

    Ai cũng biết, việc cưỡng chế ở Tiên Lãng được chính Thủ tướng Dũng thừa nhận “Chính quyền sai hoàn toàn” nhưng trong cả hai phiên tòa đều không nhắc đến chính quyền sai ở chỗ nào, vì sao lại có cuộc cưỡng chế này.

    Đây là “sai không chính chủ”, vì chẳng có ai trong chính quyền sai. Ông Khanh là người chống lại duy nhất thì ngồi tù. Đại tá Ca, người chỉ huy “trận đánh ghi thành sách” trong vụ chiếm đất ở Tiên Lãng động trời, nay vừa lên lon thiếu tướng.

    Món “kê cân” nay lại đưa ra nấu cháo lại. Tuy nhiên, lẽ phải đang thuộc về kẻ mạnh. Khó mà có tin gì vui từ trụ sở tòa án Tp Hải Phòng.

    Lâu lâu rồi, Bộ GTVT đưa ra Nghị định 71, ôtô không sang tên đổi chủ sẽ bị phạt từ 6-10 triệu đồng; riêng môtô, xe máy bị phạt từ 800.000 đến 1.200.000 đồng. Nghe nói, nghị định “phạt không chính chủ” này đang bị phế bỏ vì không thực hiện nổi.

    Khi người ta cố tình không muốn tìm đến tận cùng của sự thật, ai là thủ phạm chính trong vụ án động trời ở Tiên Lãng, thì việc kẻ yếu thế, dù đúng, đi tù thay cho kẻ mạnh, dù sai lè, vẫn thăng quan, tiến chức là chuyện bình thường ở một xã hội mà tòa án chưa phải là chuẩn mực công minh.

    Một khi hành pháp không độc lập và giới luật sư chưa có tiếng nói thật sự của mình, thì phiên tòa phúc thẩm Đoàn Văn Vươn sẽ tiếp tục xử theo chiều hướng “không chính chủ”, lần này cũng vậy, các vị quan trên thà nuốt chửng món “kê cân” còn hơn nhận lỗi.
    HIỆU MINH

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Hai ngày xử phúc thẩm kết thúc về vụ việc gia đình ông Đoàn Văn Vươn, những người phải cho nổ súng và bình ga nhằm tạo tiếng vang trước biện pháp cưỡng chế bất công của cơ quan chức năng huyện Tiên Lãng, Hải phòng. Tuy nhiên dư luận vẫn không yên về tình trạng bất công cũng như những bản án không công minh như thế.
      Thông báo ban đầu của tòa phúc thẩm cho biết phiên xử theo đơn kháng cáo bản án sơ thẩm của gia đình ông Đoàn Văn Vươn do thẩm phán Nguyễn Vinh Quang chủ tọa sẽ kéo dài trong ba ngày từ ngày 29 đến ngày 31 tháng 7.
      Thế nhưng đến chiều ngày 30 hội đồng xét xử đã tuyên án. Theo đó giữ nguyên y án sơ thẩm 5 năm tù đối với hai ông Đoàn Văn Vươn, Đoàn Văn Quý về tội danh giết người; cũng như 18 tháng tù treo đối với bà Phạm thị Báu- vợ ông Quý và 15 tháng tù treo đối với bà Nguyễn thị Thương- vợ ông Vươn về tội danh chống người thi hành công vụ.
      Hai người được giảm án là ông Đoàn Văn Sịnh từ 3 năm 6 tháng tù còn 2 năm 9 tháng và anh Đoàn Văn Vệ từ 2 năm xuống 19 tháng tù.
      Trong phiên phúc thẩm các luật sư đã đưa ra nhiều điểm và yêu cầu được tranh luận với Viện Kiểm sát, thế nhưng những điểm được xem là cốt lõi của vụ án như động cơ phải nổ súng và bình gas, việc cố ý cưỡng chế nhầm ngoài khu đất 19,3 héc ta; rồi kết luận giám định thiếu cơ sở khoa học… mà các luật sư bào chữa đưa ra không được công khai tranh cãi tại tòa.
      Ông Vũ Văn Luân, tổng thư ký Liên chi hội Nuôi trồng thủy sản Nước Lợ huyện Tiên Lãng, người theo dõi sát sao vụ việc lâu nay bày tỏ phản ứng của ông:
      Thực chất đến như thế này người ta không còn niềm tin gì nữa bởi vì Tòa án Tối cao, Viện Kiểm sát tối cao là tiếng nói của quốc hội, của nhà nước rồi được chủ tịch nước phê chuẩn. Các thẩm phán tòa án tối cao phê chuẩn các công tố viên của Viện kiểm sát nhân dân tối cao. Chúng tôi nhận định rằng án này là án bỏ túi, án chỉ định.
      Đến giờ phút này tôi cũng muốn nói và nhắc lại không còn gì lòng tin nữa. Nói như lời bà Ngô Bá Thành ‘ở Việt Nam có cả một rừng luật, nhưng cuối cùng người ta xử bằng luật rừng chứ không xử bằng luật pháp’.
      Điều mà chúng tôi được thông tin ‘lớn nhất’ là tại tòa gia đình ông Vươn đã phẩn uất lên chửi cả tòa án tối cao mà không ai nói gì. Điều đó cho thấy kể cả thẩm phán tòa án tối cao, kiểm soát viên tòa án tối cao và cả công an ở phòng xử án đều đồng thuận phẩn uất của gia đình ông Vươn. Người ta đồng ý đó là một bản án bất công với gia đình ông Đoàn Văn Vươn.
      Chúng tôi rất đồng tình với luật sư đã nói đúng và trúng bản chất của vụ việc. Một thành công nữa là ông Vươn, ông Quý và gia đình đã không chấp nhận bản án, người ta không chịu khuất phục. Đó là một thất bại lớn nhất của ngành tư pháp Việt Nam, đặc biệt Tòa án Tối cao, Viện Kiểm sát Tối cao trong việc này.
      (Click tiêu đề xem toàn bài)

      Xóa

Best Blogger TipsBest Blogger Tips