Thứ Hai, 29 tháng 4, 2013

30 tháng 4/2051

ALAN PHAN
Thân tặng tác giả "Bên Thắng Cuộc"

Ánh sáng đầu ngày còn yếu ớt trên biển vắng lạnh và im sóng. Những con chim hải âu chưa thức giấc, chỉ một vài con dã tràng lăng xăng trên bãi cát vàng. Tôi và những con dã tràng: luôn luôn bận rộn suốt 38 năm qua và trước đó; nhưng thiên nhiên và tháng ngày tiếp nối theo nhau, không quan tâm gì đến những hạt cát chúng tôi xây đắp.

Lướt qua một bài viết trên BBC, giật mình vì lời tuyên bố của ngài Nguyễn Đình Tấn, giám đốc Học Viện Chính Trị Xã Hội của Hà Nội… rằng đảng Cộng Sản Việt Nam sẽ lãnh đạo xứ này trong nhiều thập kỷ sắp đến vì không có đảng đối lập. Hơn nữa, sau 68 năm từ ngày chiếm chánh quyền vào 1945, đảng đã thu nạp được 4-5 triệu thành viên, cùng chục triệu thành đoàn, cộng với (?) thân nhân gia đình. Quan trọng hơn hết, đảng đang kiểm soát toàn bộ máy công an và quân đội. Phần lớn các nhà phân tích chính trị trong và ngoài nước đồng ý với nhận định này.
38 năm nữa… Wow. Lúc này, chắc chắn là mộ của tôi đã xanh cỏ và hồn của tôi chắc đang phiêu lãng qua những thế giới không còn nghịch lý. Những đứa con trai tôi chắc đã về hưu, không biết quỹ An Sinh Xã Hội của Mỹ có còn tiền hay đã khánh tận? Tích cực hơn, có thể chúng nó đang ở mặt trăng, tạo lập một tổ ấm mới cho gia đình và nhờ những phát minh sinh hóa học, có thể giúp chúng làm ăn vui chơi và sống đến 200 tuổi.
Cũng mừng cháu hỉ, đảng ta chỉ còn lãnh đạo nhiều thập kỷ nữa thôi
Thế giới không biết biến đổi ra sao 38 năm nữa? Trung Quốc có thực hiện được mộng vương bá của giòng giống Hán hay vẫn chỉ nhận được triều cống của vài láng giềng hữu hảo? Ông Kim Ủn Ỉn của Bắc Triều Tiên vẫn còn bắt dân ăn cỏ hay đã theo cha về chầu Mác Lê? Âu Châu có lẽ đã tan vỡ và đồng mark của Đức là ngoại tệ hiếm quý hơn cả đồng franc của Thụy Sĩ? Hậu thân của KGB Nga có kiểm soát được các phe nhóm xã hội đen trên thế giới sau cuộc chạm trán với Tam Hoàng của Tàu?
Rồi đây các cháu cũng sẽ được đảng mời góp ý HP
Quay lại chính trị Việt Nam, theo như ngài Tấn, 14 “đỉnh cao” vẫn phán định mọi hướng đi cho dân tộc theo sát tư tưởng Mao Trạch Đông/Hồ Chí Minh (Bác Hồ ta đó chính là Bác Mao, thơ Tố Hữu). Năm 2051 này, chắc đảng đã tự phê “quyết liệt” và đang hỏi ý kiến dân về hiến pháp mới?
Bắt kịp Thái Lan, đời các cháu sẽ bớt khổ - tin không thì bảo?
Về kinh tế, thu nhập của người dân chúng ta trong 2050 vừa bắt kịp con số của Thái Lan năm 2012. Không có gì để hãnh diện, nhưng ít nhất, một tầng lớp trung lưu vừa xuất hiện và Việt Nam vẫn xếp hàng đầu về chỉ số hạnh phúc. Các doanh nghiệp nhà nước đã phát triển mạnh và hiện chiếm 80% nguồn lực tài chánh (dù chỉ đóng góp 40% vào GDP của quốc gia). 60% tài sản vẫn nằm trong tay 5% dân số. Năm 2051, để kỷ niệm ngày 30/4, các lãnh đạo đã tề tựu để khánh thánh hệ thống xe điện ngầm đầu tiên nối trung tâm Saigon với Suối Tiên và các tỉnh lân cận. Nợ công đã lên đến 300% GDP, nhưng đây là vấn đề của IMF và ASEAN. Cà phê, quán nhậu và tiệm massage vẫn dẫn đầu trong các ngành kỹ nghệ trọng yếu.
Về văn hóa xã hội, ước muốn tuyệt nhất của thiếu nữ Việt là lấy chồng Hàn Quốc hay Trung Quốc; tham vọng lớn nhất của trai Việt là làm nhân viên Hải Quan hay Cảnh Sát Giao Thông.
Bia rượu thuốc lá và điện thoại xịn vẫn là những thứ phải có của đại đa số. Trong khi đó, ô nhiễm, trộm cướp và vào bệnh viện… là ba mối lo hàng đầu. Giá BĐS vẫn bằng 50 lần thu nhập trung bình của dân, nên đa số dân thành thị vẫn được ở trong hẽm với những căn nhà hộp quẹt trong các “khu phố văn hóa”. Nhưng vài khu biệt lập kiểu Rublevka ở Moscow với giá tối thiểu 10 triệu đô la một biệt thự bán chạy như tôm tươi (các trẻ em mới lớn thời này chắc không biết chữ “tôm tươi” hay bất cứ thứ gì tươi, vì các cháu đã quen với thực phẩm pha chế từ Trung Quốc).
Ở một góc nhìn tích cực khác, chúng ta giờ có đến hơn 1 triệu Tiến Sĩ (nhiều hơn cả Mỹ), vài chục ngàn chiếc siêu xe và vài trăm ngàn người mẫu/ca sĩ/diễn viên. Năm 2051 cũng đánh dấu một móc quan trọng cho dân trí: chánh phủ đã dẹp tan các blog lề trái trên mạng và người dân không còn bị cám dỗ bởi các thế lực thù địch. Tờ báo Nhân Dân trở thành nhật báo/tuần báo duy nhất tại Việt nam. Nhân dịp lễ, dân chúng vẫn được VTV cho xem lại hai phim truyền kỳ của nhân loại, “Chiến thắng Điện Biên” và “Chiến thắng Mỹ Ngụy”.
Nhìn về tương lai theo kịch bản của ngài Tấn, tôi thấy yên tâm về sự ổn định của quê hương. Giữa những biến đổi quay cuồng đến chóng mặt của thế giới, những người Việt tha hương có thể tìm thấy ở Việt Nam những hình ảnh tuyệt vời của 150 năm về trước. Cây đa vẫn cao ngất từng xanh, các chú bé mục đồng vẫn chạy theo đàn bò và các nhà làm phim vẫn dùng Việt Nam làm bối cảnh cho lịch sử thế kỷ 19.
Những người trăm năm cũ, Hồn ở đâu bây giờ? (Thơ Nguyễn Đình Liên)
Quên, khắp nước, khu phố nào cũng có một đền thờ để toàn dân “lên đồng”, “sống chung hòa bình” với tổ tiên.

14 nhận xét:

  1. Hầu hết người dân Việt Nam đều biết sự kiện 30.4.1975. Người ta biết có ngày ấy, còn ý nghĩa như thế nào thì không phải mọi người chung dòng suy nghĩ. Có cần tranh luận hay không, càng không nên áp đặt hoặc chụp mũ. Đừng tìm hiểu đâu xa, cứ hỏi các thành viên trong gia đình sẽ biết, nhất là những người chuẩn bị làm chủ tương lai đất nước.

    Dĩ nhiên sự kiện 30.4 sẽ mãi mãi lưu lại trong lịch sử Việt Nam.

    Ngày 30.4.1975 còn có một sự việc trở thành nỗi buồn muôn thuở: đánh tráo sự thật lịch sử. Chiếc xe tăng đầu tiên của quân giải phóng tiến vào dinh Độc lập, sau nhiều năm công bố trên phương tiện truyền thông, hóa ra chỉ là dàn dựng để quay phim chụp ảnh. Sự thật đã bị đánh tráo.
    Sự việc chiếc xe tăng đầu tiên húc đổ cánh cổng và tiến vào dinh Độc lập là hoàn toàn có thật. Có 2 chiếc xe tăng làm cái việc ấy vào 2 thời điểm khác nhau. Chiếc xe tăng công bố trên phương tiện truyền thông chính thống trước đây chỉ là dàn dựng để quay phim chụp ảnh sau khi sự kiện ấy đã đi qua. Trước đó, tại thời điểm lịch sử chỉ có một không hai, chiếc xe tăng thứ nhất gắn liền sự thật lịch sử.

    Hàng chục năm, khi chưa bị phát giác, dư luận xã hội, thậm chí kể cả người trong cuộc, cứ đinh ninh sự việc ấy, gắn liền với chiếc xe tăng ấy là sự thật lịch sử.

    Cứ thế, mãi đến khi một nhà báo nước ngoài đưa ra bức ảnh gốc, công bố sự thật lịch sử về chiếc xe tăng đầu tiên tiến vào dinh Độc lập. Đến lúc đó, trước chứng cứ không thể chối cãi, sự thật lịch sử mới được trả lại đúng giá trị của nó.

    Dàn dựng để quay phim,chụp ảnh là thủ thuật của nghề báo chí. Dàn dựng nhưng không sai sự thật, thậm chí có thể làm cho sự thật hấp dẫn hơn. Cũng có thứ dàn dựng để đánh tráo sự thật, dùng cái giả dối thay cho sự thật lịch sử, xuyên tạc sự thật. Bản chất của dàn dựng không phụ thuộc kỹ thuật, hoàn toàn bị chi phối bởi động cơ, quan điểm.

    Chỉ vì sự dàn dựng với động cơ sai trái, sự thật lịch sử bị xuyên tạc, dư luận xã hội bị đánh lừa trong hàng chục năm. Chiếc xe tăng đầu tiên tiến vào dinh Độc lập, gắn liền lịch sử có một không hai lại bị phủ nhận, sự thật được thay bằng sự ngụy tạo. Sự trớ trêu của lịch sử là do con người tạo ra. Chiếc xe tăng là vật vô tri vô giác, nó không có lỗi gì cả. Đáng buồn, đáng chê trách là ở những người ngồi trên chiếc xe tăng dàn dựng ấy. Không phải công của mình thì ôm lấy làm gì để mắc nợ cả đời. Đến khi sự thật lịch sử được làm sáng tỏ, thì thanh minh đã quá muộn, mọi cách giải thích đều là ngụy biện.

    Thủ thuật đánh tráo sự thật đã bị lật tẩy. Sự thật lịch sử trở về đúng giá trị của nó. Dư luận xã hội không còn bị đánh lừa. Cảm ơn nhà báo nước ngoài (không thuộc phe nào) đã dùng sự thật bác bỏ, tẩy trừ sự giả dối.

    Tác giả bức ảnh chiếc xe tăng đầu tiên tiến vào dinh Độc lập để lại cho báo chí bài học quý giá. Sự thật là cái đích vươn tới trọn đời của nhà báo. Không tạo ra lịch sử nhưng nhà báo biết dùng sự thật để chống lại những kẻ xuyên tạc lịch sử.

    Ngày 30.4.1975 là sự kiện lịch sử đáng nhớ. Vụ việc đánh tráo chiếc xe tăng đầu tiên tiến vào dinh Độc lập là nỗi buồn khó quên.
    NGUYỄN THÔNG

    Trả lờiXóa
  2. Năm 1991, khi thăm chính thức Thái Lan ông Võ Văn Kiệt nói: “Chúng tôi tự hào đã đánh thắng 3 đế quốc to”. Thủ tướng Thái Lan đáp lời: “Chúng tôi tự hào vì không phải đánh nhau với đế quốc to nào cả”.

    Chính quyền Thái Lan từng bị chỉ trích vì chính sách “ngoại giao cây tre” nhưng đổi lại người dân Thái đã tránh được bao cảnh đầu rơi, máu chảy. Không chỉ có người Thái, cho đến trước Thế chiến thứ II người Nhật cũng đã từng khôn ngoan tránh đối đầu với phương Tây. Nhật là một dân tộc thiện chiến, nhưng năm 1853, khi Đề đốc Perry đưa tàu chiến Mỹ tới Edo, người Nhật nhận ra họ đang đối diện không phải với một “mandi” mà là một đế quốc. Thay vì “tuẫn tiết”, Thiên hoàng Minh Trị, bên ngoài thì cho mở cửa giao thương, bên trong thì canh tân.Nước Nhật vừa giữ được độc lập vừa trở nên hùng mạnh.

    Tinh thần độc lập cũng vô cùng cao cả. Nhưng, như Hồ Chí Minh nói: “Nước độc lập mà dân không có tự do, hạnh phúc, thì độc lập đó cũng không có ý nghĩa”. Năm 1999, người Úc đã từng trưng cầu dân ý về việc họ có nên thay thế quan toàn quyền của Nữ Hoàng Anh bằng một chế độ cộng hòa tổng thống (độc lập) hay không, kết quả là đa số dân Úc đã nói không. Bởi, điều quan trọng nhất là hạnh phúc và tự do thì người dân đã có.

    Ngày 30-4-1975, không thể chối cãi, là ngày chiến thắng nhưng nó chỉ mới là chiến thắng của những người cộng sản. Cho dù đã sau 38 năm, theo tôi, vẫn có thể tạm gác lại chuyện đánh giá bản chất của cuộc chiến tranh. Nếu những người cộng sản tin những gì mình đã làm là cao cả thì nên chiểu theo “lời dạy của Hồ Chí Minh”, thấy cái gì dân chưa có tự do thì trả tự do cho dân, thấy cái gì dân chưa hạnh phúc thì để cho dân mưu cầu hạnh phúc.

    Cái ngày mà đảng cộng sản Việt Nam làm được điều đó xin cứ gọi là ngày giải phóng.
    HUY ĐỨC

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Danh từ “giải phóng” phải được dùng đúng nghĩa của nó như khi lực lượng Ðồng Minh tiến vào Paris ngày 26 Tháng Tám năm 1944, giải phóng phải như Huế sau 26 ngày khi người lính Việt Cộng bị truy đuổi ra khỏi thành phố. Quân đội giải phóng không phải là thứ quân đội tiến đến đâu, dân chúng bỏ làng bỏ xóm chạy đến đó.

      Quân đội giải phóng không phải là thứ quân đội cướp bóc mang của cải ùn ùn chở về Bắc, dùng súng ống để khống chế tư sản cướp tiền của và áp bức lê dân. Ngày mà “quân đội giải phóng” tiến vào Sài Gòn, 120,000 người miền Nam đã “bỏ của chạy lấy người,” ngày mà khắp nước bị vỗ tay hát theo nhau bài “Như có bác Hồ trong ngày vui đại thắng,” cả vạn người đã dắt díu nhau ra đi, chấp nhận bao gian nguy, chết chóc, vì không còn muốn thấy bản mặt của chế độ dù thêm một ngày.

      Nói như tác giả Bình Ngô Ðại Cáo: “Ðem đại nghĩa mà thắng hung tàn, lấy chí nhân mà thay cường bạo” thì bên thắng cuộc “lấy hung tàn mà thắng đại nghĩa, dùng cường bạo để thay chí nhân!” Cũng đồng nghĩa như thế chúng ta đã nghe câu nói “cái ác thắng cái thiện” của John McCain, hay “nền văn minh đã thua chế độ man rợ” của Dương Thu Hương về chuyện “thắng-thua” ngày 30 Tháng Tư 1975.

      Bên thắng cuộc đã xô đẩy bằng cách này hay cách khác ba triệu người Việt ra hải ngoại. Nếu chế độ tốt đẹp ai lại không muốn sống trên quê hương của mình. Hôm nay, cuộc vượt biển vẫn còn tiếp diễn!

      Ba mươi tám năm nay, người Việt Nam đã đặt câu hỏi “Ai giải phóng ai?” thì câu trả lời cũng sẽ làm nhẹ lòng cho những người còn ám ảnh bởi chuyện “thua hay thắng”.
      HUY PHƯƠNG

      Xóa
  3. Từ nhỏ cho đến năm mười chín tuổi, mỗi dịp 30-4 tôi thực sự vui mừng và tự hào bởi đó là ngày chiến thắng và thống nhất của đất nước. Việt Nam đã chiến thắng cường quốc số một thế giới về quân sự và kinh tế.

    Cuối năm 1989, tôi có cơ hội được sang CHDC Đức (cũ) và được chứng kiến người dân Đông Đức lật đổ chế độ cộng sản để thống nhất với chế độ tư bản, dân chủ ở Tây Đức. Tôi lại có dịp may mắn được sang Tây Berlin để xem cuộc sống sung túc và tự do của chế độ tư bản, dân chủ. Và tôi hiểu tại sao người dân Đông Đức đã không cam chịu sống dưới sự cai trị độc đoán, phi lý, lạc hậu của chế độ cộng sản.

    Cùng thời điểm đó, tất cả người dân các nước Đông Âu đã vùng lên đập tan sự cai trị của các chế độ cộng sản. Và họ đã xây dựng lại từ đầu chế độ tư bản, dân chủ. Cho đến nay, tất cả các nước Đông Âu, người dân đều có cuộc sống sung túc và hạnh phúc trong một chế độ chính trị tự do và dân chủ mà không có sự cai trị của chế độ cộng sản.

    Hoài nghi, nuối tiếc
    Cuối năm 1990, tôi trở lại Việt Nam, kể từ đó cứ mỗi dịp 30-4, tôi không còn cảm xúc vui mừng, mà thay vào đó là sự hoài nghi và nuối tiếc.

    Năm 2001 và 2003, tôi có dịp được sang thăm Hàn Quốc và thấy đó là một quốc gia hùng mạnh về kinh tế và quân sự. Ở đó không bao giờ có sự hiện diện và tồn tại của đảng cộng sản. Trong khi đó, Bắc Triều Tiên dưới sự cai trị độc đoán và tàn bạo của chế độ cộng sản. Mỗi năm có cả trăm ngàn người chết đói mặc dù họ đã nhận được sự giúp đỡ to lớn từ Hàn Quốc và cộng đồng quốc tế. Tôi cảm thấy buồn và nối tiếc cho chế độ Việt Nam Cộng Hòa.

    Nhìn lại Việt Nam chúng ta, sau ngày 30-4-1975, trong chế độ quan liêu bao cấp, ngăn sông cấm chợ, nhân dân phải chịu đói khổ, lầm than. Khi tiến hành công cuộc đổi mới, kinh tế có phát triển, đời sống người dân khấm khá hơn, đủ ăn, đủ mặc, có được phương tiện sinh hoạt và đi lại hiện đại. Nhưng tham nhũng đã trở thành quốc nạn, thành giặc nội xâm của dân tộc. Sự suy thoái đạo đức và lối sống diễn ra một cách toàn diện, trên mọi phương diện của đời sống xã hội từ giáo dục, y tế, ngành tư pháp, cơ quan hành chính,... và trên mọi cấp độ từ trung ương đến địa phương.

    Nhiều người trong chúng ta đã từng chứng kiến cảnh doanh nghiệp, quan chức chính quyền, các lực lượng vũ trang và xã hội đen hợp sức với nhau để cưỡng chế người nông dân lấy đi tư liệu sản xuất quan trọng nhất của họ là ruộng đất. Biết bao người dân vô tội khi bước vào đồn công an thì khỏe mạnh, nhưng chỉ ít giờ sau, họ chỉ còn là một cái xác không hồn. Và còn biết bao nhiêu những người dũng cảm đứng lên đấu tranh đòi quyền tự do, dân chủ đã bị sách nhiễu, đánh đập, và bị cầm tù. Thật sự đau lòng và xót xa.

    Giờ đây, mọi người lại hỏi tôi “anh nghĩ và có cảm xúc như thế nào về ngày 30-4?”
    Tôi trả lời: Một chế độ dân chủ và văn minh đã thua một chế độ độc đảng toàn trị và lạc hậu. Cái ác đã chiến thắng. Còn cảm xúc thì buồn và nuối tiếc cho chế độ Việt Nam Cộng Hòa, bởi tôi và rất nhiều người đều cho rằng nếu ngày 30-4-1975, bên chiến thắng là Việt Nam Cộng Hòa thì giờ đây trong khu vực châu Á, Việt Nam có thể chỉ thua duy nhất Nhật Bản về kinh tế, còn chắc chắn sẽ ngang bằng hoặc hơn Hàn Quốc về cả kinh tế và quân sự.
    LS NGUYỄN VĂN ĐÀI

    Trả lờiXóa
  4. 38 năm sau ngày hân hoan mừng chiến thắng và ở trên đỉnh cao của sự kiêu ngạo, giờ đây, những gì người ta có thể nhận thấy ở nhà nước Cộng Sản Việt Nam là sự hoang mang, bế tắc, khủng hoảng về mọi mặt.

    Ðối ngoại, hèn nhát, bất lực trước âm mưu bành trướng bá quyền xâm lược Việt Nam ngày càng lộ rõ của Trung Quốc. Ðối nội, bế tắc, bất lực trong điều hành quản lý về kinh tế, xã hội, trong cuộc chiến chống tham nhũng, chỉnh đốn đảng, kể cả những cuộc tranh giành đấu đá nhau giữa các phe phái để giành ghế.

    Sự lúng túng, mất phương hướng còn thể hiện qua hàng loạt động thái giả như kêu gọi sửa đổi Hiến pháp, đổi tên nước, trong khi vẫn ra sức đàn áp, ngăn chặn mọi tiếng nói đối lập, mọi sự thay đổi theo chiều hướng dân chủ hóa trong xã hội.

    Ðối với “bên thua cuộc” và cả nhân dân Việt Nam, nếu như sau 38 năm, đảng cộng sản đã thành công trong việc đưa đất nước trở thành một quốc gia hùng cường, độc lập về chính trị, bảo vệ toàn vẹn toàn lãnh thổ lãnh hải, đem lại cuộc sống tự do, no ấm, công bằng cho nhân dân... Có lẽ nỗi đau về sự thua cuộc và cái giá quá lớn phải trả cho cuộc chiến sẽ qua đi.

    Ngược lại, cuộc chiến tranh sẽ tiếp tục còn là nỗi ám ảnh khi Việt Nam vẫn còn là một đất nước nghèo nàn, lạc hậu, khi nhân dân Việt Nam chưa thật sự được hưởng quyền tự do, dân chủ, sự bình an trong đời sống.
    SONG CHI

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. 38 năm, giang sơn đã thu về một mối, nhung lòng người vẫn chia đôi. Sự phân chia này một phần do mặc cảm xã hội ăn sâu trong lòng người “bên này, nên kia”. Nhưng phải nới thẳng rằng, 38 năm qua , Nhà nước cầm quyền đã không có được một chính sách xã hội thích đáng để hàn gắn vết thương lòng của dân tộc, tạo nên sự hòa hợp, hòa giải dân tộc, mà nhiều khi còn làm cho tình trạng bất hòa tăng lên. Tôi cứ nghĩ, nếu cứ tiếp tục quản lý đất nước theo ý thức hệ “địch – ta” như thế này thì đến trăm năm nữa người Việt cũng không hòa giải dân tộc được. Phải có cái tâm , cái tầm lớn mới tạo ra được một Nhà nước của 65 triệu dân Việt Nam, chứ như bây giờ mới chỉ là NHÀ NƯỚC CỦA MỘT NỬA.
      NGÔ MINH

      Xóa
  5. Ngày 30/4/75 mở đầu cho những đợt học tập cải tạo rộng lớn, đều khắp trên cả nước. Đó là những trại giam khổng lồ, là những trung tâm thù hận, là chốn lưu đày của những người Việt Nam được gọi là “ngụy quân, ngụy quyền”. Tiếp theo là phong trào vượt biên của hàng triệu người chạy trốn khỏi Việt Nam bằng đường biển. Bị bắt, bị tù, bị tống tiền, bị hải tặc trấn lột, cưỡng hiếp, rồi nào là bão tố, biển động, tan xác trên biển, vùi thây trong bụng cá.

    Trên đất liền thì đưa dân thành phố đi kinh tế mới, cải tạo công thương nghiệp, đánh tư sản, đổi tiền. Tiếp đến là Pol Pot tràn qua biên giới Tây Nam giết người cướp của, xác chết người Việt Nam bị vứt xuống sông, nghẽn cả dòng chảy. Kế đến là chiến tranh biên giới phía Bắc vì Đặng Tiểu Bình muốn “dạy cho Việt Nam một bài học”.

    Những trận đánh ấy vô cùng ác liệt, thương vong bởi bom mìn (nhất là mìn) lớn đến nỗi có người nói tổng số sĩ quan từ cấp úy trở lên đã chết trong hai cuộc chiến này không thua kém cuộc chiến tranh chống Mỹ.

    Trên các mặt trận văn học, nghệ thuật, âm nhạc… cũng đã diễn ra những cuộc chiến tranh âm ỉ nhưng không kém phần gay cấn (mời đọc Hồi Ký của nhạc sĩ Tô Hải, hồi ký Đi Tìm Cái Tôi Đã Mất của Nguyễn Khải…).

    Lắng dịu được ít lâu thì Liên Xô và Đông Âu sụp đổ, ông vua “đổi mới” Nguyễn Văn Linh xoay 180 độ. Việt Nam ôm chầm lấy Trung Quốc hun chùn chụt.

    Tuy nhiên, nhờ “đổi mới tư duy” nhờ “kinh tế thị trường” Việt Nam bắt đầu biết làm ăn, biết bắt tay kinh doanh cùng tư bản.

    Thế là lại đẻ ra cuộc chiến tranh mới: vay vốn WB, vốn IMF, vốn ODA… rồi bán tài nguyên thiên nhiên, vừa trả nợ vừa chia chác, đẻ ra nạn tham nhũng, tràn lan như cỏ trên thảo nguyên.

    Từ đó mọc ra những tư sản đỏ.

    Tư sản ngoại bang giao cấu với tư sản đỏ đẻ ra chiến tranh giành đất đai, cưỡng đoạt đất dân nghèo để bán cho các nhà đầu tư, các nhà tài phiệt khổng lồ.

    Chiến tranh giành đất dân nghèo đã nổ ra khắp cả nước. Đó là trận Mậu Thân của thời đại mới. Một cuộc tổng tiến công và nổi dậy của NÔNG DÂN Miền Nam anh hùng chống lại bọn chủ đầu tư tài phiệt nước ngoài cướp đất dưới sự hỗ trợ của chánh quyền. Trong các cuộc chiến tranh ấy không phải là không có đổ máu và người chết mặc dù người nông dân chỉ dùng gạch đá, tay không, tiếng la khóc và thậm chí tự lột quần áo mình để ngăn những người “thi hành công vụ”.

    Mãi cho tới khi Đoàn Văn Vươn xuất hiện thì mới có tiếng nổ. Tuy chỉ là những tiếng nổ của vũ khí tự chế bằng pháo hoa rất thô sơ nhưng đã gây tiếng vang rất lớn vượt ra ngoài biên giới Việt Nam. Thế mà sau khi tòa xử Đoàn Văn Vươn 5 năm tù, mặt trận Tiên Lãng lại bùng nổ.

    Ngày nào trong hiến pháp còn ghi “đất đai thuộc sở hữu toàn dân do nhà nước làm đại diện và chủ động quyết định” thì chiến tranh giành đất sẽ còn tiếp diễn dài dài.

    Đó sẽ là cuộc chiến tranh bất tận.

    Dường như tôi chưa nhắc đến cuộc chiến giữa nhà nước Việt Nam và những người đòi nhân quyền, đòi dân chủ. Các nhà tù sẽ còn mở cửa đón các tù binh chiến tranh thời đại Internet.

    Và Việt Nam sẽ không bao giờ có hòa bình.

    Vì thế tôi muốn mời tác giả Libera của Ba Lan đến Việt Nam để đi thực tế các chiến trường đang nóng bỏng trên đất nước tôi. Và để tự tay ông xé bức tranh ghép nổi tiếng của ông, vứt vào sọt rác.

    Tại sao phải làm vậy?

    Vì nếu nó không phản ánh đúng thực tế Việt Nam hiện nay thì bức tranh ấy chỉ mang ý nghĩa phỉ báng nỗi đau của các nạn nhân chiến tranh mà thôi.
    ĐÀO HIẾU

    Trả lờiXóa
  6. Không nghi ngờ gì nữa, thống nhất đất nước là khát vọng thiêng liêng của mọi người Việt Nam trong suốt chiều dài lịch sử của mình, đặc biệt ở thế kỷ 20, bất luận ở bên nào của chiến tuyến, dù trong hàng ngũ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa – Việt Cộng, hay thuộc lực lượng Việt Nam Cộng hòa chống cộng. Do đó, 30-4-1975 chắc chắn là cái tuyệt vời, cái vô cùng đẹp đẽ khi khép lại cuộc chiến thảm khốc kéo dài 20 năm không một ngày ngưng để nối liền non sông thành một dải. “Giai nhân” mà 30-4-1975 mang lại cho dân tộc Việt Nam chính là chỗ đó!

    Thế nhưng oái ăm thay, cùng một lúc với “giai nhân”, 30-4-1975 đã mang lại cho người Việt Nam trên khắp đất nước một “quái vật”: Chủ nghĩa xã hội theo học thuyết Mác-Lênin (sau đây gọi tắt là “chủ nghĩa xã hội”).

    Vậy tại sao chủ nghĩa xã hội lại là quái vật? Hỏi tức là trả lời, là vì chủ nghĩa xã hội hại nước, hại dân, hại người! Cụ thể, quái vật này hiện hình như mô tả sau đây:...
    SƠN VĂN

    Trả lờiXóa
  7. Sinh nghi ta viết một bài hành
    Vợ nghi chồng, em út nghi anh
    Cha nghi con cái, bè nghi bạn
    Thủ trưởng thì nghi hết ban ngành

    Láng giềng dòm ngó nghi hàng xóm
    Ngoài đường nghi phố chứa lưu manh
    Ngay ta khi viết bài in báo
    Cũng nghi mình kiếm chác công danh
    Trời ơi, mọi chuyện sinh nghi thiệt
    Chén kiểu thường nghi kị chén sành

    Thời buổi công hầu như chén cứt
    Thiếu chó, mèo ăn cũng rất nhanh
    Mèo ăn cho chó leo bàn độc
    Vừa sủa vừa nhai riết cũng rành
    Trẻ con khát sữa ai cho bú
    Vú mẹ gầy, sâu rúc nồi canh

    Quang Trung bỏ núi Tây Sơn xuống
    Hoảng hốt vì gương vỡ chẳng lành
    Nguyễn Du chỉ một đêm dạo phố
    Đoạn Trường ngồi viết lại Tân Thanh

    Thúy Kiều phát triển nhiều như thế
    Thảo nào đất nước hóa lầu xanh
    Nhà tù phát triển nhiều như thế
    Sĩ tử làm sao dám học hành


    Ta làm thơ mà lòng đứt ruột
    Suốt đời bao tử chạy loanh quanh
    Lãnh tụ nói: đói quên nghi kị
    Ơn ấy ngàn năm sáng sử xanh!
    BÙI CHÍ VINH

    Trả lờiXóa
  8. Có lẽ đối với chúng tôi, 30/4 giống như một ngày thống nhất về mặt địa lý chứ không còn là giải phóng đất nước.

    Quan điểm này có thể không đúng với các bạn ở miền Bắc, nhưng ở miền Nam hình như nó đang càng ngày càng rõ ràng hơn.

    Nhiều bạn trẻ đang tranh đấu cho một đất nước với những quyền căn bản của công dân: Phản biện nhà nước.

    Còn với tôi…?

    30/4 là “ngày giải phóng đất nước” ư, vậy sao người dân Việt Nam vẫn khổ thế?

    Ở trong nước hình như người dân không còn tính người trong cụm từ ‘con người’.

    Ông cưỡng hiếp cháu, nạn đánh chó tàn nhẫn lên hết các mặt báo thế giới, chồng đánh vợ tàn bạo, môi trường ô nhiễm cực độ, tắc đường không lối thoát tại các thành phố lớn, hối lộ tràn lan từ trên xuống dưới, thực phẩm bẩn ngay tại thủ đô, lòng dân oán hận từ ngay trong mỗi bữa cơm tối… là những thứ mà tôi thấy.

    Hãy là ngày bình thường

    30/4 là ngày “giải phóng đất nước” sao một bộ phận người Việt vẫn phải bươn chải tại nơi xứ người?

    Ở hải ngoại, với những nước châu Âu mà tôi đã từng học tập đặc biệt là Anh Quốc, hình như ở London người Việt nổi tiếng nhất là trồng cần sa, sau đó làm nail, và cuối cùng quán ăn. Khi nói về Việt Nam, liên tưởng của lái xe taxi Anh: Chiến tranh Việt Nam (Vietnam War).

    Một người bạn Ấn Độ của tôi kể về ấn tượng đầu tiên khi nghe hai chữ Việt Nam: “Đất nước các bạn rất nổi tiếng với món thịt chó” (đây là con vật biểu tượng của sự trung thành).

    Còn thầy giáo người Anh của tôi (từng dạy học tại Apollo, Việt Nam) thổ lộ: “Lý do tôi không muốn lập nghiệp tại Việt Nam vì tham nhũng Việt Nam quá tràn lan, không hối lộ thì không làm được việc. Mà đối với người Anh, hối hộ là phạm pháp dù anh sống ở đâu”.

    Khi tôi sang Pháp học, một anh chàng người Hoa kể: “Rất nhiều phụ nữ Việt sang miền nam Trung Quốc lấy chồng, mà những mười ông chồng lấy một bà vợ Việt”.

    Bây giờ thay lời kết, tôi nghĩ rằng có lẽ 30/4 hãy nên là một ngày bình thường như bao ngày.

    Không kèn trống, không văn nghệ, hãy để nó trôi đi như bao ngày bình dị khác. Xin các thế hệ đi trước đừng khoác lên cho nó một cái ngày “Quốc Tang” hay “Giải Phóng”. Vì thế hệ trẻ cần một sự kiến tạo chứ không phải một di sản tang thương.

    Hỡi ôi 30/4!
    Johnny Phạm

    Trả lờiXóa
  9. Ngày 30/4/1975 tôi có 3 đứa con: năm tuổi, bốn tuổi và một tuổi. Bây giờ chúng đã là những viên chức, có chỗ đứng tốt trong xã hội. Chúng có học vấn, có cuộc sống ổn định. Chúng sống bình lặng, khiêm nhường và lương thiện như mọi công dân Việt Nam khác. Nhưng không phải ai cũng sống bình thường như vậy.

    Bởi vì cũng có những đứa trẻ của ngày 30/4/75 đang sống khá đặc biệt. Đó là những người hiện nay thuộc lứa tuổi từ 50 trở xuống (tức là ở thời điểm 30/4/75 các vị ấy chỉ vừa mới cất tiếng khóc chào đời cho đến 12 tuổi), chẳng những không hề tham gia cách mạng mà thậm chí không biết cách mạng là gì, chiến tranh là gì, nhưng hiện nay họ là những ông bà quan lớn cách mạng, giàu có và đầy quyền lực.

    Họ coi chính quyền này là của riêng họ, làm như thể chính họ đẻ ra cái chính quyền này, họ là bố mẹ của dân, là ông chủ của dân. Trong hàng ngũ các bộ trưởng, thứ trưởng, giám đốc, chủ tịch tỉnh, chủ tịch quận, chủ tịch phường, xã… không ít những người thuộc thế hệ ấy (có những vị bộ trưởng chỉ mới 48 tuổi, có vị chỉ 45 tuổi, bí thư tỉnh Hà Giang 45 tuổi, phó chủ tịch Đà Nẵng 35 tuổi – con trai một ủy viên BCT – còn ở cấp quận, huyện, phường, xã… thì người trẻ vô số).

    Nói theo kiểu dân gian: họ là những người “tân gia ba” tức là mới tham gia cách mạng sau ngày ba mươi tháng Tư, nhưng họ vẫn hùng hồn tuyên bố: “Chúng ta đã đổ bao nhiêu xương máu để giành lấy chính quyền này thì không thể nào chúng ta có thể để chính quyền lọt vào tay kẻ khác”.

    Rõ ràng là họ coi chính quyền này như một chiến lợi phẩm mà – tiếc thay – họ chỉ là kẻ thừa hưởng chứ không hề tự tay mình giành lấy, đừng nói tới chuyện “đổ xương máu”.

    Họ có thể biện bạch rằng: tuy chúng tôi không đổ xương máu nhưng đó chính là xương máu của cha anh chúng tôi.

    Thật vậy sao? Vậy mà người ta cứ nghĩ rằng đó là xương máu những người thân của đám dân đen đang chui rúc trong xóm lao động kia, là con, là chồng, là cha của những người nông dân đang đổ mồ hôi và nước mắt trên những luống cày tại những làng quê nghèo khó.

    Tôi không có ý chê bai những người mới tham gia vào guồng máy chính quyền hiện nay sau ngày 30/4/75 bởi vì điều đó thật vô lý. Tôi cũng không có ý coi thường những cán bộ trẻ bởi vì họ đang đầy sức sống và năng lực, nhưng quả thật là hiện nay đang có những nhà lãnh đạo trẻ, cứ tiếp tục cái điệp khúc: “chúng ta đã hy sinh xương máu… nên không thể để chính quyền lọt vào tay người khác”… đã trở nên quá nhàm chán.

    Tôi nghĩ, thay vì cứ tự hào về cái quá khư mà họ không hề tham dự, họ nên hành động, nên suy nghĩ độc lập, biết đột phá, biết tìm con đường mới, biết mở cánh cửa tự do dân chủ, tránh vết xe đổ của lớp đàn anh vừa đi qua thì phúc cho dân tộc này biết chừng nào.
    *
    Những người từng đổ xương máu cho chính quyền này là hàng triệu chiến sĩ đã chết ngoài mặt trận, chết nơi ngục tù. Những người ấy giờ chỉ còn là cát bụi, không tài sản, không địa vị, không quyền lực và hiện nay thân nhân của họ đang sống rất nghèo khổ. Họ là những người duy nhất có quyền được tuyên bố rằng mình đã đổ xương máu cho chính quyền này, nhưng không bao giờ những mộ bia quạnh hiu nơi nghĩa trang liệt sĩ, những nấm đất vô danh nơi rừng sâu núi thẳm kia có thể thốt nên lời!

    Số còn lại thì đã già, đã về hưu, chỉ còn một số ít vẫn đang nắm quyền nhưng rồi chẳng bao lâu họ cũng sẽ xuôi tay nhắm mắt mà không biết rằng mình sẽ để lại cho đời sau những tiếng thơm hay những lời nguyền rủa.

    Đổ xương máu hay không đổ xương máu thì cũng chỉ còn lại một nước Việt buồn.
    ĐÀO HIẾU
    Tựa gốc: Những đứa trẻ của ngày 30/4/1975

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Thủa ấy, thế hệ chúng tôi thường ca cẩm đầu thai nhầm thế kỷ! Cái thế kỷ mà chúng tôi ngán ngẩm là thế kỷ hai mươi, với thế chiến thứ nhất, thế chiến thứ hai, rồi chiến tranh lạnh, chiến tranh qui ước và cuộc nội chiến lê thê suốt hai mươi năm dài.
      Kêu trong chán nản, trong hờn dỗi nhưng không tuyệt vọng. Vì còn kêu được kia mà. Chỉ có một chút tấm tức, sao không được sinh ra trong những thế kỷ yên bình. Có nghĩa rằng, dù thế nào chăng nữa, thì được sinh ra làm người vẫn hơn là không được sinh ra.
      Khác hẳn với những đứa trẻ sinh ra trong tháng tư, bảy lăm, sau chúng tôi một thế hệ. Chúng không kêu mà hỏi: sinh chúng tôi ra làm gì?
      Đó là những đứa trẻ mẹ mang đầy bụng, mẹ không thở ra hơi mà vẫn phải bết bát chạy.
      Chạy từ cầu Ái Tử qua cầu Tràng Tiền. Rồi từ cầu Tràng Tiền lê lết trèo qua đèo Hải Vân. Rồi từ đèo Hải Vân qua đèo Mẹ Bồng Con. Sau cùng đến giữa trái tim thủ đô Sài Gòn, vẫn phải giẫm đạp lên nhau để xuống bến Bạch Đằng, hay chen lấn nhau đến nghẹt thở để chui vào phi cảng Tân Sơn Nhất. Một cuộc chạy Marathon dài nhất trong lịch sử.
      Và rồi mẹ sinh. Không phải trong nhà thương Từ Dũ với sự giúp sức của các bác sĩ và cô đỡ mát tay để mẹ tròn con vuông.
      Mà sinh, có thể là lúc đang chạy trối chết, con rớt trong quần mà mẹ không hay.
      Cũng có thể là lúc mẹ mệt quá cái đôi chân này đang ngồi tựa lưng vào một bức tường lỗ chỗ dấu đạn. Rồi con lặng lẽ chui ra mà mẹ không cần phải rặn, đúng hơn là không còn hơi sức đâu mà rặn.
      Có thể trong thùng xe chất cứng người, suýt nữa con bị người ta đạp cho nát bét.
      Có thể trên con tàu mấp mé sắp chìm, người ta đang ném những xác chết và những người sắp chết xuống biển cho nhẹ bớt. (Cũng may họ không ném những người đàn bà chửa)
      Có thể trong khoang trực thăng mà viên phi công bị đạn dưới đất bắn lên, xuyên qua ghế ngồi khiến anh ta đầm đìa máu, vẫn cố sức giữ cho máy bay khỏi rơi.
      Có thể mọi lúc, mọi nơi, mọi giờ, mọi phút.
      Ngay cả phút cuối cùng của giờ thứ hai mươi lăm, khi tông tông Dương Văn Minh vừa nói xong mấy tiếng “đầu hàng không điều kiện”.
      Mẹ sinh, không có cha bên cạnh.
      Có thể cha đã chết trong chiến hào, có thể đang chiến đấu mà súng bị gãy, có thể bị thương, bị bắt, cũng có thể cởi bỏ quân phục lẫn lộn giữa đám thường dân đói khát trên quốc lộ số 1.
      Người ta đi biển có đôi
      Còn tôi đi biển mồ côi một mình.
      Mẹ sinh con ra chỉ mình ên, quạnh hiu lắm con ơi!
      Mẹ sinh con ra, chính mẹ, cũng không biết để làm gì!
      Không biết để làm gì nhưng vẫn muốn con được sống.
      Giữa chốn đông người, mẹ vẫn cứ vạch áo ra cho con bú. Tuy chỉ uống nước lã cầm hơi, mẹ cũng hãy còn một ít máu. Những giọt máu hiếm hoi màu đỏ khi chảy qua miệng con vẫn thành màu trắng thơm tho.
      Và kỳ diệu làm sao, con vẫn sống được.
      Nghĩa là con vẫn thở trong khi khắp nơi đậm đặc mùi xác chết thối rữa, mùi khói, mùi xăng, mùi nhà cháy. Và con vẫn khóc được trong tiếng đại bác ì ầm, tiếng A. K cọc cọc, tiếng xe tăng rít trên mặt đường.
      Con sống, nhưng sau cái phút cuối cùng của giờ thứ hai mươi lăm, mẹ ngơ ngác không biết đang ở đâu, rồi sẽ đi về đâu giữa rừng cờ nửa xanh nửa đỏ.
      Sau cùng, mẹ cũng hiểu ra rằng lịch sử đã sang trang. Không chỉ riêng mình mẹ mà nửa nước đều thấy xa lạ với chính thành phố, xóm làng của mình. Ngay cả con phố, căn nhà, mảnh vườn cũng không còn là của mình nữa.
      Mẹ bị đuổi về quê làm xã viên hợp tác xã. Mẹ lội xuống ruộng, mặc dù rất sợ đỉa, để cấy, gặt. Đôi lúc mẹ trần vai để kéo cày thay trâu. Mẹ làm ra lúa ra khoai đầy kho đụn, nhưng mẹ và những người đội nón lá chỉ làm cho nón cối hưởng, nên con vẫn đói khát, bủng beo.
      KHUẤT ĐẨU

      Xóa
    2. Mẹ bị hốt trong đêm quẳng lên rừng thiêng nước độc, gọi là kinh tế mới. Mẹ phải sống chung với rắn rít và cả cọp beo, khi ấy hãy còn nhiều lắm. Mẹ bẻ măng rừng, hái nấm ăn cho đỡ đói. Nhiều lần ăn phải nấm độc suýt chết. Cả con và mẹ đều bị sốt rét rừng, bụng ỏng da vàng khè.
      Chịu hết xiết, mẹ cõng con trốn về thành phố. Mẹ vay mượn chút ít chạy chợ trên, lộn chợ dưới. Bị mắng là con buôn, bị quản lý thị trường rượt đuổi còn hơn mã tà. Một đôi lần bị cướp sạch cả vốn. Đến nổi, nói ra thật xấu hổ, chỉ còn cái vốn trời cho. Để làm lại cuộc đời mẹ đã thử theo bè bạn đi đứng đường. Nhưng mẹ gầy yếu teo tốp quá, chẳng ai thèm rớ tới.
      Cũng may, lúc ấy cha con chẳng phải chết, chỉ bị bắt đi cải tạo, vừa được thả ra. Cha con còn thảm não hơn cả mẹ. Nhưng nhờ cái gọi là tình chồng nghĩa vợ, mẹ cha cũng gắng gượng mà sống để nuôi con. Cha đạp xe thồ, bán cà rem, mẹ lượm lon nhặt giấy vụn trong bãi rác.
      Con được (hay bị) dạy thành cháu ngoan Bác Hồ.
      Rồi con cũng học đến lớp 12.
      Nhưng tới đó thì thôi, cánh cửa đại học đã đóng sầm trước mặt con.
      Con bị ném vào đời không nghề nghiệp, không vốn liếng.
      Con sống lây lất cho đến hôm nay.
      Hôm nay, những đứa trẻ tháng tư năm ấy đã bốn mươi tuổi, cái tuổi tứ thập nhi bất hoặc. Còn bi đát tội nghiệp hơn cả cha mẹ, chúng không có quá khứ để tiếc thương, không có tương lai để hướng tới, chỉ có cái hiện tại không sắc màu, không mùi vị, như một con số không chẳng biết để làm gì.
      Trong gia đình, nhìn thấy mẹ cha co rúm, mòn cùn, tuy không nói ra, nhưng chúng thừa biết họ là những kẻ hèn. Ngoài xã hội, chúng chỉ đứng bên lề, nếu không muốn nói là đứng dưới đáy. Trong khi những đứa cùng năm sinh, tháng sinh nhưng ở nửa nước bên kia hay dưới cái dù lý lịch màu đỏ phía bên này đang được cơ cấu vào những chức vụ ngon ăn, sắp sửa đi làm đầy tớ cho những ông chủ kém may mắn nói trên.
      Thế nên, đến chết vẫn còn nguyên câu hỏi: Sinh ra trong chết chóc, lớn lên trong đói khổ và suốt đời sống trong ô nhục, vậy sinh chúng tôi ra làm gì?!
      KHUẤT ĐẨU

      Xóa
  10. Tôi vẫn giả vờ bằng lòng, thoải mái, tự do… sáng vác ô vào cơ quan chiều lại vác về

    Chị vẫn giả vờ hài lòng, an bình, sung túc; sáng vẫn làm đẹp chiều vẫn nước hoa thơm phức…

    Anh vẫn giả vờ như ý, tràn đầy hạnh phúc; cứ tung tăng thỏa mãn rong chơi, nhậu nhẹt đều đều…

    Mọi người cứ sống như thể giả vờ, như đang diễn dù thích hay không thích, và đa số chúng ta cứ vẫn đang vô tư diễn hàng ngày

    Tôn giáo diễn đều giả vờ tự do, tự do vào quốc doanh, tan tành thành mạt pháp

    Sư thầy quốc doanh diễn đều giả vờ đạo đức, đạo đức trá hình, biến thái ăn chơi

    Lương y diễn đều giả vờ từ mẫu, nhưng từ mẫu lương không nuôi nỗi vợ con nên trở thành kế mẫu; mà kế mẫu chỉ quan tâm, kinh doanh trên thân xác của người giàu, dân nghèo có chết mặc bây

    Thầy giáo diễn đều giả vờ mô phạm, dứt cháo tháo giầy thầy trở thành tội phạm, chỉnh sửa luôn lịch sử yêu nước chống Tàu bịt mắt lừa dối nhiều thế hệ học trò, bán chữ buôn bằng như những lái buôn

    Trí thức, nghệ sĩ nhà văn nhà báo diễn đều yêu nước, tự do sáng tác cống hiến phục vụ nhưng nước giờ phải là đảng, không còn là nước Việt chung chung

    Và đảng cũng đang diễn giả vờ yêu nước, nhưng nước thì không bằng cái ghế dưới mông

    Và đảng vẫn đang diễn đất nước độc lập, tự do; và đảng vẫn đang bắt dân diễn tự do hạnh phúc…

    Đất nước tôi vẫn đang diễn đều theo ý đảng, nhưng kịch bản lại được soạn theo sách Tàu, đạo diễn là các thái thú hai mang; nên đất nước vẫn cứ diễn đều hoài, diễn hoài hoài đã mấy chục năm rồi theo đúng quy trình ngày càng hèn yếu, hận thù chia rẽ, tự hoại, diệt vong

    Đất nước ngày càng lệ thuộc, đầy dẫy bất công, bất hạnh, bất mãn, bất an… nhưng vẫn diễn, diễn trước toàn thế giới, vẫn diễn đều đều dối mình dối người là độc lập-tự do-hạnh phúc

    Mọi sự ngày ngày vẫn đang đều là diễn, để chắc rồi có thể sẽ dẫn tới một sự thật: Sẽ có một ngày mà một mai thức dậy, khi vỡ diễn đã kết thúc, nước Việt không còn!
    THANH TÔN
    Tựa gốc: Đất nước vẫn diễn đều

    Trả lờiXóa

Best Blogger TipsBest Blogger Tips