Thứ Sáu, 19 tháng 4, 2013

Chúng tôi không khóc ở Việt Nam

Tháng 5 này, Nick Vujicic, chàng trai người Úc không chân tay, đã đi khắp thế giới truyền cảm hứng và lòng can đảm cho mọi người, sẽ tới Việt Nam. Hẳn Nick sẽ được chào đón bởi rất nhiều người hâm mộ, bao gồm cả những ông bố bà mẹ “phát sốt” với chuyện tình đẹp của vợ chồng anh.
Nick có thể sống được ở Việt Nam không?
Tuy nhiên, hãy tưởng tượng, nếu Nick sinh ra ở đây, anh sẽ làm được gì nào? Nick chỉ tới Việt Nam trong vài ngày để “truyền lửa”, nhưng nếu ở lâu hơn, anh sẽ “chào thua” và ngưỡng mộ những người đồng cảnh ở đất nước Đông Nam Á này!

Ở một đất nước từng được đánh giá người dân hạnh phúc thứ hai thế giới, Nick sẽ có gì? Không giao thông tiếp cận: truyền hình Việt Nam từng thử cho phóng viên ngồi xe lăn và anh ta chỉ có thể “ngồi nguyên một chỗ”.
Chăm sóc y tế ư? Nick sẽ chẳng có cơ hội trong những hàng dài chờ đợi. Còn nếu may mắn anh sẽ tìm được một chỗ trong… gầm giường bệnh viện. Hệ thống giáo dục ở đây thì đã được vị giáo sư từng đạt giải thưởng toán học Fields gọi là “sự tha hóa”…
Và người dân, với những “hành trang” như thế, đang vừa gắng sức đưa đất nước đầy khó khăn đi lên, vừa chống chọi với thứ “hoa hồng độc”, có thể nở ra từ bất kỳ vật liệu nào, sắt, thép, thậm chí là từ… người điên, như một bài báo trên Tuần Việt Nam của tác giả Kỳ Duyên đề cập.
Nếu sống ở đây, Nick cũng khó có cơ may gặp được người bạn đời xinh đẹp đang song hành cùng anh. Có lẽ bố mẹ của các cô gái quá hãi hùng với điều kiện sống và cơ sở hạ tầng dành cho người khuyết tật ở đây để có thể tin tưởng giao con mình cho chúng tôi.
Ở nơi đây, đạo đức được rao giảng khắp nơi, nhưng khi có người lăn ra đường sau tai nạn giao thông, có thể sắp thành tàn phế hoặc chết, thì một số kẻ lại tranh thủ cuỗm luôn đồ đạc của nạn nhân!
Từng dự những hội thảo có sự hiện diện của Liên Hợp Quốc, tôi chứng kiến các quốc gia khác đã ngưỡng mộ Việt Nam ra sao. Ngưỡng mộ vì ở đây chúng tôi không thiếu một văn bản pháp quy nào liên quan đến người khuyết tật, nhưng chính việc thực thi lại… khiếm khuyết đáng lo ngại.
Ngay tại thủ đô Hà Nội, trường học cho trẻ khuyết tật vừa khó tìm, điều kiện hòa nhập cũng đầy khó khăn khi thiếu đủ thứ, từ giáo viên đến công cụ hỗ trợ, v.v… Các cơ sở dạy nghề dành cho người khuyết tật cũng tương tự, tình trạng tái mù nghề diễn ra nhanh chóng.
Như vậy đấy Nick! Để một người khuyết tật có thể ngẩng cao đầu tự lo cho bản thân bằng nghề nghiệp ở đây là gần như không thể. Còn những hoạt động văn hóa, giải trí cũng là không tưởng, khi mà ngay người bình thường cũng còn chưa có đủ.
Tất nhiên, chúng tôi không khóc ở đây!
Nhưng Nick ạ, chúng tôi không khóc ở đây.
Không khóc vì chúng tôi còn phải đối mặt với nhiều điều bất bình đẳng, đấu tranh hàng ngày hàng giờ với khó khăn và chẳng có thời gian để rơi nước mắt.
Là một người nghiên cứu về hiệu suất lao động, tôi tìm ra một điều thú vị. Đó là, hiệu suất làm việc của nhân viên tại các tập đoàn nhà nước kém xa của người khuyết tật thuộc doanh nghiệp đa phần là người khiếm khuyết.
Nếu đến trạm nghỉ từ Hải Dương tới Hạ Long, bạn sẽ chứng kiến nườm nượp khách nước ngoài nghỉ chân mua hàng thủ công của các em khuyết tật. Bạn tôi, là chủ doanh nghiệp đó tiết lộ, về tỷ suất sinh lợi thì nhiều tập đoàn nhà nước có mơ cũng không sánh được với họ. Dễ hiểu thôi, những “xác chết biết đi”, zombies, như cách TS. Alan Phan gọi, sao có thể so sánh với quyết tâm làm việc của những con người, dù họ có khuyết thiếu cơ thể.
Từng là một học sinh giỏi toán, nhưng sau tai nạn, trở thành người khuyết tật, tôi đã bị từ chối quay lại trường đại học đang học. Sau đó, tôi nhận được học bổng của Quỹ đầu tư mang tên Roosevelt (Rooseveltinvestments) để du học tại Mỹ.
Theodore Roosevelt là một trong 4 vị tổng thống vĩ đại được khắc trên núi đá lớn ở South Dakota, Mỹ. Nhưng trái tim tôi lại ghi khắc hình ảnh về một vị tổng thống Roosevelt xuất sắc khác – Franklin D.Roosevelt. Ông là vị tổng thống duy nhất tại nhiệm hơn 3 nhiệm kỳ, vị tổng thống ngồi xe lăn đưa nước Mỹ vượt qua khủng hoảng kinh tế thập niên 1930 và chiến tranh thế giới thứ 2.
Giờ đây, nếu tôi được xuất hiện bên cạnh các nhà lãnh đạo đất nước, tôi tin hình ảnh về một Việt Nam tôn trọng quyền con người, dân chủ, công bằng và văn minh sẽ rạng rỡ trước bạn bè thế giới. Và trong bất cứ cuộc đàm phán thu hút đầu tư nào, tôi nghĩ mình cũng có thể góp phần giúp đất nước trở thành một điểm đến của dòng tiền thông minh.
Tôi cũng có thể xuất hiện cạnh một vị Bộ trưởng Giao thông cùng thị sát tất cả nhà ga, bến cảng, hệ thống giao thông công cộng… để đánh giá công năng phục vụ người khuyết tật của các công trình này.
Như vậy, sự xuất hiện của một người khuyết tật như tôi bên cạnh một nhà lãnh đạo sẽ rất có ý nghĩa. Điều đó không chỉ động viên tinh thần của nhóm các đối tượng bị tổn thương, mà còn cổ vũ và tăng cao hiệu suất làm việc của bất cứ người dân nào, để hướng đến một Việt Nam phát triển.
Nhìn vào Đề án quốc gia trợ giúp người khuyết tật giai đoạn 2012 – 2020 của Chính phủ, chúng ta không khỏi giật mình. Chỉ vài năm nữa, đất nước phải có 50% và đến 2020 là 100% các công trình công cộng có thể tiếp cận người khuyết tật. Tôi tin để điều đó thành hiện thực, để Việt Nam trở thành điểm đến của văn minh, bản thân người khuyết tật chúng tôi cũng cần nỗ lực cùng người dân và Chính phủ.
Nick ạ, ở đây chúng tôi có những con người dám đương đầu với số phận, với rào cản từ cơ sở hạ tầng, và lớn hơn là từ nhận thức xã hội. Chúng tôi vẫn chiến đấu không ngừng để người khác phải nghiêng mình!
Ở Việt Nam, con số gần 10% dân số là người khuyết tật có khiến bạn suy nghĩ? Theo nghiên cứu của tôi, khuyết tật ảnh hưởng ít nhất đến 1/3 dân số. Nếu chính sách xã hội không phù hợp sẽ là nguyên nhân hạn chế sự phát triển.
Nhưng ở đây chúng tôi đã và đang bắt đầu thay đổi để Việt Nam trở thành một xã hội không “rào cản” – không chỉ cho người khuyết tật, mà còn cho những người may mắn được già… Tôi tin vào một Việt Nam phát triển và những con người có lương tri ở đất nước này, Nick Vujicic ạ!
Phạm Xuân Thanh
 Nick thủa bé và may mắn thay anh không phải người VN
Bài cũ:

9 nhận xét:

  1. 12h sau khi Nick Vujicic đến Việt Nam, con số 31,7 tỷ đồng chi phí cho 4 ngày anh mang “điều kỳ diệu” đến Việt Nam đã được công bố. Dẫu đây là số tiền không từ tiền thuế của dân, nhưng mặc nhiên nó vẫn là con số quá lớn trong tương quan với sự khốn khó của khoảng 6,7 triệu người khuyết tật trên toàn quốc.

    Để tiện so sánh, 19,6 tỷ đồng là kinh phí trợ giúp 250.000 người khuyết tật ở Kiên Giang trong suốt 10 năm 2010-2020 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Còn kinh phí để giúp đỡ 6,7 triệu người khuyết tật cả nước trong 10 năm là 2.025 tỷ đồng.

    Thưa các bạn, nói đến “điều kỳ diệu Nick” của ngày hôm nay, không hiểu sao tôi lại nhớ đến “ngày hôm nay” của Lê Thị Huệ.

    Ngày 14.5 của 10 năm trước, với chỉ một cú ngã tưởng chừng bình thường, cô gái vàng của thể thao Việt Nam, đô vật Lê Thị Huệ, năm đó vừa tròn 18 tuổi, đã gãy tới 3 đốt sống cổ, giập tủy sống, liệt tức thời tứ chi.

    10 năm sau, khi PV Lao động đến gặp cô trong một ngôi nhà nhỏ, ở một làng quê nghèo nào đó của huyện Quảng Xương và viết về nghị lực xen lẫn nỗi tuyệt vọng trong một cuộc sống ngập tràn khốn khó và sự lãng quên, dư luận đã sững sờ trước những sự thật cay đắng.

    Sự cay đắng không phải là việc hàng ngày tất tật mọi sinh hoạt cá nhân từ chuyện tối thiểu nhất như đi vệ sinh, nữ đô vật khỏe mạnh và xinh đẹp ngày nào giờ phải trông cả vào người mẹ già đã ngoại 70. Sự cay đắng không phải ở việc dù ngã lên ngã xuống hàng vạn lần trong suốt 10 năm với một nghị lực phi thường nhưng cô vẫn không thể đứng dậy. Cũng không phải việc mất “Nửa tiếng để cài một chiếc cúc áo”. Sự cay đắng và nỗi xót xa đến từ chiếc xe lăn đã dùng suốt gần 10 năm giờ đã lên lão. Và nỗi tủi thân trước sự lãng quên, trước sự bạc bẽo, trước những lời hứa của quan chức ngành thể thao 10 năm trước, bị bỏ rơi ngay sau khi quay lưng, quên ngay bên bậu cửa.

    Chẳng nghị lực nào có thể chiến thắng sự bạc bẽo của con người với con người.

    Kể lại câu chuyện Lê Thị Huệ, không phải để nói số tiền 31,7 tỷ đồng là đắt, hay rẻ. 31,7 tỷ để dù chỉ vài người khuyết tật như Huệ có thêm niềm tin và nghị lực để sống thì chẳng có gì là đắt đỏ cả. Có nhiều thứ khác người ta còn ném cả ra sông ra biển đó thôi. Bởi giá như Lê Thị Huệ được đến Mỹ Đình, biết đâu, cô sẽ xua tan được nỗi tuyệt vọng và mặc cảm sau khi đã bị lãng quên hoàn toàn. Biết đâu cô sẽ tìm thấy cho mình một lẽ sống sau khi đã mất hết niềm tin vào những lời hứa hẹn.

    Niềm tin và nghị lực mà “điều kỳ diệu Nick” mang tới Việt Nam không thể đo bằng tiền bạc.

    Có điều Huệ sẽ không thể đến Mỹ Đình, vì thiếu tiền chẳng hạn, hay vì hướng tới Nick, chẳng ai còn nhớ đến cô nữa.

    Nick đáng được khâm phục. Nick đáng được coi là một bài học. Nhưng đó là bài học cho cả những người không khuyết tật.

    Bao nhiêu người sẽ đến để “xem”, thay vì nghe Nick nói. Bao nhiêu người sau đó sẽ biến sự cảm thông với những người khuyết tật thành những hành động cụ thể.

    Ngày mai, khi nghe Nick nói, khi chứng kiến sự tự tin và nghị lực phi thường của chàng trai kỳ diệu, bạn có bao giờ tự hỏi mình sẽ làm gì cho những đồng bào đang khốn khó và cần sự trợ giúp của mình. Hay sau khi xúc động rớt nước mắt trước nghị lực và sự can đảm của anh, bạn cũng sẽ lại quên ngay sau khi quay lưng, như bao người đã bỏ quên lời hứa bên bậu cửa nhà Lê Thị Huệ?!

    Sự đắt hay rẻ của khoản tiền 31,7 tỷ để Nick đến Việt Nam không phải chỉ là bài học nghị lực mà những người khuyết tật có được sau khi chứng kiến điều kỳ diệu Nick, có lẽ, nó còn phụ thuộc vào những hành động cụ thể của những người không khuyết tật nhận được.

    Một kiến trúc sư sau khi nghe Nick thì từ tự hứa với mình, trong mọi công trình của ông kể từ giờ đều dứt khoát phải có thiết kế lối đi xe lăn cho người khuyết tật chẳng hạn.
    LAO ĐỘNG

    Trả lờiXóa
  2. Chục năm nay tối qua lần đầu mình ngồi xem chương trình TV từ đầu chí cuối, đó là cuộc nói chuyện đầu tiên của Nick tại Việt Nam. Thật cảm động, mình đã ứa nước mắt khi thấy anh đi lại đầy tự tin trên chiếc bàn lớn và hào hứng kể chuyện cho mọi người. Mình cũng là người tàn tật, so với Nick chẳng nhằm nhò gì, nên mình khâm phục vô cùng nghị lực của anh. Phải có một nghị lực phi thường mới làm được những gì mà Nick đã làm.

    Mình nghĩ việc đưa Nick về Việt Nam rất có ý nghĩa. Có lẽ Việt Nam là một trong những đất nước có người khuyết tật lớn nhất, vì chiến tranh liên miên, vì nguồn nước ô nhiễm, vì chất độc da cam… Có hàng chục vạn người khuyết tật đang sống khổ đau giữa cuộc đời này. Nick đến để truyền cho họ niềm tin và hy vọng để họ vươn lên chiếm lĩnh một cuộc sống có ý nghĩa, đó là điều tuyệt vời! Mình nghĩ 30 tỉ không hề phí chút nào nếu Nick làm được điều đó.

    Nhưng sau đó được biết Nick đi nói chuyện với doanh nhân để “chia sẻ khá nhiều những kinh nghiệm, quan điểm trong việc kinh doanh và quản lý doanh nghiệp” thì quả thật mình hơi bị thất vọng. Mình nghĩ đấy không phải việc của Nick, trong lĩnh vực kinh doanh chắc chắn Nick không phải là một chuyên gia đáng nể. Các doanh nhân Việt Nam liệu có thu được gì ngoài triết lý “Không bao giờ bỏ cuộc”, triết lý mà chính các doanh nhân Việt thường dùng để khuyên các nhân viên của họ. Ý mình muốn nói là cuộc nói chuyện với doanh nhân Việt của Nick không phải là có hại hay vô nghĩa, nhưng không lẽ người ta bỏ ra 30 tỉ mời anh về để nói chuyện này sao?

    Đến đoạn Nick dùng tư tưởng Hồ Chí Minh để khuyến dụ các doanh nhân Việt Nam thì thú thực ngửi không nổi. Nick ơi, người Việt Nam chục năm nay liên miên học tập tư tưởng Hồ Chí Minh mệt lắm rồi. Họ không cần nghe Nick nói với họ, rằng “Hãy làm theo gương Bác Hồ”, rằng “Trước muôn vàn thử thách, Hồ Chủ Tịch vẫn từng, từng bước dẫn dắt dân tộc Việt tiến lên phía trước”. Biết rồi khổ lắm nói mãi.

    Hãy đến với hàng chục vạn người khuyết tật Việt Nam và hãy truyền lửa, truyền niềm tin, niềm hy vọng và khát vọng sống cho họ, đấy là điều dân Việt đang chờ ở anh chứ không phải tư tưởng Hồ Chí Minh đâu Nick ơi!

    Chớ có nghe mồm ông tuyên giáo mớm cho Nick nhé!
    NQL

    Trả lờiXóa
  3. LTS: Năm nay 32 tuổi, Khúc Hải Vân là một gương mặt trẻ tiêu biểu cho tinh thần nỗ lực vượt nghịch cảnh để sống có ích cho mình, cho đời và cho cộng đồng. Vốn bị khiếm thị bẩm sinh, nhưng với nghị lực đáng kính phục, anh đã theo đuổi được đam mê học hỏi và làm tin học - bên cạnh đó, anh còn tích cực hoạt động xã hội và làm công tác tình nguyện.

    Những cố gắng đáng kể của Khúc Hải Vân đã được thừa nhận một cách xứng đáng. Năm 2006, anh được tạp chí “Echip” bình chọn là “Hiệp sĩ Công nghệ Thông tin” của năm. Năm sau, anh được nhận giải thưởng “ICT thắp sáng niềm tin” do Hội Tin học Việt Nam, Bộ Bưu chính Viễn thông, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đồng tổ chức.

    Khúc Hải Vân cũng được nhận giải thưởng Chim Én do website vicongdong.vn trao tặng, vì những cống hiến lớn cho cộng đồng. Hiện tại, anh làm công việc biên tập âm thanh, bài giảng cho Công ty Cổ phần Đầu tư Giáo dục Minh Triết và vẫn là một diễn giả, một tình nguyện viên năng nổ có mặt tại nhiều hoạt động xã hội.

    Bài viết sau đây của anh được viết trong bối cảnh rất nhiều người Việt đang hào hứng chờ đón sự xuất hiện Nick Vujicic, cũng là một người khuyết tật nổi tiếng với những cuốn sách được coi là đã “thức tỉnh thế giới”, thuật lại hành trình khám phá, chiến thắng bản thân, nhằm vượt lên mọi khó khăn, thử thách của số phận
    :

    Anh Nick mến, chả biết tuổi tác thế nào nên tôi lựa chọn ngôi mình, để xưng với anh cho nó thân mật theo kiểu người Việt Nam chúng mình nhé!

    Mấy tháng nay thấy thiên hạ đồn thổi, rồi báo chí tung hô quá về chuyến viếng thăm của anh từ Úc châu xa vời vợi đến Việt Nam, hình ảnh của anh cứ đập vào... “tai” mình như trống trận, làm mình cũng thấy rạo rực. Vậy nhân tí thời gian rảnh cuối buổi chiều làm việc, mình xin viết chia sẻ cùng anh ít điều với tư cách là một người đồng cảnh nhưng không đồng tật về cuộc sống của những người khuyết tật Việt Nam - nơi mà chắc chỉ mấy giờ nữa thôi anh sẽ đặt chân tới, và sẽ được chào đón như một hiện tượng.

    Người Việt chúng mình được cái hiếu khách và hiếu của lạ thế đấy Nick ạ! Vật trong nhà dù là đồ cổ nhưng mà xếp đó cả năm may lắm có khách mới mang ra mà khoe, chứ đồ gì mới sắm thì chằm bặp săm soi, và đôi khi là mê mẩn nữa ấy chứ. Chả thế mà mấy quyển sách của anh khi đến Việt Nam thì được thiên hạ đổ xô đi mua làm quà tặng, chưa cần biết giá trị của những trải nghiệm của anh ra làm sao.

    Chắc tại cái nỗ lực của anh tuyệt vời quá, còn gấp nhiều lần thầy Nguyễn Ngọc Ký, hay Hiệp sĩ CNTT Nguyễn Công Hùng? Hoặc giả là những thành tựu của anh mãi chả thấy người khuyết tật Việt nam nào làm nổi? Vì có nói tốt như bạn Sơn Lâm trở thành diễn giả cũng làm gì đi được đến khắp thế giới. Và quan trọng hơn là bọn mình làm gì có điều kiện sống như ở Úc, có trang thiết bị y tế, có dụng cụ để tập phục hồi chức năng. Và có tiền như những nền tảng mà anh đã có từ điều kiện gia đình, xã hội.

    Bọn mình phải đi ra đường trong tình trạng người đi xe lăn thì không dám tự mình đi lại nếu không muốn trở thành hiện tượng trong mắt người khác, vì sự dũng cảm, bởi làm gì có vỉa hè cho xe lăn, đường riêng và xe buýt ư? Xa xỉ vô cùng và nếu có thì đố anh nhìn thấy dịch vụ nào hỗ trợ giao thông cho họ một cách thuận tiện ở Việt Nam mình đấy Nick ạ! Còn dân mù bọn mình thì đi ra đường là phải xác định đối mặt với những vụ va chạm thường xuyên với các chướng ngại vật trên vỉa hè, như cây cối, xe cộ... Và cơ man là các thứ khác phục vụ cho mục đích mưu sinh của những người dân “bám vỉa”.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Chưa hết, chúng mình sẽ phải chuẩn bị tinh thần đề phòng nếu không muốn bất thần thụt chân xuống một đoạn cống hở hay một hố ga mất nắp mà người ta quên rào lại. Đấy là những người khuyết tật ở thành phố. Còn ở nông thôn, khi mà tiền mua một cái đài đã là một sự cố gắng của một gia đình nghèo, thì sắm máy tính để kết nối Internet và giao tiếp với cộng đồng chắc còn là một giấc mơ dài mà không biết khi nào làm nổi.

      Vậy đấy Nick ạ!

      Vậy nhưng tụi mình đã có những dịch giả hàng ngày chuyển tới cộng đồng những tác phẩm kinh điển, như bạn Ngọc Lan ở Thái Bình, Chúng mình vẫn có những Em Bé Sao Mai Ước Nguyện, mang yêu thương san sẻ với mọi người. Chúng mình vẫn có những con người đi bằng hai tay, thậm chí khó khăn hơn Nick vì họ chỉ nằm một chỗ, và di chuyển nhờ sự hỗ trợ của người khác, nhưng vẫn đang từng ngày cống hiến phần sức lực của họ cho cuộc sống.

      Vậy, nhưng những con người ấy chỉ có thể xuất hiện trong một số chương trình kêu gọi để xin tiền tài trợ, hay là những chương trình vinh danh dành riêng cho người khuyết tật. Số ít nào đó may mắn xuất hiện trong những chương trình vinh danh khác, hay được một giải thưởng gì đó, thì họ cũng sớm bị chìm lấp trong cả một biển thông tin.

      Thế mà Nick, một vị khách từ xa tới Việt Nam thì đang được giới trẻ chào đón như một thần tượng. Vì sức chứa của một khán phòng không xuể nên người ta phải bố trí cho Nick xuất hiện ở Sân vận động Quốc gia Mỹ Đình. Lịch gặp mặt với giới trẻ của Nick được hẳn Kênh truyền hình Quốc gia VTV1 tường thuật trực tiếp với mục tiêu làm động lực cho người khuyết tật vươn lên.

      Nick ạ! Không biết khi đọc tới những dòng này của mình anh nghĩ gì, nhưng với mình thì mình thấy thật buồn.

      Vì giá như cộng đồng sống xung quanh cứ nhìn nhận người khuyết tật như những người bình thường, với việc phải phấn đấu thì mới có thành quả, phải nỗ lực thì mới có cuộc sống thoải mái, thì có nhẽ Nick đã không trở nên một hiện tượng như vẫn đang được người ta truyền thông. Và nếu người Việt Nam mình chịu quan sát, chịu tìm kiếm thì nào đâu thiếu những “Nick” ngoài đời thực để họ học tập, để họ hỗ trợ, chia sẻ và dành sự quan tâm.

      Cơ mà thôi Nick ạ! Xã hội ở mỗi thời kỳ đều có những tầng mức phát triển về nhận thức, góc nhìn. Có thể ở Việt Nam mình còn nhiều thứ không được như những nước tiên tiến anh đang sống. Nhưng mà ở đó có gia đình, và những người bạn khuyết tật của mình. Và ở đó, những người khuyết tật họ vẫn đang nỗ lực thật nhiều cho cuộc sống của chính mình, mà thành công của họ chỉ đơn giản là cuối ngày có chút tiền và được ăn một bữa cơm vui vẻ bên gia đình.

      Thôi thư đã dài, mình xin dừng lại ở đây. Mến chúc anh sẽ có những ngày, những trải nghiệm thật vui - đồng thời, có thêm những giá trị mới khi đến với Việt Nam, Nick nhé!
      KHÚC HẢI VÂN
      Thân ái,

      Xóa
  4. Cho đến thời điểm tôi viết những dòng này, nghĩa là đã 2h sáng thì trên facebook của tôi vẫn tràn ngập những lời cảm xúc về Nick Vujicic của bạn bè. Thật dễ hiểu, với những gì mà chàng trai không tay, không chân đã làm được, anh xứng đáng được ngưỡng mộ và tôn vinh. Ấy thế mà, tôi vẫn không thể nào ngăn được tiếng thở dài…

    Thở dài là bởi, với những trường hợp tương tự như Nick Vujicic tại Việt Nam, trong vòng 1 phút tôi có thể kể tên ra 5 gương mặt tiêu biểu. Những người như Thầy giáo Nguyễn Ngọc Ký, Hiệp sĩ công nghệ thông tin Nguyễn Công Hùng, Vận động viên khuyết tật Phạm Thị Thu… đã làm được những điều mà ngay cả người thường cũng khó có thể làm được.

    Hoàn cảnh của họ, tài năng và nghị lực của họ có lẽ không thua Nick là bao, ấy thế mà họ vẫn đang miệt mài đâu đó để tìm mọi cách sống qua ngày, nỗ lực để cống hiến cho xã hội nhưng không được mấy ai quan tâm.

    Trong khi đó, những doanh nhân người Việt giàu có đã phải bỏ một số tiền khổng lồ lên tới 32 tỷ đồng để mời Nick đến Việt Nam, nói chuyện về nghị lực sống, về đam mê vượt qua khó khăn (những điều mà người Việt Nam nói chung và những người khuyết tật nói riêng đã có thừa).

    32 tỷ đồng, một con số khổng lồ trong thời điểm hiện tại, khi mà các doanh nghiệp đang lao đao vì khủng hoảng kinh tế và người dân cũng đang ngập chìm trong khó khăn. Có thể nói với một chiến dịch được cho là thành công về mặt truyền thông như Tôn Hoa Sen đang làm với Nick Vujicic, đó không hẳn là một sự lãng phí.

    Tuy nhiên, tôi cứ nghĩ nếu Hoa Sen chịu bỏ ra phân nửa số tiền đó thôi, để giúp đỡ những gương mặt khuyết tật tài năng vươn lên… thì họ vẫn có thể tạo được một chiến dịch PR vừa thành công cả về mặt truyền thông lẫn ý nghĩa xã hội. Bởi những người khuyết tật Việt Nam cần những sự giúp đỡ thiết thực hơn là những “cú hích” về tinh thần mà Nick đã mang tới.

    Một anh bạn người nước ngoài của tôi tự hỏi, không biết tại sao truyền thông Việt Nam lại “điên cuồng” với Nick Vujicic như vậy. Điều này thật ra không quá khó hiểu khi mà hệ thống các kênh của VTV liên tục phát TVC về Nick gần như 30 phút một lần.

    Là một người làm báo, tôi chưa bao giờ tôi thấy giới truyền thông Việt Nam lại “nhẹ dạ” đến như vậy. Họ biết đằng sau một “Nick khuyết tật nghị lực” chính là một bệ đỡ truyền thông khủng khiếp đến từ các công ty phát hành sách của Mỹ.

    Nói đơn giản hơn, Nick cũng chỉ là một sản phẩm truyền thông để người ta bán được sách mà thôi. “Anh ấy là một người phi thường, nhưng anh ấy cũng là một nghệ sĩ biểu diễn”, bạn tôi nói (…)

    Tại sân bay chiều nay, khi Nick vừa hạ cánh, an ninh được thắt chặt thậm chí còn hơn cả khi cặp vợ chồng nổi tiếng của Hollywood là Angelia Jolie và Brad Pitt tới Việt Nam (…) Cánh báo chí bị buộc phải đứng ngoài xa cách cửa gần 150m và không thể tác nghiệp vì xe đón Nick đã đậu sát cửa, kính đen ngòm và dĩ nhiên Nick không có lấy một lời chào dành cho người hâm một thông qua báo giới...

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Tối nay, những gì Nick chia sẻ thật ra không có gì mới, đó là điều mà bất kỳ một người khuyết tật nào (thậm chí cả người thường) cũng sẽ từng mắc phải. Còn nghị lực sống ư, hãy hỏi những Nguyễn Ngọc Ký, Nguyễn Công Hùng, Nguyễn Bích Lan (người dịch sách của Nick), “Cô bé xương thuỷ tinh” Phương Anh… xem họ có nghị lực sống và vươn lên trong cuộc sống không? Hỏi họ xem họ có xứng đáng được tôn vinh không? Hỏi họ xem họ có xứng đáng được quan tâm nhiều hơn không? (…)

      Trước khi buổi nói chuyện Chào Việt Nam của Nick diễn ra, giá vé chợ đen được đẩy lên con số 1,5 – 2 triệu đồng. Một con số không hề nhỏ đối với đa số người Việt trẻ. Nhưng nhiều bạn trẻ sẵn sàng bỏ 2 triệu để nghe Nick nói chuyện về nỗi khổ, về nghị lực sống… trong khi họ sẵn sàng bĩu môi và không thèm bố thí một đồng cho người ăn xin tàn tật. Vì đâu có sự khác biệt đó?

      Câu hỏi là: Tại sao lại là Nick mà không phải là một gương mặt cụ thể nào đó của Việt Nam, như Hiệp sĩ công nghệ Nguyễn Công Hùng chẳng hạn? Với những gì mà Công Hùng làm được, nếu anh được truyền thông Mỹ “o bế” như Nick, hẳn anh cũng nổi tiếng không kém và biết đâu một đơn vị nào đó lại chẳng bỏ cả trăm ngàn đô để mời anh tới nói chuyện?

      Sự khác biệt lớn nhất giữa Nick và Nguyễn Công Hùng không phải là tài năng hay nghị lực, mà đơn giản chỉ là ở sức hút truyền thông. Chẳng ai ngu để tin rằng Hoa Sen bỏ một đống tiền ra mời Nick về Việt Nam chỉ với mục đích từ thiện, xã hội.

      Sức hút của Nick là quá lớn, đặc biệt là với sự tiếp tay của truyền thông, với những TVC được phát liên tục trên truyền hình (và nhờ đó người ta bán được báo, thu được tiền quảng cáo, lại được tiếng là “hướng tới cộng đồng khuyết tật” dù sự thật mục tiêu cao cả này chỉ là một phần rất nhỏ mà thôi.)

      Tại sao lại là Nick, tại vì anh ấy là… người nước ngoài. Thật vậy, người Việt chúng ta vốn sính ngoại. Không ít lần các ngôi sao hạng B, C của nước ngoài tới Việt Nam phải ngỡ ngàng vì mình được… hâm mộ quá xá. Các cụ ta nói cấm có sai, Bụt chùa nhà không thiêng là vậy…
      BSH

      Xóa
  5. - Nick, chào mừng anh đến Việt Nam. Xin hãy nói về cảm nhận của mình sau 2 ngày ở đất nước tươi đẹp này.
    * Xin lỗi các bạn. Tôi có nhìn thấy gì đâu ngoài dây điện và đầu người. Còn về cảm nhận ư, Việt Nam thật dễ chịu với sự cuồng nhiệt. Tôi đã chứng kiến những giọt nước mắt ở khắp nơi trên thế giới, nhưng không ở đâu người ta khóc khi đi xem xiếc thú cả.

    - Nick, có lẽ anh vẫn chưa thoát khỏi mặc cảm của người khuyết tật chăng! chúng tôi đến để nghe anh nói chứ không đến để xem anh diễn.
    * Tất nhiên không phải là tất cả. Nhưng tôi nhìn thấy sự tò mò trong mắt nhiều người. Trong chương trình của chúng tôi ở khắp nơi trên thế giới, tôi đồng ý để những người khuyết tật được ôm mình, để họ cảm nhận bằng xương bằng thịt ý chí và nghị lực. Nhưng ở đất nước các bạn, rất nhiều người lành lặn chỉ muốn đến gần để chụp ảnh với tôi như chụp ảnh với ngọn tháp Eiffel. Hơn nữa, tôi không thích việc nhiều người đến chỗ cái bàn của tôi, cúi người và định… xin lỗi, tôi nhớ đến Bi Rain. Bởi điều mà một người không chân tay như tôi muốn nói với họ là các bạn hãy đứng trên đôi chân của mình và đừng bao giờ cúi đầu. Khi người ta đã cúi đầu có phải là người ta sẽ phải gập gối không?

    - Vì sao anh lại có ý tưởng nói chuyện với giới doanh nhân Việt?
    * Ồ, ban đầu tôi chỉ định giao lưu với sinh viên và khoảng 9000 trẻ em đường phố. Nhưng sau đó, phía Việt Nam đề nghị giao lưu với giới doanh nhân. Họ đưa ra số liệu là hàng trăm ngàn DN phải bỏ trốn, tự tử, hoặc vào nhà thương điên. Họ nói doanh nhân Việt giờ còn tuyệt vọng hơn những người khuyết tật. Và vì thế tôi đồng ý nói chuyện và chủ đề đưa ra là “Đừng bao giờ bỏ cuộc” dù nói thật tôi không tin việc cứ lao đầu vào rọ là một giải pháp khôn ngoan. Nhà giàu tuyệt vọng nguy hiểm hơn nhà nghèo, bởi người ta sẽ sốc nặng và suy sụp rất nhanh khi không quen với sự tuyệt vọng. Tôi nghĩ sự tuyệt vọng nào cũng cần được giúp đỡ, nhất là sự tuyệt vọng của những người bình thường.

    - Anh tin là anh có đủ kinh nghiệm thương trường để nói chuyện và thuyết phục giới doanh nhân Việt?
    * Câu đầu tiên mà tôi nói với họ là các bạn hãy nhìn xem, tôi đã kiếm được 1,6 triệu USD ở một đất nước đang suy thoái kinh tế. Hãy tìm mọi cơ hội trong mọi hoàn cảnh.

    - Nick! Nói về chuyện tiền nong, số tiền 31,7 tỷ đồng có phải là quá nhiều cho vài buổi nói chuyện nhẽ ra phải là vì mục đích từ thiện?
    * 1,6 triệu dollar chứ không phải 31,7 tỷ.

    - Ồ, 1,6 triệu dollar có khác gì 31,7 tỷ?
    * Khác chứ. Chúng tôi không nhận đồng tiền không thể tiêu ở đâu khác ngoài Việt Nam. Hơn nữa, Nhà băng Úc có lẽ sẽ cần một bài nói chuyện để khỏi sốc khi bỗng nhiên nhìn thấy một khoản tiền hơn 10 chữ số được chuyển khoản cho vài ngày nói như các bạn là chém gió.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. - Xin đặt lại câu hỏi: Anh có thể giải thích vì sao số tiền cho vài buổi diễn thuyết lại lớn đến thế?
      * Chắc ý bạn nói là đắt?! Cựu tổng thống Mỹ từng được trả 750 ngàn dollar cho một bài diễn thuyết ở Hồng Kông, nhưng bài diễn thuyết đó không thể truyền niềm tin và nghị lực sống. Hơn nữa, cứ 4 năm, hoặc cùng lắm là 8 năm nước Mỹ lại cho ra đời thêm một diễn giả, trong khi trên thế giới chỉ có một Nick. Tôi có giá hơn Bill bởi vì tôi không đứng diễn thuyết bằng chân. Các bạn thấy đấy, tôi cũng không có tay. Nhưng liệu ai có thể mở chìa khóa trái tim và niềm tin bằng tay bao giờ.

      - Việt Nam của chúng tôi cũng có những Nguyễn Ngọc Ký, những Nguyễn Công Hùng, theo anh vì sao họ lại không thể thành công như anh?
      * Ồ, tôi cũng đã được nghe về Nguyễn Công Hùng. Tôi khâm phục anh ấy, nhất là khi hiệp sĩ công nghệ thông tin của các bạn từng nói thật là đã tước đoạt niềm tin của nhiều người, vì sự bất lực của mình. 6,7 triệu người khuyết tật và chỉ có vài “Nguyễn Công Hùng”. Vì sao anh ấy không thể thành công như tôi ư. Nói đơn giản chẳng hạn ở Việt Nam có lẽ tôi cũng sẽ phải lê la đầu đường xó chợ nào đó. Các bạn thử nghĩ xem, các tòa nhà và phương tiện công cộng ở Việt Nam thật khủng khiếp đối với người khuyết tật. Các bạn nên tự hào với Nick Việt Nam khi bản thân tôi cũng thực sự cảm phục anh ấy.

      - Nick. Hôm qua anh đã khuyên các bạn trẻ hãy học tập Bác Hồ. Anh đã tìm hiểu và biết về lãnh tụ của chúng tôi như thế nào?
      * Ồ, đây là bí quyết kinh doanh, đáng lẽ tôi không nên chia sẻ. Nhưng đại khái là mỗi khi đến một quốc gia nào đó tôi thường nhìn vào tờ giấy bạc. Tờ giấy bạc in hình của ai tôi chắc chắn sẽ tìm hiểu về người đó. Ông Vũ có nói với tôi ở Việt Nam đang có phong trào học tập tấm gương đạo đức của người có chân dung trên tờ giấy bạc- tôi quên mất tên rồi - và tôi nghĩ nếu nói điều gì về lãnh tụ của các bạn có lẽ chắc các bạn sẽ thích. Tôi nói thế có khó hiểu không? Đại khái, nếu sang Triều Tiên, tôi sẽ nói các bạn cần học tập Kim Chính Nhật, Kim Chính Vân.

      - Nhưng anh đã nói đến hai chữ “tự do”?
      * Ồ nhà báo, câu đó anh cũng tự trả lời được mà, cũng là bí quyết kinh doanh cả thôi. Người ta thiếu cái gì, tôi sẽ nói về cái đó.

      - Anh sẽ còn trở lại Việt Nam?
      * Có lẽ là không. Tôi đã nhìn thấy sự thất bại của mình. Thần thánh gì cũng không thể truyền niềm tin và nghị lực cho những người bại não mà không biết mình bại não.
      (Theo TTX vỉa hè- nhà tiếng Úc học Lại Văn Quay dịch)

      Xóa
  6. Mấy ngày qua, cộng đồng báo chí và một số người có vẻ “sốt” lên với một nhân vật rất đặc biệt: Nick Vujicic, 31 tuổi. Tên anh có thể đọc là "Vooy-chíc". Người ta có vẻ như trông đợi những phát ngôn mang tính truyền cảm hứng cho giới trẻ và những lời khuyên về cách sống cho người kém may mắn. Giới báo chí viết về cuộc đời kém may mắn nhưng đầy thử thách của anh. Nhưng sau những lời nói truyền cảm đó, chúng ta phải quay về với thực tại và đương đầu với những thực tế có khi khó hơn là khi nghe...

    Một điều thú vị là Nick Vujicic nổi tiếng ở Việt Nam hơn là quê hương của anh (Úc). Tôi ở Úc đã hơn 32 năm mà chưa nghe đến tên anh ấy. Nhiều bạn tôi cũng chưa bao giờ biết đến tên anh ấy như là một public speaker – nhà diễn thuyết. Điều này có lẽ không ngạc nhiên, vì năm 2007, Nick Vujicic đã chuyển sang định cư ở California (Mĩ), và lập công ti “Life Without Limbs” (Cuộc đời không có tay chân). Từ đó, anh chu du khắp thế giới để chia sẻ câu chuyện đời của anh, và truyền cảm hứng cho học sinh, sinh viên, nhà giáo, doanh nhân, và nhà thờ. Anh đứng ngang hàng với những người chuyên nói chuyện truyền cảm hứng như Giám mục Desmond Tutu, Richard Branson, Mikhail Gorbachev, v.v. Dù anh được biết đến ở nhiều nơi, nhưng ở Úc thì ít người biết đến tên của anh...

    Tôi chỉ nghe đến tên anh khi về Việt Nam tuần vừa qua. Hôm tôi ghé Nhà xuất bản Tổng Hợp, chị giám đốc hỏi tôi có nghe đến Nick Vujicic bên Úc, và tôi trả lời là chưa. Chị giám đốc cho biết báo chí Việt Nam đang lên cơn sốt về anh ấy. Một tập đoàn Việt Nam chi 31.7 tỉ đồng (tức hơn 1.5 triệu USD) để mời anh ấy đến Việt Nam thuyết trình. Hết sức ấn tượng! Con số này làm không ít người kinh ngạc...

    Không biết có bao nhiêu người được nghe và hiểu những gì anh ấy nói. Có bao nhiêu trẻ em dị tật bẩm sinh như anh ấy ở Việt Nam có thể cảm nhận những trải nghiệm của anh ấy khi mà môi trường sống ở Việt Nam rất rất khác so với Úc. Những đứa trẻ em bán vé số hay đang ăn xin ngoài đường chắc chẳng bao giờ nghe được, hay có nghe được chưa chắc đã hiểu những câu nói mang tính triết lí cuộc đời của Nick Vujicic.

    Cách đây 4 tuần, Viện nghiên cứu y khoa Garvan của chúng tôi có mời một nhà khoa học từng được trao giải Nobel đến giảng và “truyền lửa”. Ông được trả tiền vé máy bay nhưng không có thù lao. Tuy nhiên, một số tổ chức khác ở Úc nhân dịp mời ông nói chuyện để truyền cảm hứng, và thù lao cũng chỉ ở mức độ tượng trưng (cao lắm là 2000 USD). Theo tôi biết, chưa một siêu sao khoa học nào được trả thù lao lên đến 10 ngàn USD cho những buổi nói chuyện.

    Những người “truyền lửa” có cái hay là họ có thể làm cho chúng ta hào hứng và tự tin hơn. Nhưng sau những giây phút hào hứng, nồng nhiệt, vỗ tay, chúng ta lại phải trở về thực tại và đối đầu với thực tế. Thực tế có khi không giống với những ví von, không đồng nghĩa với những danh từ hoa mĩ, không phù hợp với những lời khuyên giống như hiền triết. Chẳng hạn như nghe câu “cuộc đời của bạn ngày hôm nay phần lớn là biểu hiện của những trải nghiệm của bạn trong quá khứ”, hay “hãy nhận dạng, quản lí và làm chủ niềm tin của bạn; đó là di truyền, là lựa chọn của bạn” thoạt đầu nghe qua cũng hay hay, nhưng nếu chịu khó suy nghĩ cẩn thận, phân tích kĩ, và đặt vào bối cảnh thì có khi đó chỉ là những câu nói bồng bềnh, những sáo ngữ trơn tru để ru ngủ chúng ta mà thôi. Nói theo Dostoievski là chúng ta tự làm chủ và chịu trách nhiệm cho những việc mình làm, chứ chẳng có thế lực siêu hình nào hoán biến chúng ta từ nghèo thành giàu (hay ngược lại) được.
    GS NGUYỄN VĂN TUẤN

    Trả lờiXóa

Best Blogger TipsBest Blogger Tips