Nói đến nước Nam Phi người ta nhớ tới cuộc cách mạng chống nạn kỳ
thị chủng tộc khủng khiếp trong lịch sử được thế giới biết dưới cái tên
“Apartheid”. Nam Phi, một nước rộng gần 4 lần diện tích Việt Nam nằm ở
cực nam Phi châu do người Hòa Lan đến chiếm làm thuộc địa giữa thế kỷ 17. Đầu
thế kỷ 20 người Anh đánh thắng người Hòa Lan và thành lập nước Nam Phi. Người
gốc Hòa Lan tại Nam Phi được gọi là người Afrikaner. Năm 1948 người Anh
thiết lập một chế độ kỳ thị chủng tộc phân chia đen trắng thành hai giai cấp quy
định bằng luật gọi là chế độ “Apartheid”. Người đen chỉ được phép sống trong
những khu riêng biệt gọi là các Townships và không được sống chung đụng
với người da trắng.
Năm 1976 người đen tại các Townships, dưới sự lãnh đạo của đảng
ANC (African National Congress) đồng loạt nổi dậy. Sau 14 năm đấu
tranh chịu nhiều đàn áp, tù đày và chết chóc, người da đen - nhờ áp lực của Liên
hiệp quốc - đã thắng. Chính quyền da trắng rút bỏ luật kỳ thị từ năm 1990. Nhà
lãnh tụ da đen Nelson Mandela, Chủ tịch đảng ANC ra khỏi nhà tù và năm 1994 trở
thành vị tổng thống da đen đầu tiên của Nam Phi.
Nelson Mandela chúc mừng đội trưởng
Francois Pienaar giành Rugby World Cup 1995
|
Ông Nelson Mandela khéo léo dùng thể thao tạo một bộ mặt đoàn kết
đen trắng tại Nam Phi. Người Hòa Lan thích Rugby, và ông đã biến Rugby thành một
phong trào toàn quốc giúp đoàn lực sĩ Nam Phi toàn người da trắng giật giải vô
địch Rugby thế giới năm 1995. Năm 2010, tổng thống Jacob Zuma kế nhiệm đã tổ
chức thành công giải bóng đá thế giới tạo thêm uy tín cho Nam Phi sau thời kỳ
Apartheid.
Nhưng đó chỉ là ngoài mặt. Nạn kỳ thị tại Nam Phi chỉ biến dạng và
từ kỳ thị được công nhận bởi Hiến Pháp, Nam Phi trở thành một đất nước trong đó
các thành phần dân tộc sống cách ly và chia rẽ cực độ. Các bất hòa đều được ưa
thích giải quyết bằng bạo lực.
Thực tế này được bày ra cho thế giới thấy qua vụ nhà thể thao
Oscar Pistorius có đôi chân giả giết người tình của mình là cô Reeva Steenkamp
vào ngày Valentine 13/2 vừa qua.
Vụ án Oscar Pistorius và Reeva Steenkamp biến chuyển từ ngạc nhiên
này đến ngạc nhiên khác. Sau khi cảnh sát phát giác Oscar Pistorius bắn chết cô
Reeva Steenkamp (một chuyên viên làm hình mẫu ấn phẩm đắt tiền) tòa án đã cho
phép Oscar Pistorius tại ngoại chờ ngày xử định vào tháng 6/2013. Tòa chỉ thu
hồi hộ chiếu và buộc Oscar Pistorius trình diện cảnh sát một tuần 2 lần.
Oscar Pistorius sinh năm 1986, năm nay 27 tuổi. Anh sinh ra không
có đôi chân, nhưng với cố gắng phi thường, với đôi chân giả anh chẳng những sống
như một người bình thường anh còn trở thành một lực sĩ chạy đua giật giải quốc
tế.
Thành công, có tiền, có danh Oscar Pistorius được dân chúng Nam
Phi cưng chiều đến độ sùng kính và anh xem mình như một vị thánh sống. Anh có
nhiều đào đẹp. Cô đào cuối cùng Reeva Steenkamp mới quen nhau 4 tháng. Cả hai
đều là người da trắng. Trong bối cảnh tràn ngập bạo lực nếu trong một phút giận
dữ Oscar Pistorius có bắn chết người tình cũng không có gì đáng ngạc nhiên.
Đáng ngạc nhiên như đã nói là vụ cô Steenkamp bị thảm sát đêm 13/2
đã mở cửa ra cho thế giới thấy tình trạng xã hội Nam Phi sau 23 năm không còn
Apartheid. Sau bất công Apartheid là tham nhũng bạo lực và cách ly.
Cách ly giữa người trắng và người đen, cách ly giữa người đen khác
chủng tộc nhau, cách ly giữa người Afrikaners và người Anh… Cảnh sát và tòa án
tham nhũng, chính quyền bất lực.
Bạo lực nếu thường thấy tại các nước nghèo và dân số cao như các
nước nhỏ ở Phi châu, Trung Mỹ, các nước trong vùng biển Caribbean, thì tại Nam
Phi hậu Apartheid bạo lực trở thành một thứ văn hóa.
Có nhiều nguyên nhân. Thứ nhất, không chấp nhận uy quyền của nhà
cầm quyền là nguyên lý đấu tranh chống nạn Apartheid, thì sau khi thành công bãi
bỏ được nạn kỳ thị Apartheid, văn hóa không chấp nhận uy quyền của chính quyền
vẫn tồn tại.
Thành phố biển Cape Town có 3.5 triệu dân là thành phố biển đẹp
nhất Nam Phi. Nhưng chỉ đẹp chung quanh vùng đất cao của đồi Table Mountain dành
cho người da trắng. Phần ven đồi trải dài ra vùng thấp – gọi là Cape Flats (ảnh trên) – là
chỗ ở của 2 triệu người da đen sống trong những khu ổ chuột. Sự tương phản giàu
nghèo và bất chấp pháp luật biến thành phố Cape Town là thành phố nhiều tội ác
nhất trên thế giới được liệt danh bên cạnh các vùng nhiều tội ác khác như
Seychellle, Cosmoros Islands và Nambia.
Theo thống kê năm 2011 của Liên hiệp quốc, trong vùng phía đông
thành phố Cape Town nơi người da đen ở có những con số thống kê làm thế giới
sững sốt: 27.6% đàn ông nhìn nhận đã từng hiếp dâm. Nạn nhân là các trẻ em và
thiếu nữ từ 6 đến 16 tuổi và đa số xẩy ra trong gia đình!
Cái tâm lý không tin tưởng vào sự bảo vệ của chính quyền sau khi
nạn Apartheid bị xóa làm cho người da trắng co cụm lại để tự bảo vệ. Giới chức
chính quyền tham nhũng, cảnh sát hối lộ giết người như băng đảng. Trong năm 2012
tại thành phố Durban báo chí ghi nhận có 30 sĩ quan cảnh sát bị truy tố về 116
tội đủ loại trong đó có 28 vụ giết người. Ông tổng thống Nelson Mandela là một
người tốt nhưng ông bất lực trước sự tung hoành của vợ và sự lạm quyền của tay
chân đã giúp ông thành công.
Tại Nam Phi nghề làm thám tử tư là nghề phát đạt nhất. Người da
trắng thuê các hãng bảo vệ tư nhân để bảo vệ mình mặc dù gia đình họ sống trong
những khu riêng biệt kín cổng cao tường bao bọc bởi ụ bê tông và giây kẽm gai.
Tại Nam Phi hiện có 411.000 người hành nghề bảo vệ các gia đình người trắng,
nhiều gấp hai lần số cảnh sát quốc gia. Tại Silver Woods ở Pretoria, Oscar
Pistorius sống trong một khu biệt thự có tường cao 2.5 mét bao bọc với giây kẽm
gai có điện và được nhiều thám tử tư canh gác ngày đêm (ảnh trên)
Trên thực tế người Nam Phi đã phá bỏ “kỳ thị chủng tộc” không phải để tiến tới hợp nhất (integration) mà để thành hình một xã hội cách ly (disintegration). Đảng cầm quyền ANC xâu xé nhau để tranh giành địa vị, bắn nhau công khai trên đường phố. Trong 2 năm qua tại bang KwaZuluNatal, bang nhà của tổng thống Jacob Zuma có 40 vụ ám sát chính trị. Tại các Townships, người đen gốc Nam Phi giết người đen gốc Somali, Zimbawean, Congo. Trong khi trong khu người trắng người gốc Hòa Lan giết người gốc Anh do hận thù của trận chiến tranh Boer giành thuộc địa trong các năm 1899 -1902 còn sót lại.
Thật là mâu thuẫn. Thế giới vẫn tưởng Nam Phi là trường hợp hòa
giải chủng tộc gương mẫu. Nhưng sau Apartheid, Nam Phi là quốc gia phân ly cực
độ và nhiều tội ác về chủng tộc nhất. Và ngay trong cộng đồng người gốc Hòa Lan,
sự bất an ám ảnh mọi người trong đó cha mẹ giết con cái, tình nhân giết nhau vì
ghen tuông là chuyện hằng ngày “ở huyện”.
Chính Pistorius dùng không khí bất an của xã hội Nam Phi để giải thích
anh ta hành động và giết oan cô Reeva Steenkamp là do lo sợ. Không ai tin cách
giải thích máy móc của anh. Giả thuyết người ta tin là: Oscar Pistorius, người
da trắng, thành công, có tiền, có địa vị. Anh không chấp nhận một thái độ không
làm vừa ý anh trong ngày Velentine là ngày những người nói yêu nhau phải cho hết
cho nhau, và anh nghĩ anh làm gì cũng được với cây súng trong tay. Cô Reeva
Steenkamp dan díu với Pistorius vì yêu hay vì tiền là ký một giao kèo mà cô
không có quyền rút lui. Đó là hoàn cảnh dẫn tới cái chết bi thảm của cô.
Nhưng dù sự thật như thế nào, tòa án Petroria cũng chưa chắc sẽ
tìm ra (hoặc muốn tìm ra) chân lý. Chung quanh các nhân vật tranh xử vụ án người
ta đã thấy nhan nhãn dấu hiệu bất thường: Trong khi tòa đang xử xem Oscar
Pistorius có đáng được tại ngoại không thì ngày 21/2 thám tử Hilton Botha (ảnh trên) người
điều tra vụ Pistorius bắn Reeva Steenkamp bị phanh phui đang dính vào mấy vụ
giết người đang xử. Ngày 24/2 báo chí tiết lộ tin Carl Pistorius, người anh của
Oscar đang bị xử về vụ lái xe cán chết người năm 2008. Và bà chị bà con của quan
tòa Desmond Nair ngồi ghế chánh án đã từng đầu độc hai đứa con 17 và 12 tuổi của
bà trước khi tự sát.
Công lý trong vụ Oscar Pistorius và Reeva Steenkamp không còn là
điều quan trọng đối với dân chúng Nam Phi vì họ đã quá quen với không khí thiếu
công lý hậu Apartheid. Nhưng vụ Pistorius – Reeva Steenkamp làm nổi bật trước
thế giới một xã hội bất ổn sau một cuộc cách mạng mà người ta cứ tưởng là thành
công nhất.
Xã hội con người hình như cũng theo quy luật quán tính của vật lý
học. Không có gì thay đổi ngay một sớm một chiều.
Trần Bình Nam
Bài cũ:
Nam Phi khánh thành tượng đài Nelson Mandela
Trần Bình Nam
Bài cũ:
Nam Phi khánh thành tượng đài Nelson Mandela
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét