Thứ Bảy, 8 tháng 9, 2012

Dư luận về án tù nhà báo Hoàng Khương

Tại sao công an hình sự giả dạng khách làng chơi để đi bắt gái đĩ thì “làm tốt nghiệp vụ”, nhưng nhà báo Hoàng Khương giả dạng khách đi đường để đi bắt Công an ăn hối lộ, lại bị ghép tội hình sự và phạt giam những 4 năm tù. Nguyễn Bá Chổi

Sự đổ vỡ của những thứ to lớn – thành trì, hầu hết đều bắt nguồn từ những sự việc – hình ảnh nhỏ nhoi, giản đơn như thế này. Khái niệm “niềm tin và hy vọng”, từ những năm chiến tranh, mà mình dễ gặp lại nhất khi xem lại những hình ảnh tư liệu trong video clip bài hát “Hà Nội – Niềm tin và hy vọng”, vốn đã đổ vỡ, chỉ còn chút móng lung lay, hôm nay cũng sụp xuống, cùng sự thất vọng chảy tràn trên gò má nhăn nheo của người Cha đã sinh ra đồng nghiệp. “Ác độc và không có tính người!” – Ai đó nó vậy hơi quá, nhưng quả thật dửng dưng dìm con người ta vào con số 4, mặc cho người mẹ đang hấp hối trong Bệnh viện, Cha già yếu và vợ con bệnh tật – nhỏ nhoi… thì chỉ ngày hôm nay, người ta mới gặp được, trên đất nước này. Bảo vệ và xây dựng chính thể – chế độ không chỉ đơn thuần là việc xếp gạch xây nhà, trộn xi măng trát vữa, mà quan trọng hơn cả là niềm tin – sự đồng thuận, góp sức từ trong tinh thần, tâm tưởng cho sự tồn tại, đứng vững của mọi quyết sách – cách hành xử. Nếu niềm tin mất mát và sự hy vọng đổ vỡ, từ những người dân bình thường nhất, những người cầm bút hay được gán là “chiến sĩ bảo vệ mặt trận văn hóa – tư tưởng” nhất, thì việc đổ vỡ của những điều lớn lao là hiển nhiên, không thể chối cãi… Giữ gìn chế độ – chính thể, không thể bằng những cách phi lý và độc ác, như thế này!.


Dường như Khương vẫn tin ở VN Công Lý không phải là tên một anh hề?
Đối với tôi, trong tất cả sự công tâm và dựa vào nền tảng đạo đức và nhất là mục tiêu thật sự của vụ việc, nhà báo Hoàng Khương hoàn toàn không vi phạm pháp luật. Mục tiêu sau cùng của anh không bao giờ là "đưa hối lộ, nhận hối lộ và làm môi giới hối lộ" để mang lại một lợi lộc gì cho riêng anh mà chỉ để qua đó có đủ bằng chứng sống về những hành vi sai trái của công an. Nếu anh có lỗi thì lỗi của anh là đã dựng bẫy công an thoái hóa.
Nhưng mục tiêu việc làm của anh nhất định là một mục tiêu trong sáng.
Mục tiêu việc làm của anh nhất định là để phục vụ và làm tốt xã hội.
Mục tiêu việc làm của anh nhất định nằm trong ý hướng chân chính của một nhà báo có lương tâm. Blogger Mẹ Nấm

 
Thân phụ nhà báo Hoàng Khương - Vợ hấp hối, con vào tù oan ức chẳng nỗi đau nào giống nỗi đau nào, chẳng mất mát nào giống mất mát nào... nhưng ở một đất nước "Công lý chỉ là tên một anh hề" thì những nỗi đau và mất mát đó bị nhân lên bội phần.
Nhìn vẻ mặt của chú công an ở phía trái bức ảnh thật đối lập với đám nhà báo phía bên phải: Một bên cau có, gườm gườm, dữ dằn; một bên tảng lờ, vẫn cố lao vào chụp ảnh đồng nghiệp, ghi lại những giờ phút ngắn ngủi còn được nhìn thấy anh.
Bức ảnh làm tôi nhớ lại cái cảm giác của mình khi chứng kiến cảnh công an, dân phòng thổi còi, quát tháo, dồn đẩy những người dân (số đông có lẽ là nông dân, dân oan mất đất, căn cứ diện mạo và cách ăn mặc lam lũ của họ) ra xa khỏi cổng Tòa án, trong phiên xử ông Cù Huy Hà Vũ, 4-4-2011.
Hình ảnh đó, cũng như bức ảnh này, cho dù chỉ ghi lại một khoảnh khắc và không đủ để nói lên điều gì về những người có mặt, khiến cho tôi củng cố thêm một ý nghĩ của mình: Rất khó để dung hợp giữa lực lượng bảo vệ chế độ, đặc biệt là những người bảo vệ và dung dưỡng cho sự bưng bít, thiếu minh bạch, kiểm soát, “định hướng”, với những người chỉ muốn bóc trần mọi sự việc ra ánh sáng, những người lúc nào cũng đòi hỏi “quyền được biết”.

Đoan Trang
"Buộc tội viên" bà nghĩ sao?
"Hành động của nhà báo Hoàng Khương có dấu hiệu vi phạm pháp luật nhưng không thể coi là tội phạm vì không những không nguy hiểm cho xã hội mà còn làm giảm nguy hiểm cho xã hội..."

Khoản 4, Điều 8 của Bộ luật hình sự: “Những hành vi tuy có dấu hiệu của tội phạm, nhưng tính chất nguy hiểm cho xã hội không đáng kể, thì không phải là tội phạm và được xử lý bằng các biện pháp khác”. (Trích Facebook Osin HuyDuc)

9 nhận xét:

  1. Nói lời sau cùng tại tòa, nhà báo Hoàng Khương đã “xin lỗi ban biên tập và đồng nghiệp báo Tuổi Trẻ” vì những sai sót trong tác nghiệp của anh đã gây ảnh hưởng đến uy tín tờ báo. Ban biên tập cũng nhận thấy mình có trách nhiệm trong sự việc này.

    Ban biên tập báo Tuổi Trẻ đã nhiều lần khẳng định đây là hoạt động tác nghiệp báo chí của Hoàng Khương. Đội ngũ báo Tuổi Trẻ vẫn luôn bên cạnh Hoàng Khương, chung vui với những bài báo đầy nhiệt huyết của anh và chia sẻ với những rủi ro nghề nghiệp của anh.

    Thay mặt anh, chúng tôi sẽ tiếp tục chăm sóc, giúp đỡ gia đình anh, đặc biệt là mẹ già của anh đang bệnh nặng. Chúng tôi sẽ hỗ trợ, động viên vợ con anh để bảo đảm có cuộc sống ổn định, con cái yên tâm đến trường.

    BAN BIÊN TẬP BÁO TUỔI TRẺ

    Trả lờiXóa
  2. Việc kết án nhà báo Hoàng Khương là sự trả thù của những kẻ tự xưng đại diện cho pháp luật nhưng cố tình chà đạp luật pháp. Một nhà báo chống chuyện tiêu cực xảy ra đầy rẫy trong ngành công an, cứ cho là phạm sai lầm trong tác nghiệp, hoặc phạm tội đưa hối lộ (15 triệu đồng) đi chăng nữa mà nhận bản án 4 năm tù? Thế thì xã hội này, bọn nhận hoặc đưa hối lộ tiền tỉ tỉ, bọn ném xuống sông xuống bể tiền nghìn tỉ, chục nghìn tỉ, trăm nghìn tỉ của dân hàng đàn hàng đống kia sẽ phải chịu mấy trăm năm tù, phải bắn bao lần mới hợp với cái ba-rem mức án Hoàng Khương?

    Trả lờiXóa
  3. “Nhiều nhà báo trong nước rất bàng hoàng. Có thể đây là một đòn giáng trả cho những nhà báo chống tham nhũng trong nước bị chùn bước.

    Tôi nghĩ đây là một cái bẫy mà công an điều tra bên CA TPHCM đã cài bắt ông Hoàng Khương nhằm trả đũa những bài viết chống tham nhũng của ông nhiều năm qua trong lĩnh vực mãi lộ.”
    Văn Lang

    Trả lờiXóa
  4. Tại sao một phóng viên của mình bị bắt giam vì tác nghiệp mà sao các ông vẫn bình chân như vại.Đích thị là Báo Tuổi Trẻ cũng một ruột với cái xã hội rối ren này.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Đối với TBT Phạm Đức Hải, việc dám đưa hình và thông tin lên báo cũng đáng gọi là cam đảm lắm rồi.

      Xóa
  5. Ai sẽ làm hiệp sĩ? Ai sẽ ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng? Đây là câu hỏi, từ ngày hôm nay sẽ không có câu trả lời.

    Cuối năm ngoái, sau hàng loạt những quy định, nào là CSGT không được mang kính đen, không được “anh hùng Núp”, CA TP đặt ra một quy định nghe rất tức cười: CSGT không mang theo quá 100 ngàn đồng tiền mặt lúc làm nhiệm vụ. Thậm chí, một lãnh đạo CSGT còn nói: Trong trường hợp, CSGT muốn mang theo tiền để sau khi hoàn thành nhiệm vụ đi xử lí việc cá nhân thì số tiền đó phải niêm phong và có chữ kí của lãnh đạo Đội CSGT.
    Quy định này đã lâu rồi mà giờ nhắc đến không thể nhịn cười vì sự ngộ nghĩnh, nhảm nhí và ngớ ngẩn của nó. Liệu cần có một lực lượng “Cảnh sát ví” để thực thi mệnh lệnh này? Và liệu sẽ phải có thêm quy định “Cảnh sát ví” không mang theo quá 100 ngàn khi kiểm soát ví?
    Hồi HĐND TP Hà Nội tổ chức kỳ họp thứ 3, PGĐ CA TP Hà Nội Lưu Quang Hợi bình luận về tính hiệu quả của “quy định 100 ngàn” này như sau: Chúng tôi không khám người nhưng trong quá trình tổ chức thực hiện có sự giám sát giữa đồng chí, đồng đội với nhau và có quy trình trong công tác được duyệt qua các Tiểu đội. Chúng tôi theo dõi, nói chung là có hiệu quả, ngăn chặn được nhiều hiện tượng tiêu cực. Chúng tôi chưa thống kê những trường hợp vi phạm nhưng, nói chung là có hiệu quả, chưa có trường hợp nào vi phạm.
    Câu trả lời đá đấm nhau loạn xạ, quả thực cũng hồn nhiên và hài hước y như quy định 100 ngàn.
    Nói đi nói lại, tiêu cực trong lực lượng CSGT bị phát hiện hầu hết là từ báo chí với “nghiệp vụ” rất đơn giản: Giả người vi phạm đưa tiền. Sau đó đưa lên báo.
    Đến hôm qua, không ít các phóng viên điều tra đã tái mặt sau khi án văn tuyên ra con số 4 (năm tù) cho Hoàng Khương, một trong vô số các nhà báo, rất đơn giản: “Đưa tiền, sau đó đưa lên báo”.
    Click tiêu đề xem toàn bài

    Trả lờiXóa
  6. Tại tiểu bang California (Hoa Kỳ), nếu nhà báo sử dụng máy ghi âm mà chưa thông báo và chưa nhận được sự đồng ý của nhân vật thì đoạn ghi âm đó dĩ nhiên không có giá trị sử dụng, trên mặt báo lẫn trước tòa.

    Cái gọi là “đạo đức báo chí” ở xứ đó cũng được xây dựng trên nền tảng luật pháp rạch ròi kết hợp với tư duy đề cao giá trị con người.

    Tại Hoa Kỳ, ký giả có thể dò sóng của radio cảnh sát để chạy đến hiện trường săn tin nhưng anh ta phải đứng ngoài cửa nếu cảnh sát nhận lệnh vào khám nhà. Nhà báo, không phải nhân viên công lực để có quyền xâm phạm gia cư, dù đó là hiện trường án mạng hay ổ bán ma túy.

    Có lẽ, không một nhà báo nào phụ trách mảng đề tài Xã hội ở ta lại chưa từng theo chân cơ quan chức năng để vào tận hiện trường nhằm lấy tư liệu để chuyển đến cho độc giả phần tường thuật tỉ mỉ, chi tiết nhất có thể. Tiếc thay, sự dấn thân đó đôi khi lại sai luật.

    Dù đó chỉ là một vụ bắt mại dâm hoặc kho hàng lậu, tất cả vẫn là tài sản của cá nhân và nhà báo không có quyền đi theo công an để tiến hành kiểm tra. Và cũng khó tìm thấy hình ảnh những cô gái lõa lồ, quay mặt đi đầy tủi nhục trên các trang báo được xuất bản trong những xã hội vẫn được gán cho là “thối nát”.

    Luôn luôn tồn tại một tranh luận, nhà báo chỉ nên là kẻ quan sát rồi tường thuật hay nên là người tham gia trực tiếp với sự dấn thân để tường thuật? Câu trả lời dù khó đến mấy cũng vẫn phải căn cứ trên luật pháp sở tại.

    Một chính trị gia có thể biến báo “mục đích biện minh cho phương tiện”. Nhà báo thì không! Với nhà báo, mọi biện pháp nghiệp vụ đều phải minh bạch và tôn trọng pháp luật, như chính mục tiêu của bài viết.

    Trường hợp của nhà báo Hoàng Khương, giờ đây tòa án đã phán quyết anh phạm tội “đưa hối lộ” và xử phạt 4 năm tù. Mặc dù, nhà báo Hoàng Khương luôn khẳng định trước tòa anh chỉ có “sai sót nghiệp vụ” trong khi tác nghiệp.

    Khi được tòa hỏi: “Nếu đang tác nghiệp tại sao không sử dụng số tiền 15 triệu của tổ chức (báo “Tuổi Trẻ”) mà lại lấy tiền của người có xe bị bắt để đưa cho CSGT?”.

    Nhà báo Hoàng Khương đã trả lời: “Bị cáo biết lấy tiền của tổ chức để làm vậy là phạm pháp”.

    Hoàng Khương có lẽ là một nhà báo đầy nhiệt tâm với nghề nghiệp, theo nhận xét cá nhân sau một vài dịp tình cờ tác nghiệp chung với anh, qua những bài viết của anh trên mặt báo.

    Đồng nghiệp của anh có thể tiếc cho tài năng, nhiệt huyết của anh nhưng không thể đồng tình với lý lẽ cho phép sử dụng những cách làm sai luật để tố cáo người làm luật sai.

    Luật pháp có thể sai, người làm báo vẫn không được phép sai luật.

    Pháp luật chỉ xét đến hành vi chứ không phải mục đích. Có thể vì quá hăng hái chống tiêu cực mà nhà báo Hoàng Khương đã phạm một sai lầm được đo bằng 4 năm tù.

    Sai lầm đó chính là một nhà báo, thay vì thực hiện chức nghiệp của mình bằng cách quan sát và tường thuật sự kiện, lại dấn thân sâu đến mức độ thúc đẩy quá trình phạm pháp.

    Sai lầm đó không chỉ khiến anh trả giá mà cả những người như Tôn Thất Hòa, Nguyễn Đức Đông Anh và thậm chí là người CSGT Huỳnh Minh Đức cũng phải vào vòng lao lý.

    Một nhà báo, không thể lấy hành vi phạm pháp để thực hiện bài viết chống tiêu cực. Bởi vì, sau mỗi tin bài luôn luôn là số phận con người.
    Trung Bảo

    Trả lờiXóa
  7. Hồi nhà báo Hoàng Khương bị bắt, nhiều người trong giới báo chí khẳng định rằng Hoàng Khương sẽ chẳng bao giờ hối lộ để xin ra một chiếc xe bị nhốt, vì một người như anh có dư khả năng làm chuyện đó mà không mất tiền. Nhưng chính điều đó, lại có thể là lý do anh bị bắt và bị xử tù tới 4 năm.

    Hoàng Khương là phóng viên báo “Tuổi Trẻ”. Anh đưa một người tới gặp Thượng úy Huỳnh Minh Đức, công an quận Bình Thạnh, để xin ông Đức trả bằng lái xe và lấy xe ra. Hai bên thỏa thuận giá 3 “chai” tức 3 triệu.

    Chuyện này trở này nội dung bài báo “Đồng tiền xóa sạch hồ sơ”, đăng trên “Tuổi Trẻ” ngày 5-7-2011.

    Vài ngày sau, Hoàng Khương tiếp theo với bài “Cảnh sát giao thông giải cứu xe đua trái phép”, cũng liên quan Thượng úy Đức, lần này với giá lên tới 15 triệu. Ông Đức ngồi đếm tiền rất thoải mái trong hình ảnh được đưa lên báo, lên mạng.

    Bài báo đăng được ít lâu, công an gủi công văn ép báo “Tuổi Trẻ” phải “thu hồi thẻ nhà báo của phóng viên Nguyễn Văn Khương”. Chưa đầy một tuần sau, ngày 3-12-2011 Hoàng Khương bị “tạm đình chỉ công tác” rồi tới đầu năm sau bị bắt giam.

    Sau 248 ngày tạm giam, tác giả bài báo tố cáo công an tham nhũng bị đưa ra xử chóng vánh rồi bị tuyên án 4 năm tù. Nhiều người chỉ ra rằng án này cao ngang án dành cho Trung tá Nguyễn Văn Ninh đã đánh chết ông Trịnh Xuân Tùng.

    Về lý, các nhà báo mà biết Hoàng Khương nói rất đúng. Không thể ghép Khương vào tội đưa hối lộ, vì không thể cho rằng Khương có mục đích cứu xe khi đưa tiền cho Đức. Là phóng viên chuyên mảng giao thông của “Tuổi Trẻ”, Hoàng Khương thừa sức lấy được xe bị nhốt giùm cho một người khác. Cho nên hành vi đưa tiền, là để lật tẩy tham nhũng, không phải để đưa hối lộ.

    Nhưng về mặt khác, chính cái khả năng này của Khương, có thể đã là lý do công an ghim bài báo và tống anh vô tù.

    Trên các blog, các trang mạng xã hội, nhiều đồng nghiệp của Khương khẳng định anh có thể giúp giải quyết chuyện này nọ với CSGT, mà không cần tiền. Khương được kể là đã từng giúp người này, người kia cứu một chiếc xe bị nhốt hoặc xin lại giấy tờ bị CSGT giữ.

    Nhà báo Hương Trà, tức nick Cô Gái Đồ Long trên các trang cá nhân, kể là hồi mới cấp biển số xe 5 số thay vì 4 số, Khương có hỏi Trà “có muốn đổi không, làm giùm cho, thậm chí xin được số đẹp ngũ linh chi đó”, hoàn toàn không tốn đồng nào. (Trà từ chối, nói “xe cũ mà gắn biển mới làm chi”.)

    Trong một xã hội mà mọi chuyện giải quyết bằng quan hệ (tất nhiên kể cả quan hệ mua bằng tiền) chứ không phải bằng luật pháp, những câu chuyện này chứng tỏ Hoàng Khương là một người chơi đẹp. Anh sẵn sàng mang những quan hệ của mình - là món hàng có giá trong một xã hội như thế - để giúp đỡ bạn bè.

    Nhưng cũng chính vì xã hội đó là xã hội mà mọi chuyện giải quyết bằng quan hệ chứ không phải bằng luật pháp, nên Hoàng Khương mới bị trả thù.

    Hãy nhìn sự việc dưới con mắt của CSGT (biết là làm khó lắm, nhưng cứ thử xem). Họ cũng như mọi người Việt Nam khác, sống trong một xã hội mà mọi chuyện giải quyết bằng quan hệ chứ không phải bằng luật pháp. Và họ cũng đã từng giải quyết việc này nọ cho Hoàng Khương dựa quan hệ chứ không phải trên luật pháp. Đùng một cái Hoàng Khương đem lên báo, đưa ra mổ xẻ dưới ánh sáng của luật pháp.

    Tức là, có sự đối nghịch giữa những việc làm trước của Khương (giúp bạn bè lấy xe, lấy giấy tờ, lấy biển số), và việc làm sau của Khương (lật tẩy tham nhũng). Và khi họ cho những việc làm trước là bình thường, thì việc làm sau là không bình thường, là phạm luật.

    Không phải phạm luật cấm đưa hối lộ - đó chỉ là cái cớ. Mà làm phạm luật chơi của ngành CSGT, mà chính Khương đã từng chơi trong đó. Đã chơi cùng thì khó tách ra.

    Cho nên, để giải quyết cho tận gốc những chuyện như này, ngoài những biện pháp thường nghe như tự do ngôn luận, làm sạch chính quyền, dẹp bỏ tham nhũng, còn cần tới một biện pháp nữa, là dẹp đi những thói quen giải quyết công việc bằng quan hệ, bằng sự quen biết, bằng những cuộc đi đêm như thể anh với tôi là cùng một phe phái với nhau.

    Vì chừng nào còn dựa vào cái mớ bòng bong những quan hệ, thì luật sẽ vẫn là luật rừng.
    Vũ Quý Hạo Nhiên

    Trả lờiXóa
  8. Anh Hoàng Khương bị 4 năm tù do đưa hối lộ 15 triệu đồng, tương đương 750 US$, vậy xin hỏi cái tội viên đại tá công an Lương Ngọc Anh ăn hối lộ ở Úc 20 triệu US$ - gấp chừng 30 ngàn lần, - để chia cho các quan chức cao nhất, thì đáng bao nhiêu năm tù và tại sao vẫn cứ bị ém nhẹm, dù cho phía Úc đã xét xử người của họ phạm tội.
    (Click tiêu đề xem toàn bài)

    Trả lờiXóa

Best Blogger TipsBest Blogger Tips