Thứ Năm, 3 tháng 10, 2013

Người dân nước nào trung thực nhất?

Tạp chí Reader’s Digest đã làm một thí nhiệm thú vị về đức tính trung thực của người dân 16 quốc gia Âu Mỹ... 192 chiếc ví đựng tiền mặt (50 USD mỗi ví), thẻ tín dụng, ảnh gia đình và giấy tờ tùy thân, số điện thoại của chủ nhân ví, được giả đò đánh rơi...
Tại 16 thành phố được coi là có tầm quan trọng về du lịch và một số mặt khác, ví đã được “đánh rơi” tại nhiều điểm khác nhau, như vỉa hè, công viên hoặc siêu thị (mỗi thành phố 12 ví). Căn cứ số ví tiền được hoàn lại cho chủ nhân của chúng, Reader’s Digest đã đưa ra một bảng xếp hạng về mức trung thực của cư dân các thành phố nói trên như sau:
Sau đây là 5 vị trí đứng đầu (Top 5):
1. Helsinki, Phần Lan (11/12 ví tiền được hoàn trả). Người Phần Lan được coi là trung thực nhất trong khảo sát này. Một sinh viên trường Kinh tế, Lasse Luomakoski 27 tuổi ( ảnh dưới) cho hay: “Chúng tôi là một cộng đồng nhỏ, trầm lặng và đoàn kết. Ở nước chúng tôi hầu như không có tham nhũng, và cũng chả ai vượt đèn đỏ”.
Tại một khu công nhân ở thủ đô, một cặp vợ chồng đứng tuổi thì thổ lộ: “Tất nhiên chúng tôi trả lại ví tiền. Đối với chúng tôi, trung thực là điều đương nhiên!”.
2. Mumbai, Ấn Độ (9/12). Thật bất ngờ là thành phố đông dân thứ hai này của xứ Ấn lại về ngôi “á hậu”. Theo tường thuật của Reader’s Digest, trong số những người đem trả lại ví, có cả các chàng trai trẻ, phụ nữ chăm con và một người quay video.
Anh Rahul Ráj (27 tuổi), nhân viên kỹ thuật tại một hãng sản xuất phim ở Mumbai, nói: “Lương tâm tôi không cho phép tôi làm bất cứ điều gì xấu. Ví tiền là tài sản lớn, có nhiều giấy tờ quan trọng”. Còn chị Vaisáli Mhaskár làm nghề bán tem thư, mẹ của hai đứa trẻ, thì khẳng định: “Tôi dạy bọn trẻ phải trung thực, cũng như cha mẹ tôi đã dạy tôi như vậy”.
3. Budapest, Hungary (8/12). Trả lời phỏng vấn Reader’s Digest, một cô gái nói rằng sở dĩ cô hoàn lại ví tiền vì cô nhớ lại, một lần cha cô cũng đã làm như thế. Hóa ra, chủ nhân chiếc ví tiền lần đó đang chuẩn bị cho lễ thành hôn diễn ra trong ngày và nếu mất giấy tờ tùy thân, “đương sự” sẽ phải hoãn lễ cưới.
Đồng thời, các nhân viên của Reader’s Digest cũng thấy một bà cụ chừng lục tuần nhặt ví ở gần công viên Thánh István, mở ra xem rồi lẩn luôn vào một khu nhà cạnh đó và mất dạng luôn!
4. New York, Hoa Kỳ (8/12).Ai cũng nghĩ rằng dân New York không thân thiện, nhưng điều đó không đúng, chúng tôi dễ chịu mà!” - Richard Hamilton, một công chức chính phủ 36 tuổi nói với Reader’s Digest.
Tuy nhiên, không phải ai cũng ngay thẳng như thế: một chàng trai chừng hai mươi tuổi nhặt được ví, lấy tiền rồi vào luôn một cửa hiệu để mua bán!
5. Moscow, Liên bang Nga (7/12). Tại thành trì một thời của CNCS, một ví tiền được chuyển lại cho bảo vệ một vườn bách thú và ông này đã gọi theo số điện thoại tìm được trong ví để gửi lại “người mất”. Lý giải hành động của mình, đương sự nói đơn giản: “Đạo đức công tác của người bảo vệ đòi hỏi tôi phải làm vậy”.
Các thứ hạng tiếp theo: 6. Amsterdam, Hà Lan (7); 7. Berlin, CHLB Đức (6); 8. Ljubjana, Slovenia (6); 9. London, Vương quốc Anh (5); 10. Warszawa, Ba Lan (5); 11. Bucharest, Romania (4); 12. Rio de Janeiro, Brazil (4); 13. Zürich, Thụy Sĩ (4); 14. Praha, Cộng hòa Czech (3); 15. Madrid, Tây Ban Nha (2).
Đội sổ là Lisbon, thủ đô Bồ Đào Nha: tại đây, vỏn vẹn chỉ có 1 ví tiền trên tổng số 12 ví được trao lại!
Chẳng cần đánh rơi, ví nằm trong túi cũng có kẻ "mượn" tạm
Cơm thêm: 50 USD ở VN đổi được hơn 1.100.000 đồng. Một số tiền khá lớn đối với các "sư đoàn" hàng rong: Vé số; đánh giày; bán báo; phụ hồ... với thu nhập chỉ trên dưới 150.000 đồng/ngày lao động cật lực. Còn đối với hành khất thì tương đương trúng độc đắc. Giả như thử nghiệm này thực hiện ở VN nhiều khả năng toàn bộ số ví của Reader’s Digest sẽ "một đi không trở lại".

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Best Blogger TipsBest Blogger Tips