Thứ Tư, 2 tháng 10, 2013

Những cụm từ vô nghĩa

Trong lĩnh vực chính trị những năm gần đây, theo dõi trên các phương tiện truyền thông, có thể thấy thường xuyên xuất hiện những khái niệm mới. Trong các lĩnh vực lý luận, sự xuất hiện những khái niệm mới thường gắn liền với việc thay đổi quan điểm, cách nhìn nhận vấn đề. Trong quản lý nhà nước và xã hội, những khái niệm mới thường đi kèm với những cải cách đáng kể, nếu đúng đắn thì có thể đem lại những lợi ích rất to lớn cho hàng triệu người.
Nhưng đáng tiếc là những khái niệm mới mà ta thường bắt gặp lại không gắn liền với những sự thay đổi như vậy. Lý do là vì những khái niệm đó không có nội dung. Chúng được mô tả bởi những cụm từ vô nghĩa.
Xin nêu ra hai cụm từ như vậy: “phát huy nội lực” và “lòng tin chiến lược”. Một gắn với chính sách đối nội, và cái kia gắn với đối ngoại.

Phát huy nội lực
Khoảng gần cuối những năm 1990, khi nghe đài, đọc báo hay dự các cuộc hội họp, người ta thấy liên tục xuất hiện cụm từ “phát huy nội lực”. Vì nó được nêu ra từ cấp lãnh đạo cao nhất, nên người ta trông chờ chủ trương “phát huy nội lực” sẽ đem lại cho đất nước một nguồn sức mạnh to lớn, làm cho kinh tế, văn hóa, khoa học tăng tốc phát triển.
Những người có ít nhiều tư duy lý luận (theo nghĩa nghiêm túc của từ “lý luận”) thì chờ đợi một sự cụ thể hóa khái niệm này để đưa nó vào cuộc sống. Người ta nghĩ đến những câu hỏi như sau:
Phát huy nội lực nghĩa là làm những gì? Làm thế nào để đánh giá một cá nhân, một cơ quan trong hệ thống nhà nước hay một tổ chức nào đó đã phát huy nội lực hay chưa, và nếu rồi thì đánh giá mức độ phát huy nội lực (để thưởng/phạt) như thế nào? Và những người có trách nhiệm nhưng không chịu phát huy nội lực thì phải chịu hình phạt gì?
Về câu hỏi thứ nhất, dựa vào cách hiểu theo lối chiết tự, có thể tạm hiểu “phát huy nội lực” là phát huy tinh thần tự lực tự cường, cùng nhau gắng sức để biến những tiềm năng của chính xã hội ta, của con người Việt Nam ta thành sức mạnh có thể làm nên những thành tựu to lớn trong các lĩnh vực của cuộc sống xã hội, và lấy nguồn sức mạnh đó làm chủ đạo, chứ không ỷ vào viện trợ của nước ngoài (như trong mấy thập niên trước). Tuy nhiên, khi một “nhà lý luận” đưa ra khái niệm thì cần có một định nghĩa chính xác, không thể để mọi người hiểu láng máng như vậy được.
Nhưng gay nhất là việc đánh giá thành công của “công cuộc phát huy nội lực”. Trong hàng chục năm qua, chẳng thấy có một cuộc tổng kết nào, một cuộc biểu dương nào những tập thể và cá nhân có thành tích về phát huy nội lực. Và đến nay, chưa thấy ai nói công cuộc đó đã đem lại cho đất nước những gì, bớt đi vay nước ngoài được bao nhiêu (so với cùng thời gian nhưng không có “phát huy nội lực”). (Tuy nhiên, có anh bạn tôi khi nghe tôi hỏi vậy thì lấy tay bịt mũi, cười và bảo: “Thôi thôi, không tổng kết còn hơn, tổng kết còn “thúi” nữa!)
Lòng tin chiến lược
Từ khoảng 2 tháng nay, trong quan hệ giữa các quốc gia, một vài chính khách nói đến “xây dựng lòng tin chiến lược”.
Một học giả nước ngoài đã hỏi, đại ý: “Khi ngài nêu ra khái niệm “xây dựng lòng tin chiến lược”, ngài ngụ ý cái “lòng tin chiến lược” ấy là gì?”
Và người hỏi nhận được câu trả lời như sau: Muốn có hòa bình (để phát triển) thì phải tin tưởng nhau, mà muốn có lòng tin vào nhau thì phải xây dựng “lòng tin chiến lược”,…
Nghe xong, có lẽ vị học giả kia vẫn chẳng hiểu gì. Còn chúng ta thì lại càng không. Nếu cho một định nghĩa chính xác thì hiểu ngay, chứ chơi cái trò đánh đố đó thì ai hiểu nổi!
Tuy nhiên, căn cứ vào “văn phong” của cái vị nêu ra khái niệm đó thì có thể hiểu cái “lòng tin chiến lược” ang áng như thế này: “lòng tin” thì là lòng tin rồi, như ta hiểu một cách dân dã thôi. Còn cái từ rất cao sang là “chiến lược” thì mới đây được dùng không phải để chỉ “đường lối chiến lược”, mà là một tính từ để chỉ những gì thuộc về cấp cao nhất. Cán bộ “cấp chiến lược” tức là cán bộ lãnh đạo cấp cao nhất (gồm chỉ hơn chục người) ấy! Như vậy, lòng tin giữa những người đứng đầu các quốc gia thì được gọi là “lòng tin chiến lược”. Nhớ nhé, nếu chúng ta tin nhau mà lăm le định gọi đó là “lòng tin chiến lược” thì tức là “phạm húy”, “phạm thượng” đấy!
Nhưng vẫn rất gay. Vấn đề là thế này. Giả sử Liên Hợp Quốc nhất trí đưa khái niệm “xây dựng lòng tin chiến lược” vào chương trình hành động của nó, thì sau 5 năm, để xét xem quốc gia nào đã xây dựng được lòng tin chiến lược với bao nhiêu quốc gia khác thì làm thế nào đây? Và đối với các quốc gia khá hay kém về xây dựng lòng tin chiến lược thì thưởng/phạt thế nào?
Một câu hỏi nữa là: trong cái thế giới mà các thế lực lớn đang luôn tìm cách tranh ăn với nhau, thủ tiêu lẫn nhau thì xây dựng lòng tin chiến lược như thế nào? Liệu người nêu khái niệm có định nói Obama hãy có lòng tin chiến lược vào al-Assad, vào Putin hay al-Qaeda? Các nước ASEAN hãy có lòng tin chiến lược vào thiện chí của Bắc Kinh? Còn nếu chưa có được lòng tin chiến lược đó thì “xây dựng” nó như thế nào? Liệu người nêu khái niệm có dạy được cho các vị nguyên thủ khác cách thức “xây dựng” cái thứ “lòng tin chiến lược” quý hóa đó không?
Và liệu lời kêu gọi “xây dựng lòng tin chiến lược” có thiết thực bằng lời kêu gọi “hãy cảnh giác” hay không?
Nếu không có nội dung, những khái niệm mới với những cái tên rất kêu, rất sang, sẽ chỉ là những trò làm mẽ mà thôi. Là những trò trang trí xoàng xĩnh mà khi nhìn vào thì người biết sẽ cười!

1 nhận xét:

  1. Một câu văn chính trị chuẩn trong tiếng Việt hiện đại là một thiết kế gợi nhớ đến những dàn giáo trùng trùng lớp lớp. Nó có thể mở đầu như sau:
    - Thực hiện Nghị định A,
    - nâng cao quyết tâm B,
    - phát huy thế mạnh C,
    - kiên quyết khắc phục yếu kém D,
    - chủ động nắm bắt thời cơ Đ,
    - tăng cường quản lí E,
    - đề cao tinh thần F,
    - thắt chặt G,
    - củng cố H...
    Sau hàng ngàn cụm vị ngữ nối tiếp nhau xông lên ấy, chủ ngữ cũng xuất hiện, chẳng hạn “toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta“, để ngay sau đó chủ ngữ siêu nhân ấy sẽ thực hiện hàng vạn hành vi phức tạp trong cùng một câu, có thể như sau:
    - khai thác các lợi thế I,
    - xây dựng vững chắc K,
    - chỉnh đốn toàn diện L,
    - phát triển sự nghiệp M,
    - phát huy những mặt tích cực N,
    - hạn chế những tiêu cực O,
    - hoàn thiện và mở rộng P,
    - đào sâu và đẩy mạnh Q,
    - tích cực triển khai R,
    - quyết liệt thực hiện S...
    Có người giải thích cho tôi rằng những dàn giáo chóng mặt này không xuất hiện trong các diễn văn xuất khẩu của Thủ tướng, đơn giản vì lí do dịch thuật. Tôi không thấy việc dịch những quái vật tiếng Việt ấy sang một ngôn ngữ quốc tế là bất khả, song tác động của loại diễn văn dàn giáo đó như thế nào, chính ông Thủ tướng và nhóm ghostwriter của ông biết hơn ai hết. Chính trị không phải chỉ là nói gì, mà nói như thế nào. Chính trị còn là phong cách.
    PHẠM THỊ HOÀI
    (Click tiêu đề xem toàn bài)

    Trả lờiXóa

Best Blogger TipsBest Blogger Tips