Thứ Sáu, 7 tháng 12, 2012

Hạnh phúc là đây (tiếp)

Những nghề chẳng ai mong "cha truyền con nối"
Nghề... ẵm heo
Nghề ẵm (bồng) heo thuê - một nghề “độc” chỉ có ở chợ heo Bà Rén (xã Quế Xuân 1, huyện Quế Sơn, Quảng Nam) - tồn tại từ hơn 40 năm nay.
Đây là nghề dành cho những phụ nữ nghèo không ngại bẩn thỉu, mưa nắng và nặng nhọc. Đội ngũ ẵm heo thuê đa số là phụ nữ, tuổi từ 40-50.
Công việc ẵm heo bắt đầu từ 6g30 đến 10g30 (đây là giờ chợ heo nhộn nhịp nhất). Khi những chuyến xe chở heo từ các chuồng tập kết về chợ, họ phải ẵm heo ra giỏ tre cho chủ bán heo. Trung bình một ngày mỗi người kiếm được 20.000-50.000 đồng. Trong ảnh: bà Phụng Boa (50 tuổi, 20 năm trong nghề) ẵm một chú heo “thiếu niên” nặng gần 40kg.
Săn cua
Ở ấp Thiềng Liềng, xã Thạnh An, huyện Cần Giờ, TP.HCM, người ta gọi ông Ba Ngon (Phạm Văn Ngon, 56 tuổi) là ông “vua cua”. Hơn 40 năm trong nghề bắt cua, nơi nào trong vùng rừng ngập mặn Cần Giờ “vua cua” cũng đều biết. Cả năm người con trai ông đều nối nghiệp cha, vì thế có thể gọi ông là “đại gia” trong nghề bắt cua.
Nhà ít, nhà nhiều ở ấp này đều góp cho đội quân bắt cua lên đến cả trăm người. Những con người hằng ngày dọc ngang rừng ngập mặn, lần theo từng vết chân cua nhỏ xíu trên bùn, săm soi từng vết bọt nước bất thường... giờ không phải đi bắt mà phải gọi là đi săn cua. Những con cua vùng này đã thành đặc sản, đắt và hiếm. Hiếm không chỉ vì nhiều người bắt mà còn bởi môi trường đã bị ô nhiễm nhiều nơi khiến các loài thủy sinh khó lòng sinh sôi và phát triển được.

Cả buổi săn họ cũng chỉ được chừng dăm con, cơm áo cả nhà trông vào dăm con cua ấy. Con cua lên ngôi nhưng nghề bắt cua vẫn thế, vẫn mãi là cái nghề dành cho những người nghèo khó nhất.
Thúng cơm mưu sinh
Quanh năm, ngày nắng cũng như ngày mưa, từ sáng sớm chị Mai Thị Yến và gần 20 người khác ở Châu Hóa (Tuyên Hóa, Quảng Bình) lại tất bật lên ga tàu lửa Lạc Sơn đón tàu chợ vào TP Đồng Hới. “Hành trang” của mọi người không bao giờ thay đổi: mãi vẫn là thúng cơm gà đội trên đầu, toòng teng bên hông chùm hộp xốp đựng cơm.
Mỗi ngày chị Yến bán được vài ba chục hộp cơm cho người qua đường. Trừ tiền tàu xe, chị lãi 50.000-60.000 đồng. “Có lãi hơn so với làm nông ở làng nhưng vất vả lắm. Bán hết vào buổi cơm trưa thì tốt, không thì chiều phải đội về làng bán dạo ở các chợ quê hay khu công nhân. Không hết nữa thì đành... ăn và chịu thâm vốn mua gà” - chị nói. Thúng cơm gà mưu sinh của chị Yến nhọc nhằn là vậy nhưng chị tự hào là đã tảo tần nuôi lớn những đứa con, cho chúng được tới trường, cho chị hi vọng vào tương lai.

Hàng rong
Chị quê ở Bình Định, đến Sài Gòn để kiếm sống qua ngày. Chị chọn cho mình nghề bán đồ ăn vặt vào buổi đêm trước công viên 23-9, Q.1, TP.HCM. Là một phụ nữ, chị chấp nhận nguy hiểm, kiên trì ngày này qua ngày khác thức thâu đêm mong có khách để có tiền lo miếng ăn cho những đứa con ở nhà.


Một đời cắt tóc
Ông Ngô Trường Thọ, 80 tuổi, bắt đầu cắt tóc từ năm 18 tuổi. Ban đầu ông cắt tóc ở vỉa hè phố Nguyễn Du. Cách đây 51 năm, ông chuyển về cắt tóc tại 94 Lê Văn Hưu (Hà Nội) đến nay.
Khách hàng của ông chủ yếu là khách quen, có gia đình từ ông tới chắt bốn thế hệ ở Hà Nội đều đến ông cắt tóc. Ông kể: “Thời xưa tôi nhờ cắt tóc mà nuôi được sáu con trưởng thành. Con đầu sinh năm 1950, con út sinh năm 1973”.

Khi phụ nữ làm nghề đàn ông
Nghề bện dây cột thuyền thường chỉ dành cho trai tráng khỏe mạnh nhưng riêng tại thôn Thiện Chánh, xã Tam Quan Bắc, huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định, nhiều chị em cũng tham gia công việc này.

Nghề lưới quét của những lão ngư
Không còn khỏe khoắn ra khơi đánh bắt cá ở Hoàng Sa, Trường Sa như thời trai trẻ, lão ngư 74 tuổi Đặng Văn Quanh (phải) ở phường Mân Thái, quận Sơn Trà, Đà Nẵng quay về với nghề lưới quét gần bờ để bắt những con cá nhỏ.

Từ sáng sớm, ông Quanh và các lão ngư chia làm hai tổ cùng hợp sức để kéo lưới quần quật từ 2-3 giờ. Khi trúng thì được vài chục ký cá khoai, cá cơm chia đều cho mọi người; lúc biển bạc, dù vắt kiệt sức cũng chỉ kéo được vài lạng cá bèo nhèo.
Vào mùa hẹ nước
Trong khi phần lớn cư dân “nghỉ xả hơi” chờ lũ rút để gieo sạ thì một bộ phận người dân ở xã Tân Lập, huyện Mộc Hóa (Long An) lặn ngụp mò hẹ giữa dòng nước lũ để kiếm sống. Hẹ mọc tự nhiên giữa dòng nước lũ, được xem là rau sạch nên được các nhà hàng, quán ăn ưa chuộng. Có lúc giá hẹ lên tới 20.000-25.000 đồng/kg.

Mua... tro rơm rạ
Khoảng nửa tháng gần đây, ở hai huyện miền núi Đức Linh, Tánh Linh (Bình Thuận) xuất hiện một kiểu mua bán mới: mua bán tro rơm rạ.
Tại các chân ruộng vừa gặt xong, thay vì rơm rạ được bán làm thức ăn cho bò như trước đây, nay nông dân đốt làm tro để thương lái thu mua với giá cao hơn nhiều lần. Theo các thương lái, tro rạ được “đóng hàng” mang lên Lâm Đồng, bán lại cho nhà vườn bón hoa tết. Mua bán tro rơm rạ giúp thêm thu nhập cho nhà nông sau mùa thu hoạch.

“Người nổi tiếng” trên đèo Hải Vân
Ông Nguyễn Bừa (67 tuổi, trú tại Q.Liên Chiểu, TP Đà Nẵng) đang xác định điểm xì hơi của ruột xe bị thủng trên đỉnh đèo Hải Vân.
Hơn 12 năm qua, không kể nắng mưa, ngày hay đêm, ông vẫn đều đặn làm nghề sửa xe máy trên đèo Hải Vân. “Danh thiếp” của ông là những vách đá bên đường, nơi ông ghi số điện thoại di động để những người đi đường gặp sự cố hư xe, thủng lốp liên lạc. Những người kinh doanh trên đỉnh đèo gọi ông một cách thân mật là “người nổi tiếng” khi nhiều đài báo đã có nhiều bài viết về ông.

Dịch vụ “hốt bạc” mới
Mỗi buổi sáng, có vài chục người đi xe máy phải thuê nhóm xe ôm khiêng xe qua dải phân cách với giá 50.000 đồng/lượt.


Nguyên nhân do một số người đi vào làn đường ôtô (đường Nghiêm Xuân Yêm, Hoàng Mai, Hà Nội) để đi tắt rẽ sang đường khác.
Nguồn từ chuyên mục Nhịp đời qua ống kính - báo Tuổi Trẻ
Bài trước:

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Best Blogger TipsBest Blogger Tips