Thứ Tư, 28 tháng 8, 2013

Xúc phạm Nguyên thủ: Nga bắt - Pháp thoải mái - Bắc Hàn đi lao động khổ sai

Cảnh sát Nga hôm Thứ Hai ập vào phòng triển lãm tranh trong viện bảo tàng Museum of Power ở St Petersburg, tịch thu bốn bức tranh bị cho có nội dung chế nhạo các lãnh đạo bảo thủ Nga, gồm bức vẽ hình Tổng Thống Vladimir Putin mặc bộ đồ lót màu hồng.
Vụ tịch thu xảy ra chỉ một tuần trước khi ông Putin bay đến St. Petersburg, chủ trì đón tiếp các nhà lãnh đạo thế giới sang dự hội nghị thượng đỉnh G-20.
Hãng thông tấn RIA Novosti hôm Thứ Ba trích dẫn lời cảnh sát nói rằng các bức tranh từng được trưng bày từ hai tuần qua có thể “vi phạm luật lệ hiện hành,” nhưng không nói rõ đó là vi phạm gì. Được biết ở Nga, mọi “xúc phạm đến các đại diện chính quyền” đều bị cấm đoán. Chủ nhân phòng tranh, ông Alexander Donskoy, gọi hành động tịch thu là bất hợp pháp. Ông cho biết cảnh sát còn niêm phong phòng triển lãm và bắt phải đóng cửa. Ông phân bua: “Chúng tôi không nhận được văn bản chính thức nào bảo rằng cơ sở chúng tôi không được hoạt động nữa, cũng như cảnh sát không hề cấp biên nhận tịch thu đồ.”
Bức tranh sơn dầu của họa sĩ Konstantin Altunin vẽ hình ông Putin sờ tay lên đầu của Thủ Tướng Dmitry Medvedev, người chỉ mặc một áo nịt ngực và một quần lót phụ nữ.
Ngoài ra, cảnh sát còn lấy đi bức vẽ hai luật gia chống hôn nhân đồng tính Vitalyu Milonov và Yelena Mizulina, và bức vẽ một trong những người đứng đầu Chính Thống Giáo Nga. (Giáo chủ Kirill tranh trên)
Ông Milonov là phó thị trưởng St. Petersburg. Ông than phiền về các bức tranh, trong đó một bức vẽ ông với lá cờ màu cầu vồng tượng trưng phong trào đòi quyền của giới đồng tính và giới cải giới tính. Ông nói những tranh này “hoàn toàn mang tính chất đồi trụy."
Theo báo Moscow Times, ông Milonov còn dự trù đề nghị thêm luật cấm đưa lên Internet đề tài giễu cợt mang “nội dung không đúng sự thật.” (Người Việt)
Trước đó ngày 25/7, Thượng viện Pháp đã phê chuẩn việc bãi bỏ quy định cấm “xúc phạm người đứng đầu nhà nước” ra khỏi hệ thống luật sau khi được Hạ viện nước này thông qua 2 ngày trước đó.
Quy định gây tranh cãi này đã từng được sử dụng một cách đình đám vào năm 2008 nhằm chống lại một người đàn ông treo biểu ngữ “mắng” cựu Tổng thống Nicolas Sarkozy rằng: “Biến đi, đồ khốn.”
Người đàn ông này đã ngay lập tức bị bắt giữ, bị phán quyết vi phạm pháp luật và bị phạt 40 USD vì đã xúc phạm lãnh đạo nước Pháp, một động thái bị Tòa án Nhân quyền Châu Âu phán quyết là vi phạm quyền tự do ngôn luận. Chính phán quyết này của Tòa án Nhân quyền Châu Âu đã thúc đẩy nước Pháp bãi bỏ quy định này.
Người dân Pháp giờ đây có thể... thoải mái mắng Tổng thống của mình nếu muốn, sau khi Quốc hội nước này quyết định bãi bỏ lệnh cấm nhục mạ nguyên thủ quốc gia được đề ra từ năm 1881.
Theo điều luật sửa đổi này, Tổng thống Pháp sẽ phải khởi kiện ra trước tòa nếu cảm thấy bị xúc phạm và phải chứng minh được người khác đã phỉ báng mình theo một trình tự pháp lý phức tạp và kéo dài hơn nhiều.

Đầu tháng 8 một số báo đưa tin Nữ diễn viên Lee Chun Hon, người có thời từng mua vui cho Kim Jong-il đã bị bắt đi lao động cải tạo tại một hầm lò khai thác than ngay sau buổi biểu diễn của mình.
Nữ diễn viên nổi tiếng thậm chí không được phép nói lời tạm biệt với gia đình mình ngay sau khi bị bắt. Nguyên nhân là do bà đã nói đùa quá thoải mái và bất cẩn trong buổi diễn tại một nông trang ở tỉnh Gangwon.
Một trong những tiết mục hài nhái của bà đã bị coi là xúc phạm đến chính quyền. Không biết chính xác câu đùa nào của bà đã khiến chính quyền tức giận, chỉ biết ngay sau đó Lee Chong Hon đã bị gửi đến một mỏ than. Bà sẽ phải làm việc trong hầm lò ít nhất sáu tháng.
Nữ nghệ sĩ hài này sẽ phải đặc biệt cẩn trọng vì mỗi sai lầm của bà sẽ có thể dẫn đến việc thời gian ở trong trại của bà bị tăng thêm. Lee Chun Hon là một diễn viên hài tài năng với khả năng bắt chước giọng người khác. Vì phải chịu án phạt lao động ở mỏ than, nữ diễn viên đã phải hoãn kế hoạch tổ chức đám cưới cho con gái. Trước đó, bà Lee Chun Hon đã bị gửi đi lao động khổ sai vào giữa năm 2000 cũng do 'sảy miệng' làm phật ý các nhà lãnh đạo Triều Tiên.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Best Blogger TipsBest Blogger Tips