Theo quy định của pháp luật, một vị thẩm phán có quyền tuyên án tử hình hoặc tù chung thân đối với tôi. Cũng theo quy định (dự thảo) pháp luật, một ông Cục trưởng Cục An ninh mạng có quyền đọc đoạn chat Zalo của tôi. Rõ ràng, so sánh giữa ngồi tù hay tử hình thì bị đọc trộm tin nhắn chẳng thấm vào đâu. Ấy thế nhưng tôi vẫn lo bị đọc trộm tin nhắn hơn là bị tử hình. Vì sao vậy?
Vì cơ chế kiểm soát quyền lực khác nhau.
Nếu như ông Cục trưởng muốn đọc tin nhắn của tôi, ông ta cứ tự động yêu cầu Zalo cung cấp. Zalo buộc phải cung cấp. Thậm chí tôi còn chẳng biết ông ta đọc lúc nào, chẳng biết ông ta đọc vì lý do gì, đọc xong thì làm gì với thông tin đó. Ngoài Zalo ra, không ai khác biết được rằng quyền riêng tư của tôi đã bị xâm phạm. Mà chắc là Zalo cũng chẳng bao giờ báo cho tôi chuyện đó.
Nhưng với một ông thẩm phán thì khác, quy trình phức tạp hơn rất nhiều. Đầu tiên phải có Cơ quan điều tra khởi tố vụ án, khởi tố bị can (là tôi), rồi phải có kết luận điều tra, gửi sang Viện Kiểm sát để truy tố, ra cáo trạng gửi sang Toà án để xét xử, sơ thẩm rồi phúc thẩm, thậm chí cả giám đốc thẩm, tái thẩm thì mới có thể tuyên án tử hình. Toàn bộ quá trình đó kéo dài từ vài tháng đến vài năm. Đó là chưa kể tôi có quyền có luật sư, có quyền đối chất với Viện Kiểm sát, có quyền kháng cáo đối với bản án, có quyền khiếu nại, tố cáo và quan trọng nhất, Toà án xét xử công khai nên rất nhiều người dân có thể giám sát.
Chính sự khác biệt trong cơ chế kiểm soát quyền lực như vậy nên ông Cục trưởng mới dễ lạm quyền hơn ông thẩm phán. Và vì vậy, tôi sợ ông cục trưởng hơn sợ ông thẩm phán.
Chúng ta cần có một Cục An ninh mạng mạnh để chống tội phạm trên mạng, chống chiến tranh, khủng bố trên mạng là rất cần thiết. Nhưng trao quyền phải đi kèm với giám sát quyền.
Hãy sửa đổi quy định theo hướng: ông Cục trưởng có thể đọc tin nhắn của tôi nếu:
– Ông ta có thể thuyết phục được Toà án, Viện kiểm sát, hoặc ít nhất là Bộ trưởng Bộ Công an là tôi đã có dấu hiệu vi phạm pháp luật và việc đọc tin nhắn là cần thiết; và
– Ông ta phải thông báo cho tôi biết rằng tin nhắn của tôi vừa mới bị đọc; và
– Ông ta phải báo cáo kết quả đọc tin nhắn của tôi với Toà án hoặc Viện kiểm sát; và nếu sau khi đọc xong không phát hiện ra tôi đã phạm tội thì ông ta phải xoá tin nhắn đó đi;
– Nếu ông ta để lộ tin nhắn của tôi cho người khác thì ông ta phải bồi thường.
Chỉ có làm như vậy thì ông Cục trưởng mới thôi không còn là nỗi khiếp sợ của tôi, cũng như của toàn bộ người dân Việt Nam. - Tiếng
Dân
Bài cũ:
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét