Thứ Bảy, 27 tháng 10, 2018

Đất nước đứng lên bỏ đảng

Nguyên Ngọc
26-10-2018
Tôi đã suy nghĩ và định làm việc này từ lâu, nhưng muốn làm một cách bình thường, không gây ồn ào. Nay sau việc Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng kỷ luật PGS.TS. Chu Hảo, tôi quyết định ra tuyên bố này, chính thức từ bỏ Đảng Cộng sản Việt Nam kể từ hôm nay. Tức nhân dịp này tuyên bố một quyết định đã chuẩn bị từ trước, đồng thời để tỏ rõ thái độ đối với thông báo của Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng.
PGS.TS. Chu Hảo là một trí thức lớn, có công lớn với đất nước và dân tộc, đặc biệt trong công cuộc khai hóa bằng Tủ sách Tinh Hoa của Nhà xuất bản Tri Thức mà ông là Giám đốc, Tổng biên tập, đưa đến cho người đọc những tri thức căn bản nhất của nhân loại mà chúng ta nhất thiết phải biết, hiểu, nếu muốn thật sự xây dựng một quốc gia văn minh, tiến bộ, cùng thiên hạ năm châu. Tôi vinh dự và tự hào là bạn thân của ông, đã cùng ông làm việc và tham gia các hoạt động xã hội trong nhiều năm nay.
Kỷ luật ông Chu Hảo thực chất là một hành động thực hiện chính sách ngu dân, kìm hãm nhân dân trong vòng tăm tối, để dễ lừa dối và đàn áp, vì quyền lợi ích kỷ của một đảng độc tài đang cướp quyền sống và phát triển của dân tộc. Kỷ luật ông Chu Hảo với những lý do đầy tính chất vu khống còn là hành vi có chủ tâm đánh vào những người trí thức yêu nước, có tài và có tâm, luôn hành động và phát ngôn theo lương tâm của mình. Việc làm thất nhân tâm này tất sẽ dẫn đến tình trạng “sĩ phu ngoảnh mặt”, hết sức nguy hiểm cho vận mệnh dân tộc.
Tôi vào Đảng Lao Động Việt Nam (nay là Đảng Cộng sản Việt Nam) từ năm 1956, đến nay đã 62 năm. Thế hệ chúng tôi tự nguyện gia nhập Đảng vì yêu nước, hăng hái tham gia sự nghiệp giải phóng dân tộc. Tôi đã có mặt suốt cả hai cuộc kháng chiến, đều ở chiến trường miền Nam.
Từ nhiều năm qua, tôi nhận thấy Đảng ngày càng xa rời lý tưởng ban đầu của mình, “tự diễn biến” thành một tổ chức chuyên quyền, phản dân hại nước. Tôi không thể còn đứng trong một tổ chức như vậy.
Tôi vẫn tin ở tương lai của đất nước, nhất là ở lớp trẻ, vì không có lực lượng vô luân nào có thể ngăn trở dân tộc này quyết định vận mệnh của mình.


9 nhận xét:

  1. Hai trí thức nhiều năm tuổi đảng vừa tuyên bố từ bỏ đảng Cộng sản ngay sau khi Ủy ban Kiểm tra Trung ương đề nghị kỷ luật Giáo sư Chu Hảo, nguyên thứ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ và Môi trường.

    Một trí thức Việt Nam tại Hà Nội, Phó Giáo sư, Tiến Sĩ Mạc Văn Trang, vào sáng ngày 26/10 tuyên bố ra khỏi đảng Cộng sản Việt Nam sau khi Ủy ban kiểm tra Trung ương đảng hôm 25/10 xem xét kỷ luật Giáo Sư Chu Hảo, Giám Đốc- Tổng Biên Tập Nhà Xuất Bản Tri Thức và nguyên thứ trưởng Bộ Khoa học- Công Nghệ và Môi trường.

    Phó GS-Tiến Sĩ Mạc Văn Trang là người từng có hơn 30 năm công tác ở Viện Khoa học Giáo dục trước khi về hưu vào năm 2002 và đã có hơn 54 năm tuổi đảng.

    Trả lờiXóa
  2. Thời gian qua qua internet chúng ta biết rằng trong xã hội Trung quốc đang diễn ra một phong trào lớn- Phong trào thoái đảng. Vì nhiều lí do mà trào lưu thoái đảng tại Trung Quốc vẫn diễn ra trong vòng bí mật. Con số thống kê thoái đảng ở vào mức 100 triệu người và đang tiếp tục tăng theo thời gian. (Năm 2018 đã tăng lên 300 triệu)

    Theo chúng tôi được biết, người thoái đảng là những đảng viên quyết định rời bỏ hàng ngũ của đảng và không còn liên quan đến đảng cộng sản chỉ về mặt tư tưởng thì được xếp vào hàng thoái đảng nghĩa là trên giấy tờ thì những người này có thể vẫn là thành viên của đảng nhưng trong tâm tư, tình cảm thì họ đã đoạn tuyệt với ý thức hệ cộng sản.

    Dù thế nào chúng tôi không tài nào nghĩ ra là làm cách nào mà những người tự xưng là đỉnh cao trí tuệ của nước bạn có thể cấm được các đảng viên rời bỏ hàng ngũ của đảng mà chỉ vì họ đoạn tuyệt đảng về mặt tư tưởng.

    Đặt câu hỏi đơn giản rằng, trong một ngày không xa tất cả các đảng viên thoái đảng kia lần lượt công khai hay nói đúng hơn là đồng loạt tuyên bố thoái đảng như Ông Lê Hiếu Đằng… thì chỉ cần dựa vào một quy luật đơn giản mà người ta gọi là: “Tâm lý đám đông” thì sẽ diễn ra một cơn bão thoái đảng mà Trung cộng không thể nào kiểm soát được.“Tâm lý đám đông” là một thuật ngữ trong ngành kinh tế nó nói rằng một người sẽ dễ đưa ra quyết định mua hoặc bán khi có nhiều người khác cùng mua và cùng bán một mặt hàng nào đó, mặc dù nó thường được dùng trong kinh tế nhưng nó cũng đúng trong các lĩnh vực khác vì nó là quy luật.

    Từ thực tế đó chúng ta có thể tạm phân chia ra 2 loại thoái đảng: Thoái đảng công khai và thoái đảng bí mật.

    - Thoái đảng công khai: Đó là việc một người nào đó làm đơn xin thoái đảng một cách công khai và tuyên bố ra khỏi tổ chức đảng, nó được công khai cho đồng nghiệp, bạn bè, trên các phương tiện thông tin, mạng xã hội… hình thức thoái đảng này ban đầu sẽ tạo ra một hiệu ứng lớn nhưng về sau nếu số lượng đảng viên thoái đảng không đủ nhiều thì ảnh hưởng của nó sẽ giảm dần theo thời gian.

    - Thoái đảng bí mật: Thoái đảng bí mật như hiện tượng đang xảy ra ở Trung quốc như đã nói thì cần có một tổ chức đứng ra làm trung gian để xác nhận việc thoái đảng của đảng viên, ban đầu sẽ thu thập một số lượng lớn các đảng viên thoái đảng bí mật và khi đạt đến một con số nào đó thì có thể tiến hành công khai một cách đồng loạt tạo nên hiệu ứng“Tâm lý đám đông" và phá tan đảng cộng sản.

    Vì vậy, thoái đảng nên có cùng một lúc 2 hình thức trên cùng song hành với nhau thì mới đạt được kết quả cộng hưởng, Ở Việt nam trong tình hình như hiện nay cũng nên có một phong trào thoái đảng bí mật để cùng đồng hành với việc thoái đảng công khai hiện có. Để làm được điều đó thì cần phát động phong trào và phải có tổ chức đứng ra thu thập số liệu. Tôi nói rằng thoái đảng bí mật mà lại phát động phong trào rầm rộ thì còn gì là bí mật nhưng việc phát động phong trào thoái đảng không ảnh hưởng đến việc giữ bí mật về danh tính của người thoái đảng vì tổ chức đứng ra sẽ làm nhiệm vụ giữ bí mật cho các thành viên để đợi đến khi thu thập đủ số lượng cần thiết sẽ tiến hành công khai đồng loạt.

    20/12/2013
    HỒNG LĨNH

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Vào lúc 22h43′ ngày 26/10/2018, ông Trần Nam, Trung tá QĐND cũng đã tuyên bố bỏ đảng. Ông Trần Nam sinh ngày 11/5/1960, ở Vĩnh Phúc. Ông vào đảng ngày 30/6/1999, được gần 20 năm tuổi đảng và ông đã từ bỏ đảng đêm qua.
      Tiếp bước PGS Mạc Văn Trang, nhà văn Nguyên Ngọc, Trung tá Trần Nam, vào lúc 0h01’ ngày 27/10/2018 kỹ sư Hoàng Tiến Cường, tức Facebooker Cường Hoàng Công, cũng đã tuyên bố từ bỏ đảng. Ông Cường viết: “Không biết nói gì cho đủ. 0h1’ ngày 27/10/2018 tôi tuyên bố tôi trở về với quần chúng!”

      Sau đó chưa đầy nửa tiếng, lúc 0h28′ ngày 27/10/2018, TS Trần Thanh Tuấn ở Hà Nội, cũng đã tuyên bố bỏ đảng. Ông Tuấn viết: “Thực ra tôi cũng có ý định xin ra khỏi Đảng từ lâu rồi nhưng chần chừ. Nay có bác Nguyên Ngọc làm tấm gương nên tôi cũng nhân status này tuyên bố tôi bỏ Đảng bắt đầu từ hôm nay… Ngày vào Đảng thì tôi không nhớ nhưng ngày hôm nay 27/10/2018 chắc tôi sẽ nhớ mãi“.

      Nhà thơ Thận Nhiên cho rằng, các đảng viên ly khai với ĐCS vẫn chưa đủ. Ông Nhiên viết: “Khi xác quyết rằng Đảng là ‘một tổ chức chuyên quyền, phản dân hại nước’. thì ly khai/ly dị vẫn chưa đủ. Những người thật sự yêu nước không thể chỉ ly khai với Đảng là xong chuyện, là phủi tay, là có thể bàng quan với vận nước, mà họ phải chống lại nó! Chẳng những chỉ ly khai khỏi Đảng mà họ còn chống lại, đối kháng lại cái thế lực phản dân hại nước ấy!”

      Cựu đảng viên, phó TBT báo SGGP, nhà báo Kha Lương Ngãi viết: “Hiện nay, nếu tôi còn là Đảng viên thì tôi cũng sẽ phải làm như bác Mạc Văn Trang đáng kính, vì hiện nay đối với tôi, không có nỗi nhục nào bằng nỗi nhục làm một Đảng viên của cái Đảng mà Đảng trưởng là một nhà độc tài tham lam quyền lực tột cùng, vô độ như Đảng trưởng Nguyễn Phú Trọng”.

      Xóa
    2. Tôi đặt ra câu hỏi và rất muốn được nhiều người suy nghĩ để tự trả lời. Chẳng là nhân chuyện từ bỏ Đảng của Nguyên Ngọc và nhiều người khác, tôi nhận được thông tin từ anh bạn T, người đã từng giữ chức vụ cao trong chính quyền, rằng từ khi về hưu anh xin nghỉ sinh hoạt đảng vì lý do tuổi tác, như vậy anh không còn là đảng viên ĐCSVN. Tôi nói, nhiều người xin nghỉ sinh hoạt, vì già yếu, nhưng hàng tháng vẫn đóng đảng phí thì trong danh sách của chi bộ vẫn có tên và mỗi năm vẫn được tính thêm một tuổi đảng (để trong điếu văn vẫn có nhiều chục năm tuổi đảng). Anh bạn T nói rằng đã không đóng đảng phí 12 năm, như vậy có lẽ chi bộ đã tự động gach tên anh khỏi danh sách. Anh nói với tôi rằng, chuyện từ bỏ Đảng là của cá nhân, không muốn để ai biết làm gì. Thế cho nên mấy lâu nay tôi cứ tưởng nhầm anh vẫn trong đảng, những người đọc các bài viết của anh vẫn nghĩ là bài viết của một đảng viên kỳ cựu, cao cấp, đang tự diễn biến.

      Nhiều người, trong đó có bạn bè của tôi đã chọn việc từ bỏ đảng một cách âm thầm, lặng lẽ với ý nghĩ đó là việc cá nhân, theo phương châm: “Giận kẻ trần ai, ai chẳng biết; một mình mình biết, một mình hay”.

      Trước khi từ bỏ đảng, tôi cũng đã suy nghĩ nhiều và so sánh để chọn phương án âm thầm hay công khai. Mỗi phương án đều có ưu và nhược điểm. Ban đầu tôi đã chọn âm thầm, sau chuyển sang công khai. Tuy vậy, cá nhân tôi và gia đình phải chịu một số bất lợi, nhưng nó hợp với tính cách của tôi và hy vọng nó sẽ có tác động tích cực đến một số người. Tôi cho rằng những đảng viên tuyên bố công khai từ bỏ đảng cũng có những suy nghĩ gần như thế.

      Âm thầm để bỏ đảng có 2 cách. Cách thứ nhất là xin chuyển sinh hoạt và không nạp hồ sơ nơi đến. Cách thứ 2 là, trước hết làm đơn xin nghỉ sinh hoạt vì già yếu, rồi lặng lẽ không nạp đảng phí. Ai chứ tôi không thể làm đơn như vậy vì sau khi nghỉ hưu thể chất tôi vẫn khỏe mạnh, trí tuệ vẫn minh mẫn, tinh thần vẫn thích hoạt động và thực tế tôi vẫn hoạt động. Khi đang còn là U80 mà lấy lý do già yếu để xin nghỉ sinh hoạt đảng tôi sẽ phạm vào lỗi thiếu trung thực. Tôi vẫn dạy cho con cháu và học trò sự trung thực, tôi không muốn vi phạm.

      Tôi đã xin rút hồ sơ khỏi Đảng bộ Phường K để chuyển về cơ quan X. Chẳng là tôi vừa ký với họ một hợp đồng làm tư vấn về khoa học. Tôi không nạp hồ sơ cho Đảng bộ cơ quan X và tôi hoàn toàn có thể từ bỏ đảng một cách lặng lẽ. Nhưng rồi tôi đã thay đổi ý đồ, đã chiến thắng sự lo sợ mà tuyên bố công khai. Tôi làm thế với hy vọng việc làm ấy sẽ có một tác dụng tích cực nào đó.

      An ninh của đảng đã chất vấn Đảng ủy phường K, họ trả lời không biết, không ngờ, không chịu trách nhiêm vì tôi đã chuyển đi từ lâu. Hỏi Đảng ủy cơ quan X, họ trả lời không biết, không chịu trách nhiệm vì tôi chưa chuyển hồ sơ đến. Cơ quan X nhận được lệnh bằng miệng phải cắt bỏ mọi quan hệ đối với tôi.

      Chắc rằng việc âm thầm từ bỏ đảng đã có nhiều đảng viên thực hiện từ lâu và hiện nay vẫn có nhiều người tiếp tục. Việc bỏ đảng công khai, trường hợp được nhiều người biết, được dư luận quan tâm vào loại sớm nhất có lẽ là của Đại tá Bùi Tín vào năm 1990. Sau đó, với Tống Văn Công, Lê Hiếu Đằng và nhiều người khác thì việc công khai từ bỏ đảng không còn là việc quá đặc biệt.

      Sau sự việc Chu Hảo, một số đảng viên đã tuyên bố công khai từ bỏ Đảng. Đầu tiên là Nguyên Ngọc. Theo nhà văn Hoàng Hưng thì: “Nhà văn Nguyên Ngọc đã ra Đảng từ lâu, nay mới tuyên bố thôi”.
      NGUYỄN ĐÌNH CỐNG

      Xóa
    3. Có mấy người hỏi tôi, sao không làm đơn mà tự tuyên bố ra khỏi Đảng? Nhân chuyện này, xin có vài chia sẻ:

      1. Trong thế giới hiện đại, đầy biến chuyển, năng động, các đảng chính trị không còn tính chất cố hữu như truyền thống; việc đảng viên gia nhập đảng không còn là chuyện thiêng liêng ghê gớm; và chuyện rời bỏ đảng cũng là chuyện bình thường. Sự tự nguyện vào – ra đảng sẽ làm cho đảng chính trị mạnh hơn, vì những người không đồng quan điểm thì ra, để đảng “trong sạch, vững mạnh” thực sự, chứ không còn chuyện “đảng viên nhan nhản, cộng sản chẳng thấy ai”! Hay chuyện “nhạt đảng, khô đoàn, chán chính trị” mà cứ “ôm nhau” cả lũ rồi phê bình, kiểm điểm nhau, nhiếc móc nhau năm này qua năm khác… Đảng viên Đảng CSVN, xét về những điều Đảng quy định “không được làm”, nếu thực hiện đúng thì chẳng còn tự do, nhân cách, nhân quyền, chỉ là thứ công dân hạng hai, hạng ba! Thế sao cố ở?

      2. Việc “nhạt đảng” bỏ Đảng đã diễn ra từ lâu, nhất là sau năm 1975, với nhiều hình thức.

      – Hình thức bị kỷ luật, khai trừ ra khỏi Đảng là phiền phức nhất, phải họp hành, kiểm điểm, phê phán nhau; rồi các ban bệ họp hành, báo cáo… rất nhiêu khê;

      – Việc làm đơn xin ra Đảng cũng rất lôi thôi: Viết đơn gửi chi ủy; chi ủy, chi bộ họp, báo cáo cấp trên, cấp trên nữa… Rồi cán bộ đến “tuyên truyền, vận động”… Rắc rối mãi, rồi mới dám quyết…;

      – Hình thức phổ biến nhất là khi chuyển đơn vị công tác hay khi về hưu, làm giấy chuyển sinh hoạt Đảng, rồi về cất đi, lặng lẽ làm “người tử tế ngoài Đảng”. Hình thức này nhiều lắm, Đảng không biết có thống kê được không, mà có cũng không dám công bố, vì đông lắm. (Đại tá CA Nguyễn Đăng Quang cũng làm cách này);

      – Hình thức “Tự tuyên bố ra khỏi Đảng” như nhà văn Nguyên Ngọc hay tôi làm, là đơn giản, không phiền phức tổ chức Đảng và cũng công khai, đàng hoàng, giản dị. Đáng lẽ Đảng và xã hội cũng coi đó là chuyện bình thường, thì một số người lại làm to chuyện, rất không nên.
      MẠC VĂN TRANG

      Xóa
  3. Không khí chính trị đen kịt và thảm não như một đám tang với trò diễn vụng của tay đại bịp đạo đức giả “nghĩ mình phận mỏng cánh chuồn”, may thay, đã được “tiễn vong” bởi “hiệu ứng Chu Hảo”. Phản ứng quyết liệt cùng sự tuyên bố ra khỏi Đảng của các ông Nguyên Ngọc và Mạc Văn Trang chẳng khác gì cú tát vào mặt Đảng.

    “Từ nhiều năm qua, tôi nhận thấy Đảng ngày càng xa rời lý tưởng ban đầu của mình, “tự diễn biến” thành một tổ chức chuyên quyền, phản dân hại nước. Tôi không thể còn đứng trong một tổ chức như vậy” – ông Nguyên Ngọc viết. “Phản dân hại nước” – không có cáo trạng nào ngắn gọn nhưng đanh thép và chát chúa nảy lửa như vậy dành cho đảng cai trị.

    Có bao nhiêu đảng viên đang nhận thức rằng Đảng không chỉ là một tổ chức thối nát tham nhũng mà còn “phản dân hại nước”? Có tội nào lớn hơn và đáng nguyền rủa đời đời bằng tội “bán dân hại nước”? Sẽ có bao nhiêu đảng viên nữa đủ dũng cảm tuyên bố “ly khai” với cái đảng u mê hủ lậu và hèn nhược với ngoại bang này?

    Sẽ có bao nhiêu pho sách để viết lại cái thời đen tối mà bọn hề chèo bán nam bán nữ lên giọng ỉ ôi “khuôn xanh biết có vuông tròn mà hay” lại có thể trâng tráo tự đặt để chỗ ngồi cho mình và đặt để chỗ đứng cho người dân với sự cho phép nói hoặc không, hay quyền tự tuyên tội nhằm vào trí thức?

    Ôi mạt. Thời mạt. Sự mạt vận không chỉ cho dân tộc. Nó đang hướng vào Đảng! Chưa bao giờ Đảng đối diện với “mạt lộ” bằng lúc này. Chẳng có con đường nào và chẳng “tiến sĩ xây dựng Đảng” nào có thể chấn chỉnh lại thảm kịch đi đến hố chôn tập thể của Đảng cả.

    Chẳng thế lực ngoại bang nào, kể cả Trung Quốc, có thể giúp Đảng cộng sản Việt Nam tránh được số phận diệt vong bằng một lịch sử lừa bịp dân tộc dai dẳng (như một “con điếm” – từ của ông Lê Phú Khải). “Con điếm” ấy phải chết. Ngày ấy sẽ đến. Ngày mà người dân cùng chung tay viết lên bản “cáo phó” cho cái đám tang “vĩ đại” nhất lịch sử dân tộc sẽ đến. Ngày mà cả nước “vô cùng vui mừng báo tin” về cái chết của Đảng sẽ đến.

    Tôi luôn có một niềm tin mãnh liệt vào hào khí dân tộc, vào hai chữ Việt Nam, được cha ông chúng ta tạc khắc bằng vàng nhưng bị cộng sản vấy lên bằng máu.

    Tôi tin quỷ dữ sẽ phải trả giá. Chẳng có thiên đường nào cho dân tộc này tồn tại cùng với quỷ dữ.
    MẠNH KIM

    Trả lờiXóa
  4. Lời cảm ơn của ông Chu Hảo:
    Thưa anh Mạc Văn Trang và anh Nguyên Ngọc,
    Thưa các anh chị và các bạn trong và ngoài nước,
    Và các thành viên gia đình yêu quý.
    Bằng việc công bố tư liệu này, từ đáy lòng mình, tôi xin chân thành cám ơn mọi người đã cảm thông, khích lệ và ủng hộ tôi trong mấy ngày qua. Tình cảm trân quý mà mọi người dành cho tôi là phần thưởng vô giá động viên tôi vững bước trên con đường mà mình đã chọn, dù năm tháng cuộc đời không còn mấy nữa.
    Với tất cả tấm lòng trìu mến!
    CHU HẢO
    Chu Hảo

    Trả lờiXóa
  5. Cô Hà Phương Bích, hội viên Hội nhạc sỹ Việt Nam, giảng viên Học viện âm nhạc Huế, cũng đã tuyên bố bỏ đảng. Cô Bích viết: “Mình chủ động xin ra Đảng vì lý do mất lòng tin sau một thời gian ăn rồi họp, họp rồi ăn, động viên mình rút đơn, dọa mình đủ thứ… Cuối cùng cũng phải cho mình ra khỏi đảng, với lý do hài hước, mà với lý do này, càng làm cho mình dị ứng với Đảng hơn. Nguyên văn ‘vô ý thức tổ chức kỷ luật Đảng, không có ý thức đấu tranh’!? Hơ hơ, toàn những lời kết tội suông, bài bản, dối trá...”

    Facebooker Trần Thị Kim Thoa, ở Sơn La viết: “Tôi Trần Thị Kim Thoa tuyên bố từ giã Đội, ra khỏi Đoàn và không vào Đảng!”

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Sự việc mới đây khiến tôi không thể kìm lòng được nữa: Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng CSVN công bố kết luận hết sức xằng bậy về GS - TSKH Chu Hảo. Đó là một ý đồ hắc ám, muốn thông qua việc trừng phạt một trí thức ưu tú mà tôi và đông đảo trí thức cũng như người dân kính trọng như tinh hoa dân tộc, tuyên chiến với giới trí thức tiến bộ tâm huyết, tuyên chiến với nhân dân. Những ngày qua, tôi kiên nhẫn chờ đợi động thái sửa sai từ cấp cao nhất. Nhưng vô vọng! Tôi hiểu, lề lối quan liêu, tư duy bảo thủ, khuynh hướng độc tài hủ bại hắc ám đã, đang và sẽ còn chế ngự Đảng CSVN, như hồi đánh Nhân văn - Giai phẩm.

      Tôi vào Đảng Nhân dân Cách mạng Miền Nam tại chiến trường, năm 1971. Ngày đó, tôi đinh ninh đứng vào đội ngũ những người tiên phong, sẵn sàng ngã xuống cho “sự nghiệp giải phóng quê hương, thống nhất đất nước, xây dựng đất nước giàu mạnh, xã hội công bằng, văn minh…”. Do hoàn cảnh lịch sử, hạn chế thông tin khi ấy, tôi chưa thể biết sự thật cay đắng phũ phàng: Chủ nghĩa Mác - Lê Nin, mà Đảng CSVN lấy làm nền tảng tư tưởng, chỉ là một học thuyết phản khoa học, phi thực tế, cổ xúy bạo lực "đấu tranh giai cấp", hiếu chiến, tạo bất công, gieo rắc đói nghèo lạc hậu, độc đoán thủ tiêu mọi quyền tự do chính đáng của nhân dân.

      Thực tế, sau 1975, phần lớn lãnh đạo Đảng CSVN tự hoang tưởng, tha hóa biến chất ngày một tồi tệ, làm đất nước ngày càng tụt hậu, nhân dân lầm than.

      Quá thất vọng, tôi bỏ sinh hoạt đảng từ 2013. Tôi luôn trăn trở: “tuổi cao, sức yếu, không gì đau buồn và hổ thẹn hơn là đột ngột ra đi mà vẫn danh nghĩa là đảng viên CS”. Đã đến lúc tôi phải rời khỏi cái đội ngũ mà thế lực hắc ám ngự trị trong Đảng CSVN đang lạm dụng làm bình phong che chắn cho động cơ vị kỷ, tệ hại của họ.

      Tôi thành tâm mong mỏi ngày càng có nhiều đảng viên có lương tri, còn tâm huyết với dân, với nước, nhất là thế hệ trẻ, tiếp tục rời bỏ Đảng CSVN, Đoàn TN CSVN. Vận nước, tương lai dân tộc tùy thuộc mỗi người Việt Nam chúng ta.

      Vì những lẽ trên, tôi chính thức tuyên bố rời bỏ Đảng Cộng sản Việt Nam.
      KIM CHI

      Xóa

Best Blogger TipsBest Blogger Tips