Thứ Sáu, 12 tháng 10, 2018

Cưỡng hiếp trong chiến tranh

Giải Nobel Hòa bình năm 2018 đã trưng bày ra ánh sáng nhân loại một điều được xem là “húy kỵ” từ thời xưa cổ, ít người muốn nhắc đến. Với giải thưởng cao quý dành cho bác sĩ Denis Mukwege người Congo và cô Nadia Murad, người hoạt động Nhân quyền Iraq, Ủy ban Nobel dọi ánh đèn pha vào một vấn nạn khủng khiếp, tàn bạo của nhân loại ngày nay nhưng đến nay vẫn chưa được đánh giá đúng mức, đó là hãm hiếp phụ nữ trong các cuộc chiến: Một loại tội phạm chiến tranh.
Phù điêu cảnh hãm hiếp phụ nữ
The Bulgarian Martyresses - 1877, tranh của họa sĩ người Nga Konstantin Makovsky,
Những phụ nữ Bungari bị hãm hiếp bởi bọn lính Ottoman.
Trong mọi cuộc chiến, phụ nữ bị cưỡng hiếp, bị làm nhục, bị bắt làm nô lệ tình dục. “Hãm hiếp được sử dụng như một loại vũ khí”, Ủy ban Nobel Na Uy đã đưa ra trong lập luận của mình khi tuyên bố dành giải Nobel Hòa bình năm nay cho bác sĩ Denis Mukwege và cô Nadia Murad. Ủy ban cũng giải thích “điều kiện tiên quyết cho nền hòa bình thế giới lâu dài là các thủ phạm sẽ phải được đưa ra trước công lý.”

 Nạn nhân ngày nay
Một lính Isis bị bắt giữ bởi chính quyền người Kurd ở miền bắc Iraq 
Điều này hiếm khi xảy ra. Phần lớn các phụ nữ khi thoát ra khỏi “các trại súc vật” khốn nạn, họ lại thường giữ im lặng vì xấu hổ. Và nếu một khi họ công khai nói lên, thì lại bị kết án ngược, bị gạt ra ngoài xã hội và gia đình. Từ một nạn nhân, những người phụ nữ khốn khổ này lại bị biến thành tội phạm.


Cô Nadia Murat đã từng bị lọt vào tay quân khủng bố IS, cái được gọi là Nhà Nước Hồi Giáo trong nhiều tháng vào năm 2014 khi cuộc chiến xảy ra tại thành phố Mosul, Iraq. Sau khi trốn thoát, cô công khai kể về sự tra tấn mà cô phải chịu đựng, những cơn đau khổ về tinh thần lẫn thể xác khi bị dày vò hãm hiếp. Sau khi tìm được nơi ẩn náu tại Đức, cô dùng mọi thời gian để vận động quốc tế truy tố các tội phạm IS. Những tên thủ phạm phải bị trừng phạt do những gì chúng gây ra, chúng không được phép có được một cuộc sống yên ổn mà không bị pháp luật trừng trị.

Nadia Murat trong lần gặp Đức Giáo hoàng Francis tại Roma năm 2017
Nadia Murat, người Yazidis, 25 tuổi hiện nay làm việc với tư cách là Đặc phái viên Liên Hiệp Quốc vì Nhân phẩm của những người sống sót trong việc buôn bán người. Công việc của cô làm tăng tiếng nói chống lại bạo lực tình dục trong các cuộc chiến tranh và chiến đấu cho việc bảo vệ và quyền lợi cho các nạn nhân. Nghị viện châu Âu tôn vinh các hoạt động của cô với Giải thưởng Nhân quyền Sakharov năm 2016.


Các nạn nhân cũng là trọng điểm trong công việc của bác sĩ Denis Mukwege. Ở quê hương Congo, ông cứu chửa cho các phụ nữ bị hãm hiếp và được coi là chuyên gia hàng đầu về điều trị chấn thương do bị hiếp dâm tập thể, ở khắp châu Phi. Các nữ bệnh nhân của ông thường bị hành hạ nhục hình như bị dùng lưởi lê, báng súng, nòng súng, các vật cứng đâm vào âm hộ… Kinh nghiệm chuyên môn đã khiến ông trở thành một nhà hoạt động chống bạo lực tình dục. Không sợ hãi và không mệt mỏi, trong hàng năm dài ông lao mình vào trận chiến chống hiếp dâm, một hình thức được sử dụng ồ ạt và có hệ thống như một loại vũ khí chiến tranh.

Cả hai người đoạt giải, theo Ủy ban ở Oslo, đã có những đóng góp đáng kể để thu hút sự chú ý của thế giới đến những tội ác chiến tranh. Mukwege là “người đã cống hiến cuộc đời mình cho việc bảo vệ các nạn nhân”. Murad “một chứng nhân, ​​người đưa tin về sự lạm dụng tình dục đối với bản thân và những người khác.” Mỗi người, theo cách riêng của mình, đã đóng góp để rọi sáng, để làm cho các tội ác bị nhận diện, hầu có thể trừng phạt hợp lý các thủ phạm.

Công lý cho phụ nữ là mục tiêu đứng đằng sau tất cả các hoạt động. Nhưng đấy lại là con đường cam go, tốn rất nhiều thời gian. Còn rất nhiều nạn nhân bị từ chối được công nhận là nạn nhân chiến tranh, được hưởng tiền trợ giúp hoặc bồi thường tương ứng. Điều này thường liên quan đến các cấu trúc xã hội nhà nước do nam giới chi phối. Phụ nữ và trẻ em gái luôn gặp nguy hiểm, đặc biệt không những trong các cuộc chiến tranh và xung đột, nhưng cũng trong mọi tình huống khi cán cân quyền lực nghiên về nam giới và khi phụ nữ quá bị lệ thuộc.

Cuộc chiến chống bạo lực tình dục đối với phụ nữ trong chiến tranh, trong cuộc sống hàng ngày cần phải được thúc đẩy, tôn vinh hơn nữa trong mọi chiều hướng xã hội, chính trị.

Giải Nobel Hòa bình năm 2018 là một chiến thắng quan trọng đầu tiên.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Best Blogger TipsBest Blogger Tips