Thứ Ba, 23 tháng 10, 2018

Ném chưa trúng, phạt !!!

Chiều 22.10, trung tá Lê Văn Tuấn, Trưởng Công an P.Bình Trưng Tây (Q.2, TP.HCM), cho biết vào ngày 20.10 công an phường này lập biên bản xử phạt hành chính bà Nguyễn Thị Thùy Dương 750.000 đồng do “lỗi ném vật lạ vào người khác” theo Nghị định 167.
Tuy vậy, ông Tuấn cũng xác nhận “bà Dương có ném nhưng không trúng ai”. Về điều này, bà Dương cho hay mình bị lập biên bản và phạt với số tiền trên. Khi công an ra biên bản, bà chấp hành đóng phạt ngay sau đó. “Còn về tang vật, người ta nói ngày 23.10 lên trả lại nên khi đó tôi cầm chiếc còn lại, đi chân không về. Ngày mai tôi sẽ lên công an lấy lại dép”, bà Dương nói.

PV Thanh Niên cố gắng liên lạc với người đứng đầu Ủy ban MTTQ Q.2 và HĐND Q.2 - hai nơi có trách nhiệm chính tổ chức cuộc tiếp xúc cử tri ở Q.2 - để hỏi thêm thông tin nhưng điện thoại để liên hệ không ai bắt máy.
Trước đó, tại buổi tiếp xúc cử tri vào ngày 20.10 của đoàn ĐBQH TP.HCM, bà Dương đã cầm giày của mình ném về phía hội trường.
Tham dự buổi tiếp xúc ngày 20.10 có ông Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM; bà Nguyễn Thị Quyết Tâm, Chủ tịch HĐND TP.HCM; ông Phan Nguyễn Như Khuê, Phó trưởng đoàn chuyên trách ĐBQH TP.HCM và bà Trịnh Ngọc Thúy, Phó chánh án TAND TP.HCM. (Thanh Niên)

6 nhận xét:

  1. ... Ý thức hệ Mác Lê và xã hội chủ nghĩa đã chết trong lòng của nhân dân Nga, Trung Quốc, Việt Nam, Bắc Hàn, Cuba. Những khua môi múa mép về kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa, pháp chế xã hội chủ nghĩa... đều là giả dối và lừa gạt.

    Nhân dân Việt Nam biết điều này và chiếc giày của Nguyễn Thùy Dương nói lên đơn giản sự khinh bỉ tột cùng của họ đối với Nguyễn Thị Quyết Tâm, Nguyễn Thiện Nhân, Nguyễn Xuân Phúc, Nguyễn Phú Trọng và toàn bộ guồng máy đảng...
    LS ĐÀO TĂNG DỰC

    Trả lờiXóa
  2. Chiếc giày Thủ Thiêm của cô gái 28 tuổi không chỉ là một cơn giận của dân chúng. Nó là chỉ báo rành rọt về một mặt bằng mới trong quan hệ giữa nhà nước và người dân. Chiếc giày ấy đã cáo chung vĩnh viễn thời đại phụ mẫu chi dân như trong xã hội thần dân mà có kẻ cầm quyền muốn hồi sinh.
    TÂM CHÁNH

    Trả lờiXóa
  3. "Vụ người phụ nữ ném chiếc giày vào các đại biểu quốc hội thuộc Đoàn đại biểu Quốc hội TP.Hồ Chí Minh khi họ đang tiếp xúc cử tri là hành động khó có thể chấp nhận, có biểu hiện vi phạm pháp luật."

    "Nhưng dường như hành động đó được cộng đồng mạng hưởng ứng, đồng tình thậm chí là hả hê. Dư luận đồn đoán rằng, chiếc giày đó có lẽ hướng về phía bà Nguyễn Thị Quyết Tâm nhưng không trúng đích."

    "Tôi cho rằng, đã là đại biểu Quốc hội và còn là đại biểu Hội đồng Nhân dân mà bị cử tri ném giày thì không còn gì để nói. Người đại biểu của dân phải biết nhìn lại mình."

    "Vì sao là đại diện của dân mà lại bị người dân coi như "thế lực thù địch" như vậy? Không ai mang giày đi sỉ nhục một người đại diện cho mình để nói lên tiếng nói có lợi cả. Có lẽ người đại biểu của nhân dân chỉ hứa mà không làm đã khiến họ quá mất niềm tin, đẩy bức xúc của người dân đến tận cùng."

    "Tôi cho rằng, để xảy ra trường hợp như vậy, lỗi thuộc về người đại biểu của nhân dân chứ không phải lỗi của dân. Đại biểu của dân nhưng đã một thời gian dài không làm gì để cho người dân hết bức xúc, không làm tròn bổn phận mà người dân gửi gắm niềm tin thì trách nhiệm đó thuộc về người đại biểu của nhân dân."
    VÕ ĐỨC PHÚC

    Trả lờiXóa
  4. "Thoạt đầu, tôi nghĩ chỉ có mỗi gia đình mình bị oan nhưng càng đi sâu thì càng thấy rất nhiều người cùng hoàn cảnh bị thu hồi đất nông nghiệp."

    "Người dân ở đây bức xúc vì Ủy ban nhân dân quận 2 mập mờ trong việc đền bù cho người dân trong việc xây trụ sở Ủy ban Nhân dân quận."

    "Tôi vốn không có quan điểm chính trị. Chỉ là mình không chấp nhận được việc sai trái."

    "Lúc bị đưa ra khỏi hội trường, tôi chỉ thấy mình khác người."

    "Họ không giống tôi. Khi tôi phạm lỗi thì xin lỗi, hối lỗi và khắc phục hậu quả của người bị tổn hại."

    "Chỉ có một chiếc giày mà tôi được cả chục nhân viên an ninh hộ tống thì họ khác tôi quá."

    "Sau vụ này, tôi bị phạt 750.000 đồng về tội "ném vật dụng vào người khác" và đã nộp phạt rồi."
    NGUYỄN THÙY DƯƠNG

    Trả lờiXóa
  5. Sau khi ném giày và bị phạt 750,000 đồng (hơn $32), bà Nguyễn thị Thùy Dương kể cho mọi người biết thêm: “Sáng nay tôi bị giáo huấn sớm. Anh công an cố giảng giải cho tôi biết bà Tâm không liên quan gì tới việc mất đất của dân.” Anh công an muốn nói bà Thùy Dương đã “đánh oan” bà Tâm.

    Bà Tâm chủ tịch thành Hồ không phải là người đã đứng ra cướp đất của dân Thủ Thiêm, vì lúc đó bà chưa đủ lớn. Nhưng bà Thùy Dương không có thù oán riêng với bà Nguyễn Thị Quyết Tâm cũng như ông chủ của bà là Bí Thư Thành Ủy Nguyễn Thiện Nhân. Bà Thùy Dương ném giày là nhắm ném vào mặt cả chế độ ăn cướp.

    Cũng như năm ngoái dân Hà Nội ném giày vào ông Trần Văn Tuân. Ông Tuân đang đọc lời xin lỗi ông Hàn Đức Long, một người bị tòa án Cộng Sản kết án tử hình, đã ngồi tù 11 năm mới được minh oan. Ông Trần Văn Tuân không cần phải là người đã xử oan ông Long; nhưng ông là một quan phó chánh án, đại diện cho cả hệ thống tư pháp của chế độ. Cho nên dân đã ném giày dép vào hệ thống tư pháp Cộng Sản chứ không nhắm vào cá nhân ông Tuân!

    Anh công an còn hỏi tới động cơ chính trị của bà Thùy Dương và hỏi bà có bị ai lôi kéo xúi giục không. Bà Thùy Dương tự giới thiệu chỉ là một bà nội trợ bình thường, nhân tiện còn hỏi luôn, “…sẵn đây cho tôi hỏi động cơ chính trị nào khiến mấy cô chú xịt nước, đập nhà, đổ đất vào đầu dân vậy? Các cô chú là chủ tịch, là ông là bà. Dân là súc vật à?”

    Khi một đảng cầm quyền coi dân như súc vật thì sẽ còn nhiều người ném giày. Bà Thùy Dương tiên đoán vụ Thủ Thiêm không thể yên. Vì “Lòng dân như sóng thần!” Khi nào còn đàn áp, bất công; khi quyền tự do phát biểu của người dân Việt Nam còn bị cướp đọat, thì nghề làm giày còn phát tài.

    Người dân Việt Nam đã thêm một phương pháp bày tỏ ý kiến mới. Không được nói, không được viết, chúng ta chỉ còn cách “làm dấu” hay “ra hiệu” bằng cử chỉ. Nhưng ném cả chiếc giày đi cũng hơi phí của.

    Lần tới, khi tiếp đón ông tân chủ tịch nhà nước hay ông Tập Cận Bình, bà con có thể chỉ cần mỗi người tháo một chiếc giày ra, cầm trong tay, không cần phải ném cũng được. Một chiếc giày có giá trị bằng vạn lời nói, hàng vạn chữ viết.
    NGÔ NHÂN DỤNG

    Trả lờiXóa
  6. Chúng em là dép, là giầy
    Giúp đôi chân bước khỏi trầy, khỏi dơ
    Nhiệm vụ thật quá đơn sơ
    Từ ngàn xưa đến bây giờ nào sai!
    Bỗng dưng, chẳng biết vì ai
    Dép giầy bỗng tụt ra ngoài đôi chân
    Này bức bách! Này ác nhân!
    Dép giầy phục vụ thêm phần oan khiên
    Vèo vèo! Giầy dép bay lên!
    Hãy bay trúng đích, thay dân, thay lời
    Oán hận đã thấu tận trời
    Dân đen, tay trắng, không nơi cậy nhờ!
    40 năm, đã đủ chưa?
    “Độc lập! Hạnh phúc!” xác xơ thế này!
    Tiếng người không hiểu? Không hay?
    Thì đây, tiếng dép giầy bay vèo vèo!
    Giầy dép hoan hỷ làm theo
    Nguyện vọng dân đói, dân nghèo, dân oan
    Làm thôi,
    Khỏi nói,
    Khỏi bàn!
    DÂN ĐEN TAY TRẮNG

    Trả lờiXóa

Best Blogger TipsBest Blogger Tips