Thứ Tư, 24 tháng 10, 2018

Lại vụ 100 đô...


Trương Quang Hoài Nam trước khi được luân chuyển vào làm Phó chủ tịch UBND TP Cần Thơ là Cục trưởng Quản lý thị trường (QLTT), là Chủ tịch Hội đồng thi tuyển công chức. Kỳ thi tuyển công chức tại Cục QLTT năm 2013, nhiều thí sinh biết trước đề thi, người trúng tuyển chủ yếu là con, cháu lãnh đạo ngành công thương. Danh sách thí sinh trúng tuyển (công bố kèm theo công văn số 21 của Cục QLTT ngày 24.12.2013) 10 người.
Với một số vi phạm khác, sai phạm của ông Nam là nặng! Bộ Công an đã điều tra chỉ rõ; Bộ Nội vụ có kết luận thanh tra rõ ràng. Sau khi có kết luận của Đoàn thanh tra Bộ Nội vụ, cuối tháng 8.2014, Văn phòng Chính phủ chính thức ký văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc (lúc đó), yêu cầu xử lý nghiêm vụ việc này.
Nhưng không hiểu lý do gì, sau đó ông Nam được Bộ trưởng Bộ Công Thương khi đó là ông Vũ Huy Hoàng “sắp xếp” luân chuyển vào TP.Cần Thơ giữ chức Phó chủ tịch UBND TP. Ông Nam và nhân vật “nổi tiếng” Trịnh Xuân Thanh, gần như được ông Hoàng “sắp xếp” luân chuyển vào miền Tây Nam Bộ cùng lúc.
Và ông Hoàng đã bị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xử lý kỷ luật bằng hình thức xóa tư cách nguyên Bộ trưởng Bộ Công Thương nhiệm kỳ 2011 - 2016, cách chức Bí thư Ban Cán sự đảng Bộ Công Thương (nhiệm kỳ 2011-2016)…
Bài cũ:
Thời sản mạt

4 nhận xét:

  1. Vậy là nước ta đã có Chủ tiệm nước mới, cách người dân thân mật gọi người vừa chiến thắng trong cuộc đua cam go với những một ứng viên và giờ tay trái ký việc đảng, tay phải ký việc nước.

    Còn vụ đổi ông Tơn bị phạt ông Hồ được đưa tin trong cùng ngày diễn ra lễ tuyên thệ mà khá khen ông Chủ tiệm nước nhắc tới Tổ quốc, Nhân dân và Hiến pháp trước khi chợt nhớ ra là khi thực hiện nhiệm vụ thì ông vẫn phải để đảng lên trên hết.

    Chuyện là nhiều tháng trước khi ông Nguyễn Phú Trọng trở thành ứng viên duy nhất tranh chức chủ tịch nước, thợ điện Nguyễn Ca Rê bước vào tiệm vàng Thảo Lực ở Cần Thơ để đổi 100 đô la, dân vẫn gọi là tiền ông Tơn (Washington), lấy 2,2 triệu đồng, hay còn được gọi là tiền ông Hồ. Chưa kịp hưởng xu nào từ số tiền người thân cho vừa được quy đổi, lực lượng chức năng đã từ đâu ập tới và lập biên bản để rồi gần đây ra quyết định phạt ông Rê 90 triệu đồng vì mua bán ngoại tệ ở nơi không được cấp phép, theo báo trong nước. Người ta cũng tịch thu luôn số tiền vừa đổi được.

    Tiệm vàng còn đen hơn vì bị phạt tổng cộng gần 300 triệu đồng vì thu đổi ngoại tệ không phép, kinh doanh hàng không rõ nguồn gốc và sản xuất hàng hoá có chất lượng không phù hợp. Họ bị chính quyền tịch thu 100 đô la mà ông Rê đem tới đổi cộng thêm với 20 viên kim cương cùng gần 20.000 viên hột đá nhân tạo với giá trị hơn nửa tỷ đồng. Tôi đồ là tiệm này không chọn hoặc chọn nhầm người bảo kê thôi. Tôi biết có những tiệm vàng làm chuyện này ngay giữa thủ đô từ nhiều năm nay mà chẳng hề hấn gì.

    Đó là chuyện xảy ra với một cá nhân. Còn đối với các pháp nhân thì sao? Viện Kiểm sát ở thành phố Hồ Chí Minh vừa đề nghị toà án bắt hãng taxi Grab bồi thường cho công ty taxi Vinasun hơn 41 tỷ đồng vì có các hành vi khiến Vinasun không cạnh tranh nổi dẫn tới bị mất khách hàng và mất tiền.

    Một nhà báo viết trên Facebook: “Như nhiều người đã nói, nó giống như câu chuyện con trâu đi kiện cái máy cày vì làm mất việc của nó. Như ông báo in đi kiện ông báo mạng vì làm tiara sụt giảm; như DN [doanh nghiệp] đường sắt [muốn] kiện hãng hàng không vì cho là cướp mất hành khách …

    “Ô thế mà cái Viện kiểm sát ấy lại làm được cái điều mà người ta nghĩ rằng sẽ không xảy ra.

    “Cơ mà nhìn lại một loạt sự việc xảy ra gần đây với các doanh nghiệp, bỗng cảm thấy một nỗi sợ mơ hồ. Ấy là môi trường kinh doanh chẳng những [không] được cải thiện hơn mà đang xấu đi, trong cách hành xử của một số chính quyền địa phương, ở một số ngành …

    “Tuần trước là ở Đà Nẵng, các DN đã tham gia đấu giá, trúng thầu các lô đất với giá có lợi nhất cho ngân sách, nhưng Thành phố này lại không chịu giao đất cho họ theo đúng chính sách đề ra.”

    Qua hai ví dụ này có thể thấy tân chủ tịch nước có nhiều việc để làm nhằm bảo vệ người dân và doanh nghiệp khỏi cách hành xử cửa quyền và ấu trĩ của nhiều quan chức. Tuy nhiên làm được điều này không dễ vì chính ông Trọng đã thừa nhận sau khi làm lễ tuyên thệ nhậm chức hôm 23/10:

    “Trình độ, năng lực, sự hạn chế của tôi là rất rõ, hiểu biết là không đáp ứng được yêu cầu… Cho nên thật tình là rất lo. Trong khi đó thì tuổi tác đã lớn, như Bác Hồ đã nói là khi người ta tuổi tác càng cao thì sức khoẻ càng thấp, điều đó không có gì lạ. Tôi luôn luôn chuẩn bị sẵn tinh thần ấy”.

    Nếu ông Trọng nói thật thì tôi cũng thật tình là rất lo. Một người mà tự thấy hạn chế về năng lực và trình độ, biết là mình không đủ hiểu biết để ngồi vào ghế chủ tịch mà vẫn ngồi vào đó thì thật là liều quá. Đó là còn chưa nói tới sức khoẻ đang ngày càng giảm sút như chính ông nói.

    Nhưng riêng chuyện ông Trọng là ứng viên duy nhất cho vị trí chủ tịch nước cho thấy chưa ai trong số những người còn lại trong Bộ Chính trị muốn để lộ tham vọng chính trị của họ vào lúc chiếc lò của ông Trọng đang nóng giãy. Họ sợ rằng họ có thể lại cao vút rồi mất hút như ông Trần Đại Quang, nếu không phải là theo nghĩa đen thì cũng là theo nghĩa bóng.

    Ông Trọng hiện đang mạnh tới mức nếu muốn có lẽ ông có thể tiếp tục ở lại trong chính trường tới tận tuổi 80. Vấn đề là ông sẽ làm gì cho người dân Việt Nam thay vì cho đảng của ông.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Tôi nghĩ đã qua rồi thời người dân chỉ muốn có ‘cơm ăn ba bữa, quần áo mặc cả ngày’. Họ muốn có quyền sở hữu thực sự đối với đất đai, có quyền làm những gì pháp luật không cấm, có quyền nói ra sự thật mà không sợ làm mất lòng các quan chức, có quyền được xét xử công bằng nếu không may vướng vào vòng lao lý và nhiều điều khác nữa.

      Điều trớ trêu là những điều này khó có thể xảy ra nếu Việt Nam không phát triển một hệ thống triết lý mới để phát triển nhằm thay thế hệ tư tưởng ngoại nhập lỗi mốt và không tưởng mang tên xã hội chủ nghĩa. Đã có những nước tư bản vừa phát triển kinh tế tốt vừa có hệ thống y tế miễn phí cho toàn bộ dân chúng như nước Anh, cho người dân đi học ở mọi bậc không mất tiền như Phần Lan hay hệ thống an sinh xã hội tương đối tốt cho người nghèo và người cơ nhỡ ở hầu hết các nước tư bản. Việt Nam cũng đã cử các đoàn sang châu Âu tìm hiểu nhưng chưa áp dụng được bao nhiêu các kinh nghiệm phát triển của châu lục này.

      Mong rằng cơ hội được giao tiếp nhiều hơn với các chính trị gia trên thế giới trong cương vị chủ tịch nước sẽ giúp ông Trọng thực sự hiểu điều người ta đã góp ý cho Việt Nam từ nhiều năm nay là chính quyền cần mở rộng không gian hoạt động cho người dân để họ chung tay giải quyết các vấn đề xã hội. Chuyện nhà nước độc quyền xử lý các khó khăn trong xã hội là điều có thể nói là ngớ ngẩn và chừng nào các quan chức còn chưa hiểu ra và chấp nhận thực tế này, Việt Nam sẽ vẫn còn là nước không chịu phát triển bất chấp tiềm lực đáng kể từ cả trong và ngoài nước.

      Xóa
  2. Có một cái gì đó không bình thường, rất không bình thường trong vụ chính quyền thành phố Cần Thơ thình lình ‘đánh úp’ công dân Nguyễn Cà Rê khi ông này vào tiệm vàng chỉ để đổi tờ 100 USD do người thân của ông tặng.

    Bởi cho dù chỉ là một vụ bắt bớ hành chính thuộc tầm vi mô, nhưng vụ này lại xảy ra trong một bối cảnh có quá nhiều khó khăn kinh tế thuộc thượng tầng vĩ mô mà không thể tránh khỏi những suy luận rằng vụ bắt phạt công dân Rê là một hành động có chủ ý, thậm chí có thể được chỉ đạo từ… cấp trung ương.

    Vụ tập kích trên xảy ra trong bối cảnh Quốc hội dang bước vào một kỳ họp không chỉ chuyên tâm phục vụ cho việc bầu bán ‘hoàng đế Nguyễn Phú Trọng’, mà còn sốt vó lên bởi chuyện cơm áo gạo tiền cùng cái túi thủng trong ngân sách nhà nước và ngân sách đảng, đặc biệt là thủng đáy về nợ công và nợ nước ngoài.

    Thêm một lần nữa, nhưng lần này đậm đà và sâu ngọt hơn, Ủy ban Tài chính – ngân sách của Quốc hội đã phải thừa nhận nợ nước ngoài lên đến gần 50% GDP, tức vào khoảng 105 tỷ USD. Bất chấp nhiều báo cáo tô hồng thành tích của Bộ Tài chính và Chính phủ, ủy ban này vẫn phải một lần nữa đặt dấu hỏi về việc cần làm rõ tại sao trong thời gian gần đây giá trị vay nợ nước ngoài tăng nhanh chỉ để trả nợ gốc cho nước ngoài.

    Vào năm 2015 – năm cuối cùng tại vị trước khi ‘trở về làm người tử tế’, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng chính phủ của ông ta đã phải trả một khoản nợ nước ngoài kỷ lục lên đến 20 tỷ USD. Những sau năm sau vào thời ‘đổ vỏ’ của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, con số trả nợ nước ngoài hàng năm tuy có dịu xuống, nhưng vẫn luôn vượt trên 10 tỷ USD/năm. Còn đến năm 2018 và vài năm sau đó, số trả nợ gốc lẫn lãi cho nước ngoài hàng năm có thể vọt lên 15 – 16 tỷ USD.

    Một lần nữa, Ngân hàng nhà nước có thể đã phải tính đến kế vét đô bằng cách ép dân phải bán USD cho ngân hàng chứ không được giao dịch trên thị trường tự do, để sau đó các ngân hàng phải bán lại USD cho Ngân hàng nhà nước theo ‘giá nội bộ’.

    Cú bắt và phạt công dân Nguyễn Cà Rê ở Cần Thơ có thể là phát súng thăm dò, để nếu thuận lợi mà không bị một xã hội ‘cừu’ phản ứng nhiều thì sẽ mở màn cho chiến dịch ép buộc người dân phải bán đô cho ngân hàng như thế.

    Tuy nhiên, giao dịch USD và các ngoại tệ mạnh khác trên thị trường tự do đã trở thành một thói quen, thậm chí là một tập quán từ nhiều năm qua. Bất chấp nghị định 96 của chính phủ về quy định phải giao dịch USD qua hệ thống ngân hàng, chính những nhóm lợi ích chính sách của các cơ quan nhà nước đã móc ngoặc với các nhóm lợi ích kinh doanh ngoại tệ của tư nhân để chọc trời khuấy nước thị trường ngoại tệ mạnh từ rất nhiều năm qua, tạo nên những sóng đầu cơ lên xuống của USD nhằm trục lợi. Chính vì thế, một chủ trương ép dân phải bán ngoại tệ cho ngân hàng chỉ có thể đánh vào những tiệm vàng và những nhóm buôn bán ngoại tệ nhỏ lẻ chứ không thể đánh vào những tập đoàn cá mập đang nắm quyền thao túng giá ngoại tệ và lượng giao dịch ngoại tệ.

    Cú tập kích công dân Nguyễn Cà Rê ở Cần Thơ rất có thể mang hàm ý dằn mặt để dân sợ mà không dám mua bán USD ngoài thị trường tự do và phải vội vàng mang USD đến bán cho ngân hàng, làm giàu hơn cho Quỹ dự trữ ngoại hối để có tiền trả nợ cho nước ngoài và tiêu xài cho một chế độ ‘ăn của dân không chừa thứ gì’.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. ... tuần trước, đại diện chính quyền thành phố Cần Thơ đã mời ông Lê Hồng Lực – chủ tiệm vàng Thảo Lực, tọa lạc ở phường An Hội, quận Ninh Kiều – đến nhận lại 20 viên kim cương, 19.910 viên đá nhân tạo và 70 triệu đồng là khoản tiền phạt mà ông Lực từng nộp do bị kết buộc là “kinh doanh hàng hoá không rõ nguồn gốc, xuất xứ” (6).

      Scandal đổi 100 Mỹ kim bị phạt 90 triệu đồng (7) là một vết nhơ cho hệ thống công quyền Việt Nam. Nó không chỉ vô hiệu hóa tất cả các cam kết, hứa hẹn trước nay của hệ thống chính trị, hệ thống công quyền (xây dựng chính phủ kiến tạo, khuyến khích – mời gọi đầu tư, cải thiện môi trường kinh doanh,…) mà còn gieo rắc sự bất an, khiến dân chúng phẫn nộ vì chính quyền càng ngày càng tỏ ra bất toàn.

      Cho đến giờ này khi các tình tiết có liên quan đến scandal đổi 100 Mỹ kim bị phạt 90 triệu đồng đã được bạch hóa, người ta mới thấy, thủ phạm chính của scandal đó là… Phòng Cảnh sát kinh tế của Công an Cần Thơ.

      Chưa rõ vì sao Trưởng phòng Cảnh sát kinh tế của Công an Cần Thơ muốn triệt hạ tiệm vàng Thảo Lực và rình tiệm vàng này suốt nửa năm. Trước khi có bằng cớ, chứng minh chủ tiệm vàng Thảo Lực vi phạm pháp luật, Trưởng phòng Cảnh sát kinh tế của Công an Cần Thơ đã hai lần đề nghị Chủ tịch quận Ninh Kiều ký… quyết định khám tư gia của ông Lực theo hình thức xử lý vi phạm hành chính vì “cất giấu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính”.

      Quyết định lần đầu ký từ ngày 5 tháng 5 năm 2017 nhưng không có cớ để dùng nên ngày 24 tháng 1 năm 2018, Trưởng phòng Cảnh sát kinh tế của Công an Cần Thơ đề nghị Chủ tịch quận Ninh Kiều ký một quyết định khác.

      Về mặt luật pháp, đề nghị ra quyết định khám xét tư gia của công dân theo hình thức xử lý vi phạm hành chính khi không có bất kỳ bằng chứng nào rằng tại đó đang “cất giấu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính” là… phạm pháp. Trưởng phòng Cảnh sát kinh tế của Công an Cần Thơ đẩy Chủ tịch quận Ninh Kiều đến chỗ phạm pháp tới hai lần.

      Ngày 30 tháng 1 năm 2018, Phòng Cảnh sát kinh tế Công an Cần Thơ “bắt quả tang” tiệm vàng Thảo Lực nhận đổi cho ông Nguyễn Cà Rê 100 Mỹ kim và dùng quyết định mà Chủ tịch quận Ninh Kiều đã ký trước đó cả tuần để khám xét từ tư gia tới trụ sở doanh nghiệp (ngoài thẩm quyền cho phép của Chủ tịch quận, huyện). Tang vật liên quan tới vi phạm là tờ 100 Mỹ kim và 2.260.000 đồng do hai bên trao đổi với nhau nhưng Công an Cần Thơ thu sạch kim cương, đá nhân tạo cất trong tủ đặt tại nhà riêng của ông Lực với lý do “kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ”.

      Chuyện chưa ngừng ở đó, thu 20 viên kim cương và 19.910 viên đá nhân tạo từ cuối tháng 1 nhưng đến giữa tháng 8, Phòng Cảnh sát kinh tế Công an Cần Thơ mới lập Biên bản vi phạm hành chính đối với tiệm vàng Thảo Lực (vi phạm quy định hoạt động ngoại hối, kinh doanh hàng hoá nhập lậu, vi phạm quy định về công bố tiêu chuẩn áp dụng, vi phạm về chất lượng hàng hoá lưu thông trên thị trường) và đề nghị chính quyền thành phố Cần Thơ ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính.

      Tin vào công an, chính quyền thành phố Cần Thơ ra quyết định xử phạt tiệm vàng Thảo Lực tổng cộng 295 triệu, công bố tịch thu 20 viên kim cương, 19.910 viên đá nhân tạo và tờ 100 Mỹ kim… Bị đẩy tới cùng đường, chủ tiệm vàng Thảo Lực tuyên bố sẽ kiện chính quyền thành phố Cần Thơ ra tòa.

      Nếu không thoái bộ, với hàng loạt những yếu tố lôm côm mà Phòng Cảnh sát kinh tế Công an Cần Thơ tạo ra cho chính quyền thành phố Cần Thơ tự tròng vào cổ, chắc chắn chính quyền thành phố Cần Thơ sẽ phơi áo trước Tòa Hành chính, chưa kể thanh danh, uy tín sẽ tả tơi hơn dưới búa rìu dư luận…

      Tuy là thủ phạm nhưng Trưởng phòng Cảnh sát kinh tế, Giám đốc Công an thành phố Cần Thơ hoàn toàn vô sự, rung đùi ngồi ngắm các viên chức chính quyền thành phố Cần Thơ chật vật đối phó với dư luận, loay hoay tìm đường thoát khỏi mớ bùng nhùng do ngành công an tạo tác.
      TRÂN VĂN

      Xóa

Best Blogger TipsBest Blogger Tips