Nghị định 115 sẽ có hiệu lực vào ngày 22/10 sắp tới. Theo đó, những người bán thức ăn đường phố có thể bị phạt từ 500.000 đến 1 triệu đồng, nếu vi phạm các điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm, trong đó có quy định mà báo chí mới đây “báo động” ầm lên là, nếu không sử dụng găng tay khi tiếp xúc với thực phẩm chín hoặc thực phẩm ăn liền thì bị phạt.
Găng tay chưa nhằm nhò gì
Đeo găng tay chỉ là một trong nhiều điều kiện về vệ sinh thực phẩm, phòng tránh nhiễm khuẩn. Nghị định dĩ nhiên còn nêu nhiều điều kiện khác nữa như: thức ăn phải được che đậy bụi bẩn, ngăn côn trùng xâm nhập, phải có bàn tủ, giá kệ, thiết bị, dụng cụ (không nói rõ là dụng cụ thiết bị gì)…
Tất cả các yêu cầu mà nghị định này nêu ra đều hoàn toàn cần thiết để đáp ứng vấn đề an toàn thực phẩm (ATTP). Mặc dù lây nhiễm qua tay được xem là rủi ro khá lớn, nhưng nếu chỉ nhấn mạnh găng tay không, thì đâu có nhằm nhò gì. Xài găng tay mà bàn tay không sạch, thì cũng như không. Găng tay mà xỏ đi xỏ lại một ngày cả vài chục lần, bốc chỗ này một tí, chỗ kia một ít, mà không nhiễm chéo bằng thích à?
Bị phạt xót của, đi phạt tâm tư
Nếu nhìn dưới góc độ ATTP, thì nghị định 115 còn thiếu, thiếu nhiều là đằng khác. Chẳng hạn nguyên liệu, rau củ còn dư lượng thuốc trừ sâu, thịt thà cá mú xài chất cấm, phẩm màu, thuốc nhừ… thì sao? Thịt luộc, giò heo, tôm luộc ở mấy quán hủ tíu để trong tủ kính hẳn hoi, nhưng bày từ sáng tới chiều tối, với thời tiết nóng oi như Sài Gòn, mà vi khuẩn không nhảy chồm vào sinh sôi nảy nở thì mới lạ? Đó là chưa kể khăn lau chén thành khăn lau bàn, nước rửa chén xài đi xài lại, nhìn là đủ thấy… lạnh lùng rồi. Tất cả những yếu tố trên (không thấy đề cập trong nghị định) đều là nguồn lây nhiễm, gây ngộ độc thực phẩm cấp tính hoặc mãn tính.
Mà ngay cả nếu nghị định được thi hành triệt để, thì liệu có cải thiện được vấn đề ATTP với thức ăn đường phố không? Đó là chưa nói tới, quy định có khó cỡ nào, người ta vẫn đối phó được. Đối phó để tồn tại. Mà không tồn tại được, thì chẳng lẽ thức ăn đường phố biến mất?
Chỉ cần kiểm tra mấy xe bán bánh mì hay hàng hủ tíu buổi sáng thôi, thì cán bộ kiểm tra ghi biên bản, đếm tiền phạt cũng đủ mỏi tay rồi. Toàn là dân lao động cả. Người bị phạt xót của, người đi phạt… tâm tư.
Vun gốc chứ đừng chặt ngọn
ATTP là vấn đề nhận thức của người bán lẫn người mua. Phạt vạ chỉ là biện pháp sau cùng, và cũng không phải cứ phạt là giải quyết được tất cả mối nguy lây nhiễm.Chúng ta có bao giờ tự hỏi, người bán đã nhận thức về ATTP liên quan tới sản phẩm kinh doanh của họ chưa? À, thì đã có tập huấn. Nhưng đa số họ đều là người lao động chân tay, lấy công làm lời, học vấn không nhiều… Mà cách thức truyền đạt kiến thức ATTP cho họ từ cơ quan hữu trách rất hàn lâm, lại còn làm thế này thì vi phạm nghị định nọ, quy định kia, sẽ bị phạt bao nhiêu… Đầy tính răn đe.
Tập huấn cho có, khám sức khỏe cho có, cấp giấy chứng nhận cũng cho có… Điều quan trọng là người học tiếp thu thế nào để chuyển sang hành động, chúng ta không cần biết.
Một điểm nữa là truyền thông về ATTP, băng rôn, biểu ngữ treo đầy đường, rồi những tháng gọi là ATTP, “ra quân” quyết liệt, nhưng chẳng ai đo lường thử xem hiệu quả của những băng rôn ấy thế nào, sau chuyến “ra quân” ấy ra sao… Phải xem tuyên truyền về ATTP như quảng cáo và phải đo lường hiệu quả, nếu không sẽ lãng phí.
Điểm sau cùng, khó khăn hơn, đó là phương tiện. Xe đẩy, tủ kính sạch sẽ, che đậy ruồi muỗi, thùng đá bảo quản, cả nguồn nước nữa… Ai sẽ giúp họ có những phương tiện này? Trước khi phạt, phải giúp người bán có nhận thức về ATTP, rồi phải hướng dẫn họ cách giải quyết vấn đề. Giá mà cơ quan hữu trách thay vì nói: “Làm thế này là vi phạm”, sẽ nói: “Làm thế này sẽ không vi phạm” thì thức ăn đường phố sẽ chuyển động đấy.ATTP với thức ăn đường phố là một vấn nạn, không chỉ riêng Việt Nam, mà còn ở các nước đang phát triển như Thái Lan, Malaysia, Phi Luật Tân… nhưng họ làm hiệu quả hơn VN mình nhiều. Ít ra thì xe đẩy, quầy bán… của họ trông cũng sạch sẽ, tươm tất hơn ở mình. Đây là vấn đề cần thời gian lâu dài, cần sự tham gia của các tổ chức xã hội, chứ không phải là chuyện phong trào, hay phạt vạ là giải quyết được. Hãy vun gốc cây, chứ đừng chặt ngọn.
Vũ Thế Thành (vuthethanh202@gmail.com)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét