Thứ Tư, 10 tháng 10, 2018

Nhà hét 1500 tỉ xây đền dân oan Thủ Thiêm

Thủ Thiêm ký sự:     Kỳ VII... 

6 nhận xét:

  1. Tại phiên họp bất thường diễn ra vào sáng 8 tháng 10, toàn bộ đại biểu của Hội đồng nhân dân TP.HCM khóa chín (105 người) – đại diện cho ý chí, nguyện vọng của khoảng chín triệu dân ở thành phố này – đã bỏ phiếu tán thành việc chi 1.508 tỉ đồng để xây “Nhà hát Giao hưởng, Nhạc và Vũ kịch” tại Thủ Thiêm, quận 2 (3).

    Theo Tờ trình mà chính quyền TP.HCM trình cho Hội đồng nhân dân TP.HCM khóa chín, thành phố này hiện có ba Nhà hát nhưng cả ba (Nhà hát Lớn – 406 ghế, Nhà hát Hòa Bình – 2.500 ghế, Nhà hát Bến Thành – 1041 ghế) đều đã xây từ lâu, quy mô nhỏ, không đủ để tổ chức những chương trình tầm cỡ, chưa kể còn xuống cấp trầm trọng. Cũng vì vậy, cần phải xây “Nhà hát Giao hưởng, Nhạc và Vũ kịch” với hai khán phòng: Lớn (1.200 ghế), Nhỏ (500 ghế), sảnh có thể dùng làm sân khấu ngoài trời để biểu diễn các chương trình nghệ thuật phục vụ công chúng. Cũng theo Tờ trình vừa kể, chi phí xây dựng “Nhà hát Giao hưởng, Nhạc và Vũ kịch” là tiền bán đấu giá khu đất số 23 Lê Duẩn, quận 1 nên không ngại thiếu.

    Lần này, Hội đồng nhân dân TP.HCM khóa chín họp bất thường không phải để bàn bạc – lựa chọn giải pháp hỗ trợ ngay lập tức hàng chục ngàn gia đình ở Thủ Thiêm sớm có cuộc sống ổn định sau hai thập niên sống vất vưởng không ra hồn người vì việc tổ chức – thực hiện quy hoạch bán đảo Thủ Thiêm, mới được xác định là sai.

    Lần này, Hội đồng nhân dân TP.HCM khóa chín họp bất thường cũng không phải để bàn bạc – lựa chọn giải pháp sử dụng khoản tiền khổng lồ thu được từ việc bán đấu giá công thổ, công thự để thực hiện các công trình dân sinh (trường học, bệnh viện,…) vốn thiếu nhiều chỗ và xuống cấp trầm trọng hơn cả hệ thống nhà hát.

    Lần này, Hội đồng nhân dân TP.HCM khóa chín họp bất thường chỉ nhằm khẳng định… ý chí, nguyện vọng của dân chúng TP.HCM là phải có… “Nhà hát Giao hưởng, Nhạc và Vũ kịch”. Về nguyên tắc, quyết định của Hội đồng nhân dân TP.HCM vừa hợp hiến, vừa hợp pháp. Quyết định ấy chỉ không bình thường ở chỗ các đại biểu được triệu tập để họp bất thường vì việc khởi công đã quá trễ so với… kế hoạch!

    Trả lờiXóa
  2. Đằng sau giọt nước mắt của lãnh đạo cộng sản là những vụ sai phạm tày đình! Kịch bản này luôn được sử dụng để xoa dịu nỗi đau của nạn nhân dù biết rằng người dân không bao giờ tin. Khổ nhục kế, vì vậy, mãi mãi không bao giờ làm lành được vết thương...
    Ngày 8/10/2018 các đại biểu bù nhìn của HĐND TPHCM không hiểu vì nguyên cớ gì đã vội vã tổ chức một phiên họp “bất thường” (!) chỉ để đồng ý với nhau về dự án nhà hát Giao Hưởng với kinh phí hơn 1,500 tỷ. Bà Quyết Tâm – chủ tịch của tổ chức này – chẳng những phớt lờ trách nhiệm giải quyết trả đất cho dân oan mà còn lớn giọng cho rằng người dân TPHCM chờ đợi dự án này rất lâu. Số tiền 1,500 tỷ, trong tình hình thu nhập quốc gia không đủ trả nợ tới hạn, được rút ra không phải để xây nhà thương, không phải để bồi thường cho dân oan mà để xây một công trình chưa cần thiết ngay trên “lò lửa Thủ Thiêm”.

    Người CS một lần nữa lại đi ngược với tiếng gào thét của dân Việt. Dân Thủ Thiêm không còn nước mắt và lòng kiên nhẫn để đi đòi đất nữa. Hận thù đằng đằng hiện rõ trên từng đôi mắt dân oan! Giờ đây họ chỉ muốn nhìn thấy nước mắt của những người CS trước vành móng ngựa. Thậm chí, còn hơn thế nữa!

    Trả lờiXóa
  3. Chiều ngày 9 tháng 5 năm 2018 có lẽ là buổi chiều mà người dân Thủ Thiêm nhớ đời sau hơn 20 năm lặn lội kêu gào trả lại công lý cho họ. Lần đầu tiên trong gần 7 tiếng đồng hồ, hàng chục người dân đã nhìn thẳng vào mặt chủ tọa đoàn tra vấn về những gì mà UBND thành phố đã cướp đoạt bất hợp pháp tài sản của họ. Hàng chục phụ nữ khóc lóc như gia đình có người lìa trần chỉ để hỏi bà Nguyễn Thị Quyết Tâm tại sao bao nhiêu năm rồi mà đơn thư của họ không được giải quyết. Có người bất tỉnh trong buổi chất vấn, có người dứ nắm đấm vào mặt những người đại diện cho chính quyền, nói chung, khi xem lại video do VTC thực hiện người xem cảm nhận rất rõ mảnh đất Thủ Thiêm hôm nay thấm đẫm oan khuất đến mức nào.

    Bà Nguyễn Thị Quyết Tâm như thường lệ, không tỏ vẻ bối rối trước sự giận dữ của đám đông quần chúng. Không những thế bà còn “tâm sự”: “Cô bác hỏi có day dứt không, xin thưa là tôi rất day dứt. Nghe cô bác nói vậy, xót lắm. Chính quyền giải quyết vấn đề lớn mà cô bác chưa đồng tình và khiếu nại, nghĩa là còn tin chúng tôi. Tôi cam đoan khi nào còn một ý kiến phản ánh thì vẫn còn đeo bám giải quyết vấn đề ở Thủ Thiêm”.

    5 tháng sau ngày bà phát biểu về ý nghĩa của hai chữ day dứt, chưa người dân Thủ Thiêm nào nhận được tờ giấy có chữ ký của bà cho biết vụ Thủ Thiêm đã được tiến triển tới đâu. 5 tháng sau ngày ấy là một sự chờ đợi mỏi mòn của người mất đất, và hôm nay bà Quyết Tâm đã qua báo chí cho biết bà hoàn toàn ủng hộ dự án xây Nhà hát Giao hưởng Nhạc Vũ kịch đạt tiêu chuẩn quốc tế tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm, tổng mức đầu tư hơn 1.500 tỷ đồng từ nguồn ngân sách.

    Bà ủng hộ vì theo bà, người dân Khu đô thị mới Thủ Thiêm rất cần nhà hát Giao Hưởng này...

    Trả lờiXóa
  4. Năm 2010, khi làm trưởng Ban thời sự Xã hội của TT, tôi có chỉ đạo PV phụ trách nhà đất tìm hiểu về vấn đề đất đai ở Thủ Thiêm. Đó là phận sự của tôi, của vị trí mà tôi phụ trách. Một tuần sau, cậu PV 11 năm tuổi nghề báo cáo: ” thưa anh, ko làm được đâu anh ơi, vì có làm báo cũng không dám đăng; nếu đăng cũng sẽ không đi đến đâu, vì đất ở đó đại gia đình “anh Hai” đã thâu tóm hết rồi”.

    Chúng tôi, và rất nhiều nhà báo nữa đã không làm tròn được cái gọi là “sứ mệnh “của kẻ được xã hội gọi là nhà báo, nhưng trong hệ thống đó, lúc ấy, một thằng nhà báo như tôi, như cậu phóng viên nọ sẽ làm được gì khi Tổng biên tập mới được cử về là phó Ban tuyên giáo thành ủy, là đệ tử ruột của anh 3Đ- người đã ký quyết định số 6565 ngày 27-12-2005 chỉnh sửa quy hoạch khu đô thị mới Thủ Thiêm, dẫn đến nỗi đau của hàng ngàn người?

    Báo chí hầu như im lặng. Mà im lặng là đồng lõa. Thời điểm đó, nỗi đau của người dân Thủ Thiêm đã kéo dài được 12 năm! Chỉ có súc vật mới thờ ơ trước nỗi đau của đồng loại- đó là câu nói khá nặng nề của ông tổ chủ nghĩa cộng sản. Vậy mà ở đất nước cộng sản này, có quá nhiều quan chức quay lưng lại trước nỗi đau của con người…

    Mất 20 năm, mất rất nhiều thứ, từ tài sản vật chất và tinh thần, mất những năm tháng hạnh phúc quý báu của đời người, mất niềm tin và… rất nhiều nước mắt, thì một lời xin lỗi mới được đưa ra từ phía chính quyền. Những kẻ gây tai họa cũng là những kẻ cầm nắm chính quyền trong tay. Sau lời xin lỗi đó, người dân Thủ Thiêm sẽ được đền bù gì cho những tổn thất của họ?

    Hay chỉ vỏn vẹn là một lời xin lỗi?

    Với người dân Thủ Thiêm, nhà hát 1500 tỷ đồng không phải là một cách đền bù.Họ cần được trả lại (và phải trả lại họ) những gì họ đã mất đi và… có lãi.

    Vay thì phải có trả, và trả thì phải có lãi như luật nhân quả và luật của ngân hàng, đất nước của tôi ạ!
    NGỌC VINH

    Trả lờiXóa
  5. Thủ Thiêm trong thời điểm này đang trở thành trung tâm của sự oán thán. Đưa ra quyết định chi 1508 tỷ đồng để xây nhà hát giao hưởng tại mảnh đất này, HĐND TP Hồ Chí Minh đã khiến dư luận kinh ngạc về sự hấp tấp, yếu kém trong nhận thức và khả năng chính trị thực tiễn của từng đại biểu. Tỷ lệ đồng thuận 100% chỉ chứng tỏ, đây là sự yếu kém có hệ thống và của cả hệ thống.

    Lẽ tất nhiên, một nhà hát xứng tầm cho thành phố được coi là một trung tâm kinh tế – chính trị – văn hóa của cả nước sẽ là điều không ai phản đối, nếu không nói là đáng ao ước và ủng hộ. Xây dựng công trình lớn ở trung tâm mới của thành phố trong tương lai, theo quy hoạch mở rộng về phía Đông cũng phù hợp, chẳng có gì sai. Con số 1500 tỷ – chắc chắn sẽ bị đội lên, theo truyền thống gian dối và vị lợi ở xứ ta – cũng không phải là quá lớn, bởi chỉ tương đương với tổng thu ngân sách của thành phố trong 1, 2 ngày. Mục tiêu xây dựng để phát triển cũng đã được bàn đi bàn lại từ nhiều năm trước, không có gì đáng để chỉ trích.

    Điều đáng phê phán là cách thức đi tới việc thực hiện nó. Cả đất đai lẫn nhân tâm ở Thủ Thiêm vẫn còn ngổn ngang. Hàng loạt sai phạm qua nhiều nhiệm kỳ của chính quyền thành phố vẫn chưa được kết luận đầy đủ. Hàng loạt cán bộ sai phạm vẫn chưa bị xử lý. Hàng loạt oan khiên với biết bao nhiêu thiệt hại, mất mát của nhân dân vẫn chưa được bù đắp, giải quyết. Giữa và xung quanh Thủ Thiêm đường sá, hạ tầng vẫn còn tồn đọng vô số sự trồi sụt, nhếch nhác, thiếu thốn, yếu kém… gây trực tiếp phiền nhiễu đời sống của nhân dân. Đặt một công trình tầm cỡ thế kỷ vào giữa bối cảnh đó có khác gì mặc áo gấm đi dự đám ma trong ngày giáp hạt? Một quyết tâm đỏm dáng không đúng chỗ. Một điệp khúc mỉa mai, phản cảm, thất nhân tâm.
    NGUYỄN HỒNG LAM

    Trả lờiXóa
  6. Lịch sử rồi sẽ khắc đậm chân dung những kẻ đã gây ra “tội ác Thủ Thiêm”, những kẻ tiếp tay cho “tội ác Thủ Thiêm”, những kẻ làm ngơ trước “tội ác Thủ Thiêm”.

    Lịch sử rồi đây sẽ nhắc về Thủ Thiêm như một điển hình về sự mâu thuẫn tột cùng giữa một bên là người dân thấp cổ bé họng bị tước đoạt với một bên là nhóm lợi ích thân hữu ra tay tước đoạt. Đó là mâu thuẫn giữa một bên là những người bị gạt ra bên lề công cuộc đô thị hoá với một bên lợi dụng đô thị hoá để ăn không từ một thứ gì. Đó là sự đối lập giữa những người dân sống món mỏi trong những túp lều tạm bợ với một bên khoe mẽ váy 2 tỉ, kim cương 10 tỉ, đồng hồ 100 tỉ.

    Lịch sử rồi sẽ chép lại câu chuyện Thủ Thiêm với cái dự án nhà hát đã chết, dự án chết từ khi chưa ra đời, chết bởi tư duy của những kẻ nhân danh nhân dân, bởi một lũ hội đồng không phải của dân, bất chấp ý dân, bất chấp lòng dân, một lũ phá hoại niềm tin của người dân, niềm tin vào công lý, niềm tin vào chính thể.

    Lịch sử rồi lột mặt nạ của những ca sĩ, những nhạc sĩ, của kẻ từng là đại biểu quốc hội, của những kẻ tự nhận mình là tinh hoa, là quý tộc. Chúng, thực chất chỉ là những kẻ đần độn và vô cảm.

    Nhân dân luôn công bằng và lịch sử sẽ nhắc nhớ. Lịch sử trong lòng dân, lịch sử của nhân dân sẽ không bỏ qua điều gì, không lãng quên bất cứ thứ gì.

    Trước nhân dân và lịch sử, tôi mong rằng ông Nguyễn Thiện Nhân ý thức được rằng, từng đồng từng cắc trong ngân khố quốc gia đều là của dân, phải tiêu xài vì dân, có lợi cho dân và không khiến dân phải chịu cảm giác bị coi rẻ, bị bỏ rơi, bị lãng quên trong tiến trình vận động và phát triển của đất nước này.
    BẠCH HOÀN

    Trả lờiXóa

Best Blogger TipsBest Blogger Tips