Thứ Sáu, 10 tháng 3, 2017

Dù không thực cũng chẳng có chi là lạ

Một ngày sau ngày Quốc tế phụ nữ 8/3 vốn được tổ chức rầm rộ và đã trở thành một phần văn hoá trong xã hội Việt Nam, một bức ảnh mà trong đó một người công an đang đạp lên vai một người phụ nữ, bên cạnh họ là lá cờ Việt Nam bạc màu, khung cảnh căn phòng khiến người ta liên tưởng tới đồn công an, được lan truyền rộng rãi trên mạng.Tất nhiên, ngay lập tức, có hai luồng ý kiến về bức ảnh này.
Một phía phê phán gay gắt hành động bạo lực mang tính tra tấn của anh công an với chị phụ nữ, có nghĩa là bạo lực đối với đối tượng không có khả năng chống cự, ở một nơi mà dù có đủ sức khoẻ cũng không thể chống cự.
Như đổ thêm dầu vào lửa, sự căm ghét công an vốn cháy âm ỷ trong xã hội Việt Nam cộng thêm hàng trăm trường hợp người dân chết trong đồn công an và vô số chuyện công an đánh đập hành hung người dân khiến người ta phản ứng mạnh mẽ. Rất nhiều tiếng nói yêu cầu chính quyền phải điều tra làm rõ mọi chuyện nhằm giải đáp những bức xúc của người dân.
Phía còn lại tỏ ra nghi ngờ, cho rằng đây là dàn dựng, có thể là đóng phim, vì mặt và cấp bậc của người công an đã bị che khuất, và ảnh thì rất rõ nét chứ không (lý ra phải) mờ như chụp lén thông thường. Thậm chí nhiều người còn cho rằng đây là chuyện vớ vẩn, rằng kẻ đưa lên tất có âm mưu kích động quần chúng, rằng chuyện tra tấn đánh đập người bị bắt thì ở đâu chẳng có, bên Mỹ đầy.
Những lý lẽ để phản biện, nhiều người nói rồi, nếu ai muốn trao đổi, tôi sẽ trao đổi dưới phần comment. Ở đây muốn nói có một điểm chung của cả hai luồng ý kiến ở trên, đó là người dân yêu cầu nhà chức trách làm rõ câu chuyện phía sau bức ảnh này, để tránh sự hiểu lầm không đáng có trong xã hội, và đó là trách nhiệm của nhà chức trách trước những chuyện đồn đại và yêu cầu của người dân. Nếu ai không tin ở khả năng chỉ từ khuôn mặt của người phụ nữ trong ảnh mà có thể lần ra được thông tin, chỉ cần thử bằng cách viết thật nhiều status chỉ trích chính quyền, bên cạnh đó kêu gọi biểu tình tuần hành, facebook chỉ cần để một ảnh chân dung duy nhất, tắt hết mọi chế độ định vị, cứ kiên trì viết thật nhiều và liên tục, yên tâm vài hôm sau có an ninh ấn chuông tận cửa nhà. Đó là phép thử đơn giản và nhanh nhất, không lâu như việc đi tìm xe máy bị mất cắp. Còn nếu chính quyền không hành động, hoàn toàn có thể suy luận rằng họ e ngại vụ việc bất lợi và muốn bao che, làm chìm xuồng câu chuyện.(Bài gốc)

1 nhận xét:

  1. Hai tấm ảnh ghi nhận chuyện “công an nhân dân” Việt Nam tra tấn nghi can được lan truyền rộng rãi trên mạng xã hội và làm nhiều người căm phẫn.

    Tấm thứ nhất được một người ẩn danh đưa lên Facebook vào ngày 9 Tháng Ba. Ảnh cho thấy một phụ nữ bị còng một tay vào cửa sổ và một “công an nhân dân” vừa lấy tay ấn đầu cô xuống, vừa dùng chân đạp vào gáy cô.

    Trong khi người sử dụng Internet tại Việt Nam chưa hết bàng hoàng thì sáng ngày 10 Tháng Ba, người ẩn danh đưa lên Facebook tấm ảnh thứ hai cho thấy “công an nhân dân” trong tấm ảnh trước vừa dùng tay bóp gáy người phụ nữ, vừa dùng đầu gối đè cô xuống sâu và mạnh hơn, bất kể tay cô vẫn bị còng dính vào cửa sổ và bả vai bị xoay theo hướng ngược lại.

    Chưa biết người ẩn danh có đưa thêm những tấm ảnh khác hay không nhưng đây là lần đầu tiên hình ảnh về chuyện tra tấn nghi can của “công an nhân dân” được công bố.

    Bố cục ảnh cho thấy ảnh được chụp lén từ bên ngoài cửa sổ và mục đích là để tố cáo.

    Bắt đầu có một số facebooker kêu gọi mọi người hỗ trợ xác định nơi chụp, tên và số phận hiện giờ của nạn nhân và danh tính kẻ tra tấn.

    Cách đây 2 năm, do áp lực của dư luận, Tháng Ba năm 2015, Bộ Công An Việt Nam phải công bố, từ 1 Tháng Mười năm 2011 đến 30 Tháng Chín năm 2014, tại Việt Nam có 226 nghi can chết khi đang bị tạm giữ, tạm giam nhưng đa số là do “bị bệnh” hoặc “tự sát.”

    Sau đó, con số chết do “bị bệnh” hoặc “tự sát” lúc đang bị tạm giữ, tạm giam tăng không ngừng.

    Cũng vào thời điểm đó, công chúng sững sờ khi Trần Hol, Trần Cua, Trần Văn Ðỡ, Thạch Sô Phách, Thạch Mươl, Khâu Sóc, cùng ngụ tại thị trấn Lịch Hội Thượng, huyện Trần Ðề, tỉnh Sóc Trăng, từng cùng thú nhận đã “giết” ông Lý Văn Dũng hồi Tháng Bảy năm 2013, hoàn toàn vô tội.

    Thủ phạm tước đoạt tính mạng ông Dũng là hai cô gái. Còn cả 6 nhận đã “giết” ông Dũng chỉ vì bị các điều tra viên của Ðội Cảnh Sát Ðiều Tra Án Xâm Phạm Nhân Thân của công an Sóc Trăng dùng còng treo lên cửa sổ, rồi dùng tay, dùi cui, đánh họ, thậm chí còn dùng khăn bàn, bọc nước đá vào hạ bộ các nạn nhân, ép họ khai theo ý của các điều tra viên.

    Ðể gia tăng mức độ tin cậy của những lời nhận tội, Ðội Cảnh Sát Ðiều Tra Án Xâm Phạm Nhân Thân của công an Sóc Trăng còn bắt thêm một phụ nữ tên là Nguyễn Thị Bé Diễm và truy cứu trách nhiệm hình sự vì “không tố giác tội phạm”…

    Trước những hình ảnh vừa được công bố về hoạt động tra tấn của “công an nhân dân,” ngoài chuyện bày tỏ sự thương cảm, phẫn nộ, người Việt sống ở bên ngoài Việt Nam có nên hợp lực hành động, kêu gọi các tổ chức bảo vệ nhân quyền, chính quyền các quốc gia nơi mình cư trú chính thức phản kháng, đòi chính quyền Việt Nam phải mở một cuộc điều tra, ít nhất là về số phận nạn nhân và kẻ thủ ác trong hai tấm ảnh rất rõ ràng này hay không?

    Trả lờiXóa

Best Blogger TipsBest Blogger Tips