Thứ Hai, 13 tháng 3, 2017

Miệng quan...

8 nhận xét:

  1. Cả mấy tuần nay câu chuyện cái vỉa hè ầm ĩ khắp mạng xã hội, trở thành chủ đề thú vị trên bàn nhậu hay tại các quán cafe. Chuyện bắt đầu khi tại thành phố Hồ Chí Minh, một số tuyến phố được thí điểm lắp đặt barie trên vỉa hè nhằm ngăn chặn xe máy đi lại. Những thanh barie này được sắp xếp so le nhau để người đi bộ vẫn có thể dễ dàng bước qua được đồng thời khoảng cách giữa các thanh sắt cũng đủ rộng để người ngồi xe lăn lách qua. Chưa hết, chuyện cái vỉa hè tiếp tục được lên sóng khi Phó Chủ tịch UBND quận 1 Đoàn Ngọc Hải cho huy động lực lượng quản lý trật tự đô thị để “dọn dẹp” vỉa hè. Tất cả các bàn ghế quán xá, các sạp hàng rong, xe cộ đậu trên vỉa hè, thậm chí cả chốt dân phòng di động cũng được dỡ bỏ và tịch thu. Hành động này của ngài Phó chủ tịch đã tạo nên luồng ý kiến hai chiều khi một bên ủng hộ sự quyết liệt vì một thành phố văn minh và phe còn lại cũng phản ứng dữ dội vì cho rằng dẹp vỉa hè là mất đi tình người khi rất nhiều người dân Việt nghèo phải làm ăn buôn bán trên vỉa hè.

    Có thể nói vỉa hè như một nét văn hóa đặc trưng của người Việt khi mọi hoạt động sinh hoạt của người dân đều có thể diễn ra trên vỉa hè. Họ có thể tận dụng diện tích vỉa hè để mở rộng quán xá, bán vé số hay chỉ đơn giản là ngồi tụ tập tán gẫu chơi vài ván cờ. Trong một bài viết nghiên cứu về văn hóa xe máy tại thành phố Hồ Chí Minh của tác giả Allison Truitt, bà nhận thấy rằng văn hóa xe máy của người Việt hoàn toàn gắn liền với văn hóa vỉa hè. Với phương tiện chủ yếu là xe máy, người lái xe có thể đang đi trên đường và đỗ lại một cách tự do để mua hàng và thức ăn trên vỉa hè. Ngay cả trong những tình huống cấp bách như hết xăng hay thủng lốp xe, việc có một cửa hàng sửa chữa nằm ngay trên vỉa hè được cho là vô cùng tiện lợi và cần thiết. Dưới cái nhìn của một nhà văn hóa học, họ không đánh giá mức độ văn minh của những người bản địa sống cùng văn hóa đó, đơn giản đó là sự quan sát tìm hiểu về sự đặc trưng của các nền văn hóa khác nhau.

    Quay lại vấn đề hiệu quả của các biện pháp cũng như hành động của các nhà chức trách trong cuộc chiến vỉa hè với người dân. Liệu rằng việc dẹp sạch vỉa hè và ngăn cấm các loại xe cộ đi trên vỉa hè là vì dân hay không thì lại phải nhìn lại định nghĩa vỉa hè là gì? Tôi cũng từng một lần được học về một lớp luật cơ bản trong đó có đề cập đến vấn đề đất công và đất tư. Tại Mỹ, tùy theo các bang mà có những luật sở hữu và luật sử dụng khác nhau, tuy là vấn đề nhỏ nhưng cũng phức tạp vô cùng. Vỉa hè thuộc về quyền quản lý của nhà nước và để cho dân chúng sử dụng vì vậy bảo vệ vỉa hè cũng như bảo vệ quyền lợi của dân vậy. Tất nhiên nhà nước cũng phải có trách nhiệm đối với hệ thống đường xá công cộng ví dụ như tuyết rơi hoặc băng bám trên mặt đường thì luôn có xe chuyên dụng đi dọn dẹp nhằm đảm bảo đi lại an toàn. Nếu có cá nhân nào vô tình xâm chiếm vỉa hè thì sẽ bị nhắc nhở lần đầu, nặng hơn sẽ lên tòa phạt hành chính. Việc sử dụng khoảng không công cộng cũng được cấp phép đàng hoàng nếu có nhu cầu sử dụng.

    Người Việt thì hoàn toàn không để ý đến những vấn đề đó, chưa kể khoảng vỉa hè trước mặt sẽ nghiễm nhiên trở thành của mình nếu chăm chỉ “nộp tiền” cho công an phường. Thậm chí những chiếc ghế công cộng bên hồ, trong công viên cũng có người sở hữu, chỉ cần vô tình ngồi xuống là mất tiền. Bạn bè tôi không ít người mở quán cafe và họ luôn phải chi một khoản tiền lặt nhặt không biên lai về những vấn đề như biển hiệu, vỉa hè, điện, nước hàng tháng. Cái lối làm ăn đấy cũng đã được vận hành từ lâu mà chẳng có ai thèm than phiền đếm xỉa, vậy nên một ngày có ông phó chủ tịch hô hào “dẹp loạn” thì cũng ấm ức, bởi tiền thì đã đóng mà quyền lợi sử dụng lại không được bảo kê. Chuyện cái vỉa hè cũng không có gì đáng để bàn cãi nếu người dân biết được quyền sử dụng của mình đối với cái vỉa hè và nhà nước cũng thể hiện hành động trách nhiệm của mình trong việc quản lý những lối đi công như sửa chữa, bảo trì, dọn dẹp… Nhưng những vấn đề to tát, cần thiết như cầu vượt hay đường xá xập xệ, bị rút ruột công trình còn chưa được xử lý, thì nói chi đến chuyện vỉa hè?
    HOÀNG GIANG

    Trả lờiXóa
  2. Đã mấy chục năm nay, Hà Nội và Tp. HCM làm gì có người đi bộ mà đòi lại vỉa hè cho họ. 90% nhu cầu đi lại được thực hiện bằng các phương tiện giao thông cá nhân. Cho dù có 10% người đi bộ, thì chẳng có 1 người đi bộ nào đi sát vào các bậc tam cấp cả và cũng chẳng có một ai cao tới mức chạm vào các biển quảng cáo ở trên cao. Một lần nữa, các bậc tam cấp, biển quảng cáo trên cao không hề gây ảnh hưởng đến người đi bộ và gây ùn tắc giao thông. Ngược lại chúng là những tiện nghi, thiết yếu cho gia đình và có ích cho xã hội. Vậy cớ gì chúng lại bị đập phá, dỡ bỏ? Hà Nội và Tp. HCM hiện có gần 16 triệu xe máy và ô tô con, phủ kín đậm đặc mặt đường, lên cả vỉa hè mới là yếu tố chính lấn chiếm vỉa hè, gây ùn tắc giao thông, làm không có người đi bộ, làm cho nhiều cầu đường bộ, hầm đường bộ từ nhiều năm nay vắng bóng người đi. Phó chủ tịch quận 1, TP.HCM Đoàn Ngọc Hải bức xúc trước hiện tượng ùn tắc giao thông, xe máy lấn chiếm vỉa hè, quay ra đập phá các bậc tam cấp và tháo dỡ các biển quảng cáo. Giận cá chém thớt. Một giải pháp không bình thường! Đòi lại vỉa hè cho vô hư! vì không có người đi bộ!

    Giải pháp này có làm cho Quận 1 sạch đẹp như Singapore? Chắc chắn là không! Các bậc tam cấp kiên cố, tiện nghi, tiện dụng và đẹp đã bị thay thế bằng bậc tam cấp gỗ, tre, ghế xếp chồng, sắt thép v.v.., thậm chí còn làm cho Quận 1 xấu hơn đi so với trước đó. Những bức ảnh ở trên đủ để chứng minh cho điều này.

    Giải pháp “thần kinh” này đã làm thiệt hại cho nhiều gia đình, cho toàn xã hội. Bỏ ra bao nhiêu tiền để có được những tấm đá dài, bóng nhẵn nguyên tấm, làm đẹp cho gia đình và cho bộ mặt thành phố, nay lại phải bỏ công sức, nguồn lực ra phá bỏ để thay vào đó bằng những thứ tạm bợ bằng gỗ, bằng tre, bằng ghế nhếch nhác, dễ đổ, dễ ngã. Nếu xét theo kỷ cương phép nước thì những vật dụng này vẫn phạm luật là lấn chiếm vỉa hè, đất công. Tuy nhiên, nó là những vật dụng cuối cùng rồi! để con người có thể leo lên, leo xuống, kể cả khách đến chơi nhà, nên ông Đoàn Ngọc Hải đành phải chấp nhận, cho phép tồn tại, lấn chiếm. Giải pháp phá dỡ đã đổi các bậc tam cấp tiện nghi, sạch đẹp thành các bậc lên xuống nhếch nhác, xấu cả mặt tiền, xấu cả Quận 1, xấu cả cho Tp. HCM và Hà Nội.

    3) Việc xua đuổi, thu gom những người buôn bán vỉa hè:

    Đại bộ phận những người buôn bán vỉa hè là những người yếu thế, nghèo, có hoàn cảnh khó khăn, nhà ở sâu trong hẻm, trong ngõ, dậy từ 4 – 5 giờ sáng, mang vài cái thúng, cái mẹt, ghế nhựa con ra vỉa hè để kiếm sống. Đã là buôn thúng bán mẹt thì dễ cơ động, dễ chạy, dễ trốn, nhiều khi đổ cả mẹt hàng. Những người bà con này của chúng ta cần được giáo dục, hướng dẫn kinh doanh văn minh lịch sự, thay vì xua đuổi và bắt phạt. Cơ quan, chính quyền cần bố trí sắp đặt, thu thuế, hợp pháp hóa cho họ, thay vì để cho những tay đầu gấu, bảo kê rất phổ biến, đang lộng hành thu tiền của họ hàng ngày và hàng tháng. Chính quyền của ta là chính quyền của dân, do dân và vì dân. Hãy làm sớm để mang lại hạnh phúc bé nhỏ cho những người yếu thế.

    Giải pháp kinh tế, các bên, toàn xã hội đều được lợi:
    Các bậc thềm lên xuống ra vào tổ ấm là những vật dụng thiết yếu của cuộc sống. Việc lấn chiếm vào vỉa hè là cả một quá trình rất nhiều năm, là tất yếu của lịch sử. Lấn chiếm vào đất công là phạm luật, cần phải xử lý. Khi xử lý cần đồng đều như nhau, những vi phạm giống nhau cần được xử lý trên cùng một mặt bằng.

    Không thể để giải pháp đập phá tiếp tục phá hại thêm nữa!.
    Thủ tướng Chính phủ cần ra quyết định yêu cầu dừng lại, chuyển sang sử dụng giải pháp kinh tế; nếu không thì Chủ tịch UBND Tp. HCM và Hà Nội cần ra thông báo cho tất cả lãnh đạo cấp quận, huyện dừng ngay việc phá dỡ!.

    Chính phủ cần khẩn trương ban hành một Nghị định về việc xử phạt lấn chiếm vỉa hè bằng thu thuế cho ngân sách địa phương, ngoại trừ những trường hợp việc vi phạm thực sự thu hẹp dòng chảy của các phương tiện giao thông, bắt buộc phải phá dỡ.
    NGUYỄN ĐỨC THẮNG

    Trả lờiXóa
  3. Đập phá không giới hạn
    Thế kỷ 21 mà vẫn còn nghe tiếng búa đập vào văn hóa của Hồng vệ binh, nhưng ghê rợn hơn bởi tiếng hò reo ủng hộ từ những tờ báo mạng.
    Từng nhắn cho lãnh đạo: người ta coi dân như kẻ thù, vỉa hè như chiến trường, TPHCM như trong thời chiến và không có luật pháp.
    Phá trụ sở, dỡ bốt công an, cẩu xe ngoại giao, đập tam cấp nhà hát và chưa có điểm dừng. Chưa bao giờ loạn như thế.
    LÊ MẠNH HÀ
    Phó chủ nhiệm VP Chính phủ


    Dọn dẹp vỉa hè để giành lại phần đường cho người đi bộ tại TT quận 1, đó là một chủ trương đúng đắn không phải bàn cãi. Tuy nhiên cách thực hiện và thái độ của ông Đoàn Ngọc Hải, phó CT quận 1 tp HCM trong việc thực hiện chủ trương này có nhiều vấn đề cộng đồng dân Việt cần phải lên tiếng, thậm chí đối với những hộ hoặc cơ quan bị đập phá tài sản sai quy định có thể cùng nộp đơn tố cáo hành vi lạm quyền, phá hoại tài sản công dân của ông Hải.

    Chúng ta dễ dàng nhận thấy cả tp sôi động và nóng lên với chủ trương giành lại vỉa hè trung tâm quận 1 của ông Hải. Tuy nhiên cùng với tinh thần quyết liệt không khoan nhượng của ông Hải trong việc chỉ đạo thuộc cấp đập phá dẹp bỏ những công trình lấn chiếm trái phép của những hộ dân và cơ quan nhà nước, chúng ta còn nhận thấy ông Hải hành động với thái độ trịch thượng, ngang tàng xem thường dân bằng những cử chỉ rất phản cảm và khó coi. Đó là những cái chỉ tay ra lệnh thuộc cấp, chỉ tay thẳng vào mặt những chủ nhân được cho là có lỗi vi phạm lấn chiếm vỉa hè. Cùng với cái chỉ tay là nét mặt đằng đằng sát khí như muốn ăn tươi nuốt sống đối tượng vi phạm.

    Ông Hải là một người trẻ tuổi, được đề cử về phụ trách chức vụ phó chủ tịch UBND Q1 có nghĩa là ông được sự tín nhiệm của cấp trên điều về để làm việc, phục vụ cho nhân dân Q1 trên tinh thần thượng tôn pháp luật, kính trọng lễ phép…chứ không phải bằng thái độ trịch thượng của một ông vua con. Nếu những ai sai phạm trong việc lấn chiếm vỉa hè được ông Hải cương quyết xử lý tại chỗ theo đúng luật lệ, thì những sai phạm của ông Hải trong quá trình thực hiện cũng cần phải xem xét lại, nếu xét thấy gây hậu quả làm thiệt hại lớn đến tài sản của nhân dân thì tại sao không thể kiện ông ta ra toà để xử lý theo luật định.

    Một đất nước độc lập, tự do và dân chủ thì tất cả mọi người dân phải tuân theo Hiến pháp và pháp luật. Những ai có công thì được tuyên dương, tưởng thưởng theo công trạng. Những ai sai phạm thì cũng phải chịu trách nhiệm và chịu sự phán xử công bằng của luật pháp, cho dù người vi phạm bất kể là ai.

    Quá trình thực thi pháp luật của ông Hải trong sứ mệnh có tên gọi “Giành lại vỉa hè cho người đi bộ”, nếu ông này lạm quyền, làm sai quy định tổn hại đến tài sản của nhân dân hoặc của nhà nước, thì tại sao những người hoặc những tổ chức bị hại không thể căn cứ luật định thuê luật sư để kiện ông Hải ra toà. Tại sao không?…
    LÊ QUANG LUÂN

    Trả lờiXóa
  4. Người ta đồng ý là vỉa hè bị người dân lấn chiếm quá nhiều. Buôn bán tràn lan, luộm thuộm và mất trật tự, thiếu vệ sinh, cần phải chỉnh trang. Nhưng chỉnh trang là làm đẹp chứ không làm mất.

    Ông Hải và đoàn tùy tùng của ông hành xử theo kiểu “gặp là đập”, cái gì cũng tịch thu mà ông gọi là làm việc theo đúng quy trình. Quy trình đó là gì? Không ai biết. Ông cũng không giải thích. Cứ chụp cho cái mũ “quy trình” thì hợp thức hóa cái cách đập phá của ông.

    Ông đi tới đâu, người ta kinh hãi tới đấy. Giống như đoàn Hồng Vệ Binh của thời Cách Mạng Văn Hóa bên Tàu.

    Những nơi đoàn “Hồng Vệ Binh” này đi qua, vỉa hè loang lổ, con phố tiêu điều. Cảnh tượng không khác gì thời chinh chiến. Bao giờ thì người ta mới làm lại cho nết nét tan hoang? Còn những bậc thềm tam cấp, ngũ cấp nữa. Nếu không có các bậc thềm này, làm sao người ta bước lên bước xuống? Chẳng lẽ phải tập phóng, tập nhảy thay cho bước ra, bước vào ư?

    Chiến dịch “Giải phóng vỉa hè” ông Hải nói là để Sài Gòn đẹp như Singapore. Để Sài Gòn đẹp như Singapore thì phải có cái đầu của Lý Quang Diệu. Bắt chước Singapore, không thể chỉ bắt chước cái vỏ ngoài của nó. Nếu không nó chỉ là một thứ hàng nhái kiểu “Made in China”. Cái nội lực của Singapore là Kinh Tế và Dân Trí. Đảng Cộng Sản chỉ chăm chăm bảo vệ quyền lãnh đạo đã bỏ qua rất nhiều hợp đồng bạc tỷ, nhiều triệu công ăn việc làm cho dân chúng. Cơ hội đã mất rất nhiều rồi. Nếu người dân có việc làm tốt, không ai thích ngồi bán hàng rong, hoặc la cà trên vỉa hè đổi chác vặt. Người dân chỉ mong nhà nước nắm bắt cơ hội hay hoạch định một chính sách lớn.

    Cần phải biết rằng, mỗi một chính sách, mỗi một cơ hội, mỗi một hợp đồng cần phải thận trọng. Vì đó là quyền lợi của toàn dân, không phải của một đảng.

    Muốn thực hiện chỉnh trang đô thị cần phải có một chính sách minh bạch và nhất quán, hợp với luật pháp. Cần có những người am hiểu pháp luật nghiên cứu trong một thời gian dài. Bởi vì đây không phải là một chính sách đơn giản.

    Trước khi lập chính sách mới, một sắc luật mới, chính quyền cần phải tham khảo luật nhà đất, diện tích đất đai, hồ sơ đo đạc quy định của bộ Công Chánh, quy định diện tích của những con đường, lòng đường và vỉa hè... Cần nghiên cứu sự sai biệt giữa mặt đường và nền nhà sau mỗi lần sửa đường làm nền nhà sụt lún. Quan trọng nhất là cần nghiên cứu tác động ảnh hưởng kinh tế của những doanh nghiệp hai bên đường, của những người bán hàng rong trên vỉa hè. Mức bồi thường thiệt hại, những mất mát do tịch thu,.. và chi phí để xây lại vỉa hè, xây lại mặt tiền của các doanh nghiệp. Ai là người chịu trách nhiệm?

    Để tiến hành chỉnh trang đô thị, chỉnh trang vỉa hè, ông Đoàn Ngọc Hải phải có thông báo trên các phương tiện truyền thông, nhà nước phải giải thích và thuyết phục với dân chúng. Phải có thông báo và xác định rõ phần nào phải sửa chữa để các chủ doanh nghiệp, công sở... chuẩn bị tâm lý và tài chánh, đồng thời phải có thời hạn ít nhất 3 tháng để thi hành.

    Quan trọng nhất là phải giải quyết được công ăn việc làm của người dân trên vỉa hè đó. Mỗi một chỗ ngồi của gánh hàng rong nào cũng có cái giá của nó. Họ đã mua lại với giá từ $600 cho tới $3,000 dollars. Đó là cả một sản nghiệp, và là nguồn thu nhập chính cho cả gia đình họ. Giật mất chén cơm tương đương như giật mất tính mạng của họ.

    Chính quyền khuyến khích, các bà gánh hàng rong hãy bán hàng trên mạng. Thời đại của internet, ngành Gánh Hàng Rong cũng phải toàn cầu hóa. Việt Nam thời hội nhập đấy. Tội nghiệp cho những gánh hàng rong! Xôi bán trên mạng ư? Nước mía trên mạng ư? Thôi thì cũng được. Khỏi mất công rao, thanh toán bằng thẻ. Càng hay. Nhưng làm sao cho khách ăn trên mạng đây? Chuyện chỉ có những người bại não mới nghĩ ra.

    Nhưng mà việc giành lấy vỉa hè cho người đi bộ nó quan trọng hơn việc giành lấy môi trường sạch, biển sạch sao ta? Thủ tướng Phúc, Bí thư Thăng ca ngợi quyết tâm đòi lại vỉa hè, tại sao lại không có quyết tâm đòi lại Trường Sa, Hoàng Sa?

    Hay đấy chỉ là chuyện nhỏ?
    Làm ngơ mới là chính sách lớn.
    NGUYỄN THỊ THẢO AN

    Trả lờiXóa
  5. Mình nghĩ cuộc chiến vỉa hè hóa ra là một điềm lành cho đất nước. Như một ý kiến mình lắng nghe, giờ đây kể cả giới tạm gọi là tinh hoa như khách sạn New World cũng đang cảm nhận cái cảm giác của Đoàn Văn Vươn vài năm về trước. Bằng sự cưỡng chế và khẩu hiệu “thượng tôn pháp luật”, Nhà nước đã gửi đi thông điệp rằng giờ đây những chân giá trị khác từng có ích cho cuộc sống của chúng ta như tiền tệ, quan hệ, hậu duệ giờ đây sẽ phải đứng dưới quyền năng của pháp luật. Và mọi cuộc thảo luận giờ đây sẽ phải đi xung quanh câu chuyện pháp luật. Nếu những người vi phạm (hoặc nạn nhân) của cuộc chiến vỉa hè tin rằng họ làm đúng theo pháp luật, thì giải pháp có lẽ không phải là lao vào những cuộc tranh cãi vô bổ với đoàn cưỡng chế hay những cuộc điện thoại không còn nhiều ý nghĩa mà phải là đơn kiện và tòa án. Còn nếu họ nhận thấy bản thân đã đứng vào phía bên kia của pháp luật và trở thành kẻ phản diện trong diễn ngôn thượng tôn đang bay lượn khắp nơi trên mặt báo, thì sự giải độc duy nhất có lẽ phải thông qua con đường thay đổi chính cái pháp luật đó, bằng tiếng nói của mình với dân biểu do mình bầu ra, và bằng lá phiếu để phế truất những người không phục vụ cho quyền lợi của họ. Cuộc chiến vỉa hè nếu có không phải diễn ra giữa các cơ quan chấp pháp (những người thực sự có nghĩa vụ chấp hành pháp luật) và người dân mà sẽ là giữa người dân và Nhà nước về việc tìm ra đâu là cách khai thác vỉa hè một cách hiệu quả, công bằng, và dân chủ nhất.
    DUY HẬU

    Trả lờiXóa
  6. Đi đường Hà Nội độ này, bắt gặp khắp nơi cảnh lực lượng của chính quyền phá bỏ bậc cấp của những hộ gia đình mặt phố, hoặc cảnh những hộ dân tự thuê người phá bậc cấp để tránh việc cưỡng chế của chính quyền. Thậm chí mấy ông quan địa phương ở Thạch Thất còn chặt mất cả trăm cây xanh mà người dân trồng dù chẳng ảnh hưởng gì đến giao thông ở một nơi mà hạ tầng cơ sở không phân biệt nổi đâu là đường, đâu là vỉa hè. Các tướng từ đầu đến cuối chỉ biết đó là chủ trương, đó là phải làm, ngoài ra không nói thêm được câu nào mang tính phân tích có đầu óc. Máy móc và ngu dốt đến thế là cùng.

    Kéo theo đó là những chuyện dở khóc dở cười vì cốt nền tầng một (tầng trệt, theo cách gọi ở một số nơi) xây cao hơn đường, có khi đến độ 60, 70cm. Các bà các chị mặc váy bó cảm thấy thật cực nhọc vất vả khi ra vào nhà mình, các ông các anh thì dắt xe mệt hơn do không còn bậc nhỏ. Các hộ có mặt bằng kinh doanh thì khách hàng cũng gặp khó khăn khi ra vào cửa hàng, ảnh hưởng đến doanh thu.

    Vấn đề được mổ xẻ phân tích, nhiều người ủng hộ, nhiều người không ủng hộ. Người ủng hộ thì cho rằng cần giải toả để có vỉa hè cho người đi bộ, như thế là đúng và văn minh. Người không ủng hộ thì cho rằng cách làm nặng tính trấn áp bằng bạo lực, không thông qua các trình tự pháp luật như thế là không chấp nhận được.

    Câu chuyện ở đây, còn có thể được nhìn theo góc độ khác.

    Tại sao nền nhà phải xây cao hơn vỉa hè nhiều như thế?

    Cái này ai cũng biết, đó là vì công tác xây dựng, cải tạo hạ tầng của chính quyền thường diễn ra mà không có một quy chuẩn cụ thể nào để người dân tham chiếu khi tiến hành xây dựng những công trình tư nhân. Hôm nay anh xây nhà, nhà anh cao hơn đường 30cm, khô ráo và sạch sẽ. Tháng sau người ta bất ngờ sửa chữa đào bới, rồi một buổi sáng ngủ dậy anh tá hoả phát hiện ra nền đường cao hơn nhà mình 30cm, từ nay nước mưa, nước cống tha hồ tràn vào nhà anh. Thật là một cuộc hoán đổi ngoạn mục.

    Vì vậy mà người dân buộc phải xây nền nhà cao hơn mặt đường, vỉa hè. Họ không được chuẩn bị, không được bảo vệ trước những cuộc thực hiện kế hoạch của chính quyền.

    Xây nhà cao như thế, tất phải xây bậc cấp. Nhưng thời buổi tấc đất tấc vàng, chẳng lẽ hi sinh mấy mét vuông cực kì trị giá chỉ để làm nơi bước lên bước xuống, thế là người ta bồi dưỡng cho cán bộ quản lý ở địa phương. Nói toẹt ra là đút lót. Dí cho nó cái phong bì để nó bỏ qua cho. Tất cả mọi người đều như vậy, ai cũng như ai.

    Đó chính là vấn đề.

    Anh sống trong thời đại internet và smartphone làm gì nhỉ? Sao anh không lùi lại vài trăm năm mà sống đi cho rồi.

    Anh không biết đoàn kết những người xung quanh anh, anh không biết lên tiếng để đòi hỏi việc bảo đảm quyền lợi cho anh, anh không biết thực hiện quyền công dân của anh, và anh cũng không ủng hộ những người đang hàng ngày hành động để hướng tới một xã hội tốt đẹp hơn.

    Anh nên hiểu rằng không phải cứ là luật thì nghiễm nhiên đúng. Chẳng phải quốc hội ở bất kì đâu vẫn luôn phải sửa đổi và bổ sung biết bao nhiêu bộ luật, điều luật đó hay sao. Khi luật và việc thực thi nó không hợp lý, không đem lại lợi ích chung cho cộng đồng, trong đó có anh, thì trách nhiệm của một công dân như anh là phải phản đối nó, phải vi phạm nó, phải tạo sức ép để bắt buộc những người có trách nhiệm thay đổi nó.

    Trên đời này, có bữa cơm nào là tự nhiên rơi xuống trước mặt anh đâu?
    CHUKIM NAT

    Trả lờiXóa
  7. Mấy ngày vừa rồi ở Sài Gòn tôi nghe nhiều những ý kiến xung quanh cái vỉa hè. Tôi có mấy cuốc taxi đi Hàng Xanh, đi Thủ Đức, đi Khánh Hội. Mấy chú lái taxi kể không biết bao nhiêu là chê bai trách móc. Tôi hỏi trước khi đập phá dọn dẹp họ có đưa ra một kế hoạch chu đáo không. Chẳng hạn như ông Thăng, ông Phong có biết thành phố có bao nhiêu km vỉa hè, loại rộng mươi lăm mét là bao nhiêu, loại hẹp năm ba mét, loại rất hẹp… Mà một vỉa hè chuẩn của Đô thành nhứt nước thì tối thiểu rộng bao nhiêu, có bao nhiêu vỉa hè không đạt chuẩn. Còn trên cái vỉa hè thì có bao nhiêu nhu cầu, quyền và lợi. Đâu phải chỉ chính quyền mới có quyền với vỉa hè, người hàng rong cũng có cái quyền của người ta chứ. Mỗi hạng người có quyền, có lợi, và có nghĩa vụ theo từng nhu cầu. Thành ra bây giờ có thể thêm vào cách nói của người Pháp “Dis-moi qui tu hantes, je te dirai qui tu es”. Là “hãy nói cho biết họ đối xử vỉa hè thế nào. sẽ bảo cho biết trình độ quản trị đô thị”. Đừng lấy làm chơi câu chuyện vỉa hè này. Không phải là muốn sánh với Singapore, mà là muốn vươn tới một Đô thành văn hóa, văn minh, hiện đại. Hành xử thô bạo, đơn giản, cảm tính đâu có được. Nội một cái vỉa hè tính không xong, ai tin được những hứa hẹn, quy hoạch trời biển khác?

    May quá, cái vỉa hè như là một bài học của thử thách. Hãy học cách làm tử tế xem. Đầu tiên là điều tra cơ bản, hiện trạng thế nào, có bao nhiêu mối quan hệ với nó, chuẩn của nó ở một Đô thành tầm vóc là thế nào, cái quyền, cái lợi cái nghĩa của từng loại nhu cầu là gì. Cùng nhau bàn đi rồi hẵng hành động. Hãy nên nhớ chính Lênin cũng phải thốt lên “gót chân Achilles của cộng sản là dốt, tham và cậy quyền”. Nếu cùng một việc, một lúc bộc lộ cả ba chỗ yếu kém như thế thì làm sao thọ cho đặng. Mà chính cả Lênin cũng chẳng biết đàng mù nào để bịt mấy gót Achilles cho khỏi sụm.

    Triết học hiện đại cũng khẳng định “cái tiêu cực cũng có cái giá trị tích cực của nó”(Xem cuộc trò chuyện của triết gia F. Jullien với Minh triết). Từ cái khó ló cái khôn, từ cái vấp ngã mà biết đứng dậy. Từ cái ngu mà biết học, từ cái làm càn làm ẩu, mà biết lắng nghe.

    Tôi không chỉ đi một ngày đàng, mà đi đến mấy ngày ở Thành phố nên cũng thấy khôn lên đôi chút.
    NGUYỄN KHẮC MAI

    Trả lờiXóa
  8. Ông Đoàn Ngọc Hải – Phó Chủ tịch UBND quận 1 đã rút đơn từ chức mà ông đã nộp trước đó vào ngày 8/1.

    Ngày 15/5, ông Trần Kim Yến – Bí thư Quận ủy quận 1 (TP. HCM) xác nhận ông Đoàn Ngọc Hải – Phó Chủ tịch UBND quận 1 nộp đơn xin rút lại đơn xin từ chức mà ông Hải đã nộp trước đó.

    Theo đơn, ông Hải cho rằng trong thời gian qua ông đã nhận được nhiều sự động viên và thuyết phục của các cấp lãnh đạo; sự tin tưởng, gửi gắm của người dân quận 1 và cả người dân các địa phương khác. Do đó, ông Hải nhận thấy bản thân cần tiếp tục công việc.

    “Tôi có nguyện vọng tiếp tục làm việc và xin rút lại đơn thôi công tác. Tôi sẵn sàng làm việc ở những nơi khó khăn, gian khó, nguy hiểm… và nhận bất cứ nhiệm vụ nào được phân công” – ông Hải cho hay.

    Trước đó, ngày 20/2/2017, trong một lần đi cùng đoàn công tác xử lý vi phạm trật tự đô thị, ông Hải đã tuyên bố: “Từ đây đến cuối năm không làm được, tôi sẽ cởi áo về vườn không làm nữa, chứ không làm theo phong trào, đánh trống bỏ dùi, để nổi tiếng“.

    Sau một thời gian dẹp vỉa hè lòng đường, đến ngày 14/10/2017, Chủ tịch UBND quận 1 ông Trần Thế Thuận ký quyết định lập tổ liên ngành trật tự đô thị, trật tự an toàn giao thông trên khu vực quận. Vì vậy, ông Đoàn Ngọc Hải phải dừng việc làm này.

    Đến ngày 8/1, ông Hải bất ngờ có đơn từ chức vì cho rằng bản thân không thực hiện được lời hứa trước người dân về những tuyên bố trước đó.

    Trả lờiXóa

Best Blogger TipsBest Blogger Tips