Thứ Sáu, 8 tháng 8, 2014

Đèn cù

Nhiều tác giả đã viết về xã hội miền Bắc Việt Nam dưới chế độ cộng sản, dưới dạng hồi ký, tiểu thuyết, biện thuyết và lý luận, vân vân. Đèn Cù nổi bật lên trong tủ sách đó. Nếu không phải là kho chứng liệu quan trọng và đầy đủ nhất thì đây là cuốn sách đọc lý thú nhất. Rất nhiều chuyện mới nghe lần đầu. Rất nhiều chuyện cũ được nhìn dưới con mắt khác, thấy những khía cạnh chưa ai từng thấy. Quý vị sẽ cười, sẽ khóc, sẽ thắc mắc, sẽ dằn vặt, thao thức, kinh tởm, giận dữ, sót thương, khi bị cuốn theo những Voi giấy (ối a) ngựa giấy chạy quanh trong cái đèn cù...
Xem toàn bài giới thiệu của Ngô Nhân Dụng

Trích bài giới thiệu:
Nhưng Trần Đĩnh (ảnh trên) vẫn giữ nguyên cái đức của người viết báo, là kể sự thật, kể những chuyện thật. Ông dùng một lối viết mà đọc tới đâu người ta cũng cảm thấy ngay: Đây là những chuyện thật, sự thật được bày ra, sự thật ròng, như thịt xương còn sống, tàu lá còn xanh, như gỗ mộc không sơn phết. Những suy tư, thao thức của tác giả được trình bày riêng, bên ngoài các sự kiện. Người viết không thêm thắt tình cảm, suy tư, phê phán, như thêm mắm muối, tiêu, hành, vào cho món ăn thêm mùi vị.
Như khi ông thuật lời nhà báo Tiêu Lang đã chứng kiến cảnh mấy anh du kích đặt cái xác bà Nguyễn Thị Năm vào áo quan, áo quan nhỏ quá không vừa. Mấy anh bèn đứng lên trên xác bà đẩy cho lọt xuống. “Nghe xương kêu răng rắc mà tớ không dám chạy, sợ bị quy là thương địa chủ.”
Hay khi ông kể chuyện về họa sĩ Phan Kế An, một trong bốn năm người cùng phụ trách báo Sự Thật lúc đầu. “Một dạo Phan Kế An ngày ngày đến vẽ Cụ Hồ. Một chiều về sớm hơn, An nói: À, cái Z. tự nhiên mang ba lô, chăn chiếu đến chỗ Ông Cụ, tớ được xua về sớm. Vài tháng sau, An lại về muộn. Hỏi vì sao thì An nói không thấy Z. đến nữa. Chắc ‘máy’ cụ yếu, giải đáp thuần túy sinh học. Không tính đến sở thích, ‘gu’ của cụ.
Trần Đĩnh cũng nhớ trong lớp học “chuẩn bị cải cách ruộng đất” tháng Bảy năm 1953, “Cụ Hồ đến giảng cách nhật, có lúc cụ đùa hô lên trong hội trường Hồ Chí Minh Muốn Nằm!” “Rồi tay chỉ vào đầu [nói]: Từ đây thì Bác già, nhưng từ đây (tay chỉ vào bụng) thì Bác trẻ.
Trần Đĩnh biết rất nhiều chuyện. Trần Đĩnh coi Trường Chinh là thầy trong nghề báo, được ông tổng biên tập báo Sự Thật (Trường Chinh) dậy từng chữ khi anh nhà văn 19 tuổi mới vào trong A Tê Ka (An Toàn Khu), năm 1949. Anh ngủ chung lều với Lê Quang Đạo, nhiều lần phải hất tay Lê Quang Đạo ra, và nghe lời xin lỗi, “Chúng tớ ở tù lâu ngày sinh hư.”
Anh ngồi sau lưng Hồ Chí Minh trong buổi lễ truy điệu Stalin chết; nhìn cảnh Tố Hữu diễn vai đau khổ ôm bức hình Stalin đặt lên ban thờ, sau nay nghĩ có lẽ ông ta khóc Stalin là khóc thật. Rồi nhìn thấy hộp thuốc lá Trung Hoa Bài do Hồ Chí Minh bỏ quên trên ghế bên cạnh, anh cầm lấy mang đến tận phòng, “Dạ, thưa bác, Bác để quên ạ!” Và nhìn thấy “Mặt cụ xưng lên, đầm đìa nước mắt, hai mắt húp lại... Cụ ngơ ngẩn nhìn tôi, nhìn hộp thuốc lá như không hiểu tôi vào làm gì...”
Trong lớp chỉnh huấn chuẩn bị cải cách ruộng đất năm 1953, một hôm “Cụ Hồ nói: Các chú các cô không sợ người ta kêu mình kém trí thức, ít lý luận. Họ kêu thì bảo họ rằng tôi lú nhưng chú tôi khôn. Chú tôi là Stalin, Mao Trạch Đông…” Trần Đĩnh chắc là người đầu tiên tiết lộ Hồ Chí Minh đã tới quan sát cuộc đấu tố đầu tiên ở Đồng Bẩm, hóa trang che bộ râu để không ai nhận ra. Và Trường Chinh thì đeo kính đen tới dự, để rút kinh nghiệm mà rèn luyện các đội cải cách đấu tố cho đúng tiêu chuẩn thù ghét. Xưa nay nhiều người vẫn kể rằng Hồ Chí Minh không muốn giết bà Nguyễn Thị Năm, nhưng bị cố vấn Trung Cộng ép buộc nên phải giết. Trần Đĩnh đưa ra một bài báo ngắn do Hồ Chí Minh viết kết tội đích danh bà Năm đồng thời đả kích cả giai cấp địa chủ. Bài báo này, được dẫn chứng đầy đủ, dùng một bút hiệu, ký tắt, cho nên chỉ người bên trong tòa báo mới biết người viết là Hồ Chí Minh.
Trần Đĩnh cũng là tác giả đầu tiên đã gặp cô Xuân (nhân vật đã được Vũ Thư Hiên kể trong Đêm Giữa Ban Ngày) ở trên chiến khu từ năm 1953, cô là “Con nuôi Bác.” Có lúc Trần Đĩnh đã nắm tay cô Xuân, khoe đã lấy tên cô làm bút hiệu viết trên báo. Ông cũng kể chuyện đi theo Hồ Chí Minh dự mít tinh rồi “đi lượn phố, thăm trường học” ở Móng Cái, năm 1960. Hồ viết lên bảng một chữ Hán “nhân,” rồi hỏi: “Trây sấn mà chề” nghĩa là “Đây là chữ gì?” nói bằng tiếng Khách Gia, Hakka, miền Nam gọi là tiếng Hẹ; là thổ ngữ của người gốc Hoa ở địa phương này. Tác giả thắc mắc, “tại sao đến đây Cụ đi chơi phố nhiều như thế? Khéo [cụ] đã ở đây thật?” Và có lúc đi trong phố “Cụ chỉ vào một ngôi nhà phía bên kia đường nói với tôi, đi bên cạnh: Ở nhà này ngày xưa có một chị bí thư chi bộ. Tôi ngợ ngay. Có quan hệ tình cảm gì [giữa cô đó] với Bác?”
Trần Đĩnh là người đầu tiên cho biết đã nghe Hồ Chí Minh nói thông thạo tiếng Hẹ, và đoán rằng ông đã hoạt động cùng các đảng viên  cộng sản ở Móng Cái từ thời trước. Chưa có một tác giả hay một người nghiên cứu lịch sử nào biết đến chi tiết này. Độc giả sẽ không ngạc nhiên khi đọc những tình cảm thân mến của tác giả với nhân vật Hồ Chí Minh; vì đã sống rất gần gũi trong nhiều năm. Trong lần đi thăm khu gang thép Thái Nguyên, “Sau bữa cơm trưa, thấy Cụ quần áo cánh nâu đi vòng ra sau dẫy nhà tranh đến rặng chuối thay hàng rào, tôi đi theo. … Thấy tôi gần như ở ngay bên, cụ quay ngoắt lại hỏi, điếu thuốc khẽ lật bật ở môi: ‘Người ta đái cũng theo à?’ ‘Không ạ, cháu …!’ ‘Thế đứng sát vào người ta nhòm gì?’” Rồi Trần Đĩnh kể tiếp, “Chiều ấy, khoảng bốn giờ về tới chủ tịch phủ, tha thẩn ở sân chờ lấy xe đạp … bất thần chợt nhớ đến Xuân, cô con gái nuôi của Bác. Hỏi mấy người đứng tuổi nom có vẻ quen từ trên rừng. A, cô Xuân ấy hả? Lấy chồng rồi. Chồng lái xe. Nhưng chết rồi. … bị ô tô đè …” Trong chương chót, Trần Đĩnh nêu một nhận định chung về Hồ Chí Minh: Lòng trung của Hồ Chí Minh đối với Lê Nin, Stalin, Mao Trạch Đông là vô bờ. Cho nên lòng trung với nước Việt, dân Việt vơi đi.

8 nhận xét:

  1. Tác giả Đèn Cù là nhà báo kỳ cựu của tờ Sự Thật từ những ngày đầu tiên khi báo này thành lập do Trường Chinh làm Tổng biên tập. Ông sinh năm 1930 và tham gia Việt Minh vào năm 1946 tức lúc mới 16 tuổi, Trần Đĩnh thuộc lớp đảng viên tiên phong gia nhập đảng cộng sản Việt Nam từ năm 1948. Ông là người chấp bút tiểu sử của Chủ tịch Hồ Chí Minh, chấp bút những tự truyện của nhiều nhân vật như Phạm Hùng, Lê Văn Lương, Bùi Lâm, Nguyễn Đức Thuận.

    Do làm việc trong một cơ quan báo chí cao nhất của Đảng ông có cơ hội gặp gỡ hầu hết các khuôn mặt của chế độ từ Hồ Chí Minh, Trường Chinh, Lê Duẩn, tới Lê Đức Thọ, Hoàng Tùng, Đỗ Mười … và những quan hệ này đã giúp ông sớm nhận ra khuôn mặt thật phía sau chiếc mặt nạ của các chóp bu cộng sản.

    Sau khi vụ án “Xét lại chống đảng” diễn ra ông cũng là một nạn nhân tuy mức độ lao tù nhẹ hơn người khác nhưng đủ để ông thấy được sự đấu tranh gay gắt, sống còn giữa Mao Trạch Đông và Liên Xô cùng với nghị quyết 9 ra đời dẫn dắt cả hệ thống Đảng Cộng sản Việt Nam ngày càng rơi sâu vào vòng kềm tỏa của Trung Quốc.

    Là người theo học tại Bắc Kinh 5 năm trời, ông có những phân tích tinh tế trong “Đèn Cù” từ hành động tới cách đối xử của Mao đối với Lê Duẩn, Võ Nguyễn Giáp hay ngay cả Hồ Chí Minh trong những ngày chiến tranh chống Mỹ. Những ghi chép của ông tuy không phải là những bí mật to lớn nhưng cũng giúp cho lịch sử cận đại Việt Nam có cái nhìn chuẩn xác hơn về sự lệ thuộc của Việt Nam vào hai đầu tàu Cộng sản thế giới là Liên Xô và Trung Quốc.

    Những ghi chép ấy nằm trong một văn phong tưởng chừng như hờ hững nhưng thật ra chất lửa tiềm ẩn từ trang đầu tiên tới những giòng cuối cùng. Trần Đĩnh tỏ ra không dễ dãi như cách kể chuyện của nhiều người, nhất là những người danh giá. Ông là nhà báo có cách viết của một nhà văn đậm chất trữ tình qua nhịp đập của trái tim thi sĩ.

    Diễn tả sự việc cô đọng, nén thông tin đến mức có thể, nhà báo Trần Đĩnh tỏ ra rành rẽ kỹ thuật thông tin của thế kỷ 21 mặc dù ông là người đã cầm bút gần 70 năm từ ngày đầu tiên trình diện báo Sự Thật.

    Khi đọc những giòng văn sau đây khó ai có thể nghĩ rằng tác giả Đèn Cù là một nhà báo, ông viết:
    “Cuộn dây thừng trong tay anh tuột ra văng trên mặt nước như một lằn roi sáng quắc. Và chỉ một dìm xuống rồi một nhồi thúc lên là anh lính liền mất tăm. Khi anh dội ngược trở lên lần cuối, hai mắt anh mở đã dại đờ. Cái chết chớp nhoáng nhưng những nghi thức đi kèm nó lại từ tốn rất mực. Cặp mắt dại kia như mơ màng khép lại, tóc trên trán anh thong thả tách ra từng sợi lượn lờ rồi ngoan ngoãn theo nước mơn trớn phân chia để lần lượt rẽ trái rẽ phải hai bên, quá đều, quá phân miêng, khơi ra một đường ngôi quá thẳng, quá sạch, quá trắng ở chính ngay giữa đỉnh đầu anh. Tôi khẽ nấc và cắn chặt môi. Tôi thấy lại anh ba bốn tuổi đang ngửa mặt lên cho bàn tay mẹ định hình đường ngôi đầu tiên trong đời để anh giữ lấy mãi, đường ngôi mà nay con lũ trung thành đang tỉ mẩn xếp lại cho đúng nguyên mẫu ban đầu.”

    Trong Đèn Cù không hiếm những câu văn tinh tế như vậy do đó khi đọc nó người ta thấy cảm xúc thi ca được vuốt ve và những hiện tượng chính trị thanh trừng, trù dập, bợm bãi với nhau trở nên dễ chấp nhận hơn đối với người khó tính.
    (RFA phỏng vấn Trần Đĩnh - Click tiêu đề xem toàn bài cực hay)

    Trả lờiXóa
  2. - Trước tình hình Trung Quốc ngày càng ngang ngược lấn chiếm biển đảo của Việt Nam, đồng bào mình tại quê nhà đang kêu gọi đảng Cộng Sản phái “thoát Trung”; một số người còn cho rằng, muốn “thoát Trung” thì trước hết phải “thoát Cộng.” Xin nghe quan điểm của ông về vấn đề này.

    Trần Ðĩnh: Trong những năm 90 của thế kỷ trước, tôi đã nói với anh em an ninh Hà Nội, rằng tôi không theo chủ nghĩa xã hội. Nghĩa là tôi muốn “thoát Cộng.” Bây giờ, đảng Cộng Sản sắp đại hội, các anh - như Nguyễn Chí Hùng, Lê Tiến, Ðoan, Tuấn. v.v... - hay hỏi tôi nghĩ gì về nhân sự lãnh đạo sắp tới của đảng, thì tôi lại nói tôi không nghĩ gì. Vì sao tôi dửng dưng thế? Vì một: vẫn cứ là tiến lên chủ nghĩa xã hội, cái mục tiêu tôi không thích; hai: nhân sự vẫn chỉ là con súc sắc do một người tiện, rồi chính lại vẫn người ấy tung ra, ngửa ra số mấy thì số đó trúng.

    Thế thôi. Trong Ðèn Cù tôi có viết: “Những ngày Tháng Tám 1945 tưng bừng, đứa thiếu niên 15 tuổi là tôi chỉ thấy đảng là chấp nhận tù đày, máu me, biểu tượng của hy sinh cao quý. Vào đảng để theo vị ‘Chúa Tể Tân Thời’, để được hy sinh, gian khổ chuộc lại những tháng năm nhởn nhơ của của mình. Và tôi đã có một thời đắm chìm trong cuồng ảo xóa bỏ chế độ tư hữu, dựng xây chế độ đại đồng cho loài người sung sướng với công hữu mà chuồng xí khi ấy cũng dát vàng...”

    Nhưng rồi tôi bắt đầu thấy vị “Chúa Tể Tân Thời” phát hành bạc giả. Chấp nhận bạc giả thì tôi vinh hoa, từ chối thì tan nát. Hai ngả rõ như ban ngày.

    Ðảng nói xây dựng xã hội công bằng, dân chủ nhưng đảng coi dân là quần chúng chỉ có sứ mệnh là tuân theo và vỗ tay hoan hô sự lãnh đạo của đảng mà thôi, bởi thế đảng mới đề ra “ý đảng lòng dân”, tức là dân chỉ có lòng nô nức làm theo ý đảng. Nói một cách dân dã, đảng không nghe “đằng ấy” đâu mà “đằng ấy” mở miệng. Hay thí dụ khẩu hiệu “đảng cử dân bầu,” lãnh đạo cả đến từng lá phiếu của dân thì hỏi ở đâu ra công bằng được nữa chứ. Tôi hy vọng đảng đang nhận ra chỗ so le đáng buồn giữa lời nói và việc làm này, giữa phận dưới đáy của dân và uy cao chót vót của đảng. Vị thế chót vót này tự nó làm cho mục tiêu công bằng đảng nêu ra trở thành trò cười.
    TRẦN ĐĨNH trả lời phỏng vấn báo NGƯỜI VIỆT
    (Click tiêu đề xem toàn bài)

    Trả lờiXóa
  3. Suốt mấy tuần qua, dư luận cộng đồng Hải ngoại bỗng rộn lên bởi một cuốn sách, thiên hạ rủ rê, kháu nhau, cùng nhau bàn tán, quảng cáo cho nhau, cùng rầm rộ đọc cuốn Hồi ký Đèn Cù của Trần Đĩnh. Chúng tôi cũng (như mọi người) nhận được cuốn sách ấy do chú em bên Mỹ gởi tặng. Và hơn một tuần qua, đêm nào cũng bỏ ra nửa giờ (một sự cố gắng hết mình không thể vượt qua nổi) để ráng đọc ( nói theo Tây « pour ne pas mourir idiot » gọi là để biết cũng như người ta) để xem tác giả muốn nói gì ?

    Đến hôm nay đã trên mười đêm vẫn chưa đọc hết nổi nửa cuốn. Để biết gì ? Chẳng gì ngoài những gì mình đã biết rồi, bởi những kinh nghiệm cá nhơn, qua những chung đụng suốt 5 năm (với 4 năm ngục tù) với những người của chế độ đương quyền cộng sản, từ những cán bộ quản giáo, binh sĩ hoặc công anh gác tù kém học, hay những cán bộ kinh tế hay quân đội với một trình độ tương đối văn hóa và hiểu biết khá hơn qua 14 tháng « làm việc » với ban quân quản thuộc K9 điều hành cơ sở BGI.

    Nói tóm lại, tất cả, mọi sự mọi việc, từ những chế độ đối đãi, hay quan hệ trao đổi khi làm việc – (xin lỗi bà con khi dùng từ ngữ nầy, vì không có từ miền Nam tương đương khác để dùng). Không có từ ngữ miền Nam để dịch từ ngữ chế độ của miền Bắc ! vì từ chế độ của định nghĩa cộng sản ngầm nói quy chế, cách thức làm việc, quan hệ, cư xử lẫn nhau, giữa con người và con người – đến cá nhơn của những nhơn vật được nói, được kể, được tả trong « Đèn Cù » đều là những điển hình, « con đẻ » của một chế độ ( nghĩa miền Nam) chánh trị rỗng tếch, thùng rỗng kêu to, bề ngoài, đạo đức giả, giả tạo, đểu cán, khốn nạn, lấy cái nói láo, cái xạo, cái đểu, làm phương châm, lấy cái lường gạt làm phương tiện, để sống còn, để tranh nhau, chiếm đoạt địa vị chức vụ, … hại dân hại nước !

    Và cái nguy hiểm hơn cả, là cùng nhau bảo vệ, kẻ gia nô Liên Xô, người gia nô Tàu Cộng. Đại diện chế độ chánh trị gia nô nầy là câu nói của Lê Duẩn, câu nói đã ngu, và lại càng ngu xuẩn hơn là buộc người nhà mình hãnh diện viết trên tấm bia nơi mộ chôn của mình « Chúng ta đánh Mỹ là chúng ta đánh giùm cho Liên Sô và cho Trung Quốc ! ». Đây cũng là tất cả cái tinh thần của cả cuốn hồi ký của tác giả Trần Đĩnh !
    ...
    Chỉ có Lật đổ Bạo quyền Cộng sản mới Biết được những sự thật. Một cuốn Đèn Cù, hai cuốn Đèn Cù không kể hết được… 600 trang, 1200 trang một Trần Đĩnh, hai Trần Đĩnh cũng chưa kể đủ sự thật !…dù Trần Đĩnh đầy tài nghệ với quá trình viết tiểu sử Hồ Chí Minh, tiểu sử Trường Chinh cũng không viết được tất cả những sự thật mà Nhơn dân Việt Nam ngày nay muốn biết.

    Dù sao đi nữa, với một quá trình chuyên nghiệp viết những tiểu sử của những nhơn vật đầu sỏ cộng sản, thì đấy chỉ chứng minh rõ là chẳng qua, chỉ là quá trình của một tay viết mướn đầy tài nghệ, giỏi dùng những mỹ từ đầy láo khoét. Vì tất cả chúng ta ngày nay ai ai cũng biết rõ là Hồ Chí Minh với một tiểu sử, một lý lịch, từ gia cảnh, gia thế, gia tộc, đến hành trình cuộc đời đều mang một quá khứ, một lịch sử đầy mờ ám, láo khoét : Từ tên giả, ngày sanh giả, ngày chết giả, con người sống đã giả, và đến ngày nay cả xác chết nằm trong cái lăng tuy xây bằng xi măng cốt sắt kiên cố, cũng giả nốt – bụng không nội tạng, đầu không óc não, chưa kể một lô sửa sai, che dấu bằng sáp son, nhựa phấn !

    Vậy thì làm sao tin tưởng trác giả Trần Đĩnh nói thiệt ? Ai làm chứng ? Các chứng nhơn chết cả rồi ! Chuyện thâm cung bí sử ? từ Hồ Chí Minh, đến Trường Chinh, qua những người bạn cùng lứa với Trần Đĩnh như Chế Lan Viên, Phan Kế An, Lê Liêm … đâu rồi ? Nhưng có một sự thật, ấy là lòng dạ con người, quan hệ đối đãi với nhau của những đồng chí ấy với nhau ! Tất cả đều đối đãi với nhau bằng bề mặt, bằng láo khoét cả. Cả cuốn Đèn Cù của Trần Đĩnh có thấy gọi ai là bạn không ? đâu là tình bạn ? Tình Bạn với cái nghĩa của người miền Nam mình, có tao có mầy, parce que c’est toi, parce que c’est moi, chết sống bên nhau !
    PHAN VĂN SONG
    (click tiêu đề xem toàn bài)

    Trả lờiXóa
  4. Người tham gia biên tập, hiệu đính và trực tiếp viết lời giới thiệu cho cuốn sách Đèn Cù (quyển một) của tác giả Trần Đĩnh cho BBC hay quyển hai sắp được xuất bản sẽ có nhiều chi tiết 'mới' và đề cập nhiều 'kinh nghiệm mới' hơn sau năm 1975.

    Trao đổi với BBC xung quanh việc biên tập cuốn Đèn Cù (quyển một) do nhà xuất bản Người Việt ấn hành tại Hoa Kỳ mới đây, nhà văn Ngô Nhân Dụng nói:

    "Có cuốn thứ hai. Cuốn thứ hai thì ông Trần Đĩnh đang biên tập và Nhà xuất bản Người Việt sẽ in ra trong năm nay hoặc là đầu năm tới.

    "Cuốn đó về nội dung sẽ tiếp tục kể những chuyện giống như là trong cuốn một, nhưng tất nhiên có nhiều điều mới hơn.

    "Và hai cuốn đó không theo thứ tự thời gian, bởi vì tác giả kể hết chuyện cũ lại đến chuyện mới, không theo trình tự nào cả.

    "Trong cuốn thứ hai, tác giả có nhiều kinh nghiệm mới sau năm 1975 và có lẽ đó là những điều mà ông kể ra thì nhiều người đọc sẽ thấy mới mẻ hơn so với cuốn một."

    Trả lờiXóa
  5. Ðèn Cù của Trần Ðĩnh được bán ở Hà Nội với giá 600 ngàn đồng mỗi cuốn; tương đương 25 đô la là giá bản in bán ở Mỹ. Một blogger nổi tiếng kể chuyện chính cô đi mua được một cuốn Ðèn Cù bên lề đường, và được bớt, chỉ phải trả 400 ngàn. Hai cuốn Bên Thắng Cuộc của Huy Ðức cũng được in chui và dân Việt Nam nô nức tìm mua. Vô tình, các ông Huy Ðức và Trần Ðĩnh đã giúp cho nhiều người thêm công việc làm và gia tăng lợi tức. Trong đó chắc phải có nhiều anh chị em công an; vì những vụ làm ăn chui, từ ngành in sách lậu đến buôn bán ma túy, nếu không được công an bảo kê thì ai làm ăn gì được?

    Hiện tượng Ðèn Cù cho thấy người dân Việt vẫn khao khát muốn thêm biết thêm sự thật. Ðảng Cộng Sản Việt Nam không muốn dân đọc Ðèn Cù, nhưng họ vẫn cho cán bộ văn hóa mở chiến dịch chỉ trích, quảng cáo cho cuốn sách.

    Tuần này, một nhà báo mới từ Anh quốc gọi phỏng vấn tôi về cuốn Ðèn Cù. Nhờ ông là một nhà báo giỏi theo dõi sát, biết rõ dư luận ở Việt Nam hơn, nên nghe ông đặt câu hỏi tôi được nghe mấy thắc mắc của độc giả trong nước về cuốn sách. Thí dụ, có người phê bình rằng Trần Ðĩnh nhớ nhầm về năm, tháng diễn ra trận đánh ở Núi Hồng. Tác giả có thể nhớ nhầm lắm. Một nhà văn ngoài 70 tuổi mới bắt đầu viết kể chuyện đời mình; đến lúc gần 85 tuổi mới cho in, chắc phải có lúc nhớ lẫn lộn. Chính tôi viết mục này, cũng có khi ghép ngày tháng nọ vào một biến cố kia, hoặc nghĩ đến tên người này mà đánh máy thành tên người khác. Ðáng lẽ ra một tác giả như Trần Ðĩnh phải có hai ba thư ký, mỗi người phụ trách tìm tài liệu kiểm soát lại xem trí nhớ của mình có chính xác không. Khi soạn cuốn Ðứng Vững Ngàn Năm, tôi cứ ước mình là một giáo sư đang dạy môn lịch sử. Giáo sư có thể mướn sinh viên tra cứu tài liệu giúp mình! Các em chỉ cần theo lời giáo sư chỉ dẫn mà đi tìm trong thư viện, coi cái gì ông thầy nói đúng, cái gì không chắc chắn. Sẽ tránh được khối chỗ lầm. Ngoài tiền công được nhà trường trả, cuối năm thầy còn cho thêm điểm. Vì ngay việc tìm tòi tài liệu cũng giúp cho các em hiểu biết thêm về nghề nghiên cứu.

    Cho nên, nếu trong Ðèn Cù có những chi tiết không đúng, hoặc không chắc chắn, thì chúng ta cứ chờ có người dẫn ra các chứng cớ xác thực hoặc các nguồn đáng tin hơn.

    Nhưng ông Trần Ðĩnh không viết lịch sử. Ðóng góp quan trọng của ông không phải là những chứng liệu sử học, mà là kinh nghiệm sống, của một cá nhân đã quan sát và ghi lại những gì thấy chung quanh mình. Nhờ thế mà người đọc bây giờ cũng như các thế hệ sau được biết thêm, hiểu thêm về lịch sử nước ta trong hơn nửa thế kỷ. Tác giả có thể nhớ nhầm vài chi tiết, không quan trọng; vì độc giả biết còn nhiều người sẽ viết về cũng những năm tháng đã qua.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Chẳng hạn, Trần Ðĩnh kể chuyện ông Hồ Chí Minh đã cải trang, tới coi cuộc đấu tố bà Nguyễn Thị Năm, một địa chủ có nhiều công nuôi các cán bộ chủ chốt của đảng Cộng Sản trong nhiều năm, trước khi bị Cộng Sản gán tội địa chủ và đem giết một cách tàn nhẫn. Có người trong nước, chuyên nghiên cứu lịch sử đảng Cộng Sản, nói rằng Trần Ðĩnh viết không đúng. Vì ông ta không bao giờ thấy một tài liệu nào trong lịch sử đảng ghi về sự kiện này.

      Nghe xong, tôi phải cố nhịn không bật cười, vì kính trọng cuộc phỏng vấn nghiêm trang của một đồng nghiệp. Nếu ông bạn không gọi sang từ London sang, mà gặp riêng nhau ở chỗ khác, thì nghe kể có người nêu nghi vấn trên chắc tôi đã hỏi ngay, cho cả hai cùng cười: Phán như thế, tức là ông ta muốn nói chỉ những gì do ban nghiên cứu lịch sử đảng Cộng Sản viết thì mới là sự thật, đảng không nói gì tức là bịa, phải không? Nhưng nhịn được cười, tôi đã trả lời rằng: Chuyện ông Hồ có đến xem cuộc đấu tố bà Nguyễn Thị Năm hay không, điều đó không quan trọng lắm. Ðối với lịch sử, điều quan trọng là: “Giết hay Không Giết?”

      Nếu chỉ căn cứ vào lịch sử chính thức của đảng Cộng Sản Việt Nam thì trong đời tư của Hồ Chí Minh không hề có nhân vật nào tên là Nông Thị Xuân. Ngay cả bà vợ Tăng Tuyết Minh cưới nhau ở Quảng Châu cũng không được phép hiện diện trên trái đất, như ký giả Kim Hạnh làm chứng. Cô chỉ đụng tới chuyện đó là bị cách chức ngay. Nhưng các chi tiết trong cuộc đời Hồ Chí Minh, như chuyện ông đã đổi tên bao nhiêu lần; ông bị Stalin nghi là không thật sự cộng sản; hoặc đời sống tình dục của ông thế nào, ông người Nghệ An thật hay là một người gốc Hẹ, vân vân; những chi tiết đó cũng không cần bàn nhiều quá. Ðối với nhân vật lịch sử này, điều quan trọng nhất là ông ta đã làm gì để cho nước Việt Nam bây giờ phải sống trong một xã hội đạo lý suy đồi, tham nhũng nhơ bẩn, kinh tế lạc hậu, thua kém các nước chung quanh?

      Ông Ðoàn Duy Thành, nguyên phó thủ tướng chính phủ Hà Nội, khi bàn về những sai lầm của cuộc “Cải Cách Ruộng Ðất,” đã kết luận rằng nó “đã để lại hậu quả lâu dài cho dân tộc, cho đất nước, là sự hận thù, sự lừa dối, xảo trá, vu khống như: tố điêu, ép cung, bịa chuyện... gây tai họa cho bao gia đình, làm nát đi những truyền thống tốt đẹp về gia đình, họ hàng, làng xóm, mà cha ông ta đã dày công xây dựng hàng nghìn năm.” Với thành tích phá ruỗng nền tảng đạo đức của ông cha, thì chuyện đời tư ông Hồ ra sao, ông có mấy vợ hay nhân tình, đều chỉ là chuyện nhỏ.

      Bên cạnh tội phá hủy di sản tinh thần dân tộc, ông Hồ còn dựng lên một guồng máy chuyên chế, dành độc quyền kinh tế và chính trị riêng cho đảng mình; chính bộ máy đó gây nên tình trạng chậm tiến cho dân tộc. Bác Sĩ Phạm Hồng Sơn nhận xét: “Khi cầm quyền, cụ Hồ đã để cho chính phủ của cụ tạo ra nhiều tiền lệ cầm quyền độc đoán, nhẫn tâm, phi dân chủ hay dân chủ giả hiệu, có thể nói lớn đến mức mà vết hằn sâu của nó đến nay vẫn còn hiện rõ trong cả hệ thống chính quyền hiện thời.” Bác Sĩ Phạm Hồng Sơn không cần phải kể chi tiết. Riêng cảnh bao người dân lương thiện bị bắt vào trong đồn công an rồi chết cũng đủ thấy di sản của chế độ do Hồ Chí Minh dựng lên kinh hoàng thế nào.

      Xóa
    2. Trước những tội lớn trong cuộc Cải Cách Ruộng Ðất, chúng ta thấy những chi tiết, như Hồ Chí Minh có đi xem cuộc đấu tố bà Nguyễn Thị Năm hay không, chẳng còn quan trọng nữa! Ðiều quan trọng là: “Giết hay Không Giết?” Về những cuộc đấu tố giết oan mấy trăm ngàn “địa chủ,” cựu Ðại Tá Phạm Quế Dương nhận xét: “Cụ Hồ... kêu gọi ‘Tuần Lễ Vàng’ để lấy tiền. Ðáng lẽ, ông phải cảm ơn người ta mà ông quay lại đánh người ta. Chuyện đó đáng để lịch sử lên án.” Ðảng Cộng Sản bây giờ vẫn hô hào “học tập đạo đức cách mạng” của của Hồ Chí Minh, chắc họ không nhớ ông Hồ giải nghĩa đạo đức cách mạng là gì. Ông nêu đức tính duy nhất cho các đảng viên học tập, là phải hoàn toàn theo lệnh đảng, đảng bảo làm gì thì cứ thế làm theo. Chế độ độc tài gây ra bao tai họa cho dân tộc. Trong thế giới loài người bây giờ còn ai muốn trẻ em học thứ đạo đức đó hay không?

      Nghĩ lại, thì vị nào trong ban nghiên cứu lịch sử đảng đã nêu ra nghi vấn trên chắc chỉ nói cho xong bổn phận của mình thôi, chưa chắc ông ta đã nghĩ kỹ trước khi lên tiếng. Khi biết Ðèn Cù mới xuất bản, chắc ông Tô Huy Rứa đã ra lệnh cấp dưới phải mở ngay một cuộc càn quét để tiêu diệt uy tín của cuốn sách và tác giả. Những vị “ăn cơm chúa múa tối ngày” bèn làm theo chỉ thị. Thế là, mỗi ông mỗi bà được phát Ðèn Cù đem về đọc, bới lông tìm vết thấy chỗ nào đánh được thì đánh. Viết xong, nộp bài cho đủ chỉ tiêu; sau đó mới ngồi đọc lại, cười khúc khích với nhau. Làm việc như vậy cho nên mới có người đưa ra thứ lý luận “chuyện này ban nghiên cứu lịch sử đảng không nói gì cả, tức là nó không có thật.” Nói như vậy, mà không cần biết người dân nghe sẽ bật cười như thế nào! Họ biết dân sẽ cười bể bụng, nhưng không quan tâm. Vì đằng nào cũng vậy, lâu nay dân Việt Nam còn tin những gì họ viết đâu mà mình phải cố gắng tìm tòi, suy nghĩ, hại sức khỏe?

      Ðó cũng là cách suy nghĩ và làm việc của quý vị đã mở cuộc triển lãm về “Cải Cách Ruộng Ðất,” rồi phải đóng cửa ngay. Ðó cũng là tác phong của mấy ông bà làm cuốn phim lịch sử chỉ có hai ba người mua vé vào coi. Hôm qua, thành phố Hà Nội mới tổ chức kỷ niệm 60 năm “Ngày Giải phóng Thủ đô” với hơn 3500 quan chức đại biểu tham dự tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia. Một bạn đọc từ trong nước cho tôi biết hơn 30 chỗ bắn pháo hoa tưng bừng. Trước đó mấy ngày, mấy ông bà “lãnh đạo” đã cải chính về tin hủy bỏ bắn pháo hoa vì dân than phiền tốn tiền vô ích. Ðã lỡ mua pháo rồi, tiền hối lộ của nhà bán pháo đã bỏ túi rồi, làm sao hủy bỏ được? Dân Hà Nội có một đêm coi pháo bông thỏa thích, vừa coi vừa chửi. Nhưng quý vị “lãnh đạo” đâu cần biết thằng dân nó nói cái gì!

      Tại sao họ hành động như vậy? Vì họ biết ngày tan hàng rã ngũ đang tới gần, ngày càng gần hơn. Tiếp tục “múa tối ngày” như trong cái đèn cù, còn được ngày nào hay ngày đó.
      NGÔ NHÂN DỤNG

      Xóa

Best Blogger TipsBest Blogger Tips