Chủ Nhật, 30 tháng 3, 2014

Vở hài mới của hề "Công Lý"

Ảnh trên là gia đình một người dân bị "bạn" đánh chết, từ trái qua: Vợ (mặc áo tang) - Chị ruột - 2 con - Cha nạn nhân, họ đang ngồi tại "nhà hát" có cái tên lòng thòng: Tòa án Nhân dân Thành phố Phú Yên. Họ cầm trên tay những tấm hình về cái chết thảm khốc của Chồng - Cha - Em - Con họ. Vở hài này diễn ra ngày 27/3, tập 1 mang tên: Sơ thẩm.

 "Poster" tóm tắt tập 1

"Bạn dân" là những gã sĩ quan công an có cấp hàm từ Úy đến Tá - chúng đều là đảng viên cộng sản, chúng tươi cười khi "lên sân khấu"...
Chúng mù lòa nên không bị cắn rứt trước hình ảnh đứa con mồ côi hôn lên di ảnh người cha là "bạn" của chúng. Vở hài kịch tạm ngừng vào ngày 29/3 - ngày 3/4 sẽ hạ màn với... KẾT THÚC CÓ HẬU: TÙ TREO CHO BỌN SÁT NHÂN.
Hình trên là vở hài cũ, xảy ra cuối năm 2011: - Cô gái gầy gò 17 tuổi tên Mỹ Linh đã phạm tội tày đình khi tát vào... nón cối của anh "bạn dân". Không biết cô bé có bị sưng tay hay không, riêng anh "bạn dân" vẫn hồng hào tươi tắn như trong hình. Cô bé bị kết án sơ thẩm 9 THÁNG TÙ GIAM và sau đó ít tháng án phúc thẩm "ân xá" còn 6 THÁNG TÙ GIAM.
 Cô bé đã ngất xỉu khi nghe tuyên án, còn...
Hai thằng giết người này: - Thằng ngồi bên trái đeo đai sát nhân Thiếu tá, thằng ngồi kế Trung úy chúng quỳ xin lỗi gia đình nạn nhân, ai thấy nét mặt chúng có tí ti gì là xúc động ăn năn?
Công lý ở VN chỉ là tên một anh hề, thế đấy!!!
Những tình tiết của vở kịch này, bạn đọc cứ tra Google là có đầy đủ.
Bài cũ: Phẫn uất - Only in VietNam

12 nhận xét:

  1. Tại phiên của toà thành phố Tuy Hoà ngày 28 tháng 3 năm 2014 xét xử 5 cựu công an trong khi lấy lời khai đã dã man đánh chết anh Ngô Thanh Kiều ngay tại trụ sở.

    Bản án đã cũng nói lên sự bao che tội phạm và nhạo báng công lý, khi 4 trong năm công an được đề nghị hưởng án treo. Còn thượng tá Lê Đức Hoàn (phó trưởng Công an TP Tuy Hòa, trưởng ban chuyên án 312T) đuợc miễn tố, dù Viện kiểm sát thừa nhận ông ta phạm hai tội: “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” và “bắt người trái quy định pháp luật”.

    Trong phiên toà này chúng ta nhìn thấy một nụ cười khác trong phòng xử. Đó là nụ cười tươi khác của một trong 5 tên công an phạm tội, trên ghế của phòng xử.

    Nhìn tấm hình khác khi đứa bé hai tuổi hôn lên di ảnh của người cha bạc mệnh và nụ cười của tay cựu công an này, chúng ta không khỏi tuởng tượng hắn như là kẻ không tim, không óc, tệ hơn cả ác vật.

    Chỉ có chế độ thối nát, vô nhân đạo, bất nhân vô độ, xem mạng của dân chúng như cỏ rác, thì mới có thể đẻ ra nụ cười khốn nạn ấy. Nụ cười này là hậu quả tất yếu của một hệ thống bạo lực, công an trị, của bộ máy đàn áp nhân dân bị côn đồ hoá.
    LÊ DIỄN ĐỨC
    (Click tiêu đề xem toàn bài)

    Trả lờiXóa
  2. Một người đàn ông đi nhậu, nhậu xỉn gây gổ và bị đám đông xông vào đánh đến chết. Đó là một tội ác khi nghe người ta thấy rùng mình.
    Một tên trộm chó, bị cả làng đánh chết vì bức xúc, nhiều người giận dữ vì thấy sao có gì đó bất nhẫn quá.
    Một người đàn bà, bị chồng ném con xuống sông rồi đổ xăng đốt chết. Đó là một bi kịch khiến người ngoài nghe thấy và bị đau.
    Vậy còn một người đàn ông, bị công an đến, còng tay vào bàn, và đánh đến mức người ấy phải van xin và vẫn bị giết chết. Tội ác này có khác gì các tội ác kể bên trên không?

    Có. Những nạn nhân bên trên đều có một cái "quyền" cuối cùng của một nhân mạng, đó là được kháng cự và bỏ chạy. Bạn đã bao giờ nhìn thấy cảnh con hổ vồ con nai trên đồng chưa? Trước khi chết, con nai được chạy, để giành giật lấy sự sống và hơi thở đáng giá nhất của một sinh linh trên đời này. Còn con người đã bị đánh đến chết trong vụ án này thì đã bị tước mất quyền làm một người vô tội, tước mất khả năng tháo chạy để sống còn - bởi cái còng tay, và tước mất hơi thở bằng những nhát dùi cui.

    Thượng đế sinh ra mọi nhân mạng để sống với sự thiêng liêng nhất của hơi thở ấy. Vậy những người kia đã nhân danh cái gì để bóp chết nhân mạng ấy? - họ nhân danh LUẬT PHÁP.
    Xin chúc họ ra tù nhanh với mức án rẻ - một mạng người chỉ 5 năm thôi, xin chúc họ sống tiếp với nụ cười trên môi, xin chúc họ sống được và không bị cuộc đời giáng vào một nhát dùi cui nào, như khi họ vừa cười vừa giết người bằng một cái dùi cui.
    Cuộc đời đơn giản lắm, nó thường thiêu huỷ một món nợ mạng người vào lúc mà không ai ngờ đến nhất... Chúc ra tù may mắn và thăng chức.
    KHẢI ĐƠN

    Trả lờiXóa
  3. 5 cựu sĩ quan công an TP.Tuy Hòa (Phú Yên) bị tố dùng nhục hình dẫn đến cái chết của anh Ngô Thanh Kiều (xã Hòa Đồng, huyện Tây Hòa), dù là mức án nào khi tòa tuyên thì vết nhơ về hành vi coi dân như kẻ thù không thể xóa đi được, khi anh trói dân vào ghế, cầm dui cui đánh vào dân một cách ác độc đến chết, thì cái dùi cui anh cầm - cái dùi cui nhà nước cấp cho anh làm nhiệm vụ ấy, đã đánh thẳng vào mặt nhà nước, đánh thẳng vào nhân phẩm.
    NGUYỄN QUANG VINH

    Trả lờiXóa
  4. Một vụ giết người dã man được ra tay bởi 5 Công an ở thành phố Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên. Theo đó, 5 tên công an này đã luân phiên nhau hành hạ, tra tấn, đánh đập nạn nhân Ngô Thanh Kiều cho đến chết. Anh Ngô Thanh Kiều là một nghi can trong một chuyên án do công an thành phố Tuy Hòa điều tra về vụ trộm cắp trên địa bàn do ông Lê Đức Hoàn, Phó công an Tp Tuy Hòa làm Trưởng ban chuyên án. Chính ông này đã chỉ đạo cho thuộc cấp đến nhà, còng tay anh Ngô Thanh Kiều mà không cần phải có lệnh bắt. Sau đó dẫn độ về trụ sở công an Tp Tùy Hòa để thay nhau tra tấn.

    Đầu tiên, họ còng tay anh này ra phía trước, hai chân bị còng với chiếc ghế là nơi mà nạn nhân bị dùng nơi để tra khảo. Sau đó, họ còng tay nạn nhân ra sau rồi luân phiên nhau theo kiểu “Xa luân chiến” để đánh đập nạn nhân. Điều tàn nhẫn là khi tòa hỏi, vì sao lại đánh nạn nhân dã man như vậy. Các bị cáo thay phiên nhau nói là đánh cho nạn nhân khỏi chạy. Cứ như vậy, với cây dùi cui cả 5 tên công an, gồm: Nguyễn Minh Quyền (nguyên Thiếu tá thuộc Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội (TTXH), CA tỉnh Phú Yên); Nguyễn Tấn Quang (nguyên Thiếu tá, đội phó Đội CSĐT tội phạm về TTXH CA Tp Tuy Hòa); Phạm Ngọc Mẫn (nguyên Thượng úy); Đỗ Như Huy (nguyên Trung úy) và Nguyễn Thân Thảo Thành (nguyên Thiếu úy) thay phiên nhau đánh trên đùi, trên đầu khiến nạn nhân chết tại chỗ.

    Điều đáng lên án là, mặc dù với hành vi bất nhân như vậy nhưng tòa án tỉnh Phú Yên lại thay đổi cáo trạng hòng làm giảm tội trạng cho những bị cáo trên. Điều này đã được chính luật sư của bị cáo Nguyễn Thân Thảo Thành (bị can chính trong vụ án) đã nói như vậy ngay tại phiên tòa. Và, người chịu trách nhiệm chính trong chuyên án dẫn đến cái chết của anh Ngô Thanh Kiều là ông Lê Đức Hoàn, Phó công an Tp Phú Yên mặc dù Viện Kiểm sát nhân dân đã đề nghị dẫn độ ông này đến tòa nhưng tòa án vẫn bác bỏ, và ông vẫn vắng mặt như một sự phỉ nhổ vào công lý ở quốc gia Cộng sản này.

    Đây là lần thứ 2 tòa được mở để xét xử vụ án này. Lần đầu đã phải hoãn lại do có đến 19/23 nhân chứng mà đại đa phần là công an Tp Tuy Hòa và tỉnh Phú Yên vắng mặt. Lần này, có tiến bộ hơn, chỉ vắng mặt… 16 nhân chứng. Nó phần nào cho thấy, tòa án chỉ dùng để xét xử người dân, còn trong con mắt của những tên công an thì tòa không có giá trị.

    Với bản án cao nhất mà Viện Kiểm sát đề nghị cho tên Nguyễn Thân Thảo Thành, người đã dùng dùi cui đánh vào đầu nạn nhân chỉ là 5 năm 6 tháng tù giam vì tội “dùng nhục hình”. Đây là bản án gây phẩn uất cho bất cứ ai yêu chuộng công lý và cũng chính nó là bản án dành cho chế độ Cộng sản thối nát này. Chính quyền đã quá dung túng cho lực lượng “thanh kiếm của đảng” để họ trở thành thành phần kiêu binh, hung bạo và tàn án. Mạng người chỉ như là cỏ rác dưới thời cai trị Cộng sản.
    VIETINFO

    Trả lờiXóa
  5. Nạn nhân đã chết đi trong đau đớn, nhưng tại phiên tòa, hình ảnh của người nhà nạn nhân cho thấy họ cũng đau đớn không kém khi nghe những lời khai về những hành động vô nhân tính của những người từng nhân danh bảo vệ pháp luật.

    Gương mặt nhăn nhúm khắc khổ của người cha già, giọt nước mắt của người vợ và nụ hôn của đứa trẻ trên di ảnh của người cha chưa được thấy mặt sẽ là bản án mà 5 công an viên phải vĩnh viễn mang suốt đời nếu còn nhân tính.

    Không thể nào tả xiết nỗi đau của những người trong gia đình của nạn nhân khi phải ngồi "chịu trận" nghe đi nghe lại lời kể của những kẻ đánh chết người thân của mình. Tưởng người chết đi là hết nhưng người còn sống mới phải mang nỗi đau.

    Không hiểu những công an này lấy đâu ra lý do để có thể xuống tay như vậy với một người trước đó không quen biết. Không thể lấy lý do "nóng vội phá án" như cấp trên của những người này nói trước tòa. Không có một thứ sức ép công việc nào lại có thể khiến 5 con người tỉnh táo còng tay đồng loại của mình rồi đánh đến chết.

    Nhìn rộng hơn, đây không phải là trường hợp đầu tiên có chuyện người dân chết khi đưa đến trụ sở công an. Câu trả lời chỉ có thể là, trong một môi trường và hoàn cảnh không có sự kiểm soát của luật pháp thì cái ác trỗi dậy vượt qua phần người.

    Giờ đây, mỗi lời khai và cả nụ cười vô cảm của những công an viên này trước tòa tiếp tục là những đòn dùi cui vô hình quật vào tâm can của những người trong gia đình nạn nhân và những người có lương tri trong xã hội.

    "Đừng đánh em nữa. Sáng đến giờ em bị đánh bầm dập lắm rồi" là lời của nạn nhân van vỉ một trong những cán bộ điều tra.

    Chiều 28.3, đại diện Viện kiểm sát Nhân dân TP. Tuy Hòa đã đề nghị duy nhất một bản án giam 5 năm đối với 1 bị cáo, 4 người còn lại chỉ bị đề nghị án treo.

    Mức án đề nghị này có công minh hay không, có đảm bảo được công lý hay không, có thỏa lòng được thân nhân bị hại hay không... hãy để người đời nhận xét.

    Riêng với những người gây ra cái chết, bản án của họ chắc chắn sẽ kéo dài hơn mức án được tuyên. Ánh mắt đau khổ của người cha già mất con, người vợ mất chồng và những đứa trẻ mất cha là hình phạt theo họ suốt đời.
    MỘT THẾ GIỚI

    Trả lờiXóa
  6. Theo Hội đồng xét xử, có đủ căn cứ kết luận các bị cáo phạm tội dùng nhục hình.
    Theo bản án tuyên, có 3 bị cáo bị phạt tù giam gồm:
    Bị cáo Nguyễn Thân Thảo Thành (nguyên thiếu úy, trinh sát của Công an TP Tuy Hòa): 5 năm tù giam
    Nguyễn Minh Quyền (nguyên thiếu tá, Đội phó Đội trinh sát Phòng CSĐT tội phạm về trật tự xã hội- PC45, Công an tỉnh Phú Yên): 2 năm tù.
    Phạm Ngọc Mẫn (nguyên thượng úy, cán bộ Công an TP Tuy Hòa): 1 năm 6 tháng tù giam.
    Hai bị cáo được kết án tù nhưng cho hưởng án treo là:
    Nguyễn Tấn Quang (nguyên thiếu tá, Đội phó Đội điều tra tội phạm về trật tự xã hội Công an TP Tuy Hòa): 1 năm 6 tháng tù, cho hưởng án treo.
    Đỗ Như Huy (nguyên trung úy, cán bộ Công an TP Tuy Hòa): 1 năm tù, cho hưởng án treo.

    Trả lờiXóa
  7. Ngày 9/4, TTXVN cho biết, Văn phòng Chủ tịch nước đã thông báo ý kiến của Chủ tịch nước đến Tòa án Nhân dân Tối cao, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao liên quan đến việc TAND TP Tuy Hòa (tỉnh Phú Yên) xử sơ thẩm 5 bị cáo nguyên là sỹ quan công an về tội danh dùng nhục hình, gây tử vong.

    Theo đó, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang yêu cầu Chánh án TAND Tối cao, Viện trưởng Viện KSND Tối cao, chỉ đạo giải quyết theo đúng quy định của pháp luật và báo cáo Chủ tịch nước kết quả.

    Chỉ đạo này được phát đi sau khi các phương tiện thông tin đại chúng theo dõi phiên tòa sơ thẩm tại Tuy Hòa nêu vấn đề về mức án dành cho các bị cáo là chưa hợp lý.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Không biết có phải như cách dân gian hay nói, là lời nhắc nhở ông cách đây 5 ngày, trong bài “Ban chỉ đạo cải cách tư pháp họp và “Bản án bị phản đối toàn diện” cho 5 công an đánh chết người“, đã làm cho ông “nhảy mũi”/”hắt hơi” … văng ra cái ý kiến chỉ đạo kia.

      Thế nhưng vẫn cần phải nhắc thêm ông một điều nữa, khi mà cũng biết ông vốn là một nhà giáo, chắc chẳng khoái gì chuyện giết chóc nếu như mình phải chỉ đạo để đem tới 1, 2 cái án tử hình nghiêm minh. Lại giữa lúc nội bộ lắm chuyện, ba bè bảy mối, làm mếch lòng ngành này, địa phương kia chỉ vì chuyện “cỏn con” của người dân, là sẽ khó cho mình trong đại sự quốc gia.

      Lời nhắc này để ông “học tập” cái khôn ngoan của một nhà lãnh đạo, nhà chính trị từ người đi trước – ông TBT Đỗ Mười lúc đương chức. Đồng thời, lời nhắc cũng giúp ông chút ít để so sánh hai vụ án.

      Cách đây đúng 20 năm, vụ án viên Cảnh sát giao thông Nguyễn Tùng Dương bắn chết anh Nguyễn Việt Phương trên Cầu Chương Dương, Hà Nội đã làm chấn động dư luận. Nếu so với hành vi cướp đi mạng sống một người vô tội của Tùng Dương với 5 viên công an Phú Yên thì có thể gọi là khác nhau xa.

      Tùng Dương bị tử hình vì bị buộc tội giết người, (định) cướp của. Thế nhưng vẫn có những dư luận hai chiều, cho là do bị sức ép dư luận khi đó căm ghét công an nhất là cảnh sát giao thông quá nên đã đi đến kết cục đó. Bằng chứng cho việc Tùng Dương cố ý nổ súng và định cướp của là rất yếu.

      Còn 5 viên công an Phú Yên, những tình tiết tăng nặng cho tội danh giết người của họ rất nhiều, là cố ý, là dã man, thậm chí có thể chứng minh rằng đó là “có tổ chức”.

      Khi đó, có thông tin cho là đích thân ông TBT Đỗ Mười đã chỉ đạo “phải xử nghiêm”, sau khi dư luận phản ứng rất mạnh sau phiên tòa sơ thẩm.

      So với hôm nay, sau 20 năm, nào là vào Hội đồng nhân quyền LHQ, tham gia ký Công ước chống tra tấn, lại còn cải cách tư pháp ròng rã bao nhiêu năm rồi, chưa nói tới thông tin qua báo mạng, mạng xã hội tác động tới công luận mạnh gấp ngàn lần 20 năm trước, mà lại để xảy ra một phiên tòa ô nhục vừa qua, thì có lẽ phải đảo ngược thời gian, trở lại trước cả cái thời xử bắn Tùng Dương … 20 năm mới phải, khi nước ta đang còn có chiến tranh.

      Còn một điều nữa cũng muốn nhắc ông và các vị lãnh đạo, là những vụ dân chết “trong tay” công an đã quá nhiều rồi, cần nghĩ tới biết đâu sẽ có một ngày, lại xảy ra chuyện giọt nước tràn ly, như vụ anh Vươn, anh Viết, chỉ vì một vụ nào đó nữa xảy ra, không khéo bùng nổ một làn sóng phản kháng đe dọa dọa chế độ, theo cách đơn giản như ở Tuynisia, khởi nguồn chỉ vì một anh “Mohamed Bouazizi đã tự thiêu sau khi cảnh sát tịch thu hàng sản xuất của mình”.

      Thử hình dung, trong hai, ba tháng tới, một phiên tòa phúc thẩm được mở, tuyên tử hình một, hai viên công an đã đánh chết anh Ngô Thanh Kiều, thì dư luận sẽ nức lòng tới đâu, sẽ khen cho ý kiến chỉ đạo của ông Chủ tịch nước ra sao.

      Vừa kết thúc bài viết thì VTV1-Thời sự cũng đã loan tin mừng này, mong là các báo hãy tiếp tay cùng loan tải và bình luận.
      CHÉP SỬ VIỆT

      Xóa
  8. Sáng 24/6, TAND tỉnh Phú Yên quyết định tạm hoãn phiên xử phúc thẩm vụ 5 sĩ quan công an đánh chết người xảy ra tại TP.Tuy Hòa gây chấn động dư luận.
    HĐXX cho biết phiên tòa hôm nay vắng quá nhiều người trong số 23 nhân chứng được triệu tập. Đặc biệt, ông Lê Đức Hoàn, Phó Công an TP.Tuy Hòa, Trưởng ban chuyên án điều tra vụ trộm cắp mà Ngô Thanh Kiều là nghi can, không đến tham gia phiên xét xử. Luật sư Võ An Đôn, bảo vệ cho gia đình bị hại, nhận định ông Lê Đức Hoàn là người chủ chốt dẫn đến vụ án này. Trước đây, gia đình bị hại đã nhiều lần đề nghị khởi tố ông Hoàn các tội Bắt người trái pháp luật, Dùng nhục hình, Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. Do đó, gia đình và luật sư của bị hại đề nghị HĐXX hoãn phiên tòa để tiếp tục triệu tập hoặc dẫn giải ông Lê Đức Hoàn đến phiên tòa. Còn Luật sư Nguyễn Văn Thắng, bào chữa cho bị cáo Nguyễn Thân Thảo Thành, cũng đề nghị hoãn phiên tòa do đã đề nghị giám định lại thương tích của nạn nhân Ngô Thanh Kiều nhưng chưa được cơ quan tố tụng chấp nhận.
    Khác với các phiên tòa sơ thẩm trước, không khí phiên phúc thẩm khá căng thẳng, các bị cáo thể hiện rõ nét mặt lo lắng, sợ hãi. An ninh được siết chặt, bên trong và bên ngoài hội trường TAND tỉnh Phú Yên có rất đông lực lượng an ninh làm nhiệm vụ bảo vệ.
    Sau khi hội ý, chủ tọa Võ Nguyễn Tùng quyết định hoãn phiên tòa để triệu tập nhân chứng, đảm bảo cho việc xử được khách quan. Phiên tòa sẽ được mở lại trong 2 ngày 8 và 9/7.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Ngày 8/7, TAND tỉnh Phú Yên đưa ra xét xử phúc thẩm vụ án 5 công an dùng nhục hình dẫn đến cái chết anh Ngô Thanh Kiều (32 tuổi, ở xã Hòa Đồng, huyện Tây Hòa, tỉnh Phú Yên).
      Lần đầu tiên ông Lê Đức Hoàn, Phó Công an TP Tuy Hoà có mặt để tham gia tố tụng với tư cách nhân chứng. Trả lời HĐXX, ông Hoàn cho biết ông đã chỉ chỉ đạo cấp dưới tìm đến nhà Ngô Thanh Kiều để mời Kiều về làm việc. Sau khi đưa Ngô Thanh Kiều về Công an TP Tuy Hòa, ông Hoàn phân công Nguyễn Minh Quyền và Phạm Ngọc Mẫn tiến hành xét hỏi.
      Trong một diễn biến khác, ông Lê Đức Hoàn trả lời câu hỏi của luật sư rằng do công việc nên ông không biết việc cấp dưới dùng nhục hình đối với Ngô Thanh Kiều.
      Kiểm sát viên Huỳnh Văn Tám, đại diện VKSND Phú Yên cho rằng bản án sơ thẩm đã áp dụng Điều 298 Bộ luật Hình sự để xét xử các bị cáo tội dùng nhục hình là có căn cứ, đúng người, đúng pháp luật.
      Hành vi của các bị cáo đã phạm tội dùng nhục hình thuộc trường hợp gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, quy định tại khoản 3 Điều 298 Bộ luật Hình sự.
      Đại diện VKS cũng nhận định đối với ông Lê Đức Hoàn là trưởng ban chuyên án, phó Công an TP Tuy Hòa, đã có hành vi thiếu trách nhiệm trong việc chỉ đạo, kiểm tra, để xảy ra việc dùng nhục hình gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. Có dấu hiệu phạm tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng quy định tại Điều 285 Bộ luật Hình sự nhưng chưa được cấp sơ thẩm điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật.
      Vì vậy, đại diện VKS đề nghị HĐXX chấp nhận kháng nghị của Viện KSND tỉnh, hủy bản án sơ thẩm để điều tra lại theo đúng quy định của pháp luật.
      (Click tiêu đề xem toàn bài)

      Xóa
  9. Một vụ ép cung của mật vụ cộng sản Tiệp Khắc với một học sinh trung học 17 tuổi nhằm tìm ra chứng cứ để buộc tội Václav Havel trước tòa cách đây 25 năm giờ được đưa ra xét xử. Liệu những nhân viên mật vụ của chính quyền trước đây có phải đối mặt với án tù?

    Tháng 1 năm 1989, an ninh cộng sản Tiệp Khắc đánh giá David Kabzan, khi đó 17 tuổi, là một điểm yếu có thể khai thác. Dùng những lời dọa dẫm cùng với dùi cui, họ hy vọng sẽ có được những lời khai làm chứng rằng anh cũng tham gia Tuần lễ Palach.

    David Kabzan bắt đầu có những đối đầu trực diện với chính quyền cộng sản khi mới có 17 tuổi. Tháng 1 năm 1989, anh bị hai nhân viên của an ninh đưa đến cơ quan an ninh hòng lấy từ anh bằng chứng nhằm chuẩn bị cho việc buộc tội Vaclav Havel trước tòa. Sau một số câu hỏi xã giao, cuộc hỏi cung đã được tiến hành bằng dùi cui và những lời đe dọa đánh đập. Một phần tư thế kỷ qua, nay vụ án về David Kabzan lại được đưa ra trước công luận. Tuần này, tòa án Praha đã chính thức làm việc về hồ sơ buộc tội đối với nhân viên an ninh Petr Beran, người phụ trách việc tra hỏi David Kabzan khi đó. “Người bị hại đã bị đánh bằng dùi cui vào lưng, cổ và đầu. Anh còn bị đe dọa, rằng họ có thể làm bất cứ điều gì họ muốn, thậm chí có thể mang cả can xăng đến để thiêu sống anh” công tố viên nhà nước Zdenka Galkova cho biết. Cùng bị triệu đến ngồi ở ghế buộc tội với Petr Beran, còn có cấp dưới của ông ta là Kamil Líbal, người đã tham gia cuộc tra hỏi và là người ghi chép biên bản. "Anh ta đã theo dõi các hành xử vi phạm pháp luật của Petr Beran mà không có phản ứng gì”, bà Zdenka Galkova bổ sung thêm. Cả hai đều không muốn phản ứng gì đối với lời buộc tội. "Chuyện xảy ra đã 25 năm rồi, những sự kiện đó tôi không nhớ nữa ”Petr Beran hiện là nhân viên tại sở lao động, thanh minh. Nếu bị buộc tội lạm dụng chức quyền, về lý thuyết hai người có thể bị kết án đến 10 năm tù giam – vì ngay cả luật pháp trước năm 1989 cũng quy định nhân viên, cán bộ của cơ quan an ninh nhà nước phải tôn trọng nhân phẩm và quyền lợi của người dân.
    (Click tiêu đề xem toàn bài)

    Trả lờiXóa
  10. Áp lực dư luận đã buộc hệ thống tư pháp CSVN phải khởi tố thượng tá Lê Đức Hoàn, Phó Công an thành phố Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên vì “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.

    Viên thượng tá vừa kể không bị tạm giam nhưng bị cấm rời khỏi nơi cư trú. Quyết định khởi tố do Cơ quan Điều tra của Viện Kiểm sát Tối cao công bố. Cơ quan Điều tra của Viện Kiểm sát Tối cao cũng đã yêu cầu Thành ủy thành phố Tuy Hòa “xử lý về mặt Đảng theo qui định của Điều lệ Đảng đối với ông Lê Đức Hoàn”.

    Ông Lê Đức Hoàn được xem là nhân vật chính, phải chịu trách nhiệm về việc ông Ngô Thanh Kiều, sinh năm 1982, ngụ ở xã Hòa Đồng, huyện Tây Hòa, tỉnh Phú Yên, bị tra tấn đến chết hồi năm 2012.

    Hồi tháng 5 năm 2012, một nhóm Công an thành phố Tuy Hòa bắt giữ ông Kiều vì cho rằng ông dính líu đến một vụ trộm cắp. Ngày hôm sau ông Kiều chết. Pháp y xác định trên người ông Kiều có 70 vết thương. Ngoài việc bị nứt sọ, chấn thương não, ông Kiều còn bị dập phổi gan, thận.

    Sự kiện vừa kể khiến dân chúng thành phố Tuy Hòa nổi giận. Họ đòi công an phải điều tra, truy cứu trách nhiệm những kẻ đã tra tấn ông Kiều đến chết. Công an thành phố Tuy Hòa và Công an tỉnh Phú Yên chỉ giải tán được đám đông, sau khi Giám đốc Công an tỉnh Phú Yên hứa hẹn sẽ điều tra và xử lý những kẻ lạm quyền khi thi hành công vụ.

    Không chỉ dân chúng thành phố Tuy Hòa mà dân chúng Việt Nam, báo chí Việt Nam cũng đòi hỏi như vậy. Tuy nhiên một năm sau, Viện Kiểm sát thành phố Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên mới công bố quyết định truy tố bốn sĩ quan công an của thành phố Tuy Hòa và một sĩ quan công an của tỉnh Phú Yên, đã “dùng nhục hình” với ông Ngô Thanh Kiều.

    Cáo trạng xác định, các điều tra viên đã còng ông Kiều vào ghế và thay nhau dùng dùi cui tra tấn, buộc ông nhận tội. Khi ông Kiều lả đi, họ mới đưa ông đến bệnh viện nhưng ông Kiều đã chết trên đường đi cấp cứu.

    Phải mất thêm gần một năm nữa, vào cuối tháng 3 – đầu tháng 4 năm nay, hệ thống tư pháp CSVN mới đưa năm sĩ quan tra tấn ông Kiều tới chết ra xử sơ thẩm. Tuy nhiên, chỉ có một sĩ quan cấp thấp nhất (thiếu úy) bị phạt 5 năm tù, một thiếu tá bị phạt 2 năm tù, một thượng úy bị phạt 18 tháng tù, còn một thiếu tá và một trung úy được hưởng án treo vì đã “dùng nhục hình”.

    Bản án sơ thẩm vụ Ngô Thanh Kiều khiến công chúng Việt Nam nổi giận. Ngay cả thẩm phán của một số tòa án khác cũng cho rằng bản án không thỏa đáng. Theo họ, truy tố, xét xử năm sĩ quan này về tội “dùng nhục hình” là chưa chính xác, phải xem đó là “giết người”.

    Đó là chưa kể việc điều tra, truy tố, xét xử có dấu hiệu bao che, đổ hết tội cho viên sĩ quan có cấp bậc thấp nhất (tại Tòa, viên thiếu úy này bảo rằng, ông ta cảm thấy xấu hổ khi phải đứng chung với những kẻ đã làm sai mà còn đổ tội cho người khác), bỏ qua trách nhiệm của ông Lê Đức Hoàn, thượng tá, Phó Công an thành phố Tuy Hòa, kẻ chỉ đạo bắt ông Kiều trái pháp luật.

    Trước sự phẫn nộ của công chúng, nhiều viên chức, trong đó có Chủ tịch Nhà nước Việt Nam cũng đề nghị phải xem lại việc điều tra, xét xử vụ bắt giữ trái pháp luật, tra tấn – ép nhận tội khiến ông Kiều uổng tử.

    Đến đầu tháng 7, Tòa án tỉnh Phú Yên đưa vụ ông Ngô Thanh Kiều bị tra tấn đến chết ra xử phúc thẩm. Bản án sơ thẩm bị hủy và tòa yêu cầu điều tra lại từ đầu. Việc khởi tố ông Lê Đức Hoàn, thượng tá, Phó Công an thành phố Tuy Hòa là diễn biến mới nhất trong tiến trình điều tra lại.

    Trả lờiXóa

Best Blogger TipsBest Blogger Tips