Thứ Sáu, 21 tháng 3, 2014

Bài diễn văn dối trá, ngụy biện và kích động của Xít-Pu-tin

 Xem trước hình này trước khi đọc bài dưới: Áp-phích trong một cuộc biểu tình trước sứ quán Nga tại Bá Linh hôm thứ tư, người biểu tình kêu gọi thủ tướng Đức Merkel "Hãy ngăn chặn con chó điên"
MỘT GÓC NHÌN VỀ "BÀI DIỄN VĂN LÀM THAY ĐỔI THẾ GIỚI"
Rất nhiều người phấn khích trước bài phát biểu của Tổng thống Nga Vladimir Putin về vấn đề Crimea trong phiên họp bất thường của Quốc hội Nga. Báo chí ta, trích một số ý kiến đây đó, bảo rằng đây là một “bài diễn văn lịch sử”, “có lẽ là bài diễn văn vĩ đại nhất của Putin”, và sau bài diễn văn này thì “thế giới sẽ không bao giờ còn như trước nữa”, v.v...
Mạng soha.vn đăng một số “ý kiến bạn đọc”, đa phần là theo hướng tung hô ngất trời, rất hào hứng, trong đó có những ý rất “hay”, tỉ dụ: “Dân tộc Nga sản sinh ra những người con vĩ đại, trước đây là Vladimia Ilich Lê Nin nay là Putin, cũng như dân việt ta có Bác Hồ và bác Giáp... Họ xứng đáng là Thánh, là chúa Trời...”.
Chưa đủ thời gian phân tích hay bình luận mọi ý trong phát biểu của Putin, nhưng cần phải nói ngay: đây là một diễn văn hết sức nguy hiểm đối với người đọc, và thế giới!
Xét về hình thức và cách diễn đạt, phát biểu của Putin không khác, và không hơn một cách đáng kể so với những diễn văn, hoặc thậm chí... cáo trạng thời cộng sản Stalinist, thập niên 30-40 và đôi lúc, 50-60. Nghĩa là một chút sự thật (nhiều khi chưa tới một nửa), pha trộn với những dối trá, ngụy biện và theo hướng kích động.
Xét về nội dung, những con bài cũ mèm tiếp tục được sử dụng: Nếu như trong thập niên 30 thế kỷ trước, chính quyền vu cho những ai mà họ muốn loại trừ là “kẻ thù của nhân dân”, thì bây giờ, những bóng ma giả hiệu như “chủ nghĩa tân phát xít” hay liên minh của những kẻ thù ghét Nga đang được đưa ra để làm lý do và biện minh cho chủ nghĩa bá quyền và sự can thiệp vũ trang của Nga.
Đặc biệt, lý luận thoạt đầu nghe rất xuôi tai kiểu mảnh đất A vốn là “một phần máu thịt” của nước B, nên giờ B cần thu nhập lại dẫn tới một tiền lệ rất nguy hiểm trong ngoại giao quốc tế. Bất cứ nước nào, lục lại lịch sử, cũng có thể “phát hiện” ra hàng loạt hệ lụy như thế, và ý muốn “thu hồi” chúng sẽ dẫn đến tình trạng bất ổn liên miên, nếu không muốn nói đến là bản đồ thế giới sẽ phải vẽ lại ở một số nơi.
Với bài phát biểu này, nước Nga của Putin dường như đã sẵn sàng cho một cuộc Chiến tranh lạnh mới. Putin “dám” làm việc đó, không phải vì Liên bang Nga có gì đấy quá mạnh về kinh tế hay quân sự (cho dù con bài năng lượng của Nga - vũ khí độc nhất có thể khiến một phần của thế giới phải quan ngại - có lẽ vẫn còn có sức nặng trong một thời gian nữa).
Putin muốn phá tan lịch sử?
Châu Âu và Phương Tây nói riêng, nhìn chung đã “văn minh” hơn, và vượt quá những giới hạn của thế kỷ 19-20, khi bạo lực và chiến tranh là phương tiện duy nhất, hoặc ít nhất cũng rất được coi trọng, để phát triển và gây thanh thế. Hiện tại, tinh thần và nền dân chủ Phương Tây không cho phép họ dễ dàng lao vào một cuộc đối đầu vô nghĩa, chỉ vì có kẻ đã thách thức họ.
Hành xử như thế, chí ít là Châu Âu đã nhận phần khó về mình: Làm sao để thế giới, hay ít nhất là khu vực tránh được những đụng độ, đặc biệt là căng thẳng quân sự một cách không cần thiết. Nhưng đồng thời, phải bảo vệ những hệ giá trị và nền dân chủ Châu Âu, bên cạnh đó, khích lệ những ai muốn tới gần và chia sẻ với họ những giá trị và tinh thần ấy.
Sau bài phát biểu của Putin, có thể “thế giới sẽ không bao giờ còn như trước nữa”, nhưng nhiệm vụ của Châu Âu và Phương Tây là đừng để cho nó trở về những năm tháng mông muội của thế kỷ 20.../(Nhịp cầu thế giới)
 Sự tráo trở của Putin: Đầu tiên hắn nói Crimea độc lập nhưng...
 
...bây giờ là một phần của nước Nga?
(First he says Crimea is independent, now Crimea is part of Russia?)
Tham khảo thêm: Về bài diễn văn “vĩ đại làm thay đổi thế giới” của Putin
Bài cũ: Mưu mẹo Putin - Kẻ cắp Putin

3 nhận xét:

  1. Cứ tưởng rằng cuộc đảo chính năm 1991 sẽ giúp nước Nga trở thành một quốc gia dân chủ thực sự, vì người dân đã chán ngán thời Liên Xô nghèo đói và bao cấp.
    Tiếc thay, lẽ ra phải thay đổi theo hướng văn minh, dân chủ, Putin đã chọn cách mà Ivan Grozny đã làm cách đây hơn 400 năm. Đó là cố tạo ra một nước Nga mà cả dân trong nước sợ hãi và thế giới nghiêng mình kính nể bởi có hai thứ bảo bối: dầu hỏa và khí đốt.
    Không ném chó mèo qua cửa sổ ở điện Kremli như Ivan hay sai KGB giết người như ngóe như Stalin, Putin chọn cách thầm lặng và nguy hiểm hơn. Vẫn cho đối lập hoạt động, miễn là không ảnh hưởng tới nền chính trị độc tôn. Nếu ai tỏ ra nguy hiểm, sẽ bị ghép vào tội trốn thuế, hay bỗng nhiên biến mất.
    Chấp chính đúng vào lúc giá dầu thế giới lên cao do chiến tranh Iraq và Afganistan, Putin của người Nga thu lợi lớn từ xuất khẩu dầu mỏ và khí đốt, nên tiền nhiều như đất. Nước Nga mạnh lên vì tài nguyên thiên nhiên, không phải vì chất xám.
    Những oligarch giầu có nổi lên do cuộc tư nhân hóa vội vã, bán tống tháo tài sản nhà nước của Elsin, rồi nhiều kẻ bỗng có quyền, tự nhiên có tiền bởi sở hữu trời cho một khu mỏ ở Siberia.
    Muốn chứng tỏ cho thế giới sức mạnh cơ bắp, Putin bỏ 60 tỷ đô la cho Sochi chỉ để cho thế giới biết, Ivan Grozny xây được Saint Basil thì ông cũng có Sochi Winter hoành tráng, muốn làm “mù mắt” cả thế giới về sự xa hoa của Sa hoàng kiêm hoàng đế Nga thời hội nhập.
    Lẳng lặng chiếm Crimea trước mũi phương Tây, mưu đồ chia đôi Ukraine và làm bất ổn phần còn lại, Putin còn con bài Moldova, Balan, Tiệp và các nước lân cận. Với lính bịt mặt, lý do bảo vệ kiều dân, người Nga Ivan Grozny sẵn sàng đi xa hơn.
    Vĩ thanh
    Như một sự trùng hợp kỳ lạ, tuần tới có ngày kỷ niệm Ivan Bạo chúa qua đời cách đây 430 năm, khi ông đang chơi cờ với người cố vấn của mình là Bogdan Belsky (28-3-1584).
    Từ ngày bạo chúa băng hà, nước Nga tiếp tục sinh ra những Ivan Grozny khác, chưa kể những hung thần ở các nước mà chính quốc gia này dung dưỡng.
    Từ đế chế Sa hoàng tàn bạo, chuyển sang cộng sản của Stalin không kém hung ác, nước Nga dưới thời Putin có thêm đức tính mafia. Từ thủ tướng thành tổng thống, rồi thủ tướng, rồi lại tổng thống, Putin Grozny đang ôm ghế của Ivan hung thần trong bóng tối đặc chất mafia.
    Thời nay, Putin vẽ đường hỏa xa đi Crimea, nếu nhầm quệt bút chỉ vào móng tay thì quân dưới quyền cũng làm theo như thời Pier Đại đế. Ngày xưa, muốn làm gì người Nga phải hỏi Ivan Bạo chúa, ngày nay, họ tham vấn Putin mafia.
    Các đế chế Nga không bỏ qua được một tính từ: Гро́зный – nguy hiểm. Russia Grozny – đó không phải là con đường vinh quanh cho người Nga ở phía trước. Bởi những gì thuộc về grozny thường bị để ý và loại trừ khỏi cuộc chơi, một thứ luật đơn giản mà bất kỳ đứa bé nào cũng hiểu.
    HIỆU MINH
    (Click tiêu đề xem toàn bài)

    Trả lờiXóa
  2. Đêm thứ sáu 20 tháng 3 Putin ra lệnh bắn pháo hoa tại Moskva và trên toàn bán đảo Crimea để ăn mừng chiến thắng. Trong vòng hơn nửa tháng, họ đã sát nhập xong bán đảo Crimea nơi có quân cảng Sevastopol trên bờ Hắc Hải vào lãnh thổ Nga mà không tốn một viên đạn.
    Uy tín của Putin lên cao chưa từng thấy. Trên 80% dân Nga ca ngợi những quyết định của ông là tuyệt diệu. Dân Nga đổ xuống đường, tay cầm cờ, miệng gào thét: “Chúng tôi yêu Putin”, “Chúng ta đã chiến thắng”.
    Mười lăm năm trước Putin bước vào Điện Krelim không phải do dân bầu mà do Boris Yeltsin chỉ định. Từ một gã trung tá mật vụ KGB, ông lãnh đạo một đất nước khổng lồ, với dân chúng mang nặng những tự ti, mặc cảm của đói nghèo và hoài niệm về một Đế quốc Liên Xô vừa sụp đổ.

    Đầu năm 2009, Obama bước vào Tòa Bạch Ốc, khởi động một mối quan hệ Nga – Mỹ đầy thân thiện. Moskva không ưa dự án lá chắn chống tên lửa của Mỹ dự định đặt tại Ba Lan và Cộng hòa Szech, Obama chiều Putin, loại bỏ gần hết, chỉ giữ lại một phần không đáng kể trên đất Rumania. Chuyện Ukraine và Georgia nộp đơn xin nhập NATO năm 2008, Obama và châu Âu không muốn làm mất lòng Nga, nên đã quên những lá đơn này trong ngăn kéo, chẳng ma nào đoái hoài tới.

    Những cuộc thương thảo trên hồ sơ nguyên tử của Iran, Bắc Triều Tiên, Nga luôn ở thế chủ động trong khi Mỹ và châu Âu không đạt được một kết quả gì như mong muốn. Trong năm 2013, trường hợp Syria cũng xảy ra tương tự. Nga đã đưa ra một kế hoạch để Syria không bị trừng phạt khi sử dụng vũ khí hoá học, phương Tây cũng nghe theo.
    Bà Thủ tướng Đức Angela Merkel nói tiếng Nga thông thạo, thường đàm thoại trực tiếp với Putin mà không cần phiên dịch, đã lắc đầu cay đắng thú nhận trước Quốc hội Đức rằng Putin đang sử dụng luật rừng. Hắn dùng luật rừng ngay tại Âu châu, nhưng người Đức cũng không dám ra tay, bởi không muốn phật lòng những tay trọc phú Nga là khách hàng chính của những hãng xe hơi BMW và Mercedes.
    Hình như cả Mỹ và châu Âu chưa hiểu rõ nước Nga. Đất nước rộng lớn mênh mông bao la này chưa bao giờ đồng hành cùng nhân loại.
    Sau Thế chiến II, một châu Âu gạt nước mắt, quên bỏ đau thương đi tìm những giá trị nhân bản đích thực, thì xích xe tăng Nga vẫn băm nát mặt đường phố Budapet, Prague, Warszawa, Bucharest. Khi Liên Xô sụp đổ, nhân loại thở phào tưởng con khủng long đã chết. Từ nay Nga sẽ thành bè bạn, đồng minh, đồng hành. Nhưng không, cả Mỹ và châu Âu đã lầm to.
    Năm 2008, bàn tay lông lá của tên mật vụ KGB đã giúp cho Nam Ossetia và Abkhazia ly khai khỏi Georgia. Năm 2014, Crimea ly khai khỏi Ukraine. Khát vọng lãnh thổ của Nga vẫn chưa dừng lại ở trên bến Sevactophol, có lẽ nó còn vưọt qua hải cảng Odesca để tiến sâu vào vùng Transnistria trong lãnh thổ Moldavia.
    Những giá trị mà phương Tây cổ súy về hòa bình, tự do, thịnh vượng, bình đẳng chỉ là những món hàng xa xỉ mà người Nga không ưa. Niềm kiêu hãnh của người Nga là được uống rượu Volka và sống trong một quốc gia với đường biên giới chạy dài đến vô cực.
    Nếu có dịp quan sát người Nga ứng xử với những người buôn bán nhỏ, những em bé ăn xin, hay những cô gái điếm trên bãi biển Vũng Tàu, Nha Trang hẳn bạn sẽ không ngạc nhiên tại sao hàng triệu người Nga đổ ra đường tay cầm quốc kỳ Liên Xô, Nga và chân dung Putin hát ca, nhảy múa, gào thét, trong nỗi phấn khích hả hê đến tột cùng.
    Đó là khát vọng Nga – khát vọng lãnh thổ.
    TRẦN HỒNG TÂM

    Trả lờiXóa
  3. Ngày 21 tháng 3, 2014, tổng thống và thủ tướng 28 nước Liên Âu đã ký văn kiện công nhân nước Cộng Hòa Ukraine tham gia vào khối Liên Âu về mặt chính trị, một hành động mạnh mẽ đáp lại hành động liều lĩnh, phi pháp của tổng thống Nga.
    Hiện nay cả bộ máy tuyên truyền đồ sộ của Nga đang được huy động để ca ngợi hành động “yêng hùng” của ông Putin, trong khi nhiều nơi nhận định Putin là một nhân vật nguy hiểm cho hòa bình thế giới.
    Các báo Nga cho rằng uy tín ông Putin, năm nay 63 tuổi, bắt đầu sa sút rồi tụt dốc nhanh là từ khi ông chơi “trò đổi cột” với ông Dimitri Medvedev, năm nay 49 tuổi, một người bạn thân lâu năm cùng quê ở Saint-Petersbourg. Ðó là vào cuối nhiệm kỳ 2, tháng 3 năm 2008, lẽ ra ông Putin về nghỉ hưu vì hiến pháp Nga quy định “không được làm tổng thống 3 nhiệm kỳ liên tiếp,” để đổi mới lãnh đạo, theo phương châm phòng ngừa “quyền lực làm hư hỏng người cầm quyền.” Nhưng ông Putin lại cố tình hiểu một cách riêng là hiến pháp vẫn cho phép được làm tổng thống nhiệm kỳ thứ 3, nếu như các nhiệm kỳ đó không liên tiếp.
    Thế là Putin đưa Medvedev lên làm tổng thống qua cuộc bầu cử kết quả được biết trước vào tháng 3 năm 2008, để Tổng Thống mới Medvedev cử Putin làm thủ tướng trong 4 năm, rồi đến tháng 3 năm 2012 ông Putin trở lại làm tổng thống nhiệm kỳ 3 - sẽ kéo dài 6 năm, cũng lại với ông Menvedev trở lại làm thủ tướng. Ðây là một kiểu cách để Putin có thể làm tổng thống suốt đời, như một Nga hoàng vậy.
    Các nhà đối lập khá đông đảo ở Nga phê phán Putin ngày càng mạnh mẽ, sâu sắc.Từ năm 2008, khẩu hiệu “Putin phải ra đi” vang lên từ Moscow đến St. Petersbourg, Volgagrad, Vladivostock..., trên các biểu ngữ, kẻ to trên các mảng tường.
    Các nhà bình luận quốc tế phần lớn cho rằng ông Putin đang ở vào thế bị động, phải đối phó rồi hành động liều kiểu nhảy lên mình hổ dữ do bị lòng tham chi phối. Ông vừa bỏ ra 50 tỷ đô la chi phí cho Olympic Mùa Ðông Sochi 2014, thì vụ này bị lu mờ. Ông ra sức chuẩn bị suốt 2 năm cho cuộc họp G8 cũng ở Sochi vào tháng 6 năm nay thì bị đưa ra ngoài khối này. Thế là 2 vụ công cốc. Ông bị bẽ mặt thêm vì ông bạn cộng sản thân thiết nhất xưa kia là Trung Quốc không bênh che ông, còn bỏ phiếu trắng ở Hội Ðồng Bảo An Liên Hiệp Quốc.
    Nước Pháp vẫn để ngỏ cửa giữ lời mời ông Putin sang Normandie dự lễ kỷ niệm 70 năm cuộc đổ bộ lịch sử của quân đội đồng minh (ngày 6 tháng 6, 1944 - 6 tháng 6, 2014), với thiện chí khuyến nghị ông suy nghĩ kỹ, ngăn ngừa ông không leo thang thêm.
    Cái mà ông Putin đang đánh mất là niềm tin và tình hữu nghị lâu đời giữa Nga và Ukraine, làm tổn thương nghiêm trọng mối quan hệ giữa Nga và các láng giềng gần xa ở phương Tây. Ông đang thổi bùng lên tinh thần dân tộc hẹp hòi kiêu ngạo Ðại Nga, làm cho nước ông bị cô lập và còn rất lâu mới có thể trở lại với cộng đồng Châu Âu và thế giới. Ðây là cái giá đắt nhất, nặng nề nhất mà nước Nga phải hứng chịu.
    Nhưng mới đây ông Putin vẫn nói cứng rằng ông không ngại những trừng phạt kinh tế, vì các bên đều thiệt hại.
    Ukraine tuy mất một bán đảo có vị trí chiến lược với 4 triệu dân, nhưng có thế chính trị-kinh tế-tài chính-ngoại giao mới khi gia nhập khối Liên Âu hùng hậu, còn được quỹ tiền tệ quốc tế IMF hỗ trợ, được Ngân Hàng Thế Giới ưu đãi. Hiện Ukraine đã có hơn 20 tỷ đô la chi viện tức thời trong nhu cầu 35 tỷ khẩn cấp. Toàn dân Ukraine đối phó với tình hình nghiêm trọng một cách bình tĩnh, kỷ luật cao, xã hội không rối loạn, cũng không có bạo loạn, không gây nên xung khắc dân tộc, chủng tộc. Ðó là giá trị văn hóa chính trị của một dân tộc văn minh trong một nước đa dân tộc.
    Xét về toàn diện, lâu dài, ông Putin đang đi một nước cờ mạo hiểm, có thể đi đến chỗ bị chính dân Nga chiếu tướng, khi khối quần chúng chống đối ông đang tăng nhanh.
    Ông đang ngồi trên lưng một con hổ dữ, rất khó xuống một cách an toàn.
    NGÔ NHÂN DỤNG
    (Click tiêu đề xem toàn bài)

    Trả lờiXóa

Best Blogger TipsBest Blogger Tips