Một thiên thạch lớn cỡ phân nửa sân banh sẽ đi
ngang gần sát Trái Ðất vào tuần này, nhưng theo tính toán của các nhà khoa học
sẽ không có gì nguy hiểm.
Ngày 15 tháng 2 vào lúc 11.24 phút sáng, thiên
thạch 2012D14, sẽ đến cách Trái Ðất chỉ 17,000 dặm, nghĩa là giữa khoảng quỹ đạo
của các vệ tinh nhân tạo viễn thông (cao) và vệ tinh GPS (thấp). Chuyên gia
thiên thạch Donald Yeomans của NASA ở Jet Propulsion Laboratory tại Pasadena,
nói rằng thiên thạch “không thể nào xuống đến Trái Ðất” và “khó có khả năng va
chạm với các vệ tinh”.
Vận tốc của thiên thạch khi đi gần Trái Ðất là
17,450 dặm/giờ nhưng vì chưa chạm tới thượng tầng khí quyển nên không cháy sáng
như các sao băng và tan rã hay rớt xuống mặt đất. Bằng mắt thường sẽ không nhìn
thấy thiên thạch, nhưng những viễn kính thiên văn từ Ðông Âu tới Australia có
thể quan sát được.
Sau khi đạt tới gần ở khoảng cách ngắn kỷ lục
này, sức hút của Trái Ðất sẽ tác động đẩy văng thiên thạch ra xa và thiên thạch
đi vào một quỹ đạo ngắn gần Mặt Trời để ít nhất một thế kỷ nữa mới quay lại.
Theo Yeomans, trung bình khoảng 40 năm có một
thiên thạch đến gần Trái Ðất như vậy. Cũng theo Yeomans, mỗi khoảng 1,200 năm
có một thiên thạch cỡ 2012D14 rớt xuống Trái Ðất, tương tự như trường hợp thiên
thạch rớt xuống Tây Bá Lợi Á năm 1908 đã san bằng hàng trăm dặm vuông rừng cây ở
Tunguska.
Vụ đụng chạm lớn nhất xảy ra 66 triệu năm trước khi
thiên thạch Chicxulub rớt xuống Mexico đã làm loài khủng long tuyệt chủng/Người
Việt
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét