Thứ Năm, 20 tháng 3, 2014

Điều luật gian xảo

Lê Nguyễn Hương Trà - Một buổi sáng, tui nhận được giấy của phòng A25 mời lên B34 của Bộ Công An (237 Nguyễn Văn Cừ, Quận 1). Tới đây, ngoài hai an ninh chuyên trách báo chí - xuất bản - thông tin còn có thêm hai anh bên phòng điều tra hình sự C45B. Làm việc và cãi cọ một chặp, rồi một người lôi trong cặp ra quyển sách dày cộm, lật lật chỉ tay vô nói tui vi phạm điều này và kêu đọc đi!
"Điều 258 - Tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân: Người nào lợi dụng các quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do tín ngưỡng, tôn giáo, tự do hội họp, lập hội và các quyền tự do dân chủ khác xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm. Phạm tội trong trường hợp nghiêm trọng thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm".
Không khí lúc đó rất căng thẳng, nhưng tự dưng bị... vzô duyên tui cười hì hì nói: “Ui anh ơi… điều này có thể bắt tù dễ dàng hàng trăm người!". Ai dè làm việc tới tối thì bị giữ hổng được về thiệt. Ở lại tới 3 tháng, biệt giam. Đó là thời điểm gần cuối 2010, đến nay đã thêm nhiều blogger bị bắt vì điều 258.
Sáng 19/3, tòa án Nhân dân TP. Hà Nội vừa tuyên án nhà văn, blogger Phạm Viết Đào 15 tháng tù
Cách đây vài tuần, tòa án Nhân dân TP. Đà Nẵng cũng tuyên án nhà báo Trương Duy Nhất 2 năm tù giam trong một phiên xử ngắn ngủi. Mới tuần trước, tòa án Nhân dân Tuyên Quang tuyên Hoàng Văn Sang - người H'Mông, 18 tháng tù. Ông bị bắt với một số người khác sau khi cùng một đoàn người H' Mông các tỉnh biên giới Tuyên Quang, Bắc Cạn, Thái Nguyên, Cao Bằng xuống Hà Nội kêu cứu vì bị chính quyền địa phương đàn áp việc thay đổi tập tục, thói quen sinh hoạt cũ. Ba trường hợp xét xử mới nhất này, đều phạm tội "Lợi dụng các quyền tự do dân chủ".
Ký tên phản đối điều luật gian xảo
Sau khi nghe kết quả phiên xử nhà văn Phạm Viết Đào xong, tui gọi cho một bạn luật sư: "Nè, anh là người hành nghề luật, thử phân tích nghe về 258 coi!"
Ảnh kêu đang bận trong tòa, rồi tối mail cho vầy:
"258 rất rõ ràng, cụ thể nhưng khó hiểu thậm chí là không thể hiểu. Bởi để xác định được như thế nào là lợi dụng, là xâm phạm thì chỉ có thể định tính mà không thể định lượng. Mà định tính chắc chắn ảnh hưởng bởi cảm tính. Vì lẽ đó, khá nhiều trường hợp thời gian qua, khi không áp được vào tội danh nào thì sẽ 258 tất tật.
Tội phạm này muốn cấu thành phải có 2 hành vi là “Lợi dụng quyền tự do ngôn luận, báo chí, tín ngưỡng….” và sử dụng để “xâm phạm lợi ích Nhà nước, nhà nước, công dân…” thì mới được xem là đủ. Chính vì sự định tính nêu trên mà khi truy cứu trách nhiệm hình sự, các cơ quan tố tụng chỉ căn cứ vào nhận định, đánh giá riêng của mình cùng với một số nghiệp vụ để quy buộc, áp đặt và định hướng để đối tượng bị xử lý phải chấp nhận đã có hành vi như quy định của điều luật. Từ đó xét xử và tuyên phạt.
Cho đến nay, giới làm luật cũng chưa hề có bất kỳ hướng dẫn dưới Luật nào từ các cơ quan có thẩm quyền về xác định, giải thích hay cụ thể hóa hành vi của tội danh này."
 Nhiều bạn trẻ đã dũng cảm đấu tranh; tố cáo điều luật gian xảo này với cộng đồng quốc tế
Sẵn sàng nhe nanh 258 cắn xé
Điều 258 quả ám ảnh cho bất kỳ một công dân Việt Nam nào, nhất là những blogger phản biện chính trị - xã hội, và những người đang có những hoạt động đòi công bằng, nhân quyền trên lãnh thổ đã gần 40 năm hòa bình, thống nhất. Điều 258 đặt trong một thể chế luôn vỗ ngực tụng xưng tự do, dân chủ thì các giá trị đó thực chất chỉ là những chiếc bánh vẽ! (Dân Luận)
Bài cũ:
-Nhận xét bên lề vụ án Trương Duy Nhất
-Lại bắt blogger
-Tội danh

1 nhận xét:

  1. Trong thông cáo đề ngày 19/03/2014, Phóng viên không biên giới (RSF) có trụ sở tại Paris đã tố cáo bản án 15 tháng tù dành cho blogger Phạm Viết Đào hôm qua vì “tạo ra một hình ảnh xấu về Đảng và Chính phủ” thông qua việc viết và đưa lên mạng 91 bài viết.
    Ông Benjamin Ismail, phụ trách khu vực Châu Á – Thái Bình Dương của tổ chức Phóng viên không biên giới tuyên bố: “Bản án mới này cho thấy sự sách nhiễu rõ rệt của chính quyền Việt Nam đối với những nhà hoạt động trong lãnh vực thông tin. Chúng tôi đòi hỏi trả tự do ngay lập tức cho ông Phạm Viết Đào, bị án tù chỉ vì muốn thông tin cho đồng bào mình và chia sẻ quan điểm chính trị trên mạng”.
    Ông Phạm Viết Đào bị công an Hà Nội bắt ngày 13/06/2013. Ông bị kết án theo điều 258 Luật Hình sự về việc “lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân”. Trước đó ông đã từng bị quấy nhiễu trong nhiều tháng trời. Phạm Viết Đào là người cuối cùng trong số các blogger bị bắt giam trong năm 2013 nay được đem ra xét xử.

    Tháng 12/2012, ông Phạm Viết Đào tuyên bố mình “không hề vi phạm luật lệ về thông tin” với tư cách là “hội viên Hội Nhà văn và Hội Nhà báo Việt Nam”. Theo ông, “nếu Nhà nước cho phép thành lập các hội này, thì họ phải chịu trách nhiệm bảo vệ công việc của chúng tôi”.
    Năm nay 62 tuổi, ông Phạm Viết Đào ngày càng viết nhiều bài chỉ trích chính phủ. Tốt nghiệp về văn chương ở Rumani, ông làm việc ở Bộ Văn hóa Thông tin với tư cách cán bộ thanh tra, đến tháng 6/2012 thì về hưu.
    Blog của ông tại địa chỉ phamvietdao3.blogspot.com nhiều lần bị tấn công nhất là vào tháng 3/2013, rồi mở được trở lại, nhưng đến tháng 6/2013 thì đóng hẳn khi ông bị bắt.
    Thông cáo của RSF nhắc lại, Việt Nam hiện đứng thứ 174/180 trong bảng xếp hạng về tự do báo chí trên thế giới của tổ chức này. Việt Nam cũng bị Phóng viên không biên giới coi là kẻ thù của internet do chính sách trấn áp các blogger và các nhà ly khai trên mạng.

    Trả lờiXóa

Best Blogger TipsBest Blogger Tips