Chủ Nhật, 2 tháng 3, 2014

Người cao tuổi tìm sâu cho anh Tư

Bất động sản:
Có 2 nhà: Nhà thứ nhất ở số 7/49/192 Lê Trọng Tấn, quận Hoàng Mai, TP Hà Nội diện tích 114m2 đất, xây 5 tầng và nhà thứ 2 ở số 9/49/192 (cùng địa chỉ trên) diện tích 248m2 xây 5 tầng.

Có 1.800m2 đất ở dự án Mê Linh (gần đền Hai Bà Trưng, giá đất thời điểm hiện nay 10 – 15 triệu đồng/m2 – PV)

Tài chính:
Là cổ đông có cổ phiếu (CP) ở Ngân hàng Quân đội: 104.000 CP;
Ngân hàng Nam Á: 27.900 CP;
Ngân hàng Đông Á: 18.500 CP;
Ngân hàng Liên Việt: 200.000 CP;
Xi-măng Công Thanh: 100.000 CP;
Công ty CP Thiết bị Bưu điện: 50.000 CP;
Trái phiếu 425 triệu đồng;
Tiền gửi tại Ngân hàng VIB: 7.180.000.000 đồng (Người cao tuổi)
Trang Chép sử Việt bonus thêm 2 tiền nhiệm của sâu Khánh:
Quách Lê Thanh (trái) dính nghi án nhận hối lộ, bị khai ra rõ rành rành, ngay khi đương chức, nhưng gần như được Phó thủ tướng Trương Vĩnh Trọng “đỡ” cho mới thoát. Trong vụ này, nếu chẻ hoe luật ra, thì ông Trương Vĩnh Trọng mắc tội che giấu tội phạm cho Quách Lê Thanh, Lương Cao Khải.
Trần Văn Truyền thì về hưu rồi mới lộ chuyện biệt thự giàu sang, kế đến là cái tài phóng tay phong chức tước xả láng trước khi mình về hưu. Đề bạt tới gần 60 cấp vụ chỉ trong vài tháng thì quả là quá “tài” chứ còn gì.

3 nhận xét:

  1. Vâng, tôi hoàn toàn đồng ý rằng quan lớn ở nhà to không có gì là sai trái. Một đời cống hiến cho nhân dân mà có cái biệt thự hưởng tuổi già ở quê nhà cũng không được nhân dân đồng ý, thế thì cống hiến để làm gì?
    Một đời phấn đấu cho lí tưởng quét sạch sở hữu tư nhân, chẳng lẽ sự nghiệp ấy không đáng vinh danh bằng chút bất động sản? Ông Trần Văn Truyền xứng đáng ở một biệt thự trên diện tích hơn 16.000 mét vuông. (Nói khẽ, kẻo đánh thức cái chương lịch sử rùng rợn vừa nhắc: Thời ấy trung bình chưa đầy 7.000 mét vuông là đủ để địa chủ bỏ mạng. Con cháu cụ Phan Bội Châu, nhà ba người với ba sào đất – 3 x 360 = 1.080 mét vuông – cũng suýt thành kẻ thù của nhân dân.)
    Cơ ngơi của ông tổng thanh tra quốc gia về hưu chẳng qua chỉ bằng diện tích của Công viên Lenin ở Hà Nội, tức “rộng rãi hơn chút” so với xung quanh, như ông thanh thản so sánh. Hơi nhỉnh hơn căn nhà 51 mét vuông của đương kim Chủ tịch nước, nhưng chưa chắc ăn đứt nơi cựu Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết về vui thú điền viên và nuôi chim yến lấy thu nhập mỗi tháng hai mươi triệu cho gia đình.
    So với khu nhà vườn của gia đình Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương, khu dinh thự sinh thái của cựu Chủ tịch tỉnh Hà Giang Nguyễn Trường Tô, khu dinh thự của Chủ tịch tỉnh Bình Dương hay với cái biệt thự La Mã của một chức quan nhỏ xíu là tham tán thương mại Đại sứ quán Việt Nam tại Ý đã thấy ngượng, đừng nói so với những lâu đài hùng vĩ tráng lệ, những tòa nhà dát vàng của các nhà buôn sắt, buôn bạc, buôn lụa… đang cấp tốc dạy đẳng cấp sống cho đất nước rất ham học này.
    Bạn có thể bẻ rằng cả đời khâu miệng thì lương ông Truyền tích cóp lại may ra mới xây được nửa cái cổng và nửa vòng tường bao quanh khu dinh thự ấy. Vâng, nhưng bạn cũng biết rằng xây nhà ở Việt Nam, người ta đặt tất cả tâm huyết vào cái tường, cái cổng, cái nóc và những thứ lô nhô đập ngay vào mắt. Rất nhiều mái lệch, ở rất nhiều độ cao khác nhau. Mưa móc ở xứ nhiệt đới này rơi mỗi tầng một trọng lượng. Rất nhiều tháp. Rất nhiều cột. Rất nhiều vòm và những thứ lỉnh kỉnh khác. Trông rắc rối hoành tráng thế thôi nhưng bên trong cũng “bình thường chứ chẳng có vấn đề gì“, như ông Truyền cho biết. Chân tường chắc cũng lở loét, dây điện cũng nhằng nhịt, toa lét cũng khai mù, có gì mà xa hoa.
    Hơn nữa, sao bạn không đơn giản ghi nhận sự may mắn của những người thành đạt? Nước bao giờ cũng chảy chỗ trũng, bạn không thể lôi ông Truyền ra tòa chỉ vì con trai ông ấy có viễn kiến, biết mua kha khá đất từ thuở bạn còn dồn tiền mua xe máy bãi rác; chỉ vì em nuôi ông ấy hảo tâm hào phóng, trong khi ở những gia đình khác con giết mẹ lấy 2,8 triệu đồng đi chơi game, cậu ruột chích điện mưu sát cả nhà cháu ruột do tranh chấp 200 mét đất, con đòi bán nhà chia tài sản không được bèn giết bố; chỉ vì xung quanh ông ấy biết bao người vô tư xúm lại biến đầm lầy đất hoang thành dinh thự khang trang, trong khi bạn cứ một thân một mình chống chọi với hoàn cảnh… Tạo hóa bất công, tiếc rằng chúng ta vẫn phải chấp nhận luật fairplay với cả những người quá nhiều may mắn. Không, bạn tuyệt đối không nên ném đá.
    PHẠM THỊ HOÀI
    (Click tiêu đề xem toàn bài)

    Trả lờiXóa
  2. Trong quan sát của tôi về lịch sử cận đại, tôi không thấy các chánh trị gia xứ nào có thể sánh với các quan chức Việt Nam về chỉ số may mắn. Đất nước chúng ta có thể được Guinness liệt kê vào bảng kỷ lục về… ”tình nghĩa”.
    Ông cựu Tổng Thống Ukraine vừa phải thoát thân qua Nga và lúng túng không biết giải thích sao về những tài sản mênh mông khắp xứ, kể cả một dinh thự trên 138 hectares đẹp hơn cung điện của những Nga Hoàng ngày xưa. Ông Khadafi thì không kịp giải thích, còn ông Mubarak thì ở trong tù lâu quá, trí nhớ hơi kém.
    Trong khi đó, tôi nhớ khoảng mấy năm về trước, vài quan chức Việt nói những tài sản kếch xù các mạng truyền thông tìm ra là do công sức “buôn thúng bán bưng” của các bà vợ hiền. Không những đầy ắp “tình” mà các vị này còn may mắn là có cả kho núi tiền do “tài” của những bậc phu nhân. Vì nghe chuyện này mà một thằng bạn Việt Kiều của tôi bỏ xứ Thuỵ Sĩ lạnh lẽo về Việt Nam đi khắp nước, cặp kè hơn 30 triệu bà cô không chồng. Sau 10 năm vất vả, vẫn không thấy một bà nào đủ “tài” tháo vát như các bà vợ quan chức.
    Tôi nhớ có khuyên là nó đã bỏ sót một bộ phận không nhỏ là…đạo quân bán vé số… khắp thành thị làng quê. Nếu nhắm vào số lượng biết vui hưởng hạnh phúc XHCN cực nhọc này, thì chẳng mấy chốc bạn tôi sẽ thành đại gia… tỷ phú đô la, ăn xài cả chục đời không hết.
    Ngoài “tình”, vài quan chức gần đây còn tuỳ thuộc vào “nghĩa”. Chỉ cần 1 người em kết nghĩa là một ông có thể xây xong một dinh thự hơn 16 ngàn mét vuông, trị gia vài chục tỷ đồng. Theo đánh giá của xã hội tình nghĩa này, càng làm lớn thì càng may mắn và càng có nhiều người em “kết nghĩa”. Tôi nghe nói một quan Trung Ương phải có ít nhất là chục ngàn người em kết nghĩa; còn ở các quận xã nghèo nơi “đất cày lên sỏi đá” thì tệ lắm cũng kiếm được vài trăm em kết nghĩa. Một người em dư xây một biệt thự, vài trăm em thì lên thiên đàng mấy hồi.
    Do đó, ở đâu không biết, nhưng tại Việt Nam, mỗi ngày trên TV đều có những giải đặc biệt để xem quan chức hay đại gia nào có nhiều “tình” nhất hoặc nhiều “nghĩa” nhất. Đúng là thời Nghiêu Thuấn cũng không sánh bằng.
    Vì sự tôn trọng “tình nghĩa” bàng bạc khắp lịch sử, một giáo sư tuyên giáo trung ương phải phẫn nộ mà kết tội bọn đế quốc Mỹ là tội ác của họ “trời không dung, đất không tha”. Chứ tình nghĩa như người anh kết nghĩa Trung Quốc thì em Việt Nam phải nghìn đời nhớ ơn, năm nào cũng sẵn sàng đem khoáng sản, mỏ dầu ngoài khơi, đi kiếm tiền bọn tư bản, nhập siêu đem về tặng anh kết nghĩa. Còn chuyện chiến tranh biên giới năm 1978 chỉ là một hiểu lầm nhỏ nhặt trong gia đình.
    Cách đây vài tuần tôi ghé ngang Hồng Kông, tình cờ gặp một anh bạn cũ làm cho Bộ Ngoại Giao Mỹ. Sau vài trao đổi về thời tiết và gia đình, tôi hỏi anh về tiến bộ trong đám phán TPP, nhất là với Việt Nam. Anh ta cười,” Sao mày nghiêm túc quá. Hết giờ làm việc rồi, hãy để tao enjoy ly whisky này cho trọn vẹn nghe.” Rồi anh kể chuyện tiếu lâm mà anh nói là có thực, đang được hành lang Bộ Ngoại Giao phổ biến.
    Một chính trị gia Mỹ đi công cán ở một quốc gia mới nổi. Cô đơn, ông bắt chuyện và gạ được một phụ nữ địa phương ở quán bar lên phòng mình, sau khi thoả thuận giá cả. Ông hăm hở vào cuộc ngay khi cà hai vừa leo lên giường. Bỗng người phụ nữ la làng,” Bớ làng xóm, coi thằng đế quốc tư bản này đang hiếp tôi nè.” Ông sợ quá, cả thân hình như khô cứng, người chết lặng. Bà ta lại chu chéo,” Tôi la gì kệ tôi, sao ông lại ngừng?”
    TPP đành phải đợi vậy.
    Alan Phan

    Trả lờiXóa
  3. Độc giả Nguyễn Huy ở Thái Nguyên đặt dấu hỏi: Ông Khánh sinh năm 1958, năm 2011 ông Khánh mới hơn 50 tuổi, ông làm công chức được khoảng hơn 20 năm, tính nhẩm tiền lương cứ cho trung bình là 20 triệu đồng/ tháng đi thì cả lương và thưởng của ông chỉ khoảng 5 tỷ đồng/ 20 năm mà thôi. Vậy mà ông Khánh sở hữu 2 ngôi nhà khoảng 300 m2 ở phố Lê Trọng Tấn, theo thời giá năm 2011 thì 2 căn nhà này khoảng 30 tỷ đồng (100 triệu đồng/ m2). Ông còn có 1.800 m2 đất ở Mê Linh, thời giá năm 2011 khoảng trên 10 triệu đồng/m2, như vậy khoảng 18 tỷ đồng. Số cổ phiếu của ông tính theo thời giá trên sàn OTC năm 2011 khoảng 5 tỷ đồng nữa. Ông còn có khoảng 7 tỷ đồng để trở thành cổ đông của một số ngân hàng. Tính sơ sơ thì tài sản “phần nổi” của ông Khánh chừng hơn 60 tỷ đồng.
    Độc giả Nguyễn Giáp Tý ở Hà Tĩnh thì lại có “một góc nhìn khác”. Ông Tý bình luận: phải chăng mọi người đang quá khắt khe với ông Khánh vì quan chức nhiều người cũng sở hữu tài sản cả trăm tỷ đồng. “Chưa nghe ông Khánh giải trình về nguồn gốc số tiền thì tôi cho rằng mọi người không nên đồn đoán. Biết đâu gia tộc ông Khánh có người để lại tài sản thừa kế cho ông hoặc giả gia đình có người làm kinh doanh, gặp lúc thuận lợi có thể kiếm được nhiều tiền và lại đầu tư vào bất động sản, chứng khoán nên lợi nhuận lại càng nhiều thêm”, độc giả Nguyễn Giáp Tý phân tích.
    Độc giả Lê Tâm ở Cầu Giấy, Hà Nội thì nhận xét : Tôi thấy việc kê khai tài sản như hiện nay đang nặng về hình thức. Đã có việc kê khai nhưng tài sản đó cần phải công khai cho người dân biết, đặc biệt đó là những tài sản của cán bộ lãnh đạo có trách nhiệm. Điều này giúp kiểm soát, cũng như giám sát được khối tài sản của từng cá nhân biến động theo thời gian, đồng thời làm minh bạch được nguồn gốc đối với tài sản mà cá nhân đang sở hữu.
    Chống tham nhũng đang được Đảng và Nhà nước rất quan tâm, trong khi đó, những vụ việc có dấu hiệu thiếu bất minh về tài sản thời gian qua chỉ được công bố khi báo chí lên tiếng. Ví dụ như trường hợp của ông Ngô Văn Khánh, Phó tổng Thanh tra Chính phủ, báo chí đã liệt kê số tài sản rất lớn mà ông ấy đang sở hữu. Nếu đúng như báo chí công bố, thì số tài sản của ông Khánh là rất lớn so với mức lương của cán bộ hiện nay. Có thể, những tài sản này được hình thành từ nhiều nguồn hợp pháp, như tặng, cho, các kênh đầu tư của gia đình… Mặc dù ông Khánh đã kê khai tài sản, nhưng việc ông khai khối tài sản đó lại còn đang hạn chế. Đến lúc này, các cơ quan có trách nhiệm cần phải có thái độ mạnh mẽ, xác minh nguồn gốc tài sản đó của ông Khánh được hình thành từ những nguồn nào để xác minh tính khách quan đối với hình ảnh cán bộ mà dư luận đang quan tâm.
    Độc giả Vĩnh Hà ở Phú Yên nêu ý kiến : Theo tôi được biết, liên quan đến việc kê khai tài sản, trước đó Bộ Chính trị đã có Chỉ thị 33/2014, theo đó việc kê khai và kiểm soát việc kê khai tài sản là giải pháp quan trọng trong công tác phòng chống tham nhũng. Khi Đảng và Nhà nước đã có chủ trương cụ thể hóa bằng những quy định cụ thể thì việc kiểm soát tài sản của cán bộ là điều cần phải được thực hiện một cách quyết liệt, triệt để. Thực tế, tôi nghĩ công tác kê khai tài sản vẫn còn mang tính hình thức, ciệc công khai bản kê khai tài sản chưa được thực hiện nghiêm túc. Từ trước đến nay chưa thấy ai công bố tài sản của những người thuộc diện phải kê khai, trong khi đó các cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có thẩm quyền chưa chủ động tiến hành xác minh tài sản của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức thuộc diện phải kê khai trong. Đối với những tài sản được kê khai “tăng” lên một cách bất thường, hoặc có dấu hiệu minh bạch, thì công tác kiểm tra, giám sát việc kiểm tra nguồn gốc tài sản đó lại có nhiều hạn chế.
    Nhiều độc giả khác cùng quan điểm: cơ quan chức năng cần sớm làm rõ những thông tin về tài sản của ông Khánh và công bố công khai cho nhân dân được biết. Đặc biệt, những “nghi vấn” về việc ông Khánh bị “tố” khi giải quyết khiếu nại tố cáo đã làm trái nguyên tắc, lợi dụng chức vụ quyền hạn, không trung thực, cố ý vi phạm pháp luật về giải quyết khiếu nại.

    Trả lờiXóa

Best Blogger TipsBest Blogger Tips