Thứ Bảy, 12 tháng 12, 2015

Mục nát và thối rữa

 Tại sao đất nước tôi ra nông nỗi này?
Tất cả bạn thân tôi đều có thể xác nhận tôi nhiều lần nói câu này với họ: Bằng mọi giá, phải thoát khỏi đất nước cùng tận này, và chúng ta phải làm điều đó với tất cả trách nhiệm và bổn phận của người làm cha mẹ. Nhiều bạn của tôi, ban đầu, còn chống chế; nhưng vài năm sau, khi có cơ hội, họ cuối cùng đã phải tạm biệt quê hương.

Rời bỏ xứ sở ra đi là vui lắm sao? Không thể nói thế được. Nhưng tiếp tục ở lại thì có vui được không, hạnh phúc không, an toàn không? Với những bậc phụ huynh thế hệ tôi, đời chúng ta coi như vất. Nhưng chúng ta có thể ngồi nhìn con cái lớn lên và sẽ sống như cách chúng ta đang “bị” sống?
Tất cả đều đang mục nát và thối rữa. Thêm 10-20 năm nữa thì xã hội đốn mạt này còn tệ hại đến mức nào? Bằng công cụ Facebook, những tiếng nói xã hội bắt đầu được nghe nhưng liệu điều đó có ảnh hưởng sâu mạnh đến mức mang lại thay đổi tích cực hơn cho thế hệ con cái chúng ta, nếu cái thể chế này vẫn tồn tại? Tôi hồ nghi điều đó.
Thật mỉa mai là không ít bạn tôi, bạn ngoài đời ấy, hoặc vẫn rúc kín vào cái vỏ ốc sợ hãi bị gieo cấy qua nhiều thế hệ khiến tê liệt mọi thái độ phản kháng dù chỉ là phản kháng yếu ớt bằng lời; hoặc vì quá “ngây thơ” tin rằng mọi cái xấu đang diễn ra trước mặt vẫn chỉ là chuyện “ngoài đường” không liên can và chẳng việc gì phải lên tiếng. Tôi khinh hạng người này. Tôi cũng cười họ khi biết họ cũng có một kế hoạch hoàn hảo cho con đường tỵ nạn giáo dục, trong khi cùng lúc nhất mực tin rằng cái thể chế này đang xây dựng “thiên đường”.
Bạn có tin vào tương lai tươi sáng ở “đất nước XHCN” này? Bạn có nghĩ chế độ cộng sản bị lật đổ không? Tôi không tin. Cả hai điều trên. Chúng ta chẳng thể làm gì để thay đổi. Hãy nhìn nhận thực tế đó. Điều duy nhất chúng ta có thể làm là tự lo cho chính mình.
Bạn hỏi tôi không yêu nước sao? Tôi yêu nước nhưng tôi bị mắc nghẹn bởi cái cục “yêu chế độ” mà người ta gán ghép nó với khái niệm yêu nước và điều đó khiến tôi khó có thể thốt lên từ “yêu nước” một cách trọn vẹn bằng tấm lòng ái quốc với hồn dân tộc mà tôi được dạy từ thuở lọt lòng.
Bạn hỏi tôi có khóc không, nếu tôi, ngày nào đó, rời bỏ người thân và cả mồ mả ông bà để ra đi. Tôi sẽ khóc đấy. Khóc không chỉ vì chuyện tôi đi mà còn vì chuyện tại sao tôi phải đi, tại sao chúng ta phải đi, tại sao mọi người phải đi. Tôi đi, nhìn lại một sự “hoang tàn” (cách nói của một người bạn), và ôm nặng một câu hỏi nghịch lý tột cùng đè lên đầu tôi, dân tộc tôi, đất nước tôi: tại sao đất nước tôi ra nông nỗi này?
-
MẠNH KIM
Tham khảo thêm:
Tôi thấy hoang tàn trên tuổi xanh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Best Blogger TipsBest Blogger Tips