Thứ Sáu, 11 tháng 1, 2013

Phản đối bỏ điều 4 hiến pháp

Gần đây càng ngày càng có nhiều kẻ nhân danh giới trí thức lớn tiếng đòi bỏ Điều 4 Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, tức là đòi bỏ sự độc quyền lãnh đạo của Đảng ta đối với xã hội. Với tư cách một trí thức của Đảng, tôi kịch liệt phản đối yêu cầu vô lý đó.
Nếu xảy ra cuộc chiến sống mái giữa phe ủng hộ và phe phản đối điều 4, có lẽ tôi phải giết ả thật. Thà mất vợ chứ kiên quyết không để điều 4 bị loại bỏ.
Để khỏi nêu những lý luận dài dòng, tôi sẽ kể ra những sự kiện chính trong đời tôi, qua đó quý vị sẽ thấy ngay việc tôi phản đối bỏ điều 4 Hiến pháp là hoàn toàn hợp lý.

Tôi sinh năm 1944 tại một tỉnh thuộc đồng bằng Bắc Bộ, trong một gia đình mà cả tông ti họ hàng chưa từng có ai biết một chữ bẻ đôi. 8 năm sống dưới thời Pháp thuộc, tôi không biết đi học là gì. Hơn 4 năm sau chiến thắng Điện Biên, ở vùng quê tôi cũng chưa có trường lớp gì sất. Mãi đến năm 1956, tôi mới được dự lớp học “i-tờ”, lớp học đầu tiên ở xã tôi, có khoảng 50 học trò, từ đứa mới biết mặc quần đến những anh chị lớn hơn tôi mấy tuổi. Vốn nhanh thuộc bài, tôi lọt vào nhóm gọi theo kiểu Tây bây giờ là “top ten” của lớp, rồi cứ thế học lên đều đều. Đến cấp hai và cấp ba thì tôi không còn thuộc “top ten” nữa, vì hầu như không nhá nổi những thứ như Hình Học, Đại Số hay Vật Lý, Hóa Học, cũng không thích thú gì với ba thứ văn chương lăng nhăng.
Năm 1967, tôi vào đại học. Đại học lúc bấy giờ không phải thi, ai tốt nghiệp phổ thông đều được vào cả. Ngành tôi học là khoa học Mác – Lê-nin, khoa học của mọi khoa học. Đến khi đó, tôi mới phát hiện ra rằng mình thuộc loại nhân tài của đất nước, rằng những thứ Toán Lý Hóa chẳng là gì so với khoa học Mác – Lê-nin. Tôi thật sự tự hào về nghề nghiệp của mình. Ngoài việc học và thi, tôi cũng luôn tỏ ra yêu Đảng, yêu chế độ, luôn kính trọng cấp trên. Giữa khóa học đại học, tôi đã được kết nạp vào Đảng, và đến khi ra trường thì được phân công về dạy “khoa học của mọi khoa học” tại một trường đại học. (Xin nói thêm, vì tôi có hai anh trai đã đi bộ đội nên được ưu tiên ở lại công tác ở hậu phương.)
Do học khoa học Mác – Lê-nin, tôi mới hiểu được rằng trí thức là tầng lớp chỉ gây rắc rối (thậm chí Mao Chủ Xị còn dạy rằng “Trí thức không bằng cục phân”) nên cố gắng không tỏ ra mình là trí thức. Tôi cũng thường xuyên tìm cách gặp gỡ các đồng chí lãnh đạo chưa qua trường lớp để học hỏi, nhằm củng cố lập trường của giai cấp vô sản trong bản thân. Trong các cuộc họp chi bộ, tôi thường xuyên phát biểu nêu rõ lập trường cách mạng, thường xuyên tự kiểm điểm bản thân một cách nghiêm khắc, mỗi khi có biểu hiện của “bệnh trí thức”. Sau 5 năm công tác, tôi đã vinh dự được bầu (hay đúng hơn là được các anh cấp trên chỉ định) vào cấp ủy của khoa.

Đến cuối những năm 1980, Đảng bắt đầu tỏ ra trọng bằng cấp. Những tấm bằng thạc sĩ, rồi cả tiến sĩ, bắt đầu được coi như một tiêu chuẩn khá quan trọng để “cơ cấu” hay “quy hoạch”. (Những đồng chí quan trọng nhất, vốn nằm rừng từ khi còn trẻ, do không muốn mang tiếng vô học, cũng vội vã trang bị cho mình những tấm bằng tại chức.) Vốn nhanh nhạy, tôi chớp thời cơ xin đi nghiên cứu sinh tại Liên Xô. Ba năm sau, tôi về nước với một tấm bằng phó tiến sĩ chuyên ngành phát triển đảng. Nửa năm sau, tôi được cử làm phó khoa.

Đến nay, tôi đã được phong phó giáo sư, là trưởng khoa lý luận chính trị ở trường đại học, đồng thời là ủy viên hội đồng lý luận của tỉnh nhà. Lương của tôi vào loại cao nhất nhì trong tỉnh, mỗi tháng mười mấy triệu, lại còn tiền thỉnh giảng ở các nơi, tiền làm đề tài khoa học cấp tỉnh, cấp bộ, tiền phúc lợi. Xin nói nhỏ, đôi khi còn có cả tiền “chống trượt” trong các đợt thi học phần và đặc biệt là tuyển sinh. Bình quân mỗi tháng thu nhập của tôi vào cỡ “dăm chục”, tức là bằng thu nhập của gia đình nông dân trong gần chục niên (hơn vài thằng bạn cũ nay đang làm việc ở Tây Âu).

Tôi được như vậy là nhờ có Đảng. Thử hỏi, nếu Đảng ta không độc quyền thống trị, tức là đa đảng, thì với cái vốn tri thức thuần chính trị như tôi, ai sẽ cấp lương cho tôi? Ai sẽ thay Đảng ta nuôi tôi đàng hoàng sung sướng như vậy? Cho nên, tôi kiên quyết phản đối bỏ điều 4. Tôi hoàn toàn đồng ý với phát biểu của một đồng chí lãnh đạo: “Bỏ điều 4 là tự sát”.

Tuy vậy, tôi cũng có cái khó của tôi. Đó là cô vợ tôi. Ả làm nghề kinh doanh tự do. Trước đây, thu nhập của tôi thấp hơn nên ả thường chê cái nghề của tôi. Bây giờ đến thời buổi kinh doanh tự do khó khăn, thu nhập của ả chỉ còn bằng một phần của tôi, nên ả không còn chê tôi về mặt đó được nữa. Tuy vậy, tôi rất buồn vì ả chưa bao giờ phục cái nghề lý luận chính trị của tôi. Ả bảo lý luận hay lý loạn, hay lú lẫn, bây giờ là thế kỷ thứ bao nhiêu rồi mà lúc nào cũng cứ nhai đi nhai lại mấy cái câu giáo điều từ đầu thế kỷ mười chín (có lúc tức lên, ả còn bảo “nhai như chó nhai giẻ rách”).

“Chính quyền của dân, do dân, vì dân a? Mấy năm trước thì “xây dựng xã hội công bằng dân chủ văn minh”, bây giờ lại đảo thành “xây dựng xã hội dân chủ công bằng văn minh”, rồi cho là phát minh nhớn. Trò hề!” – ả đua cái mồm ra, giả giọng lãnh đạo nói.

Tôi bảo:

“Cô thì hiểu chó gì. Làm sao cô hiểu được cái sâu sắc trong việc đảo chữ ấy. Cả một sự thay đổi chiến lược chứ không à. Người ngu thì làm sao thấy hiểu được cái sâu sắc. Mà cô, bộ cô định diễn biến hòa bình hả?”

“Có ông ngu thì có. Diễn biến hòa bình không thích, lại thích diễn biến chiến tranh à?”

Có lần, cãi nhau chán, ả ta lại giễu cợt cái bằng phó tiến sĩ chính trị của tôi:

“Người ta bảo con bò đi Tây cũng thành phó tiến sĩ. Phó tiến sĩ toán lý còn vậy, huống hồ cái phó tiến nói leo, nhai lại của ông.”

Vừa cú, vừa bí, tôi bảo:

“Con bò đi Tây cũng thành phó tiến sĩ còn hơn con bò không đi Tây cũng thành tiến sĩ nhé…”

Thật bất ngờ, ả ta không những không tức mà còn lăn ra cười:

“Thì cũng cái giống bò với nhau…”

Đấy, vợ tôi là thế đấy. Chồng thì một lòng một dạ theo Đảng, vợ thì cứ muốn theo phản động. Có lúc tôi thực sự hoang mang, không biết nên thế nào: không bỏ ả ta thì không trung thành với Đảng, mà bỏ thì ở với ai bây giờ? Có đêm, tôi mơ tôi bắn chết ả, tỉnh dậy toát hết mồ hôi. Đêm khác thì lại mơ ả bắn tôi, tôi choàng dậy thét lên, ả hỏi chuyện gì, tôi không dám nói.

Vì ả, đã có mấy lần tôi bị chi bộ phê bình không biết giáo dục vợ.

Gần đây, ả còn học theo cái lối của bọn trí thức phản động, nói phải bỏ điều 4. Tôi căm lắm, nhưng không nói gì, vì không muốn nghe ả giễu cợt nữa. Nhưng tôi thầm nghĩ: nếu xảy ra cuộc chiến sống mái giữa phe ủng hộ và phe phản đối điều 4, có lẽ tôi phải giết ả thật. Thà mất vợ chứ kiên quyết không để điều 4 bị loại bỏ.
NGÔ TIẾN SĨ

20 nhận xét:

  1. Có lẽ lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam (ĐCSVN) quan niệm rằng:
    * Quy định về quyền lãnh đạo của ĐCSVN đối với Nhà nước và xã hội, và
    * Quy định đất đai thuộc sở hữu toàn dân và do Nhà nước quản lý tại Điều 4 và Điều 17–18 của Hiến pháp 1992 là hai tử huyệt của chế độ. Vì vậy, dư luận càng muốn hủy bỏ hoặc sửa đổi hai quy định đó, thì họ càng kiên quyết bảo lưu. Chúng nằm trong định hướng bất di, bất dịch của lãnh đạo đảng, và được tái thể hiện tại Điều 4 và Điều 57 của dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992.
    Quy định trong Hiến pháp về quyền lãnh đạo đương nhiên của ĐCSVN đối với Nhà nước và xã hội tưởng để đảng trường tồn, nhưng lại là điều khoản khai tử của ĐCSVN, khai tử khỏi lòng Dân và khai tử khỏi cuộc sống chính trị.

    Quy định đất đai thuộc sở hữu toàn dân và do Nhà nước quản lý như cỗ máy khổng lồ, từng phút từng giờ đùn ra hàng đống thuốc nổ, nén chặt vào lòng Dân. Nó giống loại ma túy cực độc, có thể thỏa mãn cơn nghiện tham lam vô biên của giới cầm quyền, nhưng cũng tăng tốc quá trình tự hủy diệt của ĐCSVN và chế độ do đảng dựng nên.

    Vì vậy, nếu muốn bảo vệ ĐCSVN và chế độ này, thì cần phải nhanh chóng loại bỏ hai quy định đó ra khỏi Hiến pháp.

    Ngược lại, nếu muốn gạt bỏ sự lãnh đạo của ĐCSVN, thì có thể sẽ sớm được toại nguyện, nếu tiếp tục duy trì hai quy định ấy trong Hiến pháp, bởi lẽ không có cách phá nào nhanh hơn là tự phá.
    H.X.P.
    Hà Nội, 11/01/2013
    (Click tiêu đề xem toàn bài)
    Bàn luận của Trần Mạnh Hảo:
    Xin bái phục ông HOÀNG XUÂN PHÚ. Bài viết của ông rất khoa học, logic vô cùng, xin các ông “ný nuận gia” của lề đảng tranh luận. Lại bái phục ông Hoàng Xuân Phú, ngay giữa lòng Hà Nội mà dám nói thật 100% như thế này. Cám ơn ông Phú lắm lắm. Là người đã tranh luận với hàng chục đại giáo sư tiến sĩ, đã viết hàng trăm bài lý luận phê bình suốt hơn 20 năm nay, Trần Mạnh Hảo tôi phải nói là phục ông Phú sát đất về tư duy khoa học lý luận trong bài báo này. Một lần nữa xin cám ơn ông Phú.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Đã có nhiều bài viết và ý kiến phản đối phát biểu kể trên của ông Trọng. Bản thân tôi đã trao đổi một số ý trong bài “Hai tử huyệt của chế độ“, nên ở đây không muốn bàn thêm về “Điều 4 Hiến pháp” và các vấn đề liên quan, mà chỉ đề cập đến một ý… mới mẻ đến không ngờ. Vâng, nó nằm trong câu:
      “Tham gia đi khiếu kiện, biểu tình, ký đơn tập thể, thì nó là cái gì… ì?”
      Câu hỏi “thì nó là cái gì?” mang vẻ miệt thị. Đặc biệt, chữ “gì… ì” được ông Trọng dằn giọng kéo dài, như thể đay nghiến. Không hiểu, điều đó biểu lộ sự khó chịu, hay thể hiện rằng ông ấy thực sự không hiểu “khiếu kiện, biểu tình, ký đơn tập thể … là cái gì?” Bất luận vì lý do nào, thì việc người đứng đầu đảng cầm quyền đặt ra một câu hỏi như vậy cũng là một điều trầm trọng...

      Biểu tình và khiếu kiện, dù với tư cách cá nhân hay tham gia ký đơn tập thể, thì cũng đều là thực thi quyền hiến định, trong khuôn khổ pháp luật hiện hành, ông Trọng ạ! Nhân dân có quyền sử dụng các quyền hiến định đó, kể cả trong trường hợp ông hay ai đó cho rằng Hiến pháp chỉ để trang trí. Vì vậy, ông không thể “quy” việc họ “tham gia đi khiếu kiện, biểu tình, ký đơn tập thể” là “suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống”, rồi yêu cầu “các đồng chí quan tâm xử lý” được.

      Ông đã từng 5 năm làm Chủ tịch Quốc hội, “là cơ quan duy nhất có quyền lập hiến và lập pháp” (Điều 83, Hiến pháp 1992). Giờ đây ông là Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam, đứng ra điều khiển Quốc hội sửa đổi Hiến pháp. Những tưởng, phải có kiến thức tối thiểu về Hiến pháp và pháp luật, thì mới có thể đảm nhận hai trọng trách ấy. Ai dè, ông lại hỏi mấy quyền hiến định “nó là cái gì”, với ngụ ý quy tội “suy thoái” và đòi “xử lý”… Điều đó khiến mọi người, kể cả trong lẫn ngoài đảng, phải nghẹn ngào tủi hổ, vừa thương xót bản thân, vừa thấy tội nghiệp cho đồng bào mình quá, ông Trọng ạ!
      GS Hoàng Xuân Phú
      (Click tiêu đề xem toàn bài)

      Xóa
    2. Chúng ta đang chứng kiến các cuộc tấn công vào “Kiến nghị về sửa đổi Hiến pháp năm 1992“ và những người ghi tên ủng hộ. Chương trình thời sự ngày 20/3/2013 của VTV là một ví dụ điển hình. Nó công bố kết quả “điều tra sự thật” ở Thái Bình và Hà Tĩnh. Ngay trong câu mở đầu, người xem đã có thể nhận ra thái độ của VTV đối với bản kiến nghị đó:

      “Thưa quý vị và các bạn, thời gian gần đây, trên một số trang mạng đã xuất hiện cái gọi là Kiến nghị về sửa đổi Hiến pháp năm 1992 do một nhóm người soạn thảo và sau đó bản kiến nghị này được cho là đã có nhiều người ký tên ủng hộ, trong đó đông nhất là ở Hà Tĩnh và Thái Bình.”

      Nếu phỏng theo phong thái của VTV thì có thể mở đầu bài đáp lễ như sau:

      Thưa “cái gọi là” VTV, “cái gọi là Kiến nghị về sửa đổi Hiến pháp năm 1992″ không chỉ “xuất hiện” “trên một số trang mạng”, mà đã được một đoàn đại diện gồm 15 người (không đến nỗi vô danh) chính thức trao cho ông Lê Minh Thông, là Phó Chủ tịch Ủy ban Pháp luật của Quốc hội và Phó Trưởng Ban Biên tập dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, vào sáng ngày 4/2/2013 tại Văn phòng Quốc hội, 37 Hùng Vương, quận Ba Đình, Hà Nội. Đó là một hoạt động công khai, với tinh thần xây dựng và trách nhiệm cao, hưởng ứng đợt lấy ý kiến nhân dân về dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, đang được tổ chức trên toàn quốc. Sự kiện trao kiến nghị ấy đã được dư luận rất quan tâm và được báo chí “chính thống” đưa tin, ví dụ như báo Pháp luật Thành phố Hồ Chí Minh và báo Dân trí. Đặc biệt, báo Người lao động đã tường thuật với tiêu đề trang trọng: “Cơ hội tạo sức mạnh dân tộc“. VTV không thể không biết sự kiện ấy, và lẽ ra phải đưa tin để “phản ảnh kịp thời ý kiến đóng góp của nhân dân”, như đã viết trong Chỉ thị số 22-CT/TW của Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam (ĐCSVN). Thế nhưng, cái “được cho là” “đài truyền hình quốc gia” và mang tên là “Đài Truyền hình Việt Nam“ lại tỏ ra không hay biết, khi đó thì không hề đưa tin, và nay lại nhắc đến một cách miệt thị.

      Vâng, ta có thể tiếp tục phong thái mỉa mai của VTV cho đến cuối bài. Nhưng thôi, xin chuyển sang lối viết thuần túy xây dựng, với hy vọng giúp họ nhận ra hạn chế của mình mà rút kinh nghiệm, rồi cố gắng học thêm để trưởng thành, xứng đáng với những đồng tiền thuế thấm đẫm mồ hôi và nước mắt của nhân dân, phải bỏ ra nuôi họ và chi phí cho họ hành nghề. Tất nhiên, phải giả thiết rằng họ thực sự cầu thị và thành tâm muốn học hỏi. Còn nếu ai đó đinh ninh rằng mình đã giỏi và hiểu biết hơn người, thì sự tệ hại của tác phẩm chắc hẳn bám rễ sâu trong tâm hồn tác giả, khi đó khó lòng mà lay chuyển nổi.

      Sau đây tôi sẽ dùng đại từ “chư vị” để trao đổi với những ai tham gia tấn công “Kiến nghị về sửa đổi Hiến pháp năm 1992“và những người ghi tên ủng hộ, hay tham gia những chiến dịch tương tự để cản trở tiến trình dân chủ hóa xã hội tại Việt Nam. Tức là không chỉ trao đổi riêng với các vị đã làm chương trình thời sự 20/3/2013 của VTV, cũng không chỉ trao đối với các vị ở tầm biên tập viên hay phóng viên, mà với cả các cấp lãnh đạo của họ.
      (Click tiêu đề xem toàn bài)

      Xóa
  2. Điều 4 Hiến pháp CN XHCN Việt Nam ghi:
    Đảng cộng sản Việt Nam, đội tiên phong của giai cấp công nhân Việt Nam, đại biểu trung thành quyền lợi của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc, theo chủ nghĩa Mác - Lê Nin và tư tưởng Hồ Chí Minh, là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội.
    Mọi tổ chức của Đảng hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật.
    Nội dung của Điều 4 HP là: Đảng CSVN lãnh đạo Toàn diện và Tuyệt đối, sau đây gọi tắt là Điều 4, mà không hàm ý điều số 4.
    Câu hỏi đặt ra là có nhất thiết phải xóa bỏ Điều 4 không.
    Câu trả lời là: Không cần.
    Bằng chứng là Hiến pháp 1946 và Hiến pháp 1959 không chứa Điều 4 mà Đảng ta vẫn lãnh đạo toàn diện. Mặc dù không có điều 4, Đảng ta vẫn lãnh đạo thành công Cải cách ruộng đất; Cải tạo XHCN ở miền Bắc và sau 1975 kéo kinh tế miền Nam xuống bằng với kinh tế miền Bắc. Sau ngày Thống nhất đất nước, toàn dân đã bị khuất phục nên không cần ghi điều 4 vào Hiến pháp cho dài dòng.

    Từ năm 1956 xóa bỏ Bộ Tư pháp trong Chính phủ, đóng cửa trường Luật và các khoa luật trong các trường. Khí đó, có hay không có điều 4 cũng không có ý nghĩa. Đảng ta cai trị dân bằng Sắc lệnh và đặc biệt bằng Lệnh Miệng.

    Thời đó, ngoài Đảng CSVN giữ vai trò lãnh đạo toàn diện còn có 3 đảng chính trị khác là: Đảng Dân chủ, đảng Xã hội và đảng Nhân dân Cách mạng.

    Đảng Dân chủ do ông Nghiêm Xuân Yêm làm Tổng thư ký (tiền nhiệm là ông Dương Đức Hiền). Ông Trần Đăng Khoa là đảng viên Đảng CSVN, tuy giữ chức vụ Phó tổng thư ký nhưng có quyền hạn như là Chính ủy trong lòng đảng Dân chủ.

    Đảng Xã hội do ông Nguyễn Xiển làm Tổng thư ký. Ông Hoàng Minh Giám có vai trò trong đảng Xã hội giống như ông Trần Đăng Khoa bên đảng Dân chủ.

    Cả hai đảng Dân chủ và Xã hội có đặc điểm chung:
    - Không kết nạp đảng viên mới
    - Những đảng viên hiện tại không được ra khỏi đảng
    - Chịu sự lãnh đạo trực tiếp của Trung ương đảng CSVN.

    Đảng Nhân dân Cách mạng là thực chất là đảng bộ miền Nam của Đảng CSVN (khi đó có tên là Lao động), là lãnh đạo chính trị của Mặt trận Giải phóng miền Nam. Lãnh tụ của đảng này là Chủ tịch Võ Chí Công.

    (Xin độc giả lưu ý danh xưng của người đứng đầu của các đảng: Bí thư thứ nhất, Tổng thư ký và Chủ tịch.)

    Điều 4 được thêm vào Hiến pháp có tính chất thời sự lúc đó: Hiệp định hợp tác toàn diện với Liên xô, xem Liên xô là hòn đá tảng trong quan hệ quốc tế. Điều 4 thêm vào Hiến pháp để đồng bộ với Điều 6 của Hiến pháp Liên xô.

    Tuy nhiên, Điều 4 chỉ có tính hình thức, do Lực lượng vũ trang, từ Quân đội (bao gồm cả Hải quân và Không quân), Cảnh sát và An ninh đều do Đảng CSVN lãnh đạo toàn diện và kiểm soát tuyệt đối.

    Muốn thay đổi một điều trong Hiến pháp đòi hỏi phải nhiêu khê về thủ tục Trung cầu dân ý. Và khi không còn điều 4 nữa sẽ gây hiểu lầm về vai trò Làm bộ mặt dân chủ của các Đại biểu ngoài đảng được cơ cấu vào Quốc hội.

    Trả lờiXóa
  3. Câu hỏi mà nhiều đảng viên có lòng với vận mệnh đất nước hiện nay quan tâm là nếu bỏ điều 4 hiến pháp thì số phận của Đảng Cộng Sản Việt Nam ra sao? Những đảng viên thuộc nhiều thế hệ sẽ như thế nào và liệu họ có thoát khỏi dòng chảy đào thải của cuộc thay đổi này hay không?

    Sự sụp đổ chế độ Cộng sản tại Liên xô và Đông âu cho thấy không có bất cứ cuộc tắm máu nào hay sự rối loạn xã hội bởi thay đổi thể chế cầm quyền. Lý do mà nhiều nhà nghiên cứu lịch sử đưa ra là các cuộc cách mạng ấy diễn tiến trong nội bộ của Đảng Cộng sản Liên xô và tác động lên các nước còn lại. Nguồn gốc của những cuộc cách mạng này nằm trong tính tất yếu của các cuộc vận động lịch sử, khi sự tha hóa, độc tài đã đến lúc chín rã thì phải bị đào thải bởi các dòng chảy cách mạng của nhân dân. Chân lý này đã xảy ra trong quá khứ và không nghi ngờ gì nó sẽ lập lại khi điều kiện đã chín muồi và không ai, thế lực nào có khả năng năng ngăn lại sự chín muồi đó.

    Bản dự thảo hiến pháp rõ ràng là một sự chín muồi có điều kiện. Những nhận thức từ căn bản của một hiến pháp không phù hợp với tiêu chí của các nước văn minh đã và đang trì kéo sức bật của cả dân tộc, vì vậy nếu thay đổi đúng với tinh thần một bản hiến pháp cần có thì đảng cầm quyền hiện tại phải chấp nhận trò chơi công bằng của các đảng phái chính trị ngang hàng nhau trong mọi điều kiện để cạnh tranh một cách công bằng hầu cải thiện đời sống dân chủ của người dân.

    Đìêu kiện cần có ấy sẽ gây ra tổn thất cho nhiều bên, trong đó không thể không nhắc tới Đảng Cộng sản Việt Nam.

    Mất mát tất cả quyền lực hiện nằm trong tay và viễn ảnh về hưu cay đắng không dễ gì thuyết phục người ta chấp nhận như Miến Điện đang thay đổi, mặc dù trước đây ít lâu chính quyền Miến được xem độc tài và bạo chúa gấp nhiều lần Việt Nam. Câu hỏi về niềm tin sẽ thay đổi tư duy của đảng cầm quyền có làm cho những vị vận động bản dự thảo hiến pháp nghĩ đến hay không được Giáo sư Nguyễn Huệ Chi trả lời:

    Chúng tôi từ lâu đã suy nghĩ về những điều ấy nhưng vận động của lịch sử là một cái gì không thể cưỡng được cho nên tôi nghĩ là Đảng Cộng sản Việt Nam đứng trước những thách thức về dân chủ và về quyền con người, quyền công dân. Nếu như mình tranh thủ được sự đồng tình của toàn dân thì Đảng Cộng sản sẽ giữ được vai trò lãnh đạo như trước. Cho nên không có sự gì gọi là xáo trộn, làm cho những người cộng sản tự biến mất vị trí, hoàn toàn không.

    Chúng ta chỉ thực hiện quyền bình đẳng dân chủ trước pháp luật của toàn dân và người Cộng sản muốn đóng được vai trò trách nhiệm trước lịch sử thì họ phải làm thế nào cho xứng đáng với tư cách người lãnh đạo của một đất nước có công bằng, dân chủ, văn minh không thoái hóa về nhiều phương diện thì đương nhiên người cộng sản sẽ vẫn được tín nhiệm như thường. Vì thế tôi không nghĩ có một sự xao trộn gì lớn trong việc này và Đảng Cộng sản Việt Nam chắc chắn phải phấn đấu nhiều hơn, đưa hết sức lực ra thì tự nhiên họ sẽ giữ đựơc vị trí của mình thôi.

    Giả thuyết về sự mất trắng quyền bính của Đảng Cộng sản cũng như ba triệu đảng viên của nó là lực cản lớn nhất cho dự thảo thay đổi hiến pháp lần này được Giáo sư Tương Lai giải thích:

    Không nên khẳng định nếu bản hiến pháp này thông qua thì quyền bính của họ mất trắng vì nói như vậy cũng không sát với kiến nghị của chúng tôi. Kiến nghị của chúng tôi trong đó có những người là Đảng viên như bản thân tôi. Tôi không kiến nghị về việc bác bỏ sự lãnh đạo của một Đảng nếu Đảng Cộng sản Việt Nam vẫn được nhân dân tin phục thông qua trưng cầu dân ý và bỏ phiếu tín nhiệm. Việc Đảng cầm quyền chấp nhận cạnh tranh chính trị là phù hợp với xu thế lịch sử. Là điều kiện cho sự phát triển của đất nước, đáp ứng đòi hỏi của nhân dân kể cả các Đảng viên trung thực của Đảng Cộng sản Việt Nam trước bối cảnh hiện nay của đất nước.
    (Click tiêu đề xem toàn bài)

    Trả lờiXóa
  4. Đã muốn quên những lời nói trên diễn đàn và đó đây, không đáng nhớ, nhưng nó cứ như cái gai đâm vào chân thỉnh thoảng làm nhói đau. Trường hợp nhà chính khách Nguyễn Minh Triết là như vậy. Ông đã để lại nhiều câu nói, những lý giải rất “minh triết”!

    Chiều qua họp tổ dân phố, nghe phổ biến về việc lấy ý kiến đóng gióp sửa đổi Hiến pháp. Một người phát biểu là cần phải sửa điều…”; nhưng chưa nói xong, thì một cán bộ đứng phắt dậy quát: “Sừa, là thế nào? Không nghe nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết nói sửa Điều 4 Hiến pháp là tự sát à?”.

    Mọi người ngơ ngác, quay qua hỏi tôi: “Này nhà báo, có chuyện đó à?”. Tôi Trả lời: “Vâng!”. Một người dân bèn châm rãi nói : “Thế hóa ra đảng muốn dân mình tự sát à? Mười người thì chín yêu cầu sửa Điều 4 Hiến pháp?”.
    Câu nói ấy khiến suốt đêm tôi không ngủ, cứ suy nghĩ về ông Nguyễn Minh Triết.

    Chính ông đã nói: “Xóa bỏ điều 4 Hiến pháp là đồng nghĩa với tự sát!”. Câu nói của nguyên Chủ tịch nước đang là một vật cản lộ trình dân chủ. Bởi thế tôi muốn thử liệt kê lại những phát biểu của ông Nguyễn Minh Triết xem nó có “minh triết” không?

    Trước hết về Điều 4 Hiến Pháp, mà ông Nguyễn Minh Triết nói “Xóa đi là đồng nghĩa với tự sát”.
    Điều 4 trong Hiến Pháp nước CHXHCN Việt Nam năm 1992, Nhà xuất bản chính trị quốc gia 2005, bản sửa đổi, có đoạn viết: “Đảng cộng sản Việt Nam là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội. Mọi tổ chức của đảng hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật”.

    Như vậy quyền lực của Đảng cộng sản Việt Nam bao trùm tất cả. Nhà nước do đảng lập ra, là của đảng,vì đảng, một đội ngũ chỉ chiếm 4% dân số. Điều này hoàn toàn trái với Điều 2 của Hiến pháp, khẳng định: “Nhà nước CHXHCN Việt Nam, là Nhà nước pháp quyền XHCN của dân, do dân, vì dân. Tất cả quyền lực Nhà nước thuộc về nhân dân!”
    (Click tiêu đề xem toàn bài)

    Trả lờiXóa
  5. Bởi việc quy định Điều 4, rõ ràng là những cuộc bầu cử dân chủ đều vô nghĩa. 14 người trong Bộ chính trị quyết định mọi chức danh, từ việc bao nhiêu ghế, ông nào trúng đại biểu quốc hội, ông nào làm thủ tướng… từ đó sinh ra độc tài, lạm quyền, tham nhũng…

    Người có quyền chỉ “sợ trách nhiệm trước người giao quyền cho họ”, và việc nếu họ có được quyền lực không phải từ dân thông qua các cuộc bầu cử dân chủ thì họ cũng sẽ không chịu trách nhiệm trước dân, mà họ chỉ chịu trách nhiệm trước Đảng (theo nghĩa hẹp hơn, trước những người lãnh đạo Đảng đã “cơ cấu” cho họ).

    Việc không quy định Điều 4 là việc trước sau gì cũng phải làm, là xu thế chung của bất kì quốc gia dân chủ nào. Không quy định Điều 4, xây dựng chế độ chính trị đa đảng không phải là xóa bỏ sự hoạt động của Đảng Cộng sản VN, mà khi ấy những người có tài, có đức trong xã hội sẽ trở thành những lãnh đạo do dân chọn. Và đó cũng là con đường mà những người có tài, tâm trong Đảng ra tranh cử. Chứ không phải như việc có vị trí nhờ “cơ cấu” của Đảng thông qua “mối quan hệ, chạy chức chạy quyền” như hiện nay.

    Nếu không xóa bỏ được Điều 4, mặc nhiên Đảng CS lãnh đạo thì những góp ý sửa đổi Hiến pháp chỉ như là thay chút nước sơn, chứ không phải là thay cái cột sống.

    Chỉ khi đa đảng, mọi vấn đề mới được tháo gỡ, nền tảng đầu tiên để xây dựng nhà nước. Thông qua các cuộc cạnh tranh chính trị, người dân sẽ chọn những người, Đảng có chính sách tốt cho dân tộc, nhân dân. Các đảng phái đối lập tồn tại để phản biện lại các chính sách của đảng cầm quyền, và truyền tải tới người dân.

    Hiện nay, những tiếng nói phản biện chỉ là đơn lẻ, không đủ sức mạnh để phản biện chính sách do vậy thường bị chính quyền sách nhiễu. Cái quan trọng nhất của phản biện là trong Nghị trường, quyết định tới việc thông qua chính sách. Chỉ khi đó, các quyền lợi của các đảng “chạm với quyền lợi của dân” mới được thông qua.

    Bởi khi đó, nhân dân sẽ giám sát những cuộc phản biện minh bạch, và người Nghị sỹ sẽ phải chịu trách nhiệm với dân thông qua cơ chế giải trình.

    Ở Việt Nam hiện nay, tuy có 3 hệ thống cơ quan quyền lực đại diện cho 3 nhánh quyền lực lập pháp, hành pháp và tư pháp nhưng 3 quyền này lại tập trung trong tay Đảng, mà cao nhất là Bộ chính trị. Các lãnh đạo chủ chốt của 3 cơ quan đều là Đảng viên.

    Người làm thẩm phán ở các quốc gia dân chủ không được tham gia đảng phái nào, thì ở Việt Nam, tuy không quy định trong văn bản luật nhưng trên thực tế họ thương là đảng viên. Và cơ chế thủ trưởng chế vẫn còn tồn tại thông qua cách thức bổ nhiệm thẩm phán. Như vậy, Đảng là người “vừa đá bóng, vừa cầm còi”.

    Trong khi ở các nước dân chủ, thẩm phán có quyền ra lệnh trát bắt các chính trị gia nếu vi phạm pháp luật, thì ở Việt Nam, giả sử phát hiện ra một lãnh đạo sai phạm (lãnh đạo là Đảng viên), các cơ quan tư pháp bị tước mất quyền tiến hành các thủ tục tố tụng áp dụng đối với những người khác, mà thay vào đó là việc Đảng tiến hành các quy trình riêng của mình (như họp để kỷ luật…), từ đó sẽ sinh ra bao che.

    Ngoài ra, khi có ý kiến của Đảng thì các cơ quan tư pháp (Cơ quan Điều tra, Viện Kiểm sát, Tòa án) họp “liên ngành” để thực hiện ý kiến chỉ đạo của Đảng. Nếu lãnh đạo Đảng cho phép tiến hành tố tụng, hay đưa ra phương hướng xử lý thì các cơ quan này sẽ phải theo. Và phiên tòa chỉ như những “vở kịch”.
    (Click tiêu đề xem tòan bài)

    Trả lờiXóa
  6. Tôi viết bài này sau 1 tháng từ khi biết được có dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 và dự thảo này cần lấy ý kiến rộng rãi trong nhân dân. Trong 1 tháng tìm hiểu tôi thật thất vọng về mình – tôi hoàn toàn không đưa ra được lý do vì sao phải sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Do đó, theo ý kiến cá nhân tôi để việc lấy ý kiến rộng rãi trong nhân dân đạt chất lượng tốt, tôi nghĩ trước khi ban hành dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 thì Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 cần đưa ra, công bố cho nhân biết vì sao phải sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Hiến pháp này sai, đúng, không phù hợp ở điểm nào trong tình hình hiện nay và trong nhiều năm tới. Đưa ra vấn đề này để dân biết, dân bàn, dân mới góp ý, dân mới kiểm tra được.

    Còn như hiện nay thì dân mù tịt khi đọc dự thảo và tôi chắc rằng cũng chẳng hi vọng gì về sức dân.

    Tiếp nữa là góp ý về cách làm khi lấy ý kiến nhân dân về góp ý dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Theo cách làm hiện nay là không ổn vì chỉ công bố dự thảo sửa đổi và đưa cho dân trả lời theo hình thức trắc nghiệm ở từng đơn vị, từng tổ dân phố. Nói thật, cách làm như vậy có lỗi với dân quá vì nhân dân chân lấm tay bùn, lâu nay họ làm quần quật lo cho từng bữa ăn, có bao giờ họ biết Hiến pháp là cái gì đâu. Vậy họ sẽ góp ý sửa đổi Hiến pháp như thế nào đây?

    Theo tôi mỗi tỉnh, thành phố đều có những người đại diện của dân – Hội đồng nhân dân, những người này cần bỏ thời gian, bỏ công sức nghiên cứu, tìm hiểu, hỏi ý kiến chuyên gia từng lĩnh vực, cộng đồng và phải nêu ra cho dân biết là sửa Hiến pháp lại như này, như kia thì đời sống nhân dân sẽ cải thiện ở đời sống, xã hội, văn hóa, kinh tế, chính trị, làm cho dân mình giàu lên, nước mạnh lên. Sau đó, Hội đồng nhân dân tỉnh, thành công bố cho dân xem và giải thích cho dân đồng thuận và ghi lại các ý kiến khác thì lúc đó mới gọi là lấy ý kiến. Cách làm này hiệu quả, dân cũng hả hê vì được hiểu về Hiến pháp và cũng cảm thấy sướng vì mình được góp chút ý sức hèn mọn cho công cuộc phát triển đất nước. Sau này dù thế nào họ vẫn bảo vệ Hiến pháp ấy.

    Là 1 người có quan tâm về việc lấy ý kiến dự thảo sửa đổi Hiến pháp lần này, tôi xin gửi đến Nhóm khởi xướng đề xuất của mình. Có thể suy nghĩ của tôi thiếu chính xác hoặc không nắm được thông tin nhưng tôi hi vọng Nhóm khởi xướng bỏ chút thời gian phản hồi giúp tôi để tôi được khai trí.
    Xin chân thành cảm ơn.
    Giang Nam
    Lời bình trên trang ABS:Bài ngắn mà cho thấy nổi lên một màn lừa bịp khổng lồ!

    Trả lờiXóa
  7. Ý KIẾN THỨ BA: Dẫu biết rằng nhiều người không muốn nói đến một vấn đề khá tế nhị và không phải dễ phát biểu, tôi cũng xin mạnh dạn đề cập. Đó là vấn đề đảng lãnh đạo. Chúng tôi nghĩ đã đến lúc cần lựa chọn: Một Hiến pháp theo mô hình chuyên chính vô sản, do Đảng cộng sản lãnh đạo, hay một Hiến pháp dân chủ pháp quyền? Nửa vời thì sẽ tự mâu thuẫn. Tôi không có thì giờ phân tích kĩ ở đây, nhưng rõ ràng có rất nhiều mâu thuẫn trong bản dự thảo Hiến pháp hiện nay. Không chỉ là mâu thuẫn, mà còn có nhiều chỗ phản ảnh không thật và nhiều điều bị che giấu đằng sau những ngôn từ của văn bản. Vì, nếu đã giữ điều 4, tức là giữ điều nói đảng là lực lượng lãnh đạo của Nhà nước và xã hội, thì cần có một chương qui định rõ ràng về đảng lãnh đạo. Để trung thực với dân tộc thì cần nói rõ đảng lãnh đạo là như thế nào? Trong điều kiện đó, quốc hội có còn là cơ quan quyền lực cao nhất nữa không? Hay đảng là cơ quan quyền lực cao nhất, còn quốc hội chỉ là cơ quan thể chế hóa các nghị quyết của đảng? Những điều như vậy cần được ghi rõ thành những điều trong Hiến pháp, có vậy mới sòng phẳng và trung thực với nhân dân. Nếu không làm như vậy, thì Hiến pháp sẽ là hình thức và sự chuyên quyền tùy tiện sẽ thực tế ngự trị như ta đã biết từ trước đến nay. Còn nếu quả thực đã thừa nhận Quốc hội là cơ quan quyền lực cao nhất thì để không mâu thuẫn, phải không có điều 4. Trong trường hợp đó đảng phải giành quyền lãnh đạo bằng sự tín nhiệm, bằng cách ra ứng cử Quốc hội trong cuộc bầu cử thực sự tự do và bình đẳng, và giành đa số trong Quốc hội. Đảng lãnh đạo, như vậy, là phải đứng trong dân tộc, nằm trong dân tộc, cùng với dân tộc để tranh quyền lãnh đạo, chứ không phải tự đặt mình đứng trên dân tộc, đứng ngoài dân tộc, đứng trên Nhà nước để tự áp đặt quyền lãnh đạo của mình. Thế là công minh và minh bạch. Như thế, tôi chắc rằng uy tín của đảng sẽ cao hơn. Biết bao thời kỳ trước đây, làm gì có điều qui định trong Hiến pháp là đảng lãnh đạo, mà đảng vẫn được nhân dân thừa nhận, và rõ ràng uy tín của đảng hồi đó cao hơn cả thời kỳ mà sự lãnh đạo được ghi vào Hiến pháp. Tôi không chống lại sự lãnh đạo của đảng. Tôi mong muốn có một đảng với tư cách là một lực lượng chính trị có tổ chức và có kinh nghiệm, có trí tuệ và có năng lực tập họp, giành được sự tín nhiệm của nhân dân và lãnh đạo đất nước trong một thể chế dân chủ. Nhưng tôi cũng không mong có một đảng tự áp đặt quyền lãnh đạo tối cao, bất chấp mọi luật pháp, đứng trên Nhà nước. Điều đó chỉ làm giảm uy tín của đảng và đưa thiệt thòi đến cho dân tộc mà thôi.
    GS PHAN ĐÌNH DIỆU
    (Trích phát biểu tại Hội nghị ủy ban Trung ương Mặt trận Tồ quốc Việt nam ngày 12 tháng 3 năm 1992)
    Click tiêu đề xem toàn bài

    Trả lờiXóa
  8. Chương trình Thời sự VTV1, 19h, ngày 25/2 đưa phát biểu tại Vĩnh Phúc của TBT ĐCS Việt Nam Nguyễn Phú Trọng như sau: “Vừa rồi đã có các luồng ý kiến cũng có thể quy vào được là suy thoái chính trị, tư tưởng, đạo đức … Xem ai có tư tưởng muốn bỏ Điều 4 Hiến pháp không, phủ nhận vai trò lãnh đạo của đảng không? Muốn đa nguyên đa đảng không? Có tam quyền phân lập không? Có phi chính trị hóa quân đội không? Người ta đang có những quan điểm như thế, đưa cả lên phương tiện thông tin đại chúng đấy. Thì như thế là suy thoái chứ còn gì nữa!”(*)

    Bằng tất cả sự tôn trọng với người đang đứng đầu một đảng chính trị của VN, tôi xin nói với ông Nguyễn Phú Trọng vài lời như sau:

    Đầu tiên, cần phải xác định, ông đang nói với ai? Nếu ông nói với nhân dân cả nước thì xin khẳng định luôn là ông không có tư cách. Ông là Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam, nếu muốn dùng hai chữ “suy thoái” thì cùng lắm là ông chỉ có thể nói với những người đang là đảng viên cộng sản, ông không đủ tư cách để nói lời đó với nhân dân cả nước. Nếu ông và các đồng chí của ông muốn giữ Điều 4, muốn giữ vai trò lãnh đạo, muốn chính trị hóa quân đội, không muốn đa đảng, không muốn tam quyền phân lập, thì đó chỉ là ý muốn của riêng ông và ĐCS của ông. Ông không thể quy kết rằng đó là ý muốn của nhân dân Việt Nam. Tuy nhiên, cũng cần phải nhấn mạnh rằng, những ý muốn trên chỉ nên xem là của riêng ông TBT Trọng, chưa chắc đã là tâm nguyện của toàn bộ đảng viên cộng sản hiện nay.

    Tiếp theo, xin đi vào nội dung, ông nói suy thoái về đạo đức. Tôi muốn hỏi ông, đạo đức của ông đang muốn nói là đạo đức nào? Đạo đức làm người? Đạo đức công dân? Đạo đức dân tộc VN? … Tôi tạm đoán là ông đang muốn nói đến đạo đức người cộng sản của các ông. Vậy, các ông cho rằng chỉ có đạo đức cộng sản của các ông là đạo đức đích thực? Thế ra, cha ông tổ tiên chúng ta, khi chưa có chủ nghĩa cộng sản vô đạo đức hết à? Thế ra, những người không theo đảng cộng sản trên thế giới là vô đạo đức hết à?

    Tiếp theo, xin đi vào nội dung suy thoái chính trị, tư tưởng. Tôi muốn hỏi ông, chính trị, tư tưởng ông đang muốn nói là chính trị, tư tưởng nào? Có phải chính trị, tư tưởng của đảng cộng sản? Vậy ra chỉ có đảng cộng sản của các ông là duy nhất đúng à? Cá nhân tôi cho rằng, không một người có lương tri bình thường nào thừa nhận như thế. Cùng lắm ông chỉ có thể nói với các đảng viên cộng sản như vậy, nhưng ngay cả với các đảng viên cộng sản, ông cũng không thể quy kết tội suy thoái cho họ. Nếu không tin, ông thử đọc lại Cương lĩnh chính trị và Điều lệ đảng các ông ban hành xem. Không có điều nào nói xóa bỏ Điều 4 là suy thoái, muốn đa nguyên về chính trị là suy thoái, muốn phi chính trị hóa quân đội là suy thoái, chỉ có tham ô, tham nhũng… đi ngược lại lợi ích của nhân dân là suy thoái. Ông đương kim tổng bí thư ĐCS VN thử đọc lại và nghĩ lại chỗ này xem.

    Bây giờ, tôi trân trọng tuyên bố những điều tôi muốn:

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. 1- Tôi không chỉ muốn bỏ Điều 4 trong Hiến pháp hiện hành, mà tôi muốn tổ chức một Hội nghị lập hiến, lập một Hiến pháp mới để Hiến pháp đó thực sự thể hiện ý chí của toàn dân Việt Nam, không phải là ý chí của đảng cộng sản như Hiến pháp hiện hành.

      2- Tôi ủng hộ đa nguyên, đa đảng, ủng hộ các đảng cạnh tranh lành mạnh vì tự do, dân chủ, vì hòa bình, tiến bộ của dân tộc Việt Nam, không một đảng nào, lấy bất cứ tư cách gì để thao túng, toàn trị đất nước.

      3- Tôi không chỉ ủng hộ xây dựng một chính thể tam quyền phân lập mà còn muốn một chính thể phân quyền theo chiều dọc, tức là tăng tính tự trị cho các địa phương, xây dựng chính quyền địa phương mạnh, xóa bỏ các tập đoàn quốc gia, các đoàn thể quốc gia tiêu tốn ngân sách, tham nhũng của cải của nhân dân, phá hoại niềm tin, ý chí và tinh thần đoàn kết dân tộc.

      4- Tôi ủng hộ phi chính trị hóa quân đội. Quân đội là để bảo vệ nhân dân, bảo vệ tổ quốc, bảo vệ cương vực, lãnh thổ không phải bảo vệ bất cứ một đảng phái nào.

      5- Tôi khẳng định mình có quyền tuyên bố như trên và tất cả những người Việt Nam khác đều có quyền tuyên bố như thế. Tôi khẳng định, mình đang thực hiện quyền cơ bản của con người là tự do ngôn luận, tự do tư tưởng; quyền này mỗi người sinh ra đã tự nhiên có, nó được nhân dân Việt Nam thừa nhận và tôn trọng; quyền này không phải do đảng cộng sản của các ông ban cho, nên các ông cũng không có quyền tức đoạt hay phán xét nó. Vì thế, tôi có thể xem những lời phán xét trên của ông, nếu có hướng đến tôi là một sự phỉ báng cá nhân. Và tôi cho rằng, những người nào chống lại các quyền trên là phản động, là đi ngược lại với lợi ích của nhân dân, dân tộc, đi ngược lại xu hướng tiến bộ của nhân loại.
      Nguyễn Đắc Kiên – Nhà báo, báo Gia Đình & Xã Hội

      Xóa
    2. Mô Phật! Một lần nữa, tôi nghe mà không tin vào lỗ tai mình! (lần trước, ông Trọng hể hả về chuyến đi một số nước châu Âu và Vatican: “Mình phải vị thế thế nào thì người mới thế chứ”; đã đề cập qua bài “Cái tầm của Tổng Bí thư”; nhiều người nhận xét ông Trọng như “trẻ con”).

      Gác sang một bên chuyện chụp mũ, hăm dọa, trấn áp, bịt miệng, nhồi sọ… trong câu nói trên. Xin chỉ bàn đúng sai trong quan niệm về đạo đức, dưới nhãn quang của những người “cách mạng”...

      Mọi người có lương tri đều hiểu, chủ trương duy trì nền độc tài đảng trị, các lãnh đạo đảng CSVN triệt tiêu mọi nguồn lực trí tuệ bất phục tùng chủ nghĩa cộng sản. Không có đa nguyên, không có cạnh tranh thì trì trệ, xơ cứng là tất yếu. Điều đó không chỉ đúng trong chính trị – xã hội, mà đúng trong mọi lĩnh vực, kể cả tự nhiên. Giáo điều và xơ cứng, chủ trương kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo, đảng làm hao tổn khổng lồ tài nguyên, tiền vốn, kỹ thuật, chất xám và nhân lực… vào những Vinashin, Vinalines… vô chủ, cha chung không ai khóc – những bồ thóc béo bở của lũ chuột tham nhũng. Chủ trương nhà nước độc quyền sở hữu đất đai, đảng tạo cơ hội “vàng” cho đám tham quan câu kết với các chủ đầu tư “đục nước béo cò”, tước đoạt tàn bạo hàng triệu ha ruộng đất, nhà ở và phương kế sinh nhai truyền thống của hàng triệu hộ dân.

      Muốn duy trì điều 4 trong Hiến pháp, ông Trọng muốn giữ độc quyền đảng trị. Tuy nhiên, không ít đảng viên, kể cả không ít đảng viên cấp cao, đều biết rõ cái độc quyền ấy thực chất chỉ cốt duy trì quyền uy chính trị và đặc quyền đặc lợi vật chất cho những đảng viên có chức quyền biến chất. Hầu hết các đảng viên cấp thấp, không có chức quyền, không đặc quyền đặc lợi, hoặc có chức quyền nhưng lại có lương tri đều băn khoăn, lo lắng cho vận mệnh của đất nước trước hiện tượng suy thoái đạo đức của “một bộ phận không nhỏ” đảng viên hiện nay. Không ít đảng viên tâm huyết và có trí thức nhận ra sự thật phũ phàng: quay lưng với mọi thành tựu chính trị – xã hội của nhân loại (đa nguyên chính trị, tam quyền phân lập, phi chính trị hóa quân đội), đảng CSVN đã quá lạc hậu, xơ cứng, bế tắc về đường lối, đang bị những kẻ vô liêm sỉ, cơ hội xấu xa núp bóng để đục khoét tham nhũng trắng trợn, trở thành vật cản kìm hãm vô cùng tai hại cho sự phát triển đi lên của đất nước, làm Việt Nam càng ngày càng tụt hậu và trở nên xa lạ so với khu vực và thế giới.

      Đảng CSVN có hơn 3 triệu đảng viên, và số đảng viên hưởng đặc quyền đặc lợi chỉ là một phần trong số đó, trong khi cả nước có gần 90 triệu dân. Giữ điều 4 Hiến pháp là gì, nếu chẳng phải là khư khư độc quyền đảng trị như “đười ươi giữ ống”, giữ lợi ích bất chính cho một thiểu số người, bất chấp phương hại nặng nề tự do, hạnh phúc của nhân dân, kéo lùi tương lai phát triển của đất nước?

      Như vậy, theo nhận thức của người viết bài này, rõ ràng quan điểm trên về đạo đức của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu ở Vĩnh Phúc hoàn toàn trái ngược với quan điểm của Hồ Chí Minh trong bài viết “Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân”. Chúa ơi! Tôi ước gì mình nhận thức sai, chứ cỡ Tồng Bí thư mà cũng nhận thức sai thì nguy to rồi!
      VÕ VĂN TẠO
      (Click tiêu đề xem toàn bài)

      Xóa
    3. Ông Nguyễn Đắc Kiên, phó phòng, biên tập viên trang báo mạng của báo Gia đình & Xã hội vừa bị buộc thôi việc vì viết nhận xét trên blog phản đối lập luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về sự ‘suy thoái’.
      Tờ báo Gia đình & Xã hội ra thông cáo chưa đầy một ngày sau khi ông Nguyễn Đắc Kiên đăng bài viết với tựa đề “Vài lời với TBT ĐCS VN Nguyễn Phú Trọng” trên mạng internet.
      Ông Nguyễn Đắc Kiên nói bản thân ông hoàn toàn nhận thức hệ quả của việc viết bài viết trên.
      Sau khi nghe bài phát biểu của ông Tổng bí thư ĐCSVN Nguyễn Phú Trọng, với tư cách là công dân của nước Việt Nam, rất bất bình trước sự quy chụp về suy thoái lý tưởng, đạo đức,” ông nói.

      “Tôi sống ở Việt Nam từ nhỏ, làm báo từ năm 2006 đến giờ. Tôi nhận thức được hệ quả sẽ đến với tôi.”
      Nhưng tôi khẳng định tôi viết bài này, cũng như những bài khác trên blog, hoàn toàn do mệnh lệnh đạo đức của tôi.
      Bài viết của ông Kiên cho rằng “không có điều nào nói xóa bỏ Điều 4 là suy thoái, muốn đa nguyên về chính trị là suy thoái, muốn phi chính trị hóa quân đội là suy thoái, chỉ có tham ô, tham nhũng… đi ngược lại lợi ích của nhân dân là suy thoái.”
      Tác giả nói: “Tôi không chỉ muốn bỏ Điều 4 trong Hiến pháp hiện hành, mà tôi muốn tổ chức một Hội nghị lập hiến, lập một Hiến pháp mới.”

      Thông cáo của báo Gia đình & Xã hội nói “anh Nguyễn Đắc Kiên (nguyên phóng viên) vi phạm Quy chế hoạt động của Báo và Hợp đồng lao động nên Hội đồng Kỷ luật của Báo Gia đình & Xã hội đã họp và ra Quyết định kỷ luật, buộc thôi việc đối với anh Nguyễn Đắc Kiên”.
      “Hiện nay anh Nguyễn Đắc Kiên không còn tư cách là phóng viên Báo Gia đình & Xã hội và tự chịu trách nhiệm cá nhân trước pháp luật với các hành vi của mình.”

      Khi BBC liên lạc chiều ngày 26/2, Tổng Biên tập báo, ông Lê Cảnh Nhạc, từ chối trả lời về vụ việc.
      Viết trên trang Facebook cá nhân của mình, ông Nguyễn Đắc Kiên nói: “Tôi hiểu và tôn trọng quyết định của lãnh đạo báo.”
      “Nếu ở cương vị của họ, có thể tôi cũng phải làm thế. Tôi hiểu là mọi thứ còn chưa bắt đầu,” ông Kiên viết.
      Trong cuộc phỏng vấn với BBC tiếng Việt, ông Kiên cũng nói mong muốn của ông trước mắt là tiếp tục được đọc và nghiên cứu để tìm hiểu thêm về lịch sử và thể chế của Việt Nam.
      ”Như tôi đã nói trong một bài blog trên website của mình, con đường đến với dân chủ tự do là con đường đòi hỏi cần rất nhiều sự kiên nhẫn và tôi vẫn theo đuổi con đường đó”
      (Click tiêu đề xem toàn bài)

      Xóa
    4. Nhà văn Võ Thị Hảo: «Trước đây, tôi có phụ trách nội dung ở tờ Gia đình & Xã hội trong hai năm. Tôi rất tiếc là cái thời tôi làm việc ở đó, thì bạn Nguyễn Đắc Kiên chưa về báo Gia đình & Xã hội. Nếu mà tôi có một nhân viên như Nguyễn Đắc Kiên, thì tôi sẽ vô cùng hân hạnh, tôi sẽ rất hạnh phúc, bởi vì người trung thực, dám nói lên tiếng nói chân thành, ở Việt Nam bây giờ vô cùng hiếm. Và nếu mà trong tòa báo, hay bất kỳ cơ quan nào có một con người trung thực như thế, thì rất là đáng quý. Tôi thấy rất là vui, và rất là khâm phục, bởi vì, chưa nói đến đúng sai như thế nào, nhưng mà anh ấy đã rất dũng cảm.

      Mà tôi nghĩ rằng trong một thể chế được xưng là “Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Độc lập – Tự do – Hạnh phúc”, thì cái việc mà một người không bằng lòng với ý kiến của một người nào đó, dù đó là lãnh đạo hay là một dân thường, thì đó là chuyện quá bình thường, có gì đâu? mà tại sao lại có thể?… Anh ấy vừa đưa lên mạng một bài như vậy, bày tỏ chính kiến của anh ấy, thế mà báo Gia đình & Xã hội đã sa thải anh ấy nhanh thế ?!

      Theo tôi được biết, đấy là trái luật lao động và như thế là vi phạm quyền con người. Nếu mà muốn sa thải, theo luật lao động, thì thứ nhất vi phạm đó phải nặng ở mức độ nào, chứ không phải vấn đề phát ngôn. Nếu anh ấy làm sai, lấy chứng cứ sai, viết bài sai, vu cáo cho người khác, thì cũng phải nhắc nhở, cũng phải có một nhắc nhở có hệ thống, có quá trình, theo đúng luật lao động mà làm. Sao tự dưng lại sa thải ngay một người như thế ? Tôi nghĩ như thế là trái với luật lao động, như thế chứng tỏ là con người lao động ở Việt Nam đã bị đối xử như thế nào. Trong khi đó, có những tờ báo như tờ Tuổi trẻ hay Thanh niên, khi có vấn đề gì, họ cũng đã bị rất nhiều áp lực, nhưng họ cũng bình tĩnh họ xem xét lại, họ xem phóng viên của họ sai hay đúng ở mức độ nào. Chẳng hạn như trường hợp một số người, thậm chí họ bị tù, sau khi ra tù tờ báo vẫn tạo điều kiện cho họ có lại công ăn việc làm, thậm chí giữ lại chức vụ của họ. Thì tôi thấy: Đây là một điều hết sức vô lý !

      Tôi muốn nói thêm một điều nữa. Tôi nghĩ rằng những người quản lý ở Việt Nam, các nhà lãnh đạo Việt Nam cần phải hiểu rằng, cần phải làm quen với việc có những ý kiến trái mình. Đó là: Có những ý kiến trái mình là cái chuyện đương nhiên. Đừng trả thù họ! Không được quyền trả thù họ như vậy!

      Bởi vì bây giờ là thế kỷ XXI rồi, nếu mà làm như vậy chỉ có thiệt hại về mình mà thôi, và mất uy tín mà thôi. Có lợi bây giờ, thì lại cái hại về sau. Dân chúng bây giờ thông minh lắm và thời đại toàn cầu hóa sẽ không có bất kỳ một hành vi nào hãm hại người khác mà có thể thoát khỏi dư luận và những quả báo. Cho nên là, các nhà lãnh đạo Việt Nam cần phải làm quen với cái việc người ta chỉ trích mình. Không đồng ý với ý kiến của mình đó là chuyện bình thường. Nếu mình mạnh và mình đúng, mình đâu có sợ những ý kiến đó. Đó là quyền tự do ngôn luận của mỗi người, quyền tự do ngôn luận cơ mà.»

      Xóa
    5. Sau khi cất tiếng nói phản biện lại bài nói chuyện của TBT Nguyễn Phú Trọng, nhà báo Nguyễn Đắc Kiên đã bị cho thôi việc với lý do mà tòa soạn Báo Gia đình & Xã hội đưa ra như sau: Vi phạm Quy chế hoạt động của Báo và Hợp đồng lao động.

      Tôi không có trong tay bản quy chế hoạt động của báo, cũng như hợp đồng lao động của báo với anh Kiên. Chỉ có một thông tin chính do chính anh Kiên nói với BBC là anh bị thôi việc vì những phản biện của anh đối với những phát biểu của ông Trọng.

      Dù tôi không có những văn bản quy chế và hợp đồng kể trên, nhưng nếu đối chiếu với Luật lao động:

      “Chương VIII – Kỷ luật lao động, trách nhiệm vật chất

      Điều 85

      1- Hình thức xử lý kỷ luật sa thải chỉ được áp dụng trong những trường hợp sau đây:

      a) Người lao động có hành vi trộm cắp, tham ô, tiết lộ bí mật công nghệ, kinh doanh hoặc có hành vi khác gây thiệt hại nghiêm trọng về tài sản, lợi ích của doanh nghiệp;

      b) Người lao động bị xử lý kỷ luật chuyển làm công việc khác mà tái phạm trong thời gian chưa xoá kỷ luật;

      c) Người lao động tự ý bỏ việc bảy ngày trong một tháng hoặc 20 ngày trong một năm mà không có lý do chính đáng“

      thì có thể thấy rằng anh Kiên chỉ có thể đã bị cáo buộc vi phạm vào khoản “gây thiệt hại nghiêm trọng về tài sản, lợi ích của doanh nghiệp” (khoản 1a, điều 85). Người ta có thể lấy lý do là: khi anh Kiên phản biện lại ông TBT Trọng (người đại diện cho Đảng CS – nói về các chủ trương của Đảng) thì anh đã bị cho là nói trái với chủ trương của Đảng, và vì thế, lợi ích của doanh nghiệp (cụ thể là tòa báo GĐ&XH) sẽ bị ảnh hưởng (bị Đảng rút giấy phép chẳng hạn) bởi những lời nói của anh Kiên. Tuy nhiên, lý do này chưa thỏa đáng vì chính ông Phan Trung Lý đã thông báo với nhân dân là không có cấm kỵ nào trong việc góp ý sửa đổi hiến pháp cả. Như vậy, lý do/động cơ/mục đích nào để người ta đột ngột cho anh thôi việc như vậy. Ở đây, nghĩ mãi (từ dùng của GS Ngô Bảo Châu) tôi mới tìm ra hai cách lý giải như sau:

      Thứ nhất: Người ta muốn cho anh thôi việc để không những trừng phạt anh mà còn cảnh báo cả đối với những người khác muốn nói trái với chủ trương của Đảng (đây gọi là dập ngay từ trong trứng nước).

      Thứ hai: Người ta muốn nhắn nhủ với nhân dân rằng “Đảng nói vậy nhưng không phải vậy“. Vô hình chung, điều này đã làm lố bịch hóa những phát biểu ở trên của ông Phan Trung Lý.

      Theo tôi, đây là các bước đi rất sai lầm của những người lãnh đạo tòa báo GĐ&XH (ở đây tôi chưa nói đến trường hợp có thể lãnh đạo tòa báo đã bị lãnh đạo ở cấp cao hơn sai khiến, vì tôi không có chứng cớ cho điều đó). Họ (các vị lãnh đạo đó) tưởng là dập tắt được tinh thần phản biện của giới trí thức, nhưng họ đã lầm. Sự ủng hộ đối với anh Kiên càng ngày càng lên cao, rất nhiều blogger đã phê phán cách hành xử thiếu tư cách đó của họ. Ngay cả GS Ngô Bảo Châu cũng đã đăng những bài thơ đầy tính chiến đấu của anh Kiên lên Blog thichoctoan của mình. Bài phản biện của anh Kiên đã lan truyền nhanh chóng. Thậm chí wikipedia tiếng việt đã có một trang về anh Kiên. Người ta càng ngày càng nhận ra bản chất của một Đảng độc tài đã đến đoạn cuối của sự suy thoái với nhiều dối trá, lừa lọc và bịp bợm.

      Cá nhân tôi rất cảm phục anh Nguyễn Đắc Kiên, vì mặc dầu anh biết là mình sẽ bị Đảng xử, nhưng anh vẫn cất lên tiếng nói của lương tri. Hành động của anh làm cho tôi nhìn thấy ánh sáng phía cuối đường hầm cho đất nước và dân tộc. Càng có nhiều người như anh xuất hiện thì tôi càng tin tưởng tương lai tươi sáng của dân tộc sẽ không còn xa. Chân thành chúc anh mọi điều tốt đẹp nhất.
      Quách Hoàng Lân

      Xóa
    6. Chúng mầy đòi đa đảng
      là suy thoái đạo đức
      Đòi tam quyền phân lập
      là suy thoái đạo đức
      Chúng mầy đòi bỏ điều bốn
      là suy thoái đạo đức

      Chúng mầy đòi quân đội chỉ bảo vệ tổ quốc
      là suy thoái đạo đức
      Chúng mầy ưa kiến nghị
      là suy thoái đạo đức
      chúng mầy hay biểu tình
      chống quân xâm lược
      là suy thoái đạo đức

      Chúng mầy suy thoái đạo đức
      suy thoái chính trị
      suy thoái tư tưởng
      vì chúng mầy không chịu
      nghe lời chúng tao
      vì chúng mầy
      có suy nghĩ khác chúng tao

      Cả thế giới nầy đều suy thoái hết
      Mấy trăm quốc gia
      đều suy thoái hết
      vì chúng mầy đa đảng
      vì chúng mầy tam quyền phân lập
      vì chúng mầy không có điều bốn
      vì chúng mầy hay biểu tình
      vì chúng mầy để cho dân kiến nghị
      vì chúng mầy chỉ để quân đội bảo vệ tổ quốc
      không cho quân đội bảo vệ bất cứ đảng nào

      Tất cả mấy tỉ người chúng mầy đều suy thoái
      Chỉ chúng tao,
      vài triệu người là đỉnh cao trí tuệ
      là chân lý đến muôn đời
      vì đó là mac lê mao
      biết chưa
      đám không lú?
      HNC

      Xóa
  9. Nghe giọng điệu rừng của chú Trọng, đài từ nửa khệnh khạng, nửa khinh bạc khi nói đến nhứng ai đã dám «đòi đa đảng, đã dám đòi tam quyền phân lập, đòi quân đội phải tách rời khỏi chính trị, kéo luôn cả những ai khiếu kiện tập thể, biểu tình vào lũ «suy thoái» và yêu cầu các đồng chí phải xử lý, mình thấy rất rõ:

    1-Chú Trọng muốn khẳng định mình là ai? mình biết mình muốn cái gì chứ không hề lú lẫn ...
    2-Chú sẵn sàng đánh dằn mặt ngay những ai muốn nói ngược với chú vì chú có trong tay cả một bộ máy đàn áp, vũ trang và nhà tù luôn sẵn sàng mở cửa!
    3-/Chú rất kiêu ngạo và tự phụ một cách xấc xược trong cương vị người đứng đầu cả Đảng, cả Nhà Nước, cả Quốc Hội và là cha đẻ của cả 90 triệu «con cừu» Việt này!
    4-/Chú có sự hậu thuẫn của cả một nước to lớn đồng lý tưởng Đại Hán bành trướng nên chú sẵn sàng xử lý ngay những kẻ dám làm các ông bố Tầu nổi giận. Thời chú làm chủ tịch Quốc Hội, Tầu đánh đến đít, bắn giết ngư dân, tịch thu ngư cụ..., lính của chú bắt giam, tù đầy những người chỉ đòi Hoàng Sa Trường Sa là của Việt Nam, thậm chí biểu tình ngồi như Phạm Thanh Nghiên tại gia cũng bị đi đếm lịch 4,5 năm trời,... Vậy mà chú vẫn trả lời tỉnh bơ trước Quốc Hội: «Tình hình biển đảo... không có gì mới»! Chú Lì chứ đâu có...Lú!
    - TÔ HẢI

    Trả lờiXóa
  10. Hôm 23/2 tại Vinh, ông Nguyễn Sinh Hùng có nói với chúng tôi trong bàn tiệc đầu tư (có Vương Đình Huệ, Phan Đình Trạc, Hồ Đức Phớc…) rằng: Ông Nguyễn Đình Lộc nói sẽ rút chữ ký khỏi bản “Kiến nghị 72” về sửa đổi Hiến pháp; nhưng mới nói chứ chưa có văn bản. Trưa hôm đó, tôi gọi điện cho ông Nguyễn Đình Lộc hỏi xem thông tin ông Nguyễn Sinh Hùng đưa ra có đúng không, thì được ông Lộc cười nói: Làm gì có chuyện đó; mình có rút gì đâu!
    Theo tôi thì ý của ông Chủ tịch Quốc hội (và ý của ĐCS?) là không vui khi có ý kiến góp ý nên xem lại điều IV hiến pháp sửa đổi, hoặc không nên để điều này trong Hiến pháp. Ông Hùng cũng khuyên tôi nên rút chữ ký trong cái góp ý đó. Tôi cũng nói với ông và mấy người cùng bàn rằng: Tôi ký vì tôi thấy hợp lý dù tôi cũng không tin là các vị nghe. Khi các trí thức hưởng ứng lời kêu gọi góp ý thì đấy là điều vui; khi những người ấy không thèm góp ý nữa thì đó mới là điều đáng buồn.
    Tôi nghĩ đơn giản, nhiều người góp ý bỏ điều IV không phải muốn “lật đổ hay chống ĐCS” mà vì họ muốn có một Hiến pháp của Dân hoàn toàn Dân chủ theo hướng Nhà nước pháp quyền. Nếu không có điều IV thì ĐCS vẫn mạnh, vẫn là lực lượng nòng cốt trong thể chế Nhà nước ta hiện nay, vì vẫn chỉ có 1 đảng. Thậm chí nếu có những đảng khác như thời Bác Hồ thì ĐCS vẫn mạnh, vẫn là lực lượng chính trong trường chính trị. Còn nói người góp ý bỏ điều IV là muốn “lật đổ hay chống ĐCS” là đã phụ tấm lòng và trách nhiệm của người góp ý.
    Tôi nghĩ, các vị lãnh đạo nên thân trọng trong các nhận định về việc trưng cầu dân ý, không nên quy kết hay khép tội những ý kiến khác mình.
    Đa ý kiến là biểu hiện của dân chủ, có thể có những kẻ lợi dụng để xuyên tạc, nhưng không phải ai có ý kiến khác cũng đều là xuyên tạc, phản động. Tôi không nghĩ đa ý kiến là suy thoái đạo đức hay tư tưởng như có người đã nhận định. Tôi cũng nói với ông Nguyễn Sinh Hùng: Chúng tôi góp ý thế, các vị nghe thì nghe không nghe thì thôi; chúng tôi chỉ có quyền góp ý chứ chúng tôi có quyền quyết định gì đâu.
    Tôi nghĩ ông Nguyễn Đình Lộc (nguyên Bộ trưởng Tư pháp), Hồ Ngọc Đại, Nguyên Ngọc, Việt Phương, Chu Hảo, v.v… cũng chỉ nghĩ như tôi mà thôi. Nhưng tôi vẫn hy vọng, Quốc hội, Nhà nước và ĐCS vẫn đặt lợi ích của Quốc gia, của Nhân Dân lên hàng đầu trong sửa đổi hiến pháp và trong việc điều hành đất nước.
    Đi qua Ba Đình, nhìn vào Lăng Bác, bỗng dưng muốn khóc…
    28/2/2013
    - NGUYỄN TRỌNG TẠO

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cựu Bộ trưởng Tư pháp Nguyễn Đình Lộc vừa gây tranh cãi khi phát biểu trên Truyền hình Việt Nam phủ nhận vai trò trong kiến nghị về sửa đổi Hiến pháp của các trí thức, còn gọi là Kiến nghị 72.

      Hôm 4/2, ông Lộc đã dẫn đầu đoàn 15 nhân sỹ trí thức tới trao kiến nghị cho đại diện Ủy ban Pháp luật của Quốc hội.

      Nay trong một cuộc phỏng vấn ngắn phát trên Chương trình Thời sự VTV1 tối thứ Sáu 22/3/2013, ông bác bỏ vai trò đại diện của mình, nói rằng tư cách trưởng đoàn chỉ được trao cho ông vào phút chót vì "tín nhiệm".

      Ông nói: "Phải nói rằng… nói là trưởng đoàn thì có vẻ như to lắm, nhưng thật ra thì đến đấy mới được lên trưởng đoàn, đến lúc trao thì mới được lên trưởng đoàn".

      "Còn trước đó thì thật ra những cái bản ấy tôi không tham gia. Tôi không tham gia."

      Ông Nguyễn Đình Lộc giải thích: "Vì tôi là nguyên Bộ trưởng Bộ Tư pháp, cho nên các đồng chí, các bạn ấy có vẻ tín nhiệm giao việc trao thôi, chứ còn tôi không tham gia vào việc xây dựng cái tờ văn bản ấy. Cho nên bây giờ mọi người cứ bảo là tôi thế này tôi thế kia".

      Ông nói thêm: "Nếu mà tôi làm thì tôi nhận thôi, nhưng bởi vì tôi không làm cái đó... Hôm ấy mình chỉ là người đến đấy thì được giao làm trưởng đoàn… thế thôi!"
      (Click tiêu đề xem toàn bài)

      Xóa
  11. Nhờ có chuyện góp ý cho Hiến pháp 1992 chúng ta mới nhìn rõ hơn trình độ của các giáo sư, tiến sĩ như thế nào. Nói thẳng cho dễ hiểu: dốt. Dốt đến mức khó tưởng tượng nổi. Nhưng tại sao họ dốt như thế? Tôi cho rằng vì nền giáo dục tồi. Chỉ có một nền giáo dục tồi mới sản xuất ra những con người vừa dốt vừa trơ tráo như chúng ta thấy trong thời gian vừa qua.
    Chúng ta đã thấy qua “Bên thắng cuộc” của Huy Đức các chính khách Việt Nam dốt như thế nào. Nhưng phải đợi đến vụ góp ý cho Hiến pháp chúng ta mới thưởng lãm được sự dốt nát của thành phần giáo sư, tiến sĩ, tướng tá. Cái dốt của họ được bộc lộ qua những lập luận ấu trĩ, những lý giải nguỵ biện, và những quan điểm mang tính xu nịnh. Xu nịnh rất trắng trợn. Tôi gọi họ là những “trí nô ký sinh”. Tức là những kẻ có chút học thức nhưng là thứ học thức nô lệ. Họ là ký sinh vì phải sống bám vào một thứ chủ nghĩa đã bị cả thế giới ruồng bỏ và lên án.
    Nhưng để biết loại trí nô ký sinh này ra sao, chúng ta cũng cần phải biết họ nói những gì. Bối cảnh của câu chuyện là bản dự thảo Hiến Pháp. Hai điểm mấu chốt trong bản dự thảo và vai trò của Đảng CSVN và quân đội. Điều 4 Hiến Pháp ghi là Đảng CSVN là lực lượng duy nhất lãnh đạo đất nước. Bản dự thảo Hiến Pháp còn ghi thêm rằng quân đội phải trung thành với Đảng CSVN.
    Một nhóm nhân sĩ trí thức đưa ra một bản dự thảo khác, mang tính phản biện. Bản dự thảo của nhóm nhân sĩ được hàng ngàn người đủ thành phần xã hội ký tên ủng hộ. Sự ủng hộ của người dân làm cho những người cầm quyền thấy lo ngại. Những lãnh đạo cao cấp nhất lên tivi tố cáo những người góp ý là “cơ hội”, là “thế lực thù địch”. Thật ra, đó là những phát biểu được sao chép từ sách của Trung Quốc mà Việt Nam đã chuyển ngữ. Đó là những luận điệu Trung Quốc đã dùng 20 năm trước đây. Có thể nói rằng các lãnh đạo ta chẳng có sáng kiến gì mà chỉ lập lại những gì Trung Quốc sáng chế ra. Có thể xem đó là một sự rập khuôn tư tưởng.
    Nhà nước lo ngại còn vì lý do khác. Bởi vì khi so sánh hai bản dự thảo, bất cứ ai có chút lương tri cũng có thể nhận ra sự kém cỏi của nhóm soạn thảo ăn lương Nhà nước. Thật ra, phải nói là quá kém cỏi. Kém cỏi từ cách sử dụng từ đến tính hợp lý. Thế là Nhà nước huy động một lực lượng giáo sư, tiến sĩ, tướng tá ra quân phản biện lại những phản biện.
    Thế là chúng ta chứng kiến một cảnh phản phản biện...
    (CLICK TIÊU ĐỀ XEM TOÀN BÀI)

    Trả lờiXóa

Best Blogger TipsBest Blogger Tips