Sau khi nổi danh là tay đua vĩ đại nhất nước Mỹ
trong hàng thập kỷ, giờ đây, với lời buộc tội của uỷ ban Phòng chống doping Mỹ
(USADA) cùng bản cáo trạng sử dụng thuốc kích thích dày 202 trang, Lance
Armstrong – một trong những biểu tượng đẹp nhất thế giới về một con người đã
chiến đấu chống lại bệnh tật và bảy lần vô địch giải Tour de France – buộc phải
thú nhận sự lừa dối của mình trước toàn cầu qua chương trình Oprah Winfrey Show
phát đi ngày 18.1 vừa qua.
Lance Armstrong không chỉ mang nỗi nhục của mình, mà khiến cả một giải
thể thao hàng đầu thế giới như Tour de France cũng nhuốm bẩn vì đã bảy
lần trao phần thưởng cho kẻ lừa đảo.
Nhưng có lẽ đau đớn nhất chính là
người hâm mộ, những con người đã hơn một lần đeo vào tay chiếc vòng
“Live strong” mà chính ông là người khởi xướng. (Live nay thành Lie - BT)
Tiếc thay, câu trả lời cuối cùng của Armstrong vẫn để ông lại với sự lừa
dối của mình: “Anh không cảm thấy điều đó là tồi tệ?”, MC nổi tiếng của
nước Mỹ hỏi lại. “Không”, Armstrong khẳng định.
Ngôi sao một thời của làng xe đạp thế giới cho biết, ông chưa bao giờ
nghĩ hành động của mình là “lừa dối” mà chỉ là “san lấp mặt bằng sân
chơi trong một môn thể thao đầy dẫy doping” (Liều cuối cùng vẫn vô tác dụng - BT)
Những người hâm mộ Armstrong hiểu rằng, với bất kỳ một lời thú tội nào,
việc tha thứ cho Armstrong cũng phải đến vì không ai muốn giữ trong lòng
một điều sân hận. Nhưng điều đó không có nghĩa Armstrong có thể thoát
khỏi tội dối trá mà ông đã dán vào cuộc đời mình như một thương hiệu
(nói theo ngôn ngữ hiện nay). Nhưng điều mà người Mỹ cần, chính là sự
thật. Một nửa sự thật mà Armstrong thú nhận đã là sự thật không thể chối
cãi. Dù đó là sự thật đau lòng, sự thật cay đắng và chua xót, thì sự
thật vẫn phải được trở về với giá trị đích thực của nó. Bởi chỉ có sự
thật mới tạo ra niềm tin.
Lance Armstrong từng là biểu tượng cho sức mạnh, biểu tượng cho sự sống
khi ông vượt qua căn bệnh ung thư và đem lại rất nhiều sức mạnh cho
những người có hoàn cảnh tương tự có thể được sống sót. Nhưng trong
những năm tháng say sưa với vẻ đẹp biểu tượng, ông quên mất một thứ: ông
không phải là siêu nhân đích thực. Một trong những “trò chơi” mà nước
Mỹ kéo cả thế giới đắm đuối theo chính là những hình ảnh siêu nhân.
Nhưng nhân vật siêu nhân chỉ có trong huyền thoại. Armstrong trong buổi
trò chuyện với MC Oprah Winfrey, cũng tự cho rằng mình đã tạo ra một câu
chuyện thần thoại. Tiếc thay, chuyện thần thoại chỉ có thể làm người ta
đắm vào mộng mị, còn với thế giới thật thì đó lại là mặt sau của một
chiếc huân chương hấp dẫn bởi sự lấp lánh của nó.
Armstrong cũng biết mình không thể sống mãi với sự dối trá, vì thế trò
chơi đến đây phải kết thúc. Armstrong có thể trở về nhà và làm một người
bình thường, nhưng liệu ông có thật sự muốn như vậy khi vẫn tiếp tục
con đường thi thố của mình, sau những đối thoại quanh co và một lời nguỵ
biện về “một thế giới đầy dẫy doping”?
Ánh hào quang của Armstrong đã tắt, niềm tin về một
siêu nhân đã thực sự đổ vỡ. Nước Mỹ phải chấp nhận hy sinh siêu nhân cho
sự thật.
Mất đi một siêu nhân để giữ được giá trị cao quý của sự thật, là cái giá xứng đáng. Hồ Trần/SGTT
Thánh trên thiên đàng cũng nhầm khi phi hành gia Neil Armstrong về trời hồi năm ngoái.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét