Chủ Nhật, 6 tháng 1, 2013

Ra quy định: Không cho nhìn mặt người đã khuất

Thiết tưởng quy định là phải mang tính bao quát chung, theo một khung cơ bản. Thế nhưng, các quy định ban hành thời gian gần đây lại ngày càng chi tiết, ràng buộc tính linh hoạt, thậm chí, cấm cả những việc thuộc về tình cảm thiêng liêng của mỗi gia đình, mà Quy định chung của Nghị định 105, điều 4 về tổ chức tang lễ của Bộ VH-TT&DL mới công bố, là một ví dụ cụ thể.
Trong quy định này ghi rằng: Linh cữu người từ trần quàn tại nhà tang lễ hoặc tại gia đình không để ô cửa có lắp kinh trên nắp quan tài.

Theo ông Hồ Trí Hùng (ảnh trên), Vụ trưởng Vụ Tổ chức - Cán bộ, sở dĩ có quy định này bởi có 3 lý do: Thứ nhất, Loại quan tài lắp kính này chỉ mới xuất hiện khoảng chục năm và không phải truyền thống của người Việt. Thứ hai, ông cho rằng, việc nhìn vào thi thể có thể đã để mấy ngày sẽ làm ảnh hưởng môi trường, sức khỏe của người đến dự đám tang. Cuối cùng, việc lắp kính có thể gây đổ vỡ, rơi xuống người đã mất. Theo ông quan sát thì đa phần người đến viếng cũng chỉ nhìn lướt qua quan tài, vì vậy để kính là không cần thiết.
Với những lý do và cách giải thích trên chắc hẳn sẽ khiến nhiều người… phì cười vì nhìn hay không nhìn mặt người đã khuất là quyền riêng của mỗi người. Trong khi có một số gia đình không làm ô kính, họ còn để mở nguyên nắp quan tài thì sao, còn việc sợ ô nhiễm môi trường thì đã có cơ quan y tế giám sát và có biện pháp tức thời ngay tại nhà tang lễ. Chuyện lo kính vỡ cũng quá thừa, bởi hơn ai hết, người nhà của người đã mất còn lo hơn các vị.
Tóm lại, càng phân tích càng thấy quy định và cách lý giải tủn mủn, chi tiết, vụn vặt và duy ý  chí. Trong khi điều dân mong đợi ở các Nghị định, quy định đưa ra phải là bộ khung vững chắc, làm tốt hơn cho cuộc sống, người dân chỉ việc dựa vào đó mà thực hiện linh hoạt với thực tế ra sao là tùy hoàn cảnh, có thế dân mới muốn làm theo. Đằng này với hàng loạt quy định như cấm đám cưới 50 mâm, không biếu quà cấp trên vào dịp tết và giờ đến Nghị định này khiến người dân không khỏi nghĩ thắc mắc về cách nghĩ của một số công chức. Thử hỏi có ai muốn nhìn mặt người xa lạ đã chết để làm gì!/Sống Mới
Lại thêm một quy định có khả năng chết yểu, nhưng chắc cũng chả thằng quan (tài) nào bị kỷ luật như thằng này

7 nhận xét:

  1. Hôm qua, một cán bộ cao cấp (đã nghỉ hưu) bật cười khi được đề nghị bình luận về Nghị định tổ chức lễ tang cán bộ, công chức, viên chức mà Bộ VH-TT-DL vừa họp báo công bố. Ông gọi đó là sự “quan liêu và thiển cận”. Nghị định này quy định việc tổ chức lễ tang đối với cán bộ, công chức, viên chức đang làm việc hoặc nghỉ hưu khi từ trần.

    Thứ nhất, về tính cần thiết thì không cần phải có một văn bản ở tầm Nghị định quy định về một sinh hoạt mang tính văn hóa, tâm linh cho đối tượng hẹp là cán bộ, công chức, viên chức khi hệ thống văn bản quy phạm pháp luật đã có đủ các quy định về vấn đề này từ rất lâu. Cán bộ, công chức trước hết là công dân, quy định gì cho họ cũng không thể vượt quá nhân quyền.

    Thứ hai, văn bản vừa công bố chứa đựng nhiều quy phạm không khả thi. Quy định quan tài không để ô cửa có lắp kính na ná kiểu “ngực lép không được lái xe”. Nó chẳng hợp lý cũng không hợp pháp. Mà nếu đối tượng điều chỉnh không thực hiện thì cũng không có chế tài, cũng chẳng có lực lượng xử phạt.

    Gần đây, chưa nói đến những quy định được ban hành khiến dư luận “nổi giận” vì sự thiếu tôn trọng đối với đối tượng điều chỉnh mà có quá nhiều những quy định không có tính khả thi. Đó thực sự là những quy định “treo giấy” như: quy định về xử phạt nghe điện thoại tại cây xăng, xử phạt hút thuốc lá nơi công cộng, xử phạt lái xe ôm không đeo biển hiệu...

    Vì sao ngày càng có nhiều văn bản thiếu tính khả thi? Trước hết, bởi vì việc lấy ý kiến đối với văn bản luật chưa được thực hiện nghiêm túc. Cơ quan soạn thảo ít chú ý tới việc đánh giá tác động của văn bản khi áp dụng vào cuộc sống. Chính vì vậy, văn bản vừa ban hành, thậm chí là chưa có hiệu lực, đã phát sinh những điều không hợp lý cần chỉnh sửa. Cơ quan quản lý vẫn đặt mình vào vị trí của người kiểm tra, giám sát đối với mọi hoạt động của công dân và hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp. Vì vậy, họ không thực sự lắng nghe dân mà luôn luôn áp đặt ý chí chủ quan của mình vào văn bản pháp luật.

    Đến giờ, Bộ NN-PTNT là cơ quan hiếm hoi lên tiếng về việc xem xét kỷ luật cán bộ, công chức tham mưu ban hành văn bản quy định thịt gia súc, gia cầm chỉ được bán trong vòng 8 tiếng sau khi giết mổ, hồi tháng 9. Lỗi của người tham mưu ở đây là đã không biết rằng, xác định miếng thịt đang bày bán đã quá 8 tiếng đồng hồ kể từ khi giết mổ là việc không tưởng.

    Còn rất nhiều những quy định không tưởng như vậy, ai chịu trách nhiệm? Luật pháp phải có tính “thiêng”, nếu cứ ban hành ra thấy bị phản ứng thì hoãn áp dụng để sửa hoặc đánh bài “lờ” sẽ khiến người dân coi thường luật pháp. Khi “luật pháp trên trời, cuộc đời dưới đất”, sẽ dẫn tới chuyện người dân hành xử không theo pháp luật mà tự xử, cuộc sống từ đó mà trở nên phức tạp.
    An Nguyên

    Trả lờiXóa
  2. Ngày 17-12-2012 Chính phủ ban hành Nghị định 105/ND-CP, về việc tổ chức tang lễ cán bộ, công chức, viên chức. Tại điều 4 Nghị định này có hai điểm khó đồng thuận.
    Một là quy định: “Lễ viếng tổ chức ở nhà tang lễ. Lễ đưa tang và lễ an táng thực hiện trong cùng một ngày (trừ quốc tang)”. Và “ở địa phương thì không được quá 48 tiếng”.
    Ai cũng biết, truyền thống dân tộc Việt Nam “Nghĩa tử là nghĩa tận!”. Tình cảm cha con, ông bà, họ mạc, bạn bè đồng chí gắn bó máu mủ ruột rà với nhau suốt một cuộc đời, hoặc cùng chia sẻ vui buồn với nhau trong học tập, công tác, chiến đấu dù ngắn dù dài, dù khi còn sống có lúc, có điều chưa hài lòng với nhau, thì khi chết vẫn muốn nhìn thấy nhau lần cuối, bày tỏ sự thương tiếc và chia sẻ sự mất mát với gia quyến người ra đi.
    Cái nghĩa tận đó, là người Việt Nam ai cũng nên làm, nếu không muốn nói là cần làm, phải làm. Những người con đi xa, không kịp về nhìn mặt cha, mẹ lần cuối sẽ ân hận suốt quãng đời còn lại.
    Trong khi đó hiện nay hầu như ở nước ta không có gia đình nào mà con cháu, họ hàng đều ở cùng một huyện, một tỉnh, một thành phố, mà phân tán khắp nơi, cả nước ngoài. Thử hỏi trong vòng 24 tiếng ở nhà tang lễ, 48 tiếng ở địa phương, theo quy đinh trong Nghị đinh kể trên, con cháu có kịp về phúng viếng ông bà cha mẹ ? Xin lưu ý, 24 tiếng thực chất chỉ còn 12 tiếng, 48 tiếng chỉ còn 24 tiếng, vì một nửa thời gian đó là ban đêm.
    Người viết bài này không đồng tình với một số nơi, một số trường hợp cá biệt, tổ chức tang lễ quá rườm rà, tốn kém, quàn thi hài năm, bảy ngày, kèn trống linh đình, thậm chi mời nghệ sỹ đến múa hát, ăn nhậu say sưa. Nhưng Nghị định 105 gói gọn “nghĩa tử nghĩa tận” một đời người vào khoảng thời gian quá hẹp như trên là không thỏa đáng?
    Thế mà Nghị định này lại không quy định rõ quốc tang bao nhiêu ngày, chi phí bao nhiêu tiền, mà bỏ ngỏ trong một dấu ngoặc đơn (trừ quốc tang), thế là nghiễm nhiên cán bộ lãnh đạo được ngoại lệ. Sự phân biệt đối xử cả khi chết, khác gì đặc quyền trong tệ sùng bái cá nhân, ngay cả Trung Quốc bây giờ cũng không làm, mà hình như chỉ hiện diện ở Triều Tiên.
    Điểm 3 (Điều 4) của Nghị định quy định: “Linh cữu người từ trần quàn tại nhà tang lễ hoặc gia đình không được để ô cửa có lắp kính trên nắp quan tài”. Theo ông Vũ Thế Hùng, Vụ trưởng Vụ tổ chức cán bộ thì làm như thế vì “loại quan tài này mới xuất hiện ở Việt Nam, và có thể đã để mấy ngày, sẽ làm ảnh hưởng đến môi trường sức khỏe”.
    Ô hay, ngay tại điểm 1, nghị định nói chỉ cho phép một ngày ông lại nói “có thể để mấy ngày” thì có quá là tréo ngoe thấy rõ!? Người ta nói danh có chính ngôn mới thuận! Cái danh ông có chính không mà ăn nói cà giựt cà chớn như vậy?
    (Click tiêu đề xem toàn bài)

    Trả lờiXóa
  3. Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản Lê Hồng Sơn ký văn bản đề nghị Bộ trưởng Tư pháp “thổi còi” quy định tổ chức lễ tang cán bộ theo Nghị định 105. Quy định “không để ô cửa có lắp kính trên nắp quan tài” được cho là không thuyết phục.
    Theo đó, Cục Kiểm tra văn bản chỉ rõ, qua xem xét cho thấy có một số nội dung trong nghị định cần được trao đổi, nghiên cứu tiếp.
    Một trong những quy định được đặt dấu hỏi là khoản 3, điều 4 nghị định quy định “linh cữu của người từ trần quàn tại nhà tang lễ hoặc tại gia đình không để ô cửa có lắp kính trên nắp quan tài”. Trên thực tế, tại Hà Nội và một số thành phố lớn khác, việc thiết kế nắp quan tài có ô cửa lắp kính là phổ biến. Dư luận nói chung cho rằng việc để ô có lắp kính trên nắp quan tài là để tạo điều kiện cho người đến viếng được nhìn mặt lần cuối người đã khuất.
    “Ở đây có yếu tố tâm linh và cũng như yếu tố tình cảm rất linh thiêng, rất đáng trân trọng. Nói rằng để bảo đảm vệ sinh, ngừa khả năng kính vỡ rơi vào mặt người quá cố hoặc một vài lý do khác mà đưa ra quy định đó theo chúng tôi là không có sức thuyết phục” – Cục trưởng Lê Hồng Sơn phân tích.
    Xem tiếp

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Chẳng phải đợi đến khi Cục Kiểm tra văn bản - Bộ Tư pháp đề nghị “tuýt còi” quy định về nghi thức tang lễ thì dư luận mới đặt ra trách nhiệm của những cơ quan có nhiệm vụ gác cửa công tác xây dựng pháp luật.

      Bởi không lâu trước đó, Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam đã phải nhận khuyết điểm ở cơ quan lập pháp về các quy định xử phạt xe không chính chủ, quy định in tên cha mẹ trên CMND mẫu mới; còn Bộ NN&PTNT cũng vừa phải kiểm điểm những cán bộ liên quan đến việc ra quy định cấm bán thịt 8 tiếng...

      Thậm chí GS-TS Nguyễn Minh Thuyết khi trả lời Pháp Luật TP.HCM còn hỏi rõ trách nhiệm các khâu thẩm định khác như thế nào mà để lọt lưới các quy định vừa “mắc cười”, vừa thiếu tính khả thi dẫn đến hiện tượng đại diện cơ quan nhà nước nói ban hành văn bản quy phạm pháp luật nhưng chỉ để tuyên truyền, còn xã hội thì “nhờn” luật!

      Thế nhưng có thực tế là dù có nhiều cơ quan đóng góp ý kiến, thẩm định, gác cửa thì thực trạng văn bản thiếu khả thi vẫn xuất hiện. Trong khi đó với tư cách giúp việc cho đại biểu QH trước khi bấm nút thông qua một đạo luật thì các vụ chuyên môn thuộc Văn phòng QH và các ủy ban của QH cũng chưa đáp ứng được yêu cầu do nhiều nguyên nhân như thiếu cán bộ, thiếu ngân sách và thiếu... thông tin! Vì thế hầu như các luật đưa ra QH đều dưới dạng luật khung, muốn đưa vào thực hiện phải chờ nghị định của Chính phủ, thông tư của các bộ! Do vậy, gần như toàn bộ quy trình xây dựng luật trở nên khép kín trong nhánh hành pháp, cho nên vai trò gác cửa không có nhiều ý nghĩa...
      Xem tiếp

      Xóa
  4. Các cơ quan chức năng có thể sẽ ban hành quy định các giao dịch bất động sản phải thanh toán qua ngân hàng; quy định bổ sung giấy tờ chứng minh thanh toán qua ngân hàng vào hồ sơ kê khai lệ phí trước bạ; lắp đặt thiết bị chấp nhận thẻ tại siêu thị, trung tâm thương mại, khu vui chơi giải trí...
    Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa đưa dự thảo nghị định thanh toán bằng tiền mặt ra lấy ý kiến cộng đồng doanh nghiệp (DN).
    Triệt để thanh toán qua thẻ, chuyển khoản
    Theo dự thảo này, người dân không được dùng tiền mặt thanh toán cho giao dịch mua, bán, chuyển nhượng chứng khoán, ô tô (bất kể giá trị giao dịch). Cá nhân giao dịch bất động sản, xe máy, xe điện vượt hạn mức thì cũng không được dùng tiền mặt thanh toán.
    (Click tiêu đề xem toàn bài)

    Trả lờiXóa
  5. Thời gian gần đây, thiên hạ tức giận, rồi chả nhẽ cứ tức giận mãi khi thấy hết nghị định này, thông tư kia, luật nọ liên tiếp ra đời. Có người ngẫm nghĩ rồi bật cười: hay là các nhà quản lý đang chơi trò “đùa dai”. Liệt kê ra đây thì nhiều lắm. Từ việc quy định đi xe máy phải có vòng ngực bao nhiêu, áo được hở bao nhiêu phần trăm, quần được trễ mấy phân khi lên sân khấu, rồi chứng minh thư phải ghi tên bố mẹ, rồi ăn cưới bao nhiêu mâm, đám tang bao nhiêu vòng hoa, không uống rượu trong phòng hát Karaoke, đi xe chính chủ, không để kính lên nóc quan tài để nhìn người thân lần cuối v.v.

    Mà không đùa đâu nhé. Ai tưởng họ “đùa dai” thì đừng có mà tưởng bở. Xe không chính chủ cũng đã bị phạt. Chứng minh thư cũng đã được làm (vụ này các bà mẹ đơn thân chắc phải đi thuê chồng). Cái vụ cấm để kính trên nắp quan tài cũng được đưa ra rất là nghiêm chỉnh…

    Ấy thế mà, chưa hết. Hôm nay đọc trên Soi thấy bạn Đinh Hải Bằng tưởng đọc nhầm các quy định trong hoạt động Mỹ thuật. Không nhầm đâu. Quốc hội đã bàn thì không thể không nghiêm chỉnh. Thế nhưng tiếc một nỗi, thời gian quý báu của những ông nghị bà nghị (đáng ra để bàn về những vấn đề hệ trọng quốc gia) nay giành cho việc nâng lên hạ xuống một cái quy định mà bất cứ ai, chưa nói đến các họa sĩ, cũng phải bật cười. Chả biết ai tư vấn cho cái quy định ấy. Mà ở cái nước này tư vấn cũng có đủ cả: từ Cục Mỹ thuật và Nhiếp ảnh, đến Viện nghiên cứu Mỹ thuật, đến Hội Mỹ thuật…, toàn những người đang được hưởng lương từ thuế của dân. Trong số đó, nhiều vị tuy mang danh mỹ thuật, được nhà nước giao quyền quản lý, coi như những chuyên gia, lại chưa một ngày biết đến cây cọ vẽ. Tất cả đám người ấy ngồi lại để rồi tư vấn ra một dự thảo ẩm ương, phi thực tế đến vậy sao?
    Điểm buồn cười nhất trong nghị định là điều khoản phải có bằng đại học mới được làm tượng đài, làm tranh hoành tráng, rồi phải có 5 năm thâm niên hoạt động Mỹ thuật, xong phải có hai tượng đài, tranh hoành tráng đạt loại A mới được làm. Chưa nói đến việc dư luận mà khá đông ý kiến các nghệ sĩ đều cho rằng, vô số tượng đài, tranh hoành tráng hiện có nên đập bỏ, thì nếu thực thi luật này, khoảng đôi chục năm nữa, sẽ chẳng có ai được làm tượng đài. Lý do rất đơn giản: chỉ những người đã có hai tác phẩm loại A mới được làm, đôi chục năm nữa, họ già mà chết cả thì lấy ai làm? Những người trẻ thì lấy đâu ta hai tác phẩm loại A vì làm gì có hai tác phẩm loại A trước đó để được quyền làm ra hai tác phẩm loại A cho hiện tại để đủ tiêu chuẩn?

    Đọc điều khoản trên, người đa nghi sẽ nghĩ ngay rằng: đó là sản phẩm tư vấn của mấy bác điêu khắc, họa sĩ chuyên đánh quả các công trình tiêu tiền thuế của dân trên Cục, trên Hội. Các bác đã có được vài ba tượng đài, tranh hoành tráng đã được đánh giá là loại A (đấy là các bác đánh giá với nhau đấy nhé), ra được luật này, các bác rất yên tâm giành thế độc quyền từ giờ cho đến khi viên tịch. Nâng quan điểm lên chút thì đây chính là đưa ra những luật để phục vụ cho “quyền lợi nhóm”.

    Tất nhiên, đây mới là dự thảo. Nhưng một dự thảo với nhiều điều bất cập và không khả thi như vậy mà cũng đem trình quốc hội, rồi cũng bàn ra bàn vào để mất thời gian sao? Mà anh em nghệ sĩ cũng không nên thờ ơ hay chỉ cười cho qua chuyện nhé. Một khi cái dự thảo này mà được thông qua, đi vào áp dụng rồi thì khốn đốn cả nền mỹ thuật nước nhà và ảnh hưởng đến biết bao nghệ sĩ cùng những người yêu mỹ thuật đấy!
    (Click tiêu đề xem toàn bài)

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu Bộ Công an sớm soạn thảo nghị định theo hướng bỏ quy định bắt buộc có phần họ tên cha mẹ trên CMND.

      Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động ngày 10-4, Thiếu tướng Trần Văn Vệ, Phó Tổng cục trưởng Tổng Cục cảnh sát quản lý hành chính về trật an toàn xã hội (Tổng cục 7) - Bộ Công an, cho biết Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vừa đồng ý bỏ mục ghi họ tên cha mẹ công dân trên CMND mới. Trước mắt, Tổng cục 7 sẽ chưa mở rộng việc cấp CMND mới mà chỉ tiếp tục thí điểm tại 2 quận Tây Hồ, Hoàng Mai và huyện Từ Liêm - Hà Nội cùng Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (PC64) - Công an Hà Nội.
      (Click tiêu đề xem toàn bài)

      Xóa

Best Blogger TipsBest Blogger Tips