Thiên nga đen là tiêu đề của một cuốn sách do một ông người Mỹ
gốc Liban tên là Nassim Taleb viết, về những hiện tượng có xác suất xảy
ra cực nhỏ nhưng tác động cực lớn. Xui cho Taleb là cuốn sách ra đời
cùng thời gian với bộ phim trùng tên do Natalie Portman thủ vai. Có lẽ
là do nữ diên viên Natalie Portman xinh hơn và múa giỏi hơn nên người ta
chỉ nhớ đến bộ phim này, hoặc có lẽ do cuốn sách của ông quá khô khan
buồn chán nên số lượng sách bán ra ở Việt Nam quá ít.
Thiên nga đen là gì? Như chúng ta đọc trong truyện cổ tích thì đều thấy
thiên nga có màu trắng nên hầu như mọi người đều tin là đã là thiên nga
thì phải trắng. Nếu ngày xưa ai đó nói có thiên nga màu đen thì hẳn sẽ
bị coi là chuyện nực cười, vì việc thiên nga “toàn trắng” là chuyện hiển
nhiên. Người ta có thể chứng minh điều này bằng cách chỉ ra cả triệu
con thiên nga trên trái đất đều màu trắng.
Nhưng cho đến khi người ta
tìm ra châu Úc thì mới phát hiện ra chuyện kinh thiên động địa, là hóa
ra là có thiên nga đen thật. Chỉ cần phát hiện ra một con thiên nga đen
thì một triệu con thiên nga trắng cũng không thể bảo vệ quan điểm là đã
thiên nga thì phải màu trắng. Xác xuất để tìm thấy 1 con thiên nga đen
là rất nhỏ, nhưng một khi đã tìm thấy thì nó có ảnh hưởng rất lớn đến
kết quả.
Bản thân cuộc đời của Taleb đã là minh chứng cho những sự kiện thiên nga
đen. Ông vốn là cháu thủ tướng Liban, gia đình danh gia vọng tộc rất
lâu đời, giàu có, sung túc, tưởng như đời đời kiếp kiếp sống trong nhung
lụa. Bỗng nhiên một ngày điều không tưởng đến với ông: nội chiến Liban
xảy ra, gia đình ông mất tất cả. Ý thức được sự vô thường và bất định
của cuộc đời đã giúp cho Taleb có ý tưởng về lý thuyết thiên nga đen và
ứng dụng nó vào công việc...
Taleb kết luận rằng những sự kiện nào thỏa mãn 3 yếu tố như sau sẽ được gọi là thiên nga đen:
- Xác suất xảy ra rất thấp.
- Một khi đã xảy ra thì tác động vô cùng lớn.
- Khi nó đã xảy ra rồi thì người ta luôn tìm được lời giải thích hợp lý tại sao nó lại xảy ra khi mà trước đấy không ai nghĩ ra.
Áp dụng các đặc điểm trên chúng ta có thể chỉ ra được các sự kiện sau là thiên nga đen:
- Vụ hai máy bay của hãng hàng không Malaysia bi bắn hạ và mất tích.
- Khủng bố ở Paris.
- Nga lấy được Crưm.
- Anh rời liên minh châu Âu Brexit.
…
và nhiều sự kiện khác nữa.
Quay trở lại trường hợp của Trump, mới chỉ một ngày trước có lẽ kể cả
những người ủng hộ Trump cũng không tin tưởng vào khả năng Trump thắng
cử. Tất cả các cuộc thăm dò trước cuộc bầu cử đều chỉ ra Trump sẽ thua
Clinton trắng lưng lấm bụng. Chỉ nghĩ về viễn cảnh Trump làm tổng thống
Mỹ đã là chuyện cười cho rất nhiều người hệt như trong tập phim hoạt
hình dài tập gia đình Simpson năm 2000, họ đã đưa hình ảnh Trump thành
Tổng thống Mỹ để mua vui cho mọi người. Chính vì thế, thế giới đã không
chuẩn bị cho kịch bản Trump là người thắng cuộc để giờ đây bối rối hỏi
nhau liệu tác hại của việc này sẽ ghê gớm đến đâu.
Ngày hôm nay rất nhiều người viết bài giải thích vì sao Trump lại có thể
thắng, phân tích rất có lý và nghe xuôi tai nhưng tại sao không ai lại
có thể nhìn ra trước đấy. Chính điều này khiến cho sự kiện này trở thành
một “thiên nga đen” hoàn hảo. Lần nữa ta thấy thế giới thật vô thường
và bất định.
Chính vì thế giới vô thường và bất định, không thể đoán trước nên theo Taleb ta phải luôn sẵn sàng để chuẩn bị cho những tình huống kể cả là điên rồ nhất.
Trông người lại nghĩ đến ta ví dụ như chuyện Formosa và thảm họa môi trường gần đây, liệu có ai trước ngày xảy ra thảm họa Formosa lại có ý tưởng gì về một chuyện như thế đã xảy ra để có kế hoạch phòng vệ? Hay là chuyện ồn ào gần đây nhất là thủy điện. Tôi nhớ trước kia khi tranh luận về việc xây dựng thủy điện Sơn La cũng có ý kiến về khả năng hạ lưu sẽ bị san phẳng nếu xảy ra tình trạng vỡ đập, tuy nhiên các nhà chuyên gia đã khẳng định là với thiết kế đã được tính toán thì xác suất xảy ra chuyện như thế là vô cùng nhỏ, không đáng để tính đến nên không có việc gì phải lo.
Chỉ tiếc là, tình cờ việc đấy lại đáp ứng đủ điều kiện để trở thành một thiên nga đen.(Bài gốc đầy đủ)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét