Thứ Bảy, 15 tháng 12, 2018

Ngáo bóng

3 nhận xét:

  1. Buổi sáng và buổi chiều trước trận chung kết lượt về cúp AFF diễn ra, ngọn cờ đỏ sao vàng được cắm và sử dụng ở khắp mọi nơi ngoài đường phố:

    Ngọn cờ được dùng để làm áo, quần che thân, nhưng bên trong là cơ thể trần truồng rỗng tuếch.

    Ngọn cờ được cài lên kính chiếu hậu của những chiếc grabbike mà nhiều sinh viên thất nghiệp dùng để chạy xe ôm công nghệ.

    Ngọn cờ được cắm lên những chiếc xe lôi ba bánh đang đi vào đường quốc lộ chỉ dành cho xe 4 bánh.

    Ngọn cờ được gắn lên chiếc rờ-mọc tự chế rệu rã và rỉ sét của dân nghèo buôn gánh bán bưng ngoài chợ trời.

    Ngọn cờ được cột vào kính chiếu hậu của những chiếc xe tải chạy bạt mạng, không cần biết nó có che lấp tầm nhìn và gây nguy hiểm cho người đi đường khác hay không.

    Rồi lát nữa đây, là những ngọn cờ phần phật tung bay theo từng đoàn bão đua xe của đám trẻ không có mục đích sống.

    Tất cả những ngọn cờ này – được giương cao như là cách để những người dân mạt hạng trong xã hội tỏ ra quan trọng hơn, tự hào hơn, kiêu hãnh hơn, và cảm thấy an tâm hơn, rằng họ đang có mặt trong chiến thắng hiếm hoi nhất của Việt Nam thời lịch sử hiện đại, rằng họ là một phần của thành công duy nhất mà cả xã hội đã từ lâu mong chờ, rằng họ xứng đáng được hưởng niềm vui ấy một cách bản năng nhất, man dại nhất.
    NGUYỄN ĐẠT AN

    Trả lờiXóa
  2. Ngoài đường, những dòng người nối đuôi nhau, trên những chiếc xe có gắn cờ đỏ sao vàng. Những con người mặc áo đỏ đầu đeo băng rôn đỏ, trên má dán cờ đỏ phóng nhanh vượt ẩu bấm còi xe ầm ĩ. Họ một lòng một dạ hướng về phía sân vận động Mỹ Đình, nơi có 11 cầu thủ sắp ra sân. Họ tưng bừng như ngày hội, họ hô hào, hò hét làm náo loạn đường phố. Trong tiếng kèn, tiếng nhạc, tiếng còi xe inh ỏi, cả thành phố như một cuộc lên đồng tập thể. Và trên hết, họ coi những hành động đó là “yêu nước”.

    Đằng sau những gương mặt in hình cờ đỏ sao vàng kia là gì? Tôi cho rằng đó là một sự thiếu thốn về tinh thần, một sự thèm khát chiến thắng mà không ai có thể tự giải thích được.

    Tâm lý học đám đông đã cho biết rằng những con người yếu đuối, mờ nhạt họ chỉ mong muốn tụ hợp nhau lại để làm cho họ mạnh mẽ hơn. Họ muốn hòa vào đám đông có cùng cảnh ngộ để tạo nên một sức mạnh khủng khiếp. Tâm lý đám đông sẽ làm nhòa đi ranh giới giữa lý trí và cảm tính do ý thức cá nhân đã bị nhạt nhòa trước trùng trùng điệp điệp màu sắc tương đồng. Người ta muốn ăn mặc giống nhau, trang điểm giống nhau để có được sức mạnh cá nhân trên nền của sức mạnh đám đông mà bấy lâu nay mình đã mất.

    Sự vô thức về cái đã mất được khơi lại trong một sự kiện không lấy gì làm to tát, một sự kiện quá đỗi bình thường cứ lặp đi lặp lại từ năm này qua năm khác. Năm nào chả có bóng đá, năm nào Việt Nam chả chơi ở tứ kết đến chung kết, hết giải này đến giải kia. Vậy tại sao lần nào bóng đá cũng tạo nên một sự kiện cuồng nhiệt như vậy? Sự thật là đã quá lâu rồi Việt Nam không có chiến thắng.

    Chiến thắng là một cảm giác được thỏa mãn, một tinh thần sảng khoái, tự hào và kiêu ngạo. Chỉ có chiến thắng mới khiến người ta có cảm giác được đứng trên đỉnh của vinh quang để nhìn thế giới với con mắt đầy kiêu hãnh. Chiến thắng của đội tuyển Việt Nam khi ấy được đánh đồng với chiến thắng của dân tộc, của đất nước.
    NHÂN TRẦN

    Trả lờiXóa
  3. Sau một đêm chiến thắng trận chung kết, một biển rác và gần 30 người chết, 200 người bị thương và bị bắt giữ vì (tổ chức) đua xe. Không gì xót xa và đau đớn hơn thế.

    Trận chiến thắng đó chỉ là một kết quả đáng khích lệ vì chỉ ở tầm khu vực nhỏ bé và lại ở vùng trũng nhất của thế giới về bóng đá, ngay cả châu Phi chúng ta cũng không thể so sánh được chứ chưa nói đến những châu lục hùng mạnh khác.

    Chỉ sau một chiến thắng nhỏ bé, đã thể hiện rõ ràng nhất chúng ta là một quốc gia văn minh đến đâu khi nhìn vào hiện trạng mà nó phơi bày ra. Có những con người trở về với cát bụi mà thân thể chẳng lành, gia đình tan nát và bao nỗi đau đớn còn để lại. Những không gian tràn ngập rác rưởi, sự bẩn thỉu, ô nhiễm, những thảm cỏ bị dẫm nát. Và chẳng có cái gì tốt đẹp được tìm thấy cả.

    Có lẽ dân chúng xứ ta hành xử theo một lối vô thức là một tình trạng phổ biến. Chỉ cần thoả mãn cái niềm vui sướng của bản thân mà bất chấp tất thảy mọi luật lệ hoặc là các vấn đề của đạo đức, văn hoá, môi trường. Và nó lại là một hiệu ứng được lan truyền, vì mỗi một người xả rác ra là kẻ khác lại làm theo tương tự vì cùng cho rằng “ai cũng làm vậy” nên đó là điều thường lẽ.

    Chết bi thảm vì một trận thắng trong bóng đá. Xả rác ngập tràn mọi không gian và bất kể thời gian, chưa nói về cách họ gây ra những sự hỗn loạn về âm thanh đến mức khủng khiếp. Hiếm thấy có một ai có trách nhiệm nhìn lại và lựa chọn một hành xử tốt hơn. Niềm vui và tận hưởng nó là cần thiết như một nhu cầu, nhưng đừng trở thành những kẻ chỉ sống để thoả mãn các lạc thú của bản thân như một con lợn.

    Tự do thực sự, tức là mỗi người sống trọn vẹn với các giá trị của chính mình, nhưng không được xâm phạm vào các (ranh giới) phạm vi quyền lợi của những người khác.

    Một đứa trẻ 10 tuổi, đưa tấm biển “không xả rác, Việt Nam sẽ khác” lên trước mặt một cách lẻ loi và đơn độc giữa một biển rác đã được biện bày hổ lốn. Có thể sẽ có những cái bĩu môi hoặc những lời giễu cợt cô bé, nhưng chính những đứa trẻ như vậy mới thực sự có thể làm được điều gì hữu ích cho xã hội và xây dựng nên những hệ giá trị sống quý báu và tốt đẹp trong tương lai khi trưởng thành. Chúng ta phải bắt đầu gieo mầm và giáo dưỡng từ những người trẻ, nếu muốn có những bước chân của một hành trình vĩ đại.

    Trong ngay thời điểm hiện tại, đất nước chúng ta vẫn đang phải đối mặt với đủ các cuộc chiến sinh tồn một cách khốc liệt, nhưng chưa thấy mấy ai tranh đấu thực sự cho những quyền năng tối cao nhất của con người đang bị tước mất: không biểu tình, không lập hội, không báo chí tư nhân, gần như không có tự do ngôn luận và ngay cả việc không được tự do lựa chọn tư tưởng và triết lý chính trị cho mình.

    Trận chiến đó vẫn còn nguyên và ngày nào cũng thực sự mới chỉ là bắt đầu. Nhưng rất ít người thực sự nhận ra, đủ dũng cảm đối mặt và chấp nhận nó để rồi chiến đấu với điều đó mà coi nó như một di sản cao quý và vĩnh tồn để dành lại cho những thế hệ sau thụ hưởng.

    Chúng ta đang sống khá vô dạng và bất định, khi chỉ tận hưởng đến kiệt cùng những niềm vui lạc thú hiếm hoi của bản thân ngay trong từng khoảnh khắc hiện tại, đến mức huỷ hoại cả cuộc sống của chính mình và của cả những người khác.

    Không xả rác, từng ngày chiến đấu với bản thân và những điều xấu xí của xã hội. Đất nước và dân tộc sẽ sớm có bình minh.
    LUÂN LÊ

    Trả lờiXóa

Best Blogger TipsBest Blogger Tips