Thứ Ba, 6 tháng 11, 2018

Nụ cười hay giọt lệ Chu Hảo


Huỳnh Thế Du: Ông Chu Hảo là số ít quan chức Việt Nam mà tôi biết ngay khi đương chức có thể trao đổi một cách sòng phẳng và thoải mái với các học giả có tên tuổi quốc tế. Ông là một trí thức luôn đau đáu và dấn thân vì sự phát triển của đất nước và văn minh của loài người.
Tôi được biết ông lần đầu tiên vào năm 2002, tại Chương trình đối thoại chính sách do Chương trình Việt Nam tại Đại học Harvard tổ chức tại Đà Nẵng với sự tham dự của ông Phan Diễn, Thường trực Ban Bí thư và nhiều quan chức cao cấp của Việt Nam.

Trong một phiên thảo luận, Nụ cười Stan Shih - Đường cong mô tả GTGT của các công đoạn sản xuất (nghiên cứu... thiết kế... lắp ráp... marketing... dịch vụ) đã được nêu ra. Người Đài Loan sáng lập Hãng máy tính Acer tìm ra quy luật này nên được đặt tên.
Theo đó, GTGT thường cao nhất ở hai đầu, trong khi lắp ráp/gia công được ít nhất.
Nụ cười này khi đó được đem ra thảo luận với hàm ý rằng Việt Nam cần tiến về những công đoạn có GTGT cao hơn chứ không nên chỉ quanh quẩn ở vùng đáy (khi đó Việt Nam đã mở cửa và thu hút FDI được hơn một thập kỷ rồi).

Khi đó Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Hảo đã có cách nhìn hết sức độc đáo. Ông lật ngược Đường cong nụ cười và chỉ ra rằng nó mô tả mức độ thâm dụng lao động giản đơn.
Nếu tôi nhớ không nhầm thì lúc đó ông lập luận rằng việc gia công lắp ráp cũng hữu ích cho những nước đang phát triểm vì nó giúp giải quyết lực lượng lao động không có kỹ năng đang dư thừa ở khu vực nông nghiệp, nông thôn. Kết quả sẽ làm cho xã hội sẽ tốt đẹp hơn.

Các giáo sư Harvard lúc đó đã nói đùa rằng, vậy thì chúng ta nên đặt tên đường này là NỤ CƯỜI CHU HẢO.
Cách nhìn mang lại phúc lợi và cuộc sống tốt hơn cho những lao động không có kỹ năng - nhóm có phúc lợi hay đời sống thấp nhất trong xã hội nêu trên khớp với Thuyết công bằng của John Rawls. Triết gia người Mỹ ở thế kỷ 20 cho rằng: “Phúc lợi của xã hội được đo bằng phúc lợi của những người có phúc lợi thấp nhất trong xã hội. Do vậy, nhiệm vụ của xã hội đơn giản là tập trung nâng cao phúc lợi của những người này.” 

Giờ đây, Việt Nam đã thu hút được rất nhiều vốn FDI, nhưng vẫn chưa tận dụng được các cơ hội để bước lên những nấc thang giá trị cao hơn. Chúng ta vẫn đang quanh quẩn ở vùng đáy, cặm cụi khâu giày cho Nike, lắp bo mạch cho Intel và điện thoại cho Samsung ... 4.0 của Việt Nam đang là như vậy.
Một nguyên nhân quan trọng của vấn đề này là do trục trặc của hệ thống giáo dục, năng lực nghiên cứu và đổi mới sáng tạo kém cỏi của Việt Nam. Do vậy, giải pháp chiến lược của Việt Nam phải là khai sáng với con đường ngắn nhất là học hỏi những tri thức đã có của nhân loại để có thể “đứng trên vai người khổng lồ” (ngay trong khu vực, Nhật Bản, Singapore, Hàn Quốc và Đài Loan đã đi theo con đường này hết sức thành công).
Với ông Chu Hảo, kể từ khi lật ngược Nụ cười Stan Shih đến nay, ông luôn cặm cụi làm rất nhiều việc có tính chất khai sáng, mang lại tri thức cho Việt Nam.
Giờ đây, ngưỡng cửa 2020 đang đến gần, nhưng mục tiêu trở thành nước công nghiệp được đặt ra cách đây gần ba thập kỷ - khoảng thời gian đủ để Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore hay Đài Loan có thể hoá rồng - đã không thành hiện thực.
Người Việt chúng ta vẫn đang ở những khâu có GTGT thấp nhất; 4.0 cứ được ra rả hàng ngày, nhưng thực chất thì chẳng thấy đâu; trong khi nhiều tài năng người Việt chọn nước ngoài để lập nghiệp và ông Chu Hảo thì rơi vào tình cảnh như vậy.

Nhìn lại sẽ thấy rằng đường cong vẽ xuống thì biểu hiện cho khuôn mặt cười, nhưng quay lại là khuôn mặt mếu. Với những gì xảy ra, thú thực, tôi không biết điều gì hợp với bối cảnh hơn: NỤ CƯỜI CHU HẢO hay GIỌT LỆ CHU HẢO!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Best Blogger TipsBest Blogger Tips