Thứ Tư, 7 tháng 10, 2015

Nhật Tuấn đã vĩnh biệt thời đồ đểu...

Nhà văn Nhật Tuấn đã qua đời tại Bệnh viện Thống Nhất Sài Gòn hồi 18 giờ, ngày 06 tháng 10 năm 2015.
Nhật Tuấn tên thật và cũng là bút hiệu, sinh năm 1942 tại Hà Nội. Ông là hội viên Hội Nhà Văn Việt Nam, đã in gần 20 tác phẩm gồm nhiều tập truyện ngắn và truyện dài. Tác phẩm đầu tay có tên “Trang 17”, in năm 1978 đoạt Giải nhất Giải Văn Học của Tổng Công đoàn Việt Nam năm 1978. Nhưng tác phẩm nổi tiếng và xuất sắc nhất của Nhật Tuấn là cuốn Đi về nơi hoang dã in năm 1988, bị Nhà Nước CSVN cấm ngay sau khi phát hành nhưng lại được đón nhận rất nồng nhiệt ở hải ngoại.

4 nhận xét:

  1. Tôi cùng thế hệ viết văn với Nhật Tuấn, cùng là bạn bè, hiểu nhau nhiều cả về tâm tính lẫn công việc lao động nhà văn. Nhật Tuấn rất có trách nhiệm về lao động sáng tạo. Anh cố gắng vươn lên để tạo dựng một phong cách riêng. Đỉnh cao của anh, Đi về nơi hoang dã, đã được anh em trong giới và bạn đọc thừa nhận.
    Nhiều nhà văn cùng thế hệ của anh Nhật Tuấn và tôi có điểm chung là không phải do đào tạo, mà do hoàn cảnh đẩy mình vào thế cầm bút như một lối thoát. Cầm bút vì nhu cầu phản ánh trạng thái xã hội và cả khát vọng cá nhân của mình. Đây là giai đoạn mà bi kịch văn học, văn hóa cũng đầy ắp vì thế nhiều thứ phải kiềm chế, đi vào khuôn phép để mình được xuất hiện và tồn tại. Việc thể hiện của nhà văn có bị hạn chế, và theo tôi, hoàn cảnh nào sẽ sản sinh ra văn học vừa tầm với hoàn cảnh đó. Nhưng với Nhật Tuấn, ngay cả trong thời kỳ ấy, anh vẫn có dấu ấn nghệ thuật riêng của mình.
    NGUYỄN MẠNH TUẤN

    Chẳng nhớ cái trại sáng tác của Hội Nhà văn Việt Nam đầu tiên mở tại Vũng Tàu là vào năm nào, nhưng chắc cũng hơn 30 năm rồi. Tôi quen Nhật Tuấn trong dịp ấy. Hắn ăn nói báng bổ, vui tính, dễ gần. Nói chuyện với tôi hắn ưa chen tiếng Pháp vào. Thực ra không phải là làm dáng vì hắn cũng khá tiếng Pháp. Hắn nói hắn tự học.
    Khoảng năm 1985 vợ chồng Nhật Tuấn về cất nhà ở Gò Vấp. Nhà có vườn rộng, cây trái um tùm. Tôi thường đến ăn nhậu ở đó. Có khi có cả nhà văn Trần Hoài Dương cùng tán phét đủ thứ chuyện.
    Thời gian Nhật Tuấn làm giám đốc Chi nhánh phía Nam nhà xuất bản Văn học, tôi thường tới đó chơi với hắn nên không đến Gò Vấp nữa.
    Rồi lão chết đột ngột vì bệnh “phù nề hoành tá tràng”. Tôi chẳng biết đó là cái bệnh quái quỷ gì mà giết người nhanh vậy. Nhật Tuấn nó như con trâu. Nhưng đó là nhìn cái bề ngoài, chứ thực ra nó là đứa rất lười chăm sóc bản thân. Ngại đi khám bệnh. Ngại đi xét nghiệm tổng quát định kỳ hàng năm. Nó bỏ thí thân xác. Thích sống tự do thoải mái. Muốn ăn gì thì ăn, muốn ở đâu thì ở, muốn yêu ai thì yêu. Và hình như nó thuộc loại ở dơ, sợ tắm, sợ uống thuốc, có lẽ vì vậy mà khi bệnh trở nặng thì trở tay không kịp.
    Có lần nó nói với tôi: “Tao muốn tự tử.” Tôi vẫn nghĩ là nó nói đùa.
    ĐÀO HIẾU

    'Đi về nơi hoang dã' được nhiều người nói là tác phẩm xuất sắc nhất của nhà văn. Cũng có người tỏ ý trách chúng tôi, những người làm phê bình văn học, là khi tổng kết văn học Đổi mới, có vẻ bỏ quên tác phẩm này. Có khi cũng có thiếu sót ấy. Nhìn lại các bài tổng kết văn học Đổi mới, đôi khi có những tác giả, tác phẩm cần phải được nhắc lại.
    Anh Nhật Tuấn còn để lại ấn tượng mạnh cho tôi khi sau này anh viết một loạt bài nhìn lại văn học xã hội chủ nghĩa miền Bắc. Loạt bài được anh ký tên khác, đăng trên trang của nhà thơ Lê Thiếu Nhơn, cũng khiến nhiều người bực bội. Nhưng tôi thấy anh có cái nhìn thẳng thắn, không khoan nhượng. Ngay cả những nhà văn tiền bối cũng được ông soi xét theo cách đọc riêng của ông. Là người làm phê bình văn học, tôi học được ở ông sự không nể nang, thẳng thắn, cần thiết không chỉ cho văn chương mà cho cả cuộc sống nói chung.
    PHẠM XUÂN NGUYÊN

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Đại hội IX hội Nhà Văn Việt Nam họp vào giữa tháng bảy năm 2015 ở Hà Nội. Cuối tháng sáu, trên facebook, Nhật Tuấn đều đặn đưa ảnh chụp những nơi anh dừng chân trên hành trình hướng ra Bắc. Ngày 29 tháng sáu, Nhật Tuấn đưa ảnh anh chụp ở Nha Trang. Tôi liền comment chọc anh: Nhà văn “Đi Về Nơi Hoang Dã” rời miền hoang dã trên đường về kinh dự đại hội nhà văn của đảng, ứng cử vào ban chấp hành hội Nhà Văn tiêu tiền của dân viết nịnh đảng. Không ngờ Nhật Tuấn giận dữ nổi xung: Ông Trọng ơi, ông giỡn chơi hay thật vậy? Tại sao gắp lửa bỏ tay người vậy? Tôi về dự đại hội hồi nào? Tôi viết nịnh đảng ở đâu? Ông thử nói coi.
      Đó, con người Nhật Tuấn đó.
      Nhật Tuấn vào hội Nhà Văn Việt Nam từ năm 1978 nhưng trước sự đánh mất những giá trị văn hóa của hội Nhà Văn Việt Nam, Nhật Tuấn đã xa lánh, không bén mảng đến mấy đại hội gần đây của hội Nhà Văn Việt Nam.
      Nhật Tuấn có mặt trong cuộc đời từ ngày 7 tháng 9 năm 1942. Cuộc đời ngày càng đảo điên, mọi giá trị đảo lộn. Những giá trị làm người cũng không được nhìn nhận, không còn có trong cuộc đời. Có phải vì thế mà ngày 6 tháng 10 năm 2015, Nhật Tuấn lại đột ngột, lặng lẽ xa lánh luôn cả cõi đời!
      Nhật Tuấn không còn trong cõi đời nhưng Nhật Tuấn còn mãi trong tôi. Nhật Tuấn còn mãi trong văn chương Việt Nam, còn mãi trong lịch sử văn học Việt Nam.
      PHẠM ĐÌNH TRỌNG

      Xóa
  2. Nhật Tuấn sinh năm 1939, tuổi Kỉ Mão.
    Nếu dừng lại ở thị Beo, thì Nhật Tuấn có 5 đời vợ. 3 có hôn thú 2 không, xen kẽ nhau. Cơ số này sau ngày cưới rất lâu, thị Beo cũng mới biết do chị ruột Nhật Tuấn kể cho nghe.
    Thị Beo có mối quan hệ rất tốt với các vợ và cả với kha khá bồ bịch của Nhật Tuấn. Thậm chí 4 người trong số họ còn đánh bạn với Thị Beo tới tận giờ luôn.
    Nhật Tuấn chưa bao giờ học về cầu đường như một vài báo trước đây viết. Hết lớp 10 một thời gian dài sau, ông đi làm công nhân, ngày ấy gọi là phụ động, cho một nhóm khảo sát thiết kế đường lên mạn Tây và Đông Bắc. 6 năm lăn lộn ở đây đã được tưởng thưởng một cách xứng đáng cho số phận một nhà văn sau này, tác phẩm Đi về nơi hoang dã .
    Sau đó ông về làm tại bộ Giao thông, trải qua nhiều công việc như giữ thư viện, nhân viên trực tổng đài điện thoại. Cái tổng đài ngày xưa to bằng nửa căn nhà với rất nhiều ổ-phích, nhân viên phải rút ra cắm vào liên tục ấy là nền để hư cấu nên truyện ngắn Con chim biết chọn hạt. Đây cũng là thời gian Nhật Tuấn viết những truyện ngắn hay nhất của mình Trang 17, Con tàu trắng đi trong khói nắng,…
    Thấy ông có năng khiếu văn chương, cơ quan cho đi học tại chức khoa Ngữ văn, Đại học tổng hợp. Tốt nghiệp, ông được nhà văn Hoàng Lại Giang giúp chuyển về NXB Văn học. Hoàng lại Giang còn là người ơn rất nhiều việc lớn sau này của Nhật Tuấn.

    Nhật Tuấn có thói quen viết gần xong mới đặt tựa sách. Đặt tựa trước, ông sẽ khởi động chương đầu cực kì khó khăn. Đi về nơi hoang dã là trường hợp gần như xuất thần đặc biệt.
    Người có công đặt tựa và gợi ý Nhật Tuấn viết cuốn này là nhà văn đã quá cố Lê Quốc Minh, trong một bữa nhậu có sự tham gia của nhà văn đã quá cố Trần Hoài Dương, nhà thơ Trần Mạnh Hảo, vợ chồng nhà thơ Hoàng Hưng. Trong lúc bàn chuyện thế sự và ôn cố tri tân chuyện Tây Bắc, trong ngôi nhà vườn rất đẹp ở Gò Vấp, Lê Quốc Minh đã bật ra cái tựa trên.
    Ngay hôm sau, Nhật Tuấn bắt tay vào viết và viết rất nhanh.
    Trong thời gian chung sống, tất cả sách của Nhật Tuấn do thị Beo biên tập, sửa bon morat. Thêm bớt cắt gọt gì hầu như ông không quan tâm sau khi đã đặt dấu chấm hết, mà cứ thế đưa thẳng sang nhà xuất bản. Thường thì sửa rất nhiều. Ví như Lửa lạnh, sửa bê bết đến mức Nhật Tuấn càu nhàu, Cậu làm như đồng tác giả.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Riêng Đi về nơi hoang dã, không sửa gì kể cả thì là mà và. Tất cả các chi tiết trong sách, buồn đốt rừng ngắm chơi, ông cán bộ ăn vụng bánh, móc thịt chôn đã mấy ngày lên ăn… đều có thật, không có bất cứ tình tiết hư cấu nào.
      Tiểu thuyết viết theo kết cấu cổ điển. Câu chuyện bóc dần những bản năng âm u, sư tha hóa của con người trên hành trình, càng đi càng dấn sâu vào nơi vô định hoang dã. Vế sau của lời nhận xét này chính là “độ lớn”, là tầng ngữ nghĩa thứ hai của tác phẩm. Đi về nơi hoang dã là gạch nối- kết thúc “trường phái” sáng tác hiện thực xã hội chủ nghĩa được tụng ca trước đó, đồng thời nó là cuốn thành công nhất trong nhóm những tác phẩm được mệnh danh văn học phản kháng (Ly thân, Thiên đường mù…), tồn tại gần chục năm sau thì tự hết.

      Đi về nơi hoang dã chưa bao giờ bị cấm đoán. Lần xuất bản đầu in 10 ngàn cuốn, một con số thông dụng cho hầu hết các tác giả có tiếng thời điểm ấy. (Những tác giả bán chạy nhất như Nguyễn Mạnh Tuấn thường phát hành 30 đến 50 ngàn bản cho lần in đầu).
      Việc nó không được bàn luận nhiều trên báo chí, lỗi tại…nhà báo. Riêng báo nhà thị Beo, dứt khoát không có chuyện được nhắc đến hay nhờ ai nhắc đến bất cứ cuốn nào, ko riêng Đi về nơi hoang dã. Chồng hát vợ khen hay là thiếu tự trọng. Giờ nghĩ lại, thấy quan niệm kẻ sĩ Bắc Hà này quê mùa cũ kĩ và phi thị trường.

      Non nửa ngày vật vã trên xe vì điện thoại hết pin. Tới khách sạn còn giành nhau ổ cắm chán chê mới vào mạng. Có lẽ thị Beo là người biết tin Nhật Tuấn mất cuối cùng, trong số những người cần biết.
      Sinh thời, Nhật Tuấn là người lạc quan và cực kì ghét những lời sến sẩm. Nhật Tuấn và Beo xưng hô nhau Cậu- Tớ. Gây lộn thì Ông- Tôi. Mấy năm sống chung, hợp khẩu nên cũng hiếm khi to tiếng với nhau.
      76 năm có mặt trên cõi đời, Cậu đã góp phần cùng thị Beo tạo ra hai sinh vật đẹp đẽ, ngoan ngoãn và thành đạt. Để lại một cuốn sách mà sau đây, không một cuốn văn sử nào được phép quên.
      Không phải ai cũng làm được những điều to tát thế, Nhật Tuấn ạ.
      R.I.P Cậu.
      Cứ thô ráp và hoang dại như vẫn, nơi cõi ấy nha!
      THỊ BEO

      Xóa

Best Blogger TipsBest Blogger Tips