Thứ Tư, 21 tháng 10, 2015

"Thái tử đảng" phải như ông này dân mới phục

Ông Justin Trudeau, một nhà lãnh đạo trẻ của đảng Cấp Tiến và là con trai của một trong các thủ tướng nổi tiếng nhất trong lịch sử Canada, đã giành được chiến thắng đầy kinh ngạc trong cuộc bầu cử hôm thứ Hai. Kết quả này đã chấm dứt một chính quyền bảo thủ của ông Stephen Harper trong chín năm qua.
Ông Trudeau mới 44 tuổi sẽ trở thành thủ tướng thứ 23 của Canada. Vị tân lãnh đạo đẹp trai như tài tử Hollywood này có thái độ sống và lập trường chính trị rất cấp tiến, phóng khoáng như cha Pierre Trudeau của ông.
Ảnh 2 cha con lúc Justin 8 tuổi
Mấy thập niên trước đây, cha của Justin, ông Pierre Trudeau, đã là một trong các chính trị gia lừng danh nhất của xứ Canada băng giá. Trong cơn sốt "Trudeaumania" năm 1968, ông Pierre được bầu lên chức thủ tướng và được so sánh với Tổng Thống John F. Kennedy của Hoa Kỳ.
Ông Justin là con trưởng của ông Pierre Trudeau, chào đời năm 1971 trong lúc cha giữ nhiệm kỳ thủ tướng lần thứ nhất. Có lẽ Justin đã có số làm thủ tướng. Theo ghi nhận của hãng thông tấn AP, vào năm 1972, khi ông Justin là một em bé mới có 4 tháng tuổi, trong một quốc yến được tổ chức tại thủ đô Ottawa, Tổng Thống Richard Nixon của Hoa Kỳ đã nâng ly và nói một câu dành cho em bé Justin: “Tôi xin tặng lời chúc này đến Justin Pierre Trudeau, vị thủ tướng tương lai của Canada.”
Trước khi bước vào chính trị năm 2008, ông Justin Trudeau đã thử làm giáo viên, kỹ sự, chuyên viên dạy nhảy dây mạo hiểm bungee-jump. Ông đóng vai người hùng lịch sử Talbot Papineau của Canada trong phim “Đại Thế Chiến” năm 2007. (ảnh trên)
Đặc biệt là vào năm 2012, ông đấu võ với Nghị Sĩ Bảo Thủ Patrick Brazeau trong một trận đánh gây quỹ từ thiện. Ông thắng sau ba hiệp vì đối thủ Brazeau, mặc dù từng được xem là khỏe mạnh hơn, đã bị đánh choáng váng mấy lần.
 
Năm 2011, Justin Trudeau đã gây quỹ được $1,900 Gia kim (khoảng $1,500 Mỹ kim) trong một cuộc vũ thoát y mà ông đã từ từ cởi áo vét, áo trong, tuột quần cho đến khi chỉ còn quần lót, trước đám đông khán giả gào hét khan cổ họng mà hầu hết là phụ nữ trong một bữa tiệc được gọi là “What a Girl Wants,” tức là “Con Gái Muốn... Cái Gì,” và tiền mà ông nhận được đã giúp hội nghiên cứu trị bệnh đau gan.
Justin Trudeau thường được "ăn theo" cha mình trong các cuộc gặp gỡ các nhà lãnh đạo hàng đầu thế giới. Ảnh trên: Chú bé Trudeau được cha giới thiệu với Thủ tướng Anh Margaret Thatcher. Ảnh dưới: Với Đức Giáo hoàng John Paul II.

4 nhận xét:

  1. Hổ phụ có thể sinh hổ tử.
    Một nhà lãnh đạo tử tế chắc chắn sẽ để lại những di sản chính trị tốt đẹp cho con cái. Những di sản đó sẽ thêm giàu có nếu con cái họ "nhận thừa kế" thông qua lá phiếu của dân (như Benigno Aquino III, Park Geun-Hye hay Justin Trudeau...). Và, những di sản đó cũng sẽ ngay lập tức trở thành vết nhơ lịch sử nếu những đứa con vội vã nhận trực tiếp "từ tay bố" dưới hình thức những chiếc ghế.

    Ngay cả các "thái tử đảng" của Trung Quốc cũng phải tự lặn ngụp trong chính trường và phần lớn đều thăng tiến sau khi cha mẹ họ không còn sống hoặc không còn chức tước.

    Năm 1982, từ văn phòng Quân ủy Tập Cận Bình được "luân chuyển" xuống cơ sở, làm bí thư huyện ủy. Phải mất 18 năm, leo từng bậc thang, Tập mới lên được chức tỉnh trưởng Phúc Kiến (2000). Bạc Hy Lai cũng mất một thời gian tương tự (1984-2001) để đi từ phó bí thư huyện ủy lên tới chủ tịch tỉnh Liêu Ninh, dù cha - Bạc Nhất Ba - lúc đó là một người rất có ảnh hưởng tới Giang Trạch Dân.

    Ở CPC, Hun Sen thực sự thâu tóm phần lớn quyền bính và đang điều hành đất nước này như một nhà độc tài. Nhưng, ngay cả Hun Sen cũng không dám trơ trẽn cho con cái nắm quá nhiều quyền lực.

    Hun Sen làm như thế vì vừa là một người khôn ngoan. Một tiểu thương trước khi để lại tiệm phở cho con cũng phải thử thách người thừa kế bằng những việc như rửa chén, bưng bê. Chỉ có những nhà lãnh đạo thiển cận mới trao quyền lực cho những "cậu ấm", ngoài việc đèn sách, chưa bao giờ tự mình làm một việc gì cho tới đầu tới đũa.

    Nhưng Hun Sen phải làm như thế còn vì nền chính trị CPC, dẫu chưa thực sự dân chủ, cũng đã có đối lập và có khá nhiều quyền tự do ngôn luận. Campuchia không phải là một hình mẫu cho Việt Nam. Nhưng còn rất lâu, Việt Nam mới có thể bằng CPC, kể cả dân trí và quan trí.

    Chỉ trong một nền chính trị không có vai trò của dân, những nhà lãnh đạo thiếu liêm sỉ mới có thể thu vén cá nhân vô độ.
    OSIN HUY ĐỨC

    Trả lờiXóa
  2. Tin ông Justin Trudeau, 43 tuổi, con trai của cựu thủ tướng Canada Pierre Trudeau, đắc cử chức vụ thủ tướng hôm 20/10 nhận được nhiều phản hồi tích cực từ công luận thế giới. Báo chí Việt Nam đã dành từ ‘con nhà nòi’ để nói về ông Trudeau. Trong khi đó, những gương mặt trẻ con cái của các lãnh đạo hàng đầu Việt Nam vừa được bổ nhiệm vào những vị trí chủ chốt ở các tỉnh, thành sau Đại hội Đảng bộ ở các tỉnh thành tuần qua, lại khiến không ít người lo lắng.
    VOA

    Tiến sĩ Nguyễn Quang A nhận xét chung về những lãnh đạo trẻ mới lên của Việt Nam:
    -Những gương mặt trẻ đó thực sự họ lên được những chức to như thế, không ai biết có phải là bằng tài năng của họ hay không hay chỉ bằng mối quan hệ ‘con ông cháu cha’. Trong một hệ thống không minh bạch, không được bầu cử một cách tự do để lựa chọn những vị lãnh đạo, thì khả năng sau – khả năng ‘con ông cháu cha’ – là nhiều.
    -Tiêu chuẩn trẻ là một tiêu chuẩn tốt. Nhưng bên cạnh tiêu chuẩn trẻ, còn rất nhiều tiêu chuẩn khác có thể còn quan trọng hơn tiêu chuẩn trẻ. Ở những nước có sự cạnh tranh lành mạnh và minh bạch trong việc bổ nhiệm, bầu cử, nếu được người trẻ thì đúng là rất tốt. Nhưng ở những nước độc tài, tiêu chuẩn trẻ chưa nói lên được điều gì. Hãy nhìn vào Bắc Triều Tiên với một lãnh đạo trẻ là ông Kim Jong Un, tôi nghĩ người ta lo ngại là phải.
    -Không thể so sánh Canada và Việt Nam được. Việt Nam có nền chính trị độc tài, Canada là một nước dân chủ. Ở những nước dân chủ, có thể ‘con nhà nòi’ hay con những nhà quen hoạt động chính trị, người ta có thể có khả năng đó. Nhưng cuối cùng cũng phải là cái đảng đó được nhân dân tín nhiệm hoặc bản thân người đó phải được nhân dân tín nhiệm thì mới được bầu. Còn ở Việt Nam, thử hỏi có nhân dân nào tín nhiệm những người ‘con ông cháu cha’ hay không?
    (Click tiêu đề xem toàn bài)

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. -Ông Trudeau “cũng là một "con ông cháu cha" lại không gây bão dư luận như ở Việt Nam, đơn giản vì ông Justin Trudeau do dân bầu ra qua bầu cử tự do và công bằng”.
      NGUYỄN TIẾN TRUNG
      -Việc con cái của các quan chức Việt Nam “lên ào ạt” này là “một dấu hiệu thiếu lành mạnh” "Sự cất nhắc, bổ nhiệm đó nó không công bằng. Nó không công tâm trong chuyện đó. Quy chế bổ nhiệm cán bộ của mình có nhiều cái còn tệ hơn cả thời phong kiến. Thời đó, ông quan ở chức đó thì ông không được bổ nhiệm, không được lợi dụng bổ nhiệm người con của mình ở địa phương, quê hương bản quán. Nhưng mà bây giờ những trường hợp ấy nó cho thấy kém cả thời phong kiến”
      Các vụ thăng tiến vừa qua đã “gây ra phản ứng không hài lòng từ phía dân chúng”, dẫn tới sự mất lòng tin vào chính quyền.
      TRƯƠNG DUY NHẤT
      Ngoài yếu tố tâm lý chính trị, cho thấy buổi hoàng hôn của chế độ, nó cũng phản ánh tương quan chính trị trong nội bộ đảng hiện nay. Người nào mà đưa được con lên càng nhanh, càng cao, thì thường là người đó chiếm ưu thế càng lớn.
      PHẠM CHÍ DŨNG

      Xóa
  3. Gần đây, khi sắp diễn ra đại hội 12 của “đảng ta”, số con ruột của các vị quan chức cấp cao được “cơ cấu” vào những chức vị trọng yếu của các tỉnh, thành, ngành gia tăng đột biến, đã có rất nhiều bài viết mổ xẻ hiện tượng này, hầu hết kèm theo những lời chê trách...

    Việc quý vị tham gia bàn bạc nên “cơ cấu” ai, không nên “cơ cấu” ai, chẳng phải là các vị đang góp ý xây dựng cho tập đoàn cầm quyền hay sao? Để làm gì vậy? Để cho tập đoàn đó mạnh lên ư?

    Vậy cái chúng ta cần quan tâm là những điều khác. Đó là: Lực lượng nào (chứ không phải cụ thể là ông nào, bà nào) nắm quyền điều hành xã hội và ảnh hưởng đến vận mệnh của chúng ta? Và (khi lực lượng đó đã có rồi thì) cách họ đối xử với chúng ta là thế nào? Chúng ta không cần quan tâm nhiều lắm đến việc trong nội bộ họ đối xử với nhau thế nào. Không cần quan tâm nhiều đến tính cách cá nhân của ông bà nào. Nếu có để ý đến cách họ đối xử trong nội bộ với nhau thì cũng chỉ là để hiểu họ, để có cách ứng xử với họ. Không cần bàn quá nhiều về tư cách ông nọ bà kia. Không cần biết vị này vị khác xứng đáng với cương vị được giao đến mức nào.

    Là người dân, bàn quá nhiều đến ngôi vị của ông này bà nọ trong giới cầm quyền thì có khác gì bầy cừu băn khoăn về sự sắp xếp và chia quyền trong nội bộ bầy sói. “Lẽ ra quyền ăn thịt TÔI phải dành cho ông sói xám, chứ không được dành cho anh sói nâu trẻ là con của ông sói nâu đầu đàn!”
    NGUYỄN TRẦN SÂM
    (Click tiêu đề xem toàn bài)

    Trả lờiXóa

Best Blogger TipsBest Blogger Tips