Thứ Sáu, 11 tháng 4, 2014

Đường cong mềm mại

Chuyện đường Trường Chinh bị nắn cong đang trở thành điểm nóng của xã hội. Bực bội, chán nản nhưng có những bình luận cười ra nước mắt. Tôi theo dõi bài viết "Hà Nội phủ nhận bẻ cong đường để né nhà quan chức" trên một tờ báo mạng, có đến gần 500 ý kiến phản hồi của bạn đọc. Thôi thì đủ cả, bực dọc, mắng mỏ, bất bình với chuyện một con đường lớn trên trục giao thông chính của thủ đô bị bẻ cong. Nhưng đọc hết mới thấy các bình luận được nhiều người thích nhất lại là những ý kiến nhìn sự việc dưới góc độ vui vẻ, hài hước.

Chẳng hạn có người nói “Không lẽ các nước tiên tiến họ giỏi biến cong thành thẳng, còn mình lại giỏi biến thẳng thành cong à”, hay có người bảo: “Nước mình con rồng cháu tiên, thế cho nên đường cũng phải hóa rồng hóa rắn”. Tôi thì thấy thú vị nhất với một bạn đọc nói rằng: “Người ta nói Việt Nam là đất nước của những vì sao. Không phải vì có nhiều người tài mà là luôn có câu hỏi vì sao lại như thế?
Thật hiếm có câu chuyện nào mà lại kích thích được óc hài hước của người dân nhiều như câu chuyện nắn cong đường này. Mà cũng phải thôi, với cái kiểu quy hoạch mờ mờ ảo ảo, nắn đường ngang nhiên rồi giải thích ngang nhiên “đường cong nhưng mà cong mềm mại” của các quan chức Hà Nội thế này, dân không lộn tiết lên thì chớ kể.
Một chuyện sai đã lè lè ra đấy, nhưng những người có trách nhiệm vẫn có cách giải thích luồn lách để cho ngược thành xuôi, đen hóa trắng thế này thì đúng là các cụ có câu “Lưỡi không xương nhiều đường lắt léo” thật chẳng ngoa ngôn chút nào. Nó thể hiện sự coi thường dư luận, coi thường người dân lên đến tột đỉnh.
Nếu xét về trình độ hài hước thì chắc các bác quan chức có liên quan đến vụ bẻ cong đường này phải đạt đến tầm danh hài tầm cỡ quốc tế chứ chẳng chơi. Vì rõ ràng một con đường đang thẳng bị chạy ngoặt gấp khúc như vậy mà họ nhìn ra được dáng vẻ “cong mềm mại” thì quả là đại cao thủ, quả là “biệt nhãn”.
Xét về trình độ bao biện thì họ lại còn giỏi hơn nữa, bên cạnh việc mô tả đường cong mềm mại, Sở Quy hoạch Kiến trúc còn đưa ra rất nhiều bằng chứng chứng minh là con đường đã cong đúng quy trình chứ không có gì là khuất tất cả. Đến nỗi có bạn đọc đã bình luận: “Tuy đường bị cong là sai nhưng ông đã có cách giải thích thật tuyệt vời, nghe cách giải thích này có lẽ nó phải đẹp hơn cả đường thẳng ban đầu. Rất giỏi”.
Đấy, tôi đố các quý vị độc giả tìm khắp trên quả địa cầu xem có ở đâu mà vui vẻ hạnh phúc hơn ở nước ta không? Một con đường bị nắn cong gấp khúc để né “cái gỉ cái gì” đó, đáng lẽ phải là chuyện rất bực mình, thế mà nó khơi gợi được bao nhiêu là óc hài hước của mọi giai tầng trong xã hội.
Ông quan thì bảo “đường cong mềm mại”, “cong đúng quy trình”, ông dân thì cũng chả còn cách nào hơn là hòa vào tung hứng cùng nhau để cười, mà cười ra nước mắt. Cười mà thấy xót xa cho cái sự ngay thẳng, sự ngay ngắn, chính trực từ lúc nào không biết đã trở nên bị khinh bỉ ở xứ sở này, thành ra mọi sự cứ phải uốn éo, lượn lẹo như rắn như lươn.
Nói gì thì nói, tôi cũng cứ phải thừa nhận, câu chuyện đường Trường Chinh bị nắn cong là một bằng chứng đanh thép để chứng minh nhận định Việt Nam là một trong những quốc gia hạnh phúc nhất thế giới là hoàn toàn đúng đắn.
Các bác thử hình dung xem, có dân nước nào như chúng ta, ngày nào mở báo ra đọc cũng có chuyện để cười, rồi tìm ra những lời hài hước chua cay nhất mà bông phèng với nhau về đủ thứ chuyện lẽ ra là nghiêm túc nhất trên đời.
Bảo sao mà chỉ số hạnh phúc trong đời sống chúng ta không càng ngày càng tăng vòn vọt. -Mi An/baodatviet

Về nghi vấn nắn đường vì tránh nhà quan chức, Thiếu tướng Lan bình luận: “Đây là ơn nghĩa dành cho bộ máy đầu não bảo vệ vùng trời, chúng tôi không đồng ý với cách đặt vấn đề tránh nhà quan chức. Hiện, nhiều anh em cấp tá, là cấp dưới của chúng tôi tuy cùng dãy nhà nhưng sắp bị giải tỏa (khu vực giải tỏa nằm trong đoạn vuốt nối để giảm độ gấp khúc), bản thân tôi và các tướng lĩnh khác đã và đang đứng ra bảo vệ”, Thiếu tướng Lan nói.
Đấy là ý kiến của cá nhân anh Lan. Theo tôi mọi sự ưu tiên phải nằm trong chế độ, chính sách của Đảng, Nhà nước còn ngoài chính sách chúng tôi không bao giờ muốn. Tôi được Nhà nước cho thế nào thì hưởng thế ấy chứ đã vào quy hoạch thì ưu tiên cho tôi ở lại bắt người khác đi tôi không hề muốn.Tôi đã chiến đấu suốt đời, ở cương vị không cao nhưng đã được nhân dân biết đến thì mình thêm một tí được cái gì, chiến đấu cả đời có phải được chỗ đó đâu. Lúc chiến đấu chỉ nghĩ làm sao bảo vệ được Tổ quốc chứ đâu có nghĩ đến sau này về tôi được miếng đất này, miếng đất kia.Thực tế ngày xưa nếu xin đất xin nhà thì tôi đã không ở chỗ này vì nhiều chỗ còn đẹp hơn. Tôi làm theo đúng luật, ưu tiên trong nháy nháy để mà thế này thế kia thì không bao giờ màng đến. - Trung tướng Phạm Tuân

2 nhận xét:

  1. Hiện nay dư luận đang xôn xao về việc một con đường mang tên Trường Chinh ở Hà Nội bị uốn cong để tránh những căn nhà của các sĩ quan cao cấp trong quân đội. Đây là con đường kỳ lạ và báo chí không bỏ lỡ cơ hội khai thác sự kiện hiếm có này.

    Áp lực từ đâu?
    Theo Quyết định 108 được Thủ tướng phê duyệt vào ngày 20/6/1998, quy hoạch chung Thủ đô đến năm 2020, dự kiến hướng tuyến của tuyến đường Trường Chinh là chạy thẳng dài khoảng 2,2km, có mặt cắt ngang quy hoạch rộng 53,5m. Hướng quy hoạch, mở rộng đường đối với đoạn Vĩnh Tuy – Minh Khai – Trường Chinh – Ngã Tư Sở - Cầu Cót được định hướng chủ yếu về phía Bắc. Đoạn đường Trường Chinh đi qua địa bàn các quận Thanh Xuân và Đống Đa. Tuy nhiên, khi triển khai thực hiện thì con đường Trường Chinh bị uốn cong khoảng 800 mét khi qua khu đất của Quân chủng Phòng không Không quân, đoạn từ Hồ Hố Mẻ đến Cống chéo sông Lừ.

    Khi dư luận phản ảnh tình trạng quá lộ liễu này của Sở quy hoạch Hà Nội vào chiều ngày 8/4/2014, ông Dương Đức Tuấn, Phó Giám đốc Sở Qui Hoạch Kiến Trúc Hà Nội nói với các phóng viên quốc nội rằng đoạn cong khoảng 800 mét này của đường Trường Chinh là “đường cong mềm mại” và không ảnh hưởng đến tình trạng giao thông. Quan trọng hơn ông Tuấn nói rằng đoạn cong ở đường Trường Chinh mở rộng là do yêu cầu của Bộ Quốc phòng.

    Ông Trịnh, một kiến trúc sư đang công tác tại Hà Nội nói rằng việc bẻ cong con đường Trường Chinh chỉ có lợi cho một nhóm người có nhà không bị giải tỏa:

    “Thật ra bẻ cong như thế thì nó rất là bất cập, tức là xét về một gốc độ nào đấy. Ban đầu mình có thể tiết kiệm được kinh phí giải tỏa, không phức tạp về vấn đề xã hội thì thật ra việc giải tỏa rất là khó, mỗi người dân thì người ta cũng có quyền của người ta, thì bây giờ, thật ra nhà nước mình cứ phải ép buộc người ta cứ như thế này thế kia, thì tất nhiên đây là lợi ích lâu dài cho xã hội, chứ còn người ta phải chuyển đi đến một khu tái định cư, trong khi mà cuộc sống người ta đang rất bình thường rất là ngại chuyển.”

    Ông Nghiêm Việt Anh nhà ở ngay gần đường Trường Chinh cho biết, con đường này đã có gần một trăm năm nay rất thẳng, có từ thời Pháp trước 1954, người dân vẫn thường gọi là đường Tàu Bay, nó như là một phần lịch sử và đã có rất nhiều lần làm đường nhưng lần nào cũng thẳng mà giờ đây:

    “Tránh một cái đọan là khoảng mấy trăm mét có các biệt thự của các ông tướng trong đó có Nguyễn Đức Phát, Phó tổng tham mưu, rồi có Trung tướng Phạm Tuân, có đại khái là năm ông tướng đấy. Thật ra thì cũng không phải là cái nhà của các ông ấy bỏ tiền ra xây từ ngày xưa mà thực tế đấy là những nhà công vụ, công lao do quân đội xây bằng cái tiền của dân, tiền của quốc phòng và sức của bộ đội, sức lính thôi.”

    Rõ ràng con đường bị uốn cong là đề tránh những ngôi nhà của tướng tá cao cấp của Quân đội nhân dân Việt Nam mà cụ thể là đơn vị Phòng không Không quân. Ông Việt Anh bức xúc nói thêm:

    “Bây giờ ở các ông đó về hưu rồi. Các ông ở rất rộng như thế, cái biệt thự gần đường như thế, bây giờ làm nhà thì cắt của các ông đó khoảng mấy chục mét, giả sử làm đúng qui hoạch thì nhà các ông ấy vẫn còn, mà thật ra có làm hết đất đi thì các ông ấy vẫn còn có nhiều nhà khác. Vẫn có rất nhiều tiêu chuẩn để bố trí các ổng đi, nhưng mà đây là người ta không muốn lợi ích bị xâm phạm. Thành thử ra người ta vì cái quyền cao chức trọng, áp lực của bộ quốc phòng, áp lực đến Thành phố Hà Nội, chắc không phải tự nhiên thành phố thỏa thuận từ đường thẳng xuống đường cong thế đâu mà chắc lợi ích gì đấy đã thỏa thuận phía trong.“

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Chuyện bình thường?
      Ông Đỗ Xuân Thọ - Tiến Sỹ Cơ Học Ứng Dụng - công tác tại Viện khoa học và công nghệ GTVT nói rằng người dân Hà Nội đã quen với việc các quan chức làm những chuyện lợi ích riêng như vậy và lâu dần đã trở nên bình thường:

      “Tôi chỉ biết rằng là, cái hiện tượng mà uốn cong các con đường qua các nhà của các con ông cháu cha, là thường xuyên ở Hà Nội, chắc chắn như thế. Tất là họ xây một cái biệt thư hay một cái khách sạn lên trước, sau đó họ xây một con đường chay qua đấy thì bao giờ cũng đón đầu các dự án. Đấy là một cái hiện tượng phổ biến ở Hà Nội. Rồi cái việc uốn cong đường Trường Chinh là dể hiểu thôi ….đấy có một đại gia nào đấy mà bị phá thì con đường bị uốn cong ngay giống như uốn cong pháp luật bây giờ đó mà.”

      Đối với một con đường chỉ dài hơn 2 km trong một thành phố đầy xe qua lại thì việc uốn cong chỉ làm cho người lái xe thêm khó khăn và tất nhiên phát sinh thêm nhiều kinh phí. Kiến trúc sư Trịnh nói rằng nếu làm thẳng thì con đường Trường Chinh sẽ tiết kiệm được nhiều kinh phí và có lợi cho xã hội:

      “Con đường Trường Chinh ở Việt Nam thì chắc chắn không thể so sánh được rồi, vì nó rất là ngắn vì nếu mình làm đường thẳng, nó sẽ tiết kiệm nó sẽ tốt cho sau này. Thứ nhất nó tiết kiệm được khoảng cách con đường, kinh phí xây dựng một con đường dài hơn khoảng độ một vài chục mét, vài trăm mét thôi là tốn hơn rất nhiều kinh phí. Nếu mà vấn đề giải tỏa làm tốt thì tất nhiên con đường thẳng sau này xã hội sẽ được hưởng lâu dài, con đường ấy là một sản phẩm mãi mãi về sau, con người ta đựơc tận hưởng chứ không phải là trước mắt.”

      Ông Trịnh cho biết tiếp nếu muốn làm những con đường cong trong thành phố thì phải tùy theo vị trí của từng khu vực trong nội thành:

      “Tùy theo những vị tri, tức là mình ở những cái nơi khu vực có cảnh quan thì đôi khi, người ta cũng làm một con đường cong queo, ngoằn ngoèo, để dẫn hướng cho người ta đi thế này, thế kia, để người ta khám phá. Chứ còn ví dụ ở trong một quãng đường hay bị ách tắc giao thông, thì thật ra tạo một cái con đường cong, không lợi gì cả chỉ làm cho nó thêm phức tạp thôi.”

      Việc công khai dùng kinh phí nhà nước để thỏa mãn yêu cầu của một số cán bộ tướng lĩnh hưu trí để bảo vệ tài sản cho họ là trái với pháp luật. Không những làm mất lòng tin của người dân mà còn khiến hố bất công ngày càng lớn và hình ảnh của người chiến sĩ không còn đẹp đẽ dưới con mắt của cả xã hội nữa.

      Xóa

Best Blogger TipsBest Blogger Tips