Thứ Sáu, 1 tháng 11, 2013

I am Malala

Cuốn sách I Am Malala (Tôi là Malala) vừa được phát hành hôm thứ Ba (8/10/2013) vừa qua, đánh dấu một năm cô bé 15 tuổi bị Taliban bắn vào đầu trên xe bus từ trường về nhà. Đây là câu trả lời chính thức cho câu hỏi một năm trước của kẻ khủng bố Taliban, súng trong tay, đứng trước những cô học trò trên xe: Ai là Malala? Lúc ấy, quá sợ hãi, Malala đã không trả lời được, nhưng bây giờ, sau khi trải qua sự sống sót được gọi là kỳ diệu, Malala đã thu thập đủ sức mạnh và niềm tin để trả lời, không chỉ là một câu nhận diện mà hơn 300 trang về con người, gia đình, và những lý do tại sao Malala đã trở thành người Taliban muốn im tiếng.

Yêu học vấn và kiến thức, tuy còn trẻ tuổi đời nhưng Malala đã nhận ra giáo dục chính là chìa khóa giải quyết những vấn nạn ở quê hương Pakistan của cô, bao gồm vấn nạn Taliban.
 Malala tặng sách cho Nữ hoàng Anh hôm 18/10 tại điện Buckingham
TT Barack Obama, đệ nhất phu nhân Michelle Obama, và con gái lớn Malia tiếp Malala Yousafzai tại Nhà Trắng hôm 11/10
Xa hơn nữa, giáo dục sẽ giải quyết những vấn nạn của thế giới. Chân lý sâu sắc nhất Malala nghiệm ra được, không chỉ là giáo dục, mà là giáo dục phụ nữ, người chăm lo chính trong gia đình và cung cấp sự giáo dục cơ bản của tất cả trẻ em trai gái trên thế giới. Giáo dục phụ nữ là một trong những giải pháp hiệu quả nhất để xóa nghèo đói và hủ tục trên thế giới, như đã chứng minh qua nhiều nghiên cứu xã hội kinh tế khác nhau. Đây cũng là một trong những điều các chuyên gia đồng ý và đang tìm cách thúc đẩy qua nhiều tổ chức và dự án khác nhau như Half the Sky (Nửa Bầu Trời), Global Funds for Women (Quỹ Quốc Tế Cho Phụ Nữ), Women of the World Foundation (Tổ Chức Phụ Nữ Quốc Tế), và bây giờ, Quỹ Malala.
Trong khi thế giới và nhiều người dân Pakistan theo dõi và ủng hộ Malala, tổ chức Taliban đưa ra lời đe dọa mới: Malala còn chỉ trích Taliban và luật Hồi giáo ở Pakistan thì Taliban sẽ tiếp tục tìm cách hại cô. Phù hợp với lời đe dọa này, một số dân Pakistan cho rằng Malala, và phương Tây, đang tìm cách mang ảnh hưởng ngoại lai vào Pakistan. Trong tầm nhìn của Taliban và những người chưa ra khỏi những lời rao giảng thời Trung Cổ của Hồi giáo, giáo dục phụ nữ, theo hiểu biết của Malala và đa số những người khác, chính là phản bác đạo Hồi và ngoại lai, vì sự giáo dục ấy sẽ khiến người phụ nữ muốn thoát ra sự giới hạn và thấp kém của vai trò phụ nữ trong Hồi giáo, ít nhất là Hồi giáo theo định nghĩa của Taliban và những nhóm tương tự.
Malala Yousafzai, ngày 12/7 trước Đại hội đồng Liên Hợp Quốc
Chẳng những Taliban, ngay chính phủ cầm quyền theo luật Hồi của Pakistan hiện nay cũng có cái nhìn lạc hậu về phụ nữ. Kỳ thị nam nữ thể hiện qua giáo dục, dẫn đến tỷ lệ mù chữ trong phụ nữ đến 70%. Ở nông thôn, tỷ lệ mù chữ của phụ nữ là 88%. Sự lạc hậu trong giáo dục nói chung cũng ảnh hưởng đến cả phái nam của Pakistan, nên kết quả đáng ngạc nhiên là mỗi cấp giáo dục từ tiểu học đến đại học có nhiều nữ hơn nam. Rõ ràng sự ngu độn cộng thêm tôn giáo cực đoan đã cộng lại tạo nên bạo động và chủ nghĩa Taliban, nếu ta có thể gọi đó là một hệ thống tư tưởng. Ngoài bạo động nói chung, bạo động đối với phụ nữ thường được xem là thường tình. Bắt ép gả con từ lúc nhỏ, sách nhiễu tình dục ở sở làm và nơi công cộng, cưỡng hiếp phụ nữ lạ cũng như chính vợ nhà, những chuyện này xảy ra hằng ngày ở Pakistan mà thủ phạm rất ít khi bị luật lệ làm phiền phức. Nhưng trái lại, người phụ nữ nạn nhân của một vụ cưỡng hiếp có thể sẽ bị giết để “bảo toàn danh dự gia đình.”
 100 người ảnh hưởng nhất Thế giới năm 2013 do Time bình chọn
 Người dân Pakistan cầu nguyện cho Malala khi cô còn trong bệnh viện
Malala là ứng cử viên cho giải Nobel Hòa bình trẻ nhất từ trước đến nay, tuy cuối cùng cô có lẽ chưa đủ tuổi và thành quả để đạt được vinh dự ấy. Thay vào đó, cô nhận được giải nhân quyền Sakharov của Liên Hiệp Châu Âu về tự do ngôn luận, được mang tên khoa học gia vật lý và cũng là đối lập Nga Andrei Sakharov. Giải này rất thích hợp cho cô, người đã và sẽ là tiếng nói của tự do để bảo vệ một trong những quyền căn bản của con người: quyền học hỏi.
(Tiểu Thư/viendongdaily)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Best Blogger TipsBest Blogger Tips