Thứ Hai, 11 tháng 11, 2013

Phi Luật Tân: Thảm kịch mới sau siêu bão

Đói khát vì siêu bão, rất nhiều người dân tại thành phố Tacloban của Philippines bất chấp tất cả để lao vào cướp bóc, tìm kiếm thức ăn, thậm chí lấy cắp đồ của những người đã chết. Nhiều người lo ngại chỉ vài ngày nữa người dân sẽ giết hại nhau vì đồ ăn.
Hai ngày sau khi một trong những cơn bão mạnh nhất lịch sử tràn vào san phẳng toàn bộ những thị trấn, làng mạc trên đường đi của nó qua Philippines, những người sống sót tuyệt vọng đang tạo ra những cảnh tượng kinh hoàng mới.

Ở những nơi khác tại Tacloban, những người sống sót khác thì có những biện pháp dữ dội hơn để tận dụng sự vắng mặt của lực lượng an ninh, bởi hầu hết cảnh sát không thể có mặt nhận nhiệm vụ sau bão. Nhiều người nói họ đã không có gì để ăn kể từ khi bão đổ bộ, còn giới quan chức thừa nhận họ không thể đưa đủ thực phẩm cứu trợ tới thành phố. Một số người đã đột nhập vào các cửa hàng còn sót lại sau bão bằng cách đập phá cửa sổ và các chấn song bằng sắt.
Một chủ cửa hàng thịt trong tuyệt vọng đã mang một khẩu súng ngắn ra nhưng không thể ngăn được đám đông ùa vào cửa hàng mình. Ông chỉ còn biết đứng đó, khua khẩu súng lên trời và la hét. Khi nhận ra mình đã là người thua cuộc, ông chửi thề đám đông rồi bỏ đi.
Một đội thu thập tử thi của quân đội đã được triển khai, nhưng dường như các binh sỹ cũng bị bàng hoàng, quá tải. “Có 6 xe tải đi quanh thành phố để thu gom thi thể nhưng vẫn không đủ”, một lái xe cho biết. “Xác chết ở khắp nơi, chúng tôi không có đủ nhân lực để thu gom”.

2 nhận xét:

  1. VTV quay chuyện bão tố, nhà cửa bay lơ lửng trong không trung, sóng đập vào bờ cao như sóng thần và thảm cảnh người chết vô số ở Philippines, khiến cả nước im lặng chia sẻ sự đau khổ của người dân Phi không còn bút mực nào có thể nói hết.

    Bão lụt hàng năm tại Phi gây ra không biết bao là thảm nạn. Việt Nam cũng chịu ảnh hưởng rất nhiều nhưng so với Phi thì dân Việt may mắn hơn nhiều. 10 ngàn người có thể bị xóa sạch sau khi cơn bão Haiyan tấn công là ác mộng và khó thể tưởng tượng sau thảm kịch này thì Manila sẽ đứng lên bằng cách nào.

    Haiyan tàn khốc, cuồng nộ đã kéo ra khỏi Phi để tới Việt Nam và con đường của nó được cả thế giới theo dõi. Từ rất sớm, Việt Nam đã chuẩn bị tư thế để đối phó với Haiyan dù đối phó với thiên tai không hề là chuyện dễ dàng. Người dân chỉ biết chắt mót gom góp chút của cải nhỏ bé và hồi hộp chờ đợi sự giận dữ của thiên nhiên. Bão ngày một gần, tâm trạng người dân ngày một bất an. Bão tố chưa tới đất liền nhưng tiếng than khóc thấu trời tại Philippines bay theo truyền thông đến Việt Nam khiến cả nước như ngồi trên đống lửa.

    Vậy mà có hai người không sợ bão, vẫn ung dung nhàn tản đi thăm Thái Nguyên và Hưng Yên. Người đi thăm và tham dự Festival trà tại Thái Nguyên là ông Nguyễn Sinh Hùng, đương kim Chủ tịch Quốc hội, nơi có đại diện của 64 tỉnh thành, cũng có nghĩa là có cả đại biểu của nhiều tỉnh đang bị bão Haiyan đe dọa. Ông Hùng tới Thái Nguyên vào đêm 9 tháng 11 trong khi người dân các tỉnh miền Trung và miền Bắc đang lo vãi linh hồn cho cơn bão Haiyan.

    Ông đọc diễn văn chào mừng trà Thái Nguyên trong khi tại Thanh Hóa, rất gần với Nghệ An nơi sinh quán của ông, gió rít sóng giật như đang cuồng nộ cho hành động đáng xem là đang dẫm lên nỗi đau của quê nhà để "hót lời chim chóc".

    Vẫn biết một Festival phải được chuẩn bị nhiều tháng trời trước khi khai mạc. Vẫn biết Festival trà tại Thái Nguyên có tầm quan trọng đến việc quảng bá thương hiệu trà của tỉnh này. Và vẫn biết ban tổ chức cho rằng sự có mặt của ông Chủ tịch Sinh Hùng là có ý nghĩa cho lễ hội này.

    Thế nhưng những cái vẫn biết ấy lại nói lên những khía cạnh khác của việc ông Hùng có mặt tại Festival trà.

    Ông Chủ tịch Quốc hội có tham gia lễ hội trà thì cũng không làm cho trà Thái Nguyên thơm hơn hay doanh thu của nó vượt thêm được mấy gói. Sự có mặt của ông chỉ mang tính làm dáng và hoàn toàn không cần thiết trong bất cứ lúc nào, nhất là lúc này. Rất tiếc là những người tổ chức cần ông như cần một tấm panô quảng cáo nhưng ông lại không ý thức được thâm ý này.

    Sự có mặt của ông là không cần thiết vì với chức vụ Chủ tịch Quốc hội đáng ra ông phải cùng với đồng viện lo cho dân chúng sắp gặp cảnh màn trời chiếu đất, người chết, tài sản tiêu vong. . .

    Ông Nguyễn Sinh Hùng còn ham hố mấy tiếng vỗ tay vuốt đuôi trong một cái Festival vô bổ. Đáng ra nếu lợi dụng được cái Festival này để làm những điều ý nghĩa hơn thì ông sẽ có cách lựa chọn khác, mà tốt nhất là dời ngày tổ chức như một trách nhiệm đối với người dân.

    Ban tổ chức hoàn toàn có lý do để hoãn lại ngày khai mạc vì "một con ngựa đau cả tàu không ăn cỏ". Hành động can đảm này sẽ làm cho người dân cảm thấy được an ủi và ông Nguyễn Sinh Hùng có lẽ sẽ được người dân nhìn bằng con mắt khác. Bão dù có to mấy thì cũng phải yếu đi nhưng sự trách móc của người dân dù có yếu nhất nhưng lâu dần cũng có thể gom lại để thành bão tố.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Người thứ hai nhàn tản cưỡi ngựa xem hoa tận Hưng Yên, sau ông Chủ tịch Quốc hội một ngày là ông Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

      TTXVN loan báo: ngày 10/11, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đến thăm, làm việc tại tỉnh Hưng Yên, kiểm tra tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, giai đoạn 2010-2013.

      Không cần đến nơi cũng thấy sự vô bổ của chuyến đi còn hơn Festival trà Thái Nguyên một bậc.

      Bài báo viết: "Về công tác xây dựng Ðảng, Tổng Bí thư yêu cầu các cấp ủy đảng, từng cán bộ, đảng viên cần nhận rõ những hạn chế, khuyết điểm sau kiểm điểm tự phê bình và phê bình theo tinh thần Nghị quyết T.Ư 4 (khóa XI), kịp thời sửa chữa, khắc phục, nhằm củng cố, tăng cường niềm tin trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân".

      Và người ta có thể kết luận ông Trọng chọn lựa việc lo cho đảng của ông bất cần cơn bão Haiyan đang tới.

      Không cần thiết phải nói thêm về tính chất vô cảm của cả hai ông, ở đây còn lộ ra một khía cạnh khác của lãnh đạo đất nước chúng tôi, cả hai ông đều biểu hiện sự lệch lạc, nhận thức chính trị kém cỏi trong ứng xử của một lãnh đạo.

      Ông Chủ tịch Quốc Hội ngồi xem người ta làm trò tại một Festival nói về trà trong khi cử tri nhốn nháo tìm cách trốn tránh thiên tai như một bày chuột đáng thương cho thấy sự cân đo chính trị của ông là một dấu hỏi thật lớn. Ông không thấy được sự bất bình của dư luận đối với ông khi so sánh hai bài viết cùng đăng trên một trang báo, hình ảnh nhân dân tơi tả trong bão tố, lũ lụt đi kèm bên hình ảnh của ông Chủ tịch Quốc hội và những ông những bà khác như phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan, nguyên chủ tịch nước Trần Đức Lương... tươi cười ngồi giữa một không gian đầy hoa tươi, cờ xí ngợp trời cùng đèn màu đủ loại!

      Trong khi đó ông Tổng Bí thư cũng không chịu kém ông Chủ tịch Quốc hội về khoản nhận thức lòng dân.

      Bài báo của TTXVN miêu tả tỉ mỉ chuyến viếng thăm Hưng Yên như trong thời bình, nhất là cái thời vàng son của Đảng Cộng sản Việt Năm vài chục năm về trước. Ông Tổng Bí thư quên rằng từng lời nói, hành động của ông không ít thì nhiều cũng được người dân chú ý. Sự lãnh đạm của ông đối với người dân ven biển không thê lấp liếm bằng lời hiệu triệu đảng viên phải chú ý xây dựng đảng vững mạnh và củng cố niềm tin như ông yêu cầu.

      Người đảng viên có lương tâm nào mà không đặt câu hỏi về cách hành xử của ông khi tầm nhìn của một người cao nhất đảng chỉ "thường thường bậc trung" như thế?

      Ông Nguyễn Phú Trọng kêu gọi đảng viên xây dựng lòng tin và xây dựng đảng tại một nơi cờ xí, ăn uống, hội hè chóng mặt. Đảng viên bao vây ông đầy những lời nịnh hót ngất trời ngay trong bối cảnh người dân các tỉnh khác lầm than trước bão tố thì thử hỏi niềm tin ấy là niềm tin gì và còn mấy ai tin vào sự lãnh đạo của ông nữa?

      Đó là chưa nói đến lòng tin của những đảng viên khác, những người đang dầm mưa với nhân dân chằng từng sợi giây, che từng tấm tole để gió không thổi tung nhà của họ lên khi bão tới. Những việc làm của các đảng viên này có được ông tuyên dương như đi tuyên dương mấy ông bà tại Hưng Yên hay không? Cán bộ đảng viên tại những tỉnh có bão lũ sẽ đánh giá lời hiệu triệu của ông như thế nào khi lời nói và việc làm của một Tổng Bí thư lại chưa bao giờ đi đôi với nhau?

      Hai hình ảnh, hai cách ứng xử trong bức tranh tiêu điều của bão tố không khác gì hai tiếng cười to không đúng lúc ngay nốt lặng của bản nhạc buồn mang tên Hải Yến.
      CÁNH CÒ

      Xóa

Best Blogger TipsBest Blogger Tips