Thứ Ba, 3 tháng 6, 2014

Trung cộng bắt họa sĩ vẽ Thiên An Môn

Cựu chiến binh; họa sĩ Trần Quang (Chen Guang) đã chuốc lấy tai họa khi vẽ lại những hình ảnh mà ông đã chụp được vào ngày 04/06/1989, ngày diễn ra cuộc đàn áp đẫm máu của quân đội trên quảng trường Thiên An Môn.
Các bức họa chỉ vẽ lại từ các bức ảnh chụp, từng được trưng bày một lần tại Hàn Quốc vào năm 2009. Quá trình vận chuyển các tác phẩm này cũng vô cùng bí mật. Vào năm 2010, một ngân hàng Mỹ muốn mua ba bức họa và trưng bày những bức khác. Lần này, mặc dù đã đề phòng kỹ lưỡng, các bức họa bị hải quan tịch thu mà không hề hoàn lại. Ngày 07/05/2014 vừa qua, họa sĩ Trần Quang bị công an ập đến nhà bắt giữ và tịch thu 7 bức họa. Đến nay, người thân vẫn chưa nhận được tin gì mới của ông.
Tranh và ảnh của Trần Quang chẳng có chi tiết nào là gây sốc vì nó chỉ thuật lại một cách hòa bình cảnh điêu tàn của quảng trường Thiên An Môn sau cuộc trấn áp. Tuy nhiên từ vài thập niên nay bọn chóp bu Trung cộng rất "húy kị" và "dị ứng" với sự kiện này, bất kỳ hoạt động nào có liên quan đến Thiên An Môn 1989 đều có thể bị chúng dập tắt từ trứng nước.
Đây là chiếc đồng hồ mà người cựu chiến binh Trần Quang được tưởng thưởng sau biến cố Thiên An Môn 1989, năm đó Trần Quang mới 17 tuổi. Cuộc tàn sát đẫm máu đã thay đổi hẳn cuộc sống của anh sau này khi rời quân ngũ.
Giờ đây người ta cũng biết, vợ ông Tập Cận Bình: bà lính văn công Bành Lệ Viện cũng đã từng có mặt tại quảng trường Thiên An Môn năm 1989 để hát ủy lạo cho đám sát nhân.
Bài cũ:
-Zhai Xiaoping "dỡn mặt" triều đình
-Hôm nay, Thiên An Môn

4 nhận xét:

  1. Trung Quốc tăng cường an ninh và mở rộng chiến dịch trấn áp bất đồng trước kỷ niệm 25 năm biến cố Thiên An Môn.
    Các luật sư, nhà báo và nhà hoạt động đã bị bắt giữ.
    Các từ khóa tìm kiếm trên mạng Internet liên quan tới cuộc thảm sát năm 1989 và cuộc biểu tình đã bị chặn trong khi có tin chính quyền hạn chế truy cập tới dịch vụ tìm kiếm Google.
    Cuộc phản kháng ở Thiên An Môn là cuộc biểu tình lớn nhất phản đối chế độ kể từ khi Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa được lập ra hồi năm 1989.
    Hàng trăm ngàn người kêu gọi cải cách dân chủ bằng cách tụ tập về Quảng trường Thiên An Môn để biểu tình ôn hòa.
    Sau nhiều tuần biểu tình, chính quyền đáp lại hôm 4/6/1989 với cuộc thảm sát hàng trăm người trên đường phố Bắc Kinh.
    Các nhà quan sát nói cuộc trấn áp trong đợt kỷ niệm 25 năm này mạnh mẽ hơn các năm trước đây.
    Chính quyền đã bắt đầu tạm giữ và cảnh cáo những người bất đồng chính kiến và các nhà hoạt động từ vài tuần trước.
    Trong những ngày gần đây sự trấn áp được đẩy mạnh với việc bắt giam nghệ sỹ người Australia gốc Trung Quốc hôm thứ Hai.
    Nghệ sỹ Quách Kiểm bị đưa đi chỉ một ngày sau khi báo Financial Times đăng phỏng vấn dài với ông.
    Ít nhất 20 trí thức, luật sư và nhà hoạt động bị tạm giữ theo tổ chức Quyền Con người ở Trung Quốc đóng ở Hoa Kỳ.
    'Video tự thú'
    Trong khi đó Câu lạc bộ Phóng viên Ngoại quốc ở Trung Quốc ra tuyên bố lên án việc sách nhiễu và trấn áp truyền thông nước ngoài.
    Một nhóm làm chương trình của Pháp đã bị cảnh sát tạm giữ khi đang thực hiện phỏng vấn về Thiên An Môn và bị thẩm phấn trong vòng sáu tiếng.
    Họ cũng bị buộc phải làm video tự thú.
    Các nhân chứng nói lực lượng an ninh đã tăng cường hiện diện quanh Quảng trường Thiên An Môn.
    Cảnh sát bán quân sự được cử tới canh gác trên đường phố và các cây cầu.
    Khi diễn biến Thiên An Môn xảy ra 25 năm về trước, chính quyền coi đó là cuộc bạo loạn phản cách mạng.
    Bắc Kinh vẫn không tổ chức tưởng nhớ biến cố này.
    Nhưng tại Hong Kong, hàng trăm người tuần hành hôm Chủ Nhật và hàng ngàn người dự kiến tham gia cuộc tụ họp tưởng nhớ các nạn nhân vụ Thiên An Môn vào thứ Tư này.
    Thủ đô Đài Bắc ở Đài Loan cũng sẽ tổ chức tưởng niệm. (BBC)

    Trả lờiXóa
  2. Trong vòng một phần tư thế kỷ, đảng Cộng sản Trung Quốc đã thành công áp đặt «quốc sách lặng im» triệt tiêu mọi thông tin, mọi hình ảnh, mọi ký ức về vụ thảm sát đẫm máu tại quảng trường Thiên An Môn đêm 03 rạng 04/06/1989. Đặng Tiểu Bình bật đèn xanh cho quân đội nổ súng sát hại sinh viên, còn trách nhiệm xóa ký ức dân tộc dành cho các thế hệ lãnh đạo kế thừa.
    Theo một bài phóng sự của AFP gửi đi từ Bắc Kinh thì một phần ba dân số Trung Quốc chưa được 25 tuổi. Đây là những người chào đời sau vụ đàn áp phong trào «Mùa Xuân Bắc Kinh». Họ gần như không biết gì về biến cố lịch sử ngày 04/06/1989. Một sinh viên 20 tuổi không dấu vẻ bối rối khi được AFP đặt câu hỏi về vụ đàn áp: Xin lỗi, tôi không biết ông muốn nói đến chuyện gì ?
    Một thanh niên già dặn hơn, 27 tuổi, làm việc trong ngành quảng cáo cho biết là «có nghe nói». Tuy nhiên, một lần anh nêu vấn đề với bạn bè để tìm hiểu thêm thì được một người trả lời «hoàn toàn không biết gì».
    Vì sao một biến cố lịch sử mới xảy ra cách nay 25 năm mà giới trẻ Trung Quốc hoàn toàn mù tịt?
    (Click tiêu đề xem toàn bài)

    Trả lờiXóa
  3. Tắm máu Thiên An Môn
    Ngày 3 tháng 6 năm 1989, Lý Bằng xuống lệnh hành quân. Bộ đội dàn ra trên đường phố, đánh đập và bắt giữ bất cứ ai kháng cự. Quảng trường Thiên An Môn bị khóa chặt. Ðêm mùng 3 rạng mùng 4 tháng 6, cảnh sát ném lựu đạn cay và đánh đập mọi người với dùi cui và roi điện. Tiếng súng nổ vang ở ngoại vi thành phố. Lúc 2 giờ sáng xe thiết giáp ủi bằng các chướng ngại vật do sinh viên dựng lên. Bộ đội nã súng vào đoàn biểu tình. Từng đoàn xe tăng tiến vào quảng trường cán nát các thây người.
    Lệnh của chính quyền:
    1. Bắn bỏ ai kháng cự.
    2. Quãng trường phải được dọn dẹp sạch sẽ trước khi trời sáng (sáng ngày mùng 4 chỉ còn lại các vết máu).
    3. Tất cả những người lãnh đạo cuộc biểu tình đều phải bị bắt.
    Cuộc đàn áp kéo dài vài ngày sau đó. Bộ đội nã súng vào bất cứ ai có thái độ khiêu khích hay cản đường. Các trường đại học bị lục soát, các nhân vật bất đồng chính kiến bị bắt đi. Hơn 1,500 người bị bắt, trong đó có ít nhất 6 lãnh tụ sinh viên trong danh sách 21 người bị truy nã. Lệnh giới nghiêm được ban hành. Sáng ngày 8, một sự im lặng ngột ngạt bao trùm thành phố. Trong số 21 sinh viên nằm trong danh sách truy nã của chính quyền, khoảng phân nửa đã lần lượt trốn ra nước ngoài Chính quyền tuyên bố thắng lợi trước “Cuộc nổi loạn phản cách mạng.” Một số đơn vị bộ đội từ chối không tham gia vào cuộc thảm sát đã bị giải giới sau đó. Tất cả các xác chết đều bị dọn sạch trong đêm theo lệnh của chính quyền.
    Số người chết Theo báo cáo của tổ chức chữ thập đỏ Quốc tế thì có khoảng 2600 người dân bị giết và hơn 30 000 người bị thương. Theo báo cáo của chính quyền Trung Quốc thì có khoảng 300 lính và người dân chết, 5000 lính và 2000 dân bị thương, có 400 lính mất liên lạc. Theo báo cáo của bộ ngoại giao Hoa Kỳ thì có hơn 4000 người chết , trên 40 000 người bị thương
    Hậu Thiên An Môn.
    Cả thế giới lên án chính quyền Trung Quốc. Hồng Kông, Đài Loan mở cửa biên giới để cho người Trung Quốc vào tị nạn… Mười lăm năm sau biến cố Thiên An Môn, người dân Hoa Lục tiếp tục bị cấm không được nhắc đến biến cố ngày 4 tháng sáu. Chính quyền cấm mọi hình thức bàn bạc về vụ Thiên An Môn. Ngay cả những người mẹ mất con trong cuộc thảm sát đó cũng không được công khai khóc thương con họ. Những yêu cầu đề nghị nhà cầm quyền hiện nay cho tiến hành điều tra lại vụ việc đều bị bác bỏ. Giới quan sát cho rằng việc nhắc lại vụ Thiên An Môn đối với Trung Quốc chẳng khác gì tháo băng một vết thương chưa lành. Và đối với giới lãnh đạo Trung Quốc hiện nay đó vẫn còn là một ám ảnh, một bóng ma. Và không chỉ là bóng ma mà đó là một trào lưu khiến giới lãnh đạo Bắc Kinh lo sợ. Những người sinh viên năm nào tham gia vào vụ biểu tình tại Thiên An Môn, may mắn thóat hiểm rồi đến được những nước khác, vẫn tiếp tục cuộc đấu tranh cho một đất nước Trung Quốc dân chủ và tự do. Chính quyền Trung Quốc giấu giếm những vụ việc như này nên hiện tại thanh niên Trung Quốc rất ít người biết đến các sự kiện như Cách Mạng Văn Hoá, Cải cách ruộng đất hay là Thiên An Môn , đối với họ Cách Mạng Văn Hoá chỉ là 1 sai lầm nhỏ của còn Thiên An Môn chỉ là cuộc “nổi loạn của bọn phản động”.

    Trả lờiXóa
  4. Những gì xảy ra ở quảng trường Thiên An Môn cách đây 25 năm, vào những ngày này, đã bị xóa bỏ trong lịch sử, và Đảng Cộng sản Trung Quốc cũng đang tìm mọi cách tiêu diệt mọi ký ức về sự kiện này trong lòng người dân.
    Ngày 15 tháng 4 năm 1989, Hồ Diệu Bang qua đời. Sinh viên Bắc Kinh biểu tình tại quảng trường Thiên An Môn để bày tỏ lòng thương tiếc một Tổng bí thư tận tụy với cải cách nhưng bị cánh bảo thủ buộc phải từ chức.
    Đây là một cuộc đấu tay đôi giữa sinh viên với những nhân vật bảo thủ trong Đảng. Tượng thần Tự do dựng lên đối diện với chân dung Mao tại quảng trường.
    Qua tháng Năm, biểu tình đã thu hút mọi mọi tầng lớp nhân dân, và lan rộng trên 80 thành phố toàn lãnh thổ Trung Quốc. Chỉ một tháng mà tầm vóc của nó đã vượt ra khỏi biên giới quốc gia.
    Ngày 20 tháng 5, Đảng Cộng sản Trung Quốc, bắt đầu chuyển quân đội vào Bắc Kinh, bao vây Thiên An Môn. Nhưng những người dân đã ra cản đường bảo vệ cuộc biểu tình, và giải thích cho quân nhân hiểu lý do của cuộc biểu tình chỉ là chống độc tài, tham nhũng, khuyên họ đừng có nghe lời tuyên truyền của chính ủy, đừng nổ súng vào sinh viên, nên trở về doanh trại.
    Không một tấc sắt trong tay, một biển người tuyệt thực, cùng với một biển lều và xe đạp trên quảng trường Thiên An Môn đã thách đố sự thống trị của đảng Cộng sản Trung Quốc, thách thức sự tồn vong của chế độ. Hầu hết báo chí phương Tây đều cùng một nhật định rằng ngày cáo chung của chính quyền Trung Quốc đã đến rất gần. Cơn hấp hối đang được tính bằng ngày.
    Nhưng sau đó, Đảng Cộng sản Trung Quốc đã dùng thủ đoạn khác. Lính cơ động đã được chuyển từ những quân khu xa vào Bắc Kinh bằng xe bus ngụy trang, và tàu điện ngầm dân sự vào ban đêm để tránh tai mắt và sự ngăn cản của nhân dân. Rồi vũ khí được bí mật tuồn vào trong “Đại Lễ đường Nhân dân” (Nhà Quốc Hội). Nơi đây là điểm tập kết để triển khai cuộc thảm sát. Những người lính thề trung thành với Đặng Tiểu Bình, không hay biết gì về cuộc biểu tình, và được bảo rằng ngoài kia là những quân phiến loạn.
    Đúng 10:30 phút đêm ngày 3 tháng 6, chính quyền Trung Quốc cho: “Tắt đèn nổ súng”. Xe bọc thép, quân đội võ trang với lưỡi lê tuốt trần tiến vào quảng trường từ mọi hướng. Tiếp theo là xe ủi để hốt xác sinh viên đã chết hoặc còn đang hấp hối đi phi tang. Sau cùng, là đoàn xe chữa lửa xả nước rửa sạch máu trên sân. Công việc hoàn tất trước bình minh.
    Cuộc biểu tình đã bị dìm trong biển máu và không mang lại một cải cách chính trị nào. Nhưng hình ảnh sinh viên tay không chống lại xe bọc thép trên đại lộ Trường An đã trở thành bất tử. Điều đau đớn nhất là quân đội nhân dân lại quay nòng súng vào chính nhân dân.
    Các nhà viết sử thế giới mô tả những người biểu tình và kết thúc của nó là một sự kiện quan trọng nhất trong lịch sử đương đại của Trung Quốc. Năm 1989, lần đầu tiên Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa rung chuyển bởi những sinh viên tay không. Sức mạnh của nhân dân đã vùng lên đương đầu với bàn tay sắt của chính quyền.
    TRẦN HỒNG TÂM

    Trả lờiXóa

Best Blogger TipsBest Blogger Tips