Tiến sĩ Nguyễn Hữu Liêm
Thuở nhân loại còn lý tưởng siêu hình
"Từ thuở Tiên đi, sầu cũng nhỏ
Nhân gian thôi nhớ chuyện trên trời."
Đó là hai câu thơ của Huy Cận trong Lời mở đầu của Bùi Văn Nam Sơn cho bản dịch "Hiện Tượng Học Tinh Thần" của G. W. F. Hegel (Văn Học-2006). Khi trích dẫn hai câu thơ này, chàng học giả họ Bùi muốn nói đến một không khí triết học đã trở nên trống vắng và không còn mang cao vọng lớn lao sau tác phẩm lừng danh này của Hegel.
"Tiên" ở đây không phải là nàng tiên, hay là tiên sinh, mà là một nhà tiên tri cho thời đại và nhân loại. Khi nhà tiên tri đã ra đi, con người trần gian không còn màng đến việc tày trời. Họ chỉ còn biết chuyện trên Trái Đất, cho một cuộc sống thuần kinh tế vật chất.
Nhìn lại lịch sử thế giới trong cả một trăm năm qua, từ "duy tâm luận" của Hegel, nhân loại lại hăm hở chạy theo "duy vật chủ nghĩa" của Marx để rồi hệ quả là con người càng lún sâu vào cõi vật thể. Không còn ai nhìn lên cao để "nhớ chuyện trên trời". Ngay cả nỗi sầu muôn năm, nay cũng còn rất nhỏ.
Khi con người đã bỏ lại đằng sau mình hai thời quán giáo điều của tôn giáo và ý thức hệ từ chủ thuyết chính trị thì hắn không còn gì siêu hình để tin vào, không còn lý tưởng vượt trần gian để sống và chết cho. Lịch sử nay đã không còn cứu cánh tính; cuộc đời cá nhân không còn cưu mang nội dung bản thể - hắn cũng mất luôn niềm xác tín vào ý nghĩa hiện hữu. Đây là thời điểm mà hắn bỏ rơi tôn giáo và chính trị để ra đi. Bi kịch là hắn không biết đi về đâu.
Khi thoát khỏi thần linh và ý hệ, ở giai đoạn đầu, con người cảm thấy bị chấn thương và bơ vơ. Nhưng nay thì nỗi cô đơn cũng đã không còn - khi ý thức lịch sử cũng đã biến mất. Tất cả nhân loại này, từ đông sang tây, từ giàu đến nghèo, nay đã trở nên những chiếc máy thuần kinh tế. Tiền bạc, vật chất là cứu cánh duy nhất, mối bận tâm tối hậu cho cuộc đời.
Hai nhà tiên tri mâu thuẫn
Hãy đọc lại Hegel. Lịch sử là sự "khai mở Tinh thần vào thời gian", cũng như "Vũ trụ là sự khai mở Tinh thần vào không gian." Thế giới, theo Hegel, là một hiện tượng Tinh thần, mà trong đó, cá nhân tính chỉ là một hình thái tha hóa đang vươn mình tìm về lại chân lý vốn đang chờ đón ở cuối hành trình lịch sử. Cứu cánh tính của lịch sử và nhân loại là Tự do. "Lịch sử thế giới là một tiến trình trong ý thức Tự do," Hegel tuyên bố.
Trên cơ bản cá nhân, Tự do là sự giác ngộ về "bản lai diện mục". Trên cơ bản nhân loại, Tự do là sự dung thông của ý chí cá thể với thực tế lịch sử. Đây là một con đường đầy gian truân, "một xa lộ đầy bi kịch," mà Tinh thần tạo hóa, như là một nhà đạo diễn đầy thủ đoạn - the cunning of Reason - nhưng với thiện ý, đầy đoạ nhân gian như là những trừng phạt của cha mẹ dành cho con cháu trong nhà nhằm cho chúng mở mắt ra để trưởng thành và lớn lao lên mà biết đến đường về.
Đối với Hegel thì bản chất tha hóa từ năng thức Tinh thần tuyệt đối nơi ý thức con người là nguyên nhân cho địa ngục trần gian. Trong khi đó, Marx thì cho rằng sự tha hóa của con người là hệ quả từ bản chất cấu trúc kinh tế vật chất có sẵn của xã hội. Marx muốn xem thế gian và lịch sử là đối tượng để chinh phục và đổi mới. "Chính ta sẽ dẫm trên đống gạch vụn lịch sử để đứng lên như là một thượng đế mới," Marx viết. Con người và lịch sử như là một tiền đề và phản đề, soi gương lẫn nhau để mà chuyển hóa và biến thái lẫn nhau.
Một nửa nhân loại của thế giới, trong suốt hầu hết thế kỷ 20, đã nghe lời Marx như thế, để mang ý chí thay đổi lịch sử nhằm chuyển hóa con người. Hạnh phúc con người chỉ có từ cơ bản kinh tế khi cấu trúc xã hội sẽ phải được tái kiến tạo nhằm giải quyết nhu cầu thiết yếu vật chất. Những con chiên Marxists không còn phải chỉ lo về chính mình. Mà trái lại. Hắn muốn hy sinh đời sống riêng tư bằng ý chí tự phủ định cho cứu cánh lịch sử.
Từ đó, lịch sử là chủ thể của ý chí mà cá nhân phải phục tòng. Con người từ giã tính tha hóa cá nhân bằng cách hòa mình vào ý chí tập thể trong cứu cánh tính tự do. Muốn được giải phóng, hắn phải trước hết tự trói chặt chính mình vào cơ năng tổ chức. Chỉ còn có con người lịch sử chứ không còn cá thể riêng tư. Và thảm họa phát xuất từ đó.
Khi “Đảng ta” nuốt lấy cái ta cá thể Việt
Và người Cộng Sản Việt cũng đã hiến mình vào trong mắt xích tập thể cho lý tưởng lịch sử duy ý chí đó. “Đảng ta” nay đã thay thế cho cái ta cá nhân Việt. Vì thế, bản chất mâu thuẫn chính trị hiện nay ở Việt Nam nằm ở nơi khi mà ý chí vươn lên của cái ta cá nhân Việt muốn thoát khỏi xiềng xích tập thế của “Đảng ta”.
Nay nhìn đâu con người Việt Nam cũng chỉ còn thấy những sự xuống cấp, tan rã của thần linh, của tiên tri, của giáo điều, chủ nghĩa, của tổ chức, của Đảng ta. Mọi thứ đều rất rẻ, dễ mua, dễ bỏ.
Theo tôi, dân tộc Việt nay chỉ còn đi theo tinh thần thời đại duy vật chất, hết mơ nói chuyện trên trời.
Những ngày mùa đông cuối năm 2020, ở khắp nơi trên thế giới cũng như ở đất nước Việt Nam, tất cả là một trường nhân gian tất bật lo lắng thuần kinh tế và thân xác. Trong hơi men tàn của cơn say lý tưởng từ thế kỷ trước, có cái gì đó trong tâm tư nhiều người Việt đang thấy rằng đây là một hoạt cảnh nhàm chán loay hoay của một khối nhân loại không còn lý tưởng, không còn chân lý và sự thật, không còn ý chí lịch sử.
Khi Hegel bị lãng quên, Marx rớt vào sọt rác thì lúc mà người Cộng Sản Việt nay đã kiệt sức lý tưởng và ý chí cao thượng.
Các hiện tượng quậy phá, làm dáng của một số trí thức, văn nghệ sĩ, của người giàu có tại Việt Nam hiện nay xét ra là tấn bi hài kịch của nỗ lực muốn thoát ra khỏi xiềng xích 'tính Đảng'. Các cố gắng du nhập tư tưởng tiến bộ, hiện đại từ bên ngoài vào Việt Nam, công việc chỉnh sửa giáo dục, sách giáo khoa, phát triển mạng XH... luôn có nguy cơ hoặc bị đè bẹp, hoặc bị biến dạng, hội nhập vào dòng tha hóa.
Ngay cả thi ca, âm nhạc và văn chương Việt hiện nay đa phần trở nên trống rỗng nhàm chán khi đã hết chất men tinh thần thời kháng chiến.
Không còn ai xứng đáng là kẻ tiên tri cho thời đại. Những đứa con rơi thuần duy vật của Marx ở Việt Nam nay đã mất hồn lịch sử. Mối sầu kim cổ lớn lao của nhân loại đi đâu mất rồi! Hãy đọc tiếp hai câu thơ Huy Cận:
Đại bàng vỗ cánh muôn năm trước
Đâu biết trời kia rộng mấy khơi.
-(Bài gốc)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét