Thứ Tư, 30 tháng 1, 2019

Nợ cứt sắp bắt đầu ở Bắc Hàn

Nhà độc tài Bắc Hàn Kim Jong Un mới đây ra lệnh cho mọi người dân quốc gia này mỗi ngày phải nộp 200 pound (khoảng 91 kg) phân người, một con số “bất khả thi,” nhằm phục hồi nền nông nghiệp đang gặp nhiều khó khăn hiện nay, theo báo cáo từ các cơ quan truyền thông ngoại quốc. Bản tin của Fox News hôm Thứ Ba, 29 Tháng Giêng, nói rằng nhà lãnh đạo Bắc Hàn đưa nông nghiệp lên là ưu tiên chính trong nỗ lực phục hồi kinh tế, trong bài diễn văn đầu năm mới.

Điều này khiến có sự huy động toàn thể dân chúng để đáp ứng được mức ấn định đưa ra về phân người. Theo đài Á Châu Tự Do, nếu người nào không cung cấp đủ mức ấn định hằng ngày, họ sẽ phải nộp hơn 600 pound (272 kg) phân ủ (compost) hay phân súc vật.
Một nguồn tin cho đài phát thanh Á Châu Tự Do hay rằng người dân cả nước được huy động tham gia chiến dịch “sản xuất” phân. “Giới hữu trách ở mỗi vùng chia mức ấn định cho các nhà máy, cơ quan và các thành phần dân chúng để đạt kế hoạch,” cũng theo nguồn tin này.
“Họ đang đòi mỗi người phải cung cấp 100 kg phân người mỗi ngày, tức là khoảng 3 tấn mỗi tháng,” người này nói thêm. “Nhưng làm sao một người có thể sản xuất ra ba tấn phân để giao cho nhà nước?” Chế độ Bình Nhưỡng cũng đã nghĩ tới điều này, nên nói rằng nếu không kiếm ra đủ phân thì phải nộp tiền. Nguồn tin trên cho rằng đây chỉ là một cách nhà nước Bắc Hàn có lý do để moi tiền dân chúng, vốn đã nghèo đói. (V.Giang)
Chuyện VN
Ngày đó hợp tác xã ra một chiến dịch thu gom phân bắc (cứt người), mỗi gia đình một tháng phải đóng đủ mười cân, nếu không đóng đủ thì bị cắt gạo. Thật là một chiến dịch có một không hai trong xã hội loài người.
Vậy nên, khi chiến dịch ra đời, cái cầu tiêu trở nên vô cùng quan trọng và cấp thiết. Người người, nhà nhà mua xi măng mua gạch về xây cầu tiêu. Cầu tiêu phải làm bằng xi măng thì cứt mới không bị phân huỷ, chứ ỉa xuống đất vài ngày là bọ hung ăn hết, lấy gì mà đóng cho nhà nước.Vậy nên, cái cầu tiêu quan trọng hơn cái nhà.
Chuyện ỉa đái lúc này cũng cực kỳ quan trọng, dù ai đó có bị tào tháo rượt ở đâu thì cũng phải nhanh nhanh ba chân bốn cẳng chạy thẳng về cầu tiêu nhà mình mà giải quyết chứ để mất đi một cục là mất đi lon gạo chứ chẳng chơi.Nhiều người đi làm ngoài đồng, ngày trước, khi mắc ỉa thì chạy vô bờ, vô bụi làm đại cho xong, nhưng bây giờ, làm như vậy có mà đói chết.
Vậy nên, phải tìm cách, có người làm đại vào bao ni lông, có người cuộn trong lá chuối, có người cẩn thận hơn đi vào trong cái càmèn đựng cơm để mang về cho an toàn mà đổ xuống cầu.Có nhiều chuyện dở khóc dở cười trong chiến dịch này lắm, ai sống thời đó chắc biết. Khi chiến dịch ra đời thì cũng là lúc không biết bao nhiêu con chó phải chết. Chó chết vì đói, cơm khoai đã không có ăn, đến cục cứt cũng bị nhà nước dành mất thì lấy gì mà sống.
Nhà tôi có bốn người, một người lớn và ba đứa con nít, cố gắng lắm không để thất thoát cục nào, vậy mà đến tháng vẫn không đủ cân nộp, má tôi sai anh em chúng tôi đi tìm đá sỏi bỏ vào cho đủ. Khi mang lên cân người ta kiểm tra và phát hiện nhà tôi gian lận nên lập biên bản và làm kiểm điểm. Họ còn ghi rõ ràng trong biên bản gian lận như thế nào, có bao nhiêu cục cứt và bao nhiêu cục đá sỏi.
Quả đúng không sai, cái đời người nông dân u tối làm sao mà lừa được mấy ông nhà nước, mấy ông tinh vi vô cùng. Kết quả là nhà tôi bị cấm không cho nhận gạo một tháng. Trong một buổi họp người ta đưa tên má tôi ra kiểm điểm trước dân về việc gian lận lấy đá sỏi trộn với cứt để nộp cho nhà nước. Họ không cho má tôi phân bua gì hết.
Nhưng không đành lòng nhìn cảnh con đói, bà đứng dậy thẳng thừng, dứt khoát. Bà nói: Việc tôi làm gian lận tôi chịu trách nhiệm trước toàn thể mọi người, nhưng các người nhìn đi thì cũng phải nhìn lại, nhìn ngược thì cũng phải nhìn xuôi, các người có nhìn vào nhà tôi không, nhà tôi có bốn người, một người lớn và ba đứa con nít, tôi thì suốt ngày đi làm ngoài hợp tác xã, có cục nào tôi đã ỉa ngoài hợp tác xã hết rồi, còn con tôi ở nhà, nó là con nít nó ăn bao nhiêu, ỉa bao nhiêu, nó ỉa ra cục nào chó lủm cục đó thì lấy đâu đủ cứt để mà nộp cho mấy ông. Vậy mà bây giờ mấy ông kiểm điểm tôi, cắt gạo thì lấy gì tôi nuôi con, lấy gì ăn để mà ỉa mà đem cứt nộp cho mấy ông.
Nói gì thì nói, la gì thì la, nhà tôi vẫn bị cắt gạo tháng đó. Không còn gì khốn nạn hơn thế. Nói thiệt, đến bây giờ trong hồ sơ giấy tờ ở kho lưu trữ quốc gia thì nhà tôi vẫn còn một món nợ lớn với nhà nước mà không thể nào trả nổi, đó là nợ cứt.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Best Blogger TipsBest Blogger Tips