Thứ Sáu, 27 tháng 7, 2018

Một thế hệ dấn thân thời sản mạt

“Mẹ vắng nhà” của đạo diễn Clay Phạm là phim tài liệu đầu tiên về một người hoạt động nhân quyền ở Việt Nam, hay có thể nói rộng hơn là phim tài liệu đầu tiên về phong trào dân chủ Việt Nam. - Phạm Đoan Trang
Những hình ảnh thật ngoài đời của gia đình mẹ Nấm
Lâu nay, nhắc đến “Mẹ vắng nhà”, khán giả Việt Nam thế hệ 6x-7x có thể nghĩ đến bộ phim cùng tên của đạo diễn Nguyễn Khánh Dư, dựa theo truyện ký “Người mẹ cầm súng” và “Mẹ vắng nhà” của nhà văn Nguyễn Thi, với nguyên mẫu nhân vật chính là nữ du kích cộng sản Nguyễn Thị Út (1931-1968), tên thường gọi là Út Tịch (vì chồng bà tên Tịch).
Theo các tác phẩm rất đậm chất tuyên truyền của ông Nguyễn Thi thì bà Út Tịch chính là tác giả của câu nói nổi tiếng: “Còn cái lai quần cũng đánh”. Bà cũng từng kể: “Hồi chín năm, nghe người ta nói đàn bà đi đái không khỏi ngọn cỏ không đánh giặc được, tôi tức mình leo tuốt lên ngọn dừa đái xuống coi bi cao, cho biết”.
Phim “Mẹ vắng nhà” của đạo diễn Khánh Dư ra đời năm 1979, đoạt giải Bông Sen Vàng 1980 và một số giải thưởng điện ảnh quốc tế (khái niệm “quốc tế” ở đây được hiểu là điện ảnh của khối các nước XHCN). Phim được giới phê bình đánh giá là “đầy chất thơ”.
Năm 1979 cũng là năm nhân vật chính của bộ phim “Mẹ vắng nhà” thứ hai này ra đời – Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, tức blogger Mẹ Nấm.

4 nhận xét:

  1. “Mẹ Vắng Nhà,” cuốn phim tài liệu bị cấm chiếu ở Việt Nam và Thái Lan, vừa được trình chiếu lúc 5 giờ chiều Thứ Bảy, 28 Tháng Bảy, 2018, tại phòng sinh hoạt nhật báo Người Việt, Westminster. Nhưng sau đó, ban tổ chức phải chiếu suất thứ hai lúc 6 giờ 30 phút vì số người đến xem quá đông.

    Mới 4 giờ chiều mà đã có nhiều người rủ nhau vào ngồi chờ trước; và 4 giờ rưỡi, khán phòng đã chật cứng để được nhìn thấy gia đình của blogger Mẹ Nấm, tức tù nhân lương tâm Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, người bị CSVN cầm tù 10 năm tù giam và 5 năm quản chế, với cáo buộc “Tuyên truyền chống nhà nước” theo Điều 88 Bộ Luật Hình Sự CSVN...
    (Click tiêu đề xem toàn bài)

    Trả lờiXóa
  2. Tác giả phim tài liệu Mẹ Nấm phải sống xa quê để trốn chính quyền trong khi cuốn phim đang được trình chiếu ở nhiều nước.
    Quá trình làm phim đầy nguy hiểm
    "Mẹ Vắng Nhà là cuốn phim tài liệu duy nhất của tôi và cũng là phim đầu tiên về gia đình một tù nhân lương tâm Việt Nam," Clay Phạm, đạo diễn và sản xuất phim tài liệu Mẹ Nấm, chia sẻ với BBC.
    "Cuối năm 2017, sau khi xong phần quay cho phim Mẹ Nấm, tôi có việc phải ra nước ngoài vài hôm. Trong chuyến đi đó tôi đã bị an ninh Việt Nam giam lỏng tại sân bay, tịch thu không biên bản toàn bộ tài sản cá nhân bao gồm hộ chiếu, laptop, các thiết bị chuyên dụng dành cho quay phim, giấy tờ tuỳ thân... Sau đó họ thông báo tôi bị cấm xuất cảnh vô thời hạn."
    "Gia đình tôi cũng liên tục bị an ninh quấy nhiễu để khai thác thông tin về tình hình hiện tại của tôi."
    Trên thực tế, không phải đợi đến sau khi phim Mẹ Nấm hoàn thành, Clay Phạm mới gặp rắc rối với chính quyền.
    Trong quá trình làm phim, ông luôn phải đối phó sự theo dõi của an ninh địa phương cùng hệ thống camera do chính quyền lắp đặt 'dày đặc' quanh nhà blogger nổi tiếng.
    "Tôi đã nhận được sự bảo vệ tuyệt đối của gia đình bà Lan [thân mẫu của Mẹ Nấm] trong thời gian này. Tôi rất cảm ơn bà Lan về sự bảo bọc này", Clay Phạm nói.
    "Bây giờ khi phim được mang đi chiếu ở khắp nơi thì tôi mong tôi và gia đình sẽ không còn bị sách nhiễu, có thể quay trở lại cuộc sống của một công dân bình thường."
    "Bản thân tôi không được về nhà, phải tạm lánh ở một địa phương khác để tránh sự sách nhiễu và giữ an toàn cho bản thân."
    (Click tiêu đề xem toàn bài)

    Trả lờiXóa
  3. Em chào chị, chị Quỳnh!

    Khi cuốn phim “Mẹ Vắng Nhà” được đi khắp mọi nơi trên thế giới thì chị vẫn chưa biết có một người như em, vẫn chưa biết có một cuốn phim về gia đình chị, em thì chưa bao giờ có cơ hội được gặp chị.

    Cả chị và em, chúng ta đều đang “ngồi tù”. Chị thì bị giam bởi nhà tù nhỏ, em thì bên ngoài chui rúc ở “nhà tù” lớn hơn – như rất nhiều những người khác trong hoàn cảnh của chúng ta. Những con người đang “tị nạn” trên chính quê hương mình.

    Em phải lẩn trốn để bảo đảm cho sự an toàn của mình, đó là cái giá phải trả cho việc em làm cuốn phim về gia đình chị, một việc em đáng phải làm nhất trong cả tuổi trẻ của em.

    Mẹ em từng nói trong nước mắt: “Con ơi, con là một đứa hiền lành, tử tế lại phấn đấu ăn học đàng hoàng, sao giờ phải sống chui lủi như tội phạm vậy con? Nếu con làm vì tiếng tăm hay tiền bạc thì dừng lại đi con, nhà mình cũng không cần tiền đến nỗi như vậy…”. “Nếu như mẹ tin con trai của mẹ là người tốt thì xin mẹ hãy tin việc con đang làm là việc phải làm!” – em đã trả lời mẹ như thế.

    Rồi mẹ em đã tin em như bao nhiêu người mẹ vẫn luôn tin con mình. Em thấy mình phần nào trút được gánh nặng. Được gia đình tin tưởng trên con đường khó đi này là một may mắn.

    Trên bước đường trốn chạy sự truy đuổi của an ninh, em đã gặp rất nhiều người, họ hiểu được công việc của em và cưu mang em như người thân trong gia đình. Từ đấy em có thêm rất nhiều bạn bè. Quan trọng là em biết mình không cô độc!

    Cuốn phim mang đến cho em hàng chục cuộc gọi phỏng vấn, hàng trăm lời tri ân về việc em làm, hàng ngàn người muốn biết em là ai, và dĩ nhiên Clay Phạm cũng trở thành một cái tên phản động có tiếng trong sổ đen của an ninh Việt Nam.

    Em tự hỏi vì đâu cuốn phim trở nên nổi tiếng như thế, mà bản thân em cũng không thể tin đó là việc mình đã làm được. Có lẽ là do:

    – Sự nổi tiếng của chị trong giới đấu tranh và các tổ chức nhân quyền thế giới;

    – Sự chuyên nghiệp của Voice (nhà phát hành phim) với mạng lưới kết nối rộng lớn đến các tổ chức xã hội dân sự quốc tế và cộng đồng người Việt hải ngoại;

    – Tấm lòng và sự quan tâm của người Việt trên toàn thế giới về các vấn đề của Việt Nam còn nhiều hơn chúng ta nghĩ;

    – Sự can thiệp quá đáng của nhà nước Việt Nam vào việc cấm chiếu cuốn phim tại Thái Lan, nó như một ngòi nổ để giúp phim đi xa hơn. Dường như nhà cầm quyền Việt Nam quên rằng “cái gì càng bị cấm càng làm người ta tò mò”.

    Đối với bản thân em, em nghĩ rằng khi mình đã dành hết tình cảm vào cuốn phim này và nhiều người cũng dành tình cảm như thế cho chị, thì sự đồng cảm với cuốn phim như một cách bày tỏ tình cảm với sự hy sinh của chị là điều hiển nhiên. Đó là cách ngắn nhất để câu chuyện của một tù nhân lương tâm đi vào lòng người.

    Em hy vọng rằng cuốn phim đi đến được nhiều nơi hơn thì cũng là cách để kết nối nhiều hơn giữa người Việt trong và ngoài nước; ngoài ra, sẽ có nhiều hơn những bạn nghệ sĩ trẻ mang các câu chuyện khác về những người đấu tranh dân chủ cho Việt Nam ra thế giới.

    Em cũng xin thay mặt chị gửi lời tri ân đến tất cả những bà con cô bác, anh chị em, bạn bè trong nước và quốc tế đã quan tâm đến phim “Mẹ Vắng Nhà”, đến gia đình Mẹ Nấm – Nguyễn Ngọc Như Quỳnh và các tù nhân lương tâm khác.

    Và mong một ngày gần nhất Clay Phạm, Mẹ Nấm Nguyễn Ngọc Như Quỳnh sẽ có dịp gặp tất cả những anh, chị, cô, chú tù nhân lương tâm khác trên chính quê hương chúng ta, khi ấy đã là một Việt Nam dân chủ, yên bình, tự do.

    Clay Phạm

    Trả lờiXóa
  4. THÔNG CÁO VỀ VIỆC NHÀ HOẠT ĐỘNG NGUYỄN NGỌC NHƯ QUỲNH ĐƯỢC TRẢ TỰ DO
    Vào ngày 17 tháng Mười năm 2018, nhà hoạt động Nguyễn Ngọc Như Quỳnh (tức “Mẹ Nấm”) đã được chính quyền Việt Nam trả tự do sau khi trải qua gần hai năm tù giam. Hiện nay, cô đã đoàn tụ cùng gia đình và trên đường đến Hoa Kỳ.

    Là một người tích cực đấu tranh bảo vệ nhân quyền và môi trường, Nguyễn Ngọc Như Quỳnh đã nhận được nhiều giải thưởng danh giá như giải “Người Bảo vệ Quyền Dân sự” của tổ chức Civil Rights Defenders vào năm 2015, và giải “Phụ nữ Quốc tế Dũng cảm” của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ hai năm sau đó.

    Thế nhưng, cũng vì những hoạt động của mình mà cô bị chính quyền Việt Nam bắt giữ từ ngày 10 tháng Mười năm 2016, và bị tuyên án 10 năm tù giam với tội “tuyên truyền chống nhà nước”.

    Công cuộc đòi tự do cho Nguyễn Ngọc Như Quỳnh đã được cộng đồng Việt Nam cả trong lẫn ngoài nước kiên trì vận động trong suốt hai năm qua, cùng với đó là vô số lời kêu gọi từ chính giới các nước cũng như các tổ chức quốc tế về nhân quyền khắp mọi nơi. Tất cả những nỗ lực đó đã buộc chính phủ Việt Nam phải trả tự do cho Nguyễn Ngọc Như Quỳnh sau hai năm giam giữ; điều mà, đến lượt nó, gián tiếp xác nhận bản án 10 năm mà nhà cầm quyền đã tuyên cho Nguyễn Ngọc Như Quỳnh chẳng những bất công về mặt pháp lý mà còn sai trái về mặt đạo lý.

    Chúng tôi xin bày tỏ lòng tri ân đến những đồng bào đã ủng hộ hành trình vận động này. Hơn thế, chúng tôi tin rằng không chỉ Nguyễn Ngọc Như Quỳnh mà tất cả những tù nhân lương tâm đang bị giam giữ tại Việt Nam đều xứng đáng được hưởng một cuộc sống tự do và toàn vẹn nhân phẩm.

    Còn rất nhiều việc cần làm ở phía trước. Hiện nay, VOICE vẫn đang tiếp tục công việc của mình nhằm thúc đẩy một xã hội dân sự mạnh mẽ tại Việt Nam, yêu cầu nhà cầm quyền Việt Nam tuân thủ các cam kết quốc tế về nhân quyền, và vận động đòi tự do cho các tù nhân lương tâm.

    Để làm được điều đó, chúng tôi cần đến sự ủng hộ và đồng hành của các bạn.
    Trân trọng,
    VOICE

    Trả lờiXóa

Best Blogger TipsBest Blogger Tips