Có cái gì đó gần như là vô nghĩa trong cuộc sống này, bạn có thấy thế
không? Sự tồn tại của bạn chỉ là kéo dài và thay đổi những vai diễn khác
nhau mà cuộc sống ép bạn nhập vai. Bạn âm thầm vạch ra hết kế hoạch này
đến kế hoạch khác, cuống cuồng làm việc nọ việc kia, cuối cùng là để
làm gì?
Mỗi buổi sáng, tôi vẫn bị ám ảnh không thôi bởi người đàn
ông vừa đi vừa chạy dọc phố. Anh bạn nhà thơ đã kể cho tôi nghe về
người đàn ông ấy: Đó là một trong những học sinh giỏi toán nhất thành
phố này, không biết rồi bị làm sao mà thành như thế. Người ta đồn rằng
vì mẹ anh ta là bác sĩ chuyên nạo phá thai nên bị quả báo!
Tôi nghĩ, cũng có thể là nhân quả, cũng có thể là ngẫu nhiên.
Thấy tôi ngồi mải miết nơi quán cà-phê, người đàn ông ghé
vào chắp tay xin: “Cho con điếu thuốc!”, rồi lại tất tả đi, vừa đi vừa
chạy.
Có cái gì đó gần như là vô nghĩa trong những bước chân ấy, trong cuộc sống này...
Rồi tất cả sẽ trôi vào quên lãng, kể cả những con chữ đầm
đìa mồ hôi nước mắt, kể cả những thứ ồn ào náo nhiệt ngoài kia. Tôi
biết thế, nhưng không thể làm gì hơn được. Làm gì để chống lại sự vô
nghĩa này? Làm gì để cho cuộc sống đừng vô nghĩa nữa? Bạn bám vào sự
chuyển động của đám đông để cho mọi người biết mình còn tồn tại ư? Cũng
chả ích gì! Nhân ngày của cha, bạn làm thơ về cha; nhân ngày của mẹ, bạn
viết mùi mẫn về mẹ; nhân ngày giải phóng, bạn nhiệt liệt hoan hô đả đảo
— mà không biết rằng cả một trời lãng quên đang nấp sau lưng bạn.
Đã bao giờ bạn tự hỏi vì sao trên sân khấu thỉnh thoảng
họ lại phải phun xịt khói, hay vì sao người nghệ sĩ múa rối phải ngâm
mình dưới nước chưa?
Cả sân khấu nghệ thuật lẫn sân khấu cuộc đời đều giống
nhau ở chỗ: Người ta muốn che lấp bớt hiện thực trần trụi phản cảm, để
cuộc sống đẹp hơn lên trong mắt mọi người. Và khi khói sương sóng nước
không đủ sức che lấp sự xấu xa bỉ ổi thì người ta sẵn sàng dựng lên
trước mặt bạn cả bức tường sừng sững. Đằng sau bức tường ấy, có những
mặt người máu me bê bết vì bị đánh sáng nay, có đám tang bi hài vừa diễn
ra chiều qua, có những lời phát biểu lừa lọc trơ tráo tối qua...
Tất cả những điều ấy, dù quan trọng vô cùng đối với đám
đông sớn sác, cũng chỉ là cọng khói mỏng manh trên điếu thuốc người điên
vừa nhả ra trên đường.
Có cái gì đó như là phi lí, trong cuộc sống này, bạn có thấy thế không? Chúng ta suốt đời đi tìm ý nghĩa của cuộc sống, rồi bỗng một ngày nhìn thấy sự trống rỗng vô nghĩa lí trong bước chân của người điên trên đường! Vậy thì điều gì níu kéo chúng ta ở lại với hiện thực đáng ghét này. Tình yêu ư? Hay là cái gì đó lớn hơn thế nữa?
Điều gì khiến người ta ồn ào cãi vã khi một nhóm người ở
trong hội này mà không ở trong hội kia và ngược lại? Và điều gì khiến
cho một người chỉ dùng những mánh khoé hạ tiện, gặp ai cũng khen khen vỗ
vỗ “tuyệt vời, tuyệt vời” mà lừa dắt một đám đông chữ nghĩa trên con
đường văn chương mờ mịt hết mùa này sang mùa khác, hết năm này sang năm
khác?
Sự vô nghĩa và phi lí đang không ngừng hành hạ mỗi người,
“như một đám khói mờ mịt che lấp mọi lối đi,” bạn tôi bảo thế. Phi lí
đến nỗi, hôm qua, bạn tôi vừa viết đơn từ chối quyền làm người. Không
phải đùa giỡn đâu, thật đấy! Anh viết: “Khi không còn tìm thấy ý nghĩa
của sự tồn tại như một con người, tôi cảm thấy không thể tiếp tục làm
người được nữa.” Mặc cho bạn bè giễu cợt, nhiếc móc, rằng mày điên, rằng
không muốn làm người thì làm chó nhé, hay là làm khỉ đi, vân vân, anh
chỉ ngồi im lặng.
Anh từng là bạn học cùng lớp với người đàn ông giỏi toán nhất thành phố đang vừa đi vừa chạy trên đường đấy!
Tôi nghĩ, nếu một ngày nào đó, anh bạn nhà thơ xuống
đường đi theo anh bạn giỏi toán cùng lớp, vừa đi vừa chạy, lâu lâu ghé
vào quán cà-phê vỉa hè xin thuốc thì cũng không có gì là lạ, thậm chí
sau đó, có tôi và một lũ chạy theo thì cũng là chuyện bình thường.
Có khi cái phi lí đối với người này là cái hợp lí đối với
người khác. Sự vô nghĩa được cảm nhận trong tim tôi đã xuất phát từ một
âm mưu hoàn hảo của ai đó mà tôi chưa tiện nói ra thôi.
-Nguyễn Văn Thiện
-Nguyễn Văn Thiện
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét