Thứ Bảy, 26 tháng 11, 2016

Nhà Castro lại có tang

Ngày 26-11, Truyền hình nhà nước Cuba đưa tin Lãnh tụ cách mạng nước này Fidel Castro đã từ trần, hưởng thọ 90 tuổi.
Bài cũ:
Fidel Castro muốn về nước Chúa

9 nhận xét:

  1. Như vậy là nhân vật biểu tượng cộng sản ở Mỹ - Latin cuối cùng đã ra đi theo quy luật tự nhiên.
    Tất nhiên, ông Castro là người được cho là rất cứng cỏi trong đối sách với nước Mỹ nhưng có thể thấy rằng ông và những người theo ông đã đi ngược quy luật tự do dân chủ của thế giới tiến bộ.
    Theo tôi, cả ông Fidel và em trai ông nên trao lại cho người dân quyền làm chủ đất nước.
    Ý thức hệ của ông ấy đã làm khổ người dân Cuba trong hơn nửa thế kỷ nay.
    GS NGUYỄN HUỆ CHI

    Trả lờiXóa
  2. Thông báo về cái chết của Fidel Castro đã được kiều dân Cuba lưu vong đón nhận một cách hoan hỉ. Hàng nghìn người gốc Cuba đã đổ ra đường cùng với rượu sâm banh, kèn trống và hô vang khẩu hiệu «Cuba tự do!» và nhiều tiếng hô không đẹp đẽ gì dành cho người vừa nằm xuống.

    Ông Pablo Arencibia, một giáo viên 67 tuổi, lưu vong từ 20 năm qua giải thích: «vui mừng trước cái chết của người khác là không hay, nhưng con người này (Fidel Castro) lẽ ra không bao giờ nên sinh ra đời».

    Tuy nhiên, không có nhiều trong cộng đồng người Cuba ở Miami lạc quan nghĩ rằng đất nước Cuba sẽ thay đổi mạnh sau cái chết của Fidel Castro.

    Trả lờiXóa
  3. Nhân vật lừng lẫy của đảng cộng sản Cuba mới qua đời. Ông Fidel Castro.

    Người Cuba lưu vong thì “ăn mừng” còn người tại Cuba lại lặng lẽ. Thái độ tương phản đó nói lên sự chia rẽ trong lòng người Cuba. Và ai là trung tâm gây nên chia rẽ đó?

    Một người, được gọi là “anh hùng”, mà là trung tâm của chia rẽ tình tự dân tộc, theo tôi, không đáng được trân trọng. Có thể ông Fidel yêu nước nhưng cho đến cuối đời vẫn tôn thờ chủ nghĩa cộng sản, một thứ chủ nghĩa chỉ đem lại nghèo đói và lạc hậu khắp thế giới và riêng cho đất nước và dân tộc ông, thì câu hỏi phải có, đó là ông yêu nước hay yêu tham vọng quyền lực của chính ông?

    Chính việc ông nhường lại chức vụ vì lý do sức khỏe, năm 2006, và trao toàn quyền cho em trai ông, ông Raul Castro năm 2011, là câu trả lời. Vì, nếu cộng sản là con đường đúng thì tại sao không có người tài giỏi nào khác tiếp nối mà chỉ trong vòng anh em?

    Không riêng gì ông Fidel, cộng sản Bắc Hàn cũng cha truyền con nối. Còn cộng sản Tàu, cộng sản Việt thì ma mãnh hơn, kết thành nhóm cộng sản ròng để chia nhau quyền lực. Cứ xem thế hệ “Thái tử đảng” thì rõ. Giới lãnh đạo chóp bu không gửi con cháu qua học hỏi ở các nước đàn anh cộng sản nhưng lại gửi qua các nước tư bản, một kẻ thù không đội trời chung của cộng sản, để học hỏi rồi trở về cai trị.

    Tranh đấu để đem lại ấm no hạnh phúc cho người dân hay để bị rơi vào lạc hậu, nghèo đói triền miên trong lúc gia tộc giới lãnh đạo thì giàu có xa hoa? Vì thế, ca ngợi một “anh hùng” hay ca ngợi một đất nước không có “anh hùng” nhưng dân tộc được hạnh phúc ấm no?

    Ai cũng nhân danh “nhân dân” nhưng nhân dân có hạnh phúc hay không, đó là vấn đề cốt lõi. Theo tôi, ai đem lại cho người dân hạnh phúc mới là anh hùng! Còn lại chỉ là thứ anh hùng chữ nghĩa, anh hùng chủ nghĩa trên giấy… thì phải bị phê phán.

    Cuba dưới thời Fidel Castro không khác mấy với cộng sản Việt Nam thời chiến tranh Nam Bắc. Đói khát, lầm than… để được thế giới cùng phe ca ngợi là “anh hùng”!

    Việt Nam là bãi chiến trường giữa cộng sản quốc tế và khối Tự do. Cuba là bãi chiến trường giữa cộng sản Cuba với Tư bản Hoa Kỳ. Giới lãnh đạo chóp bu hai nước cộng sản nầy đã đưa hai dân tộc vào điêu linh khốn khổ, nghèo đói và lạc hậu thì sự phán xét không còn riêng của người dân chịu thống khổ của dân tộc đó mà phải thuộc về lương tri nhân loại.

    Còn những lời ca ngợi “có cánh” của người ngoài cuộc chỉ là tiếng vỗ tay của bầy kên kên trên xác chết!
    HỒ PHÚ BÔNG

    Trả lờiXóa
  4. Người dân Cuba, với cái bụng lép, trong nhiều thập niên, vẫn phải gượng sức hô to những khẩu hiệu sáo rỗng và lặp đi lặp lại như cái máy hát rằng “XHCN là ưu việt”, là “con đường tất yếu của thời đại”, là “xu thế của loài người văn minh”. Tuy nhiên, Fidel đã thiết kế một mô hình xã hội khác khá xa với văn minh loài người. Ở đất nước ông, người dân không phải đóng thuế bất động sản hoặc trả tiền lãi cho nhà mua góp nhưng người dân cũng không được phép xây ngôi nhà của chính mình (mãi đến năm 2010 họ mới được phép làm điều này!). Ở đất nước ông, học sinh được miễn phí đi học. Tuy nhiên, miễn phí giáo dục không đồng nghĩa với tự do trong giáo dục và tự do trong tư duy.

    Mãi đến năm 2008, Raúl Castro mới đề cập một “chủ trương” “chưa từng có” trước đó: lần đầu tiên, việc mua máy tính, đầu máy DVD và lò viba là có thể được hợp pháp hóa! Đó cũng là năm mà người dân Cuba được phép sử dụng điện thoại di động… Cuộc cách mạng “chấn động địa cầu” của Fidel đã đóng một dấu ấn lịch sử chính trị thế giới và nó ít nhiều từng “gây cảm hứng” cho một thế hệ “sôi sục cách mạng” của thời ông, nhưng di sản cai trị của ông đã để lại quá nhiều hậu quả bi thảm mà ảnh hưởng của nó không chỉ đối với một thế hệ người dân Cuba. Ông có thể được các “đồng chí XHCN” của ông nhìn nhận như là một nhân vật “tiên phong cách mạng” nhưng ông thật ra là một trong những người đi chậm nhất, lạc hậu nhất, và bảo thủ nhất, ngay cả trong chính thời đại của mình. Như nhiều lãnh tụ cộng sản khác, ông xây dựng nên một huyền thoại cho cá nhân mình hơn là tạo dựng ấm no và hạnh phúc thật sự cho người dân của ông.
    MẠNH KIM

    Trả lờiXóa
  5. Người dân Cuba đứng tại thành phố La Habana nhìn sang Mỹ vừa giận dữ vừa thèm khát. Thứ giận dữ rất khó định hình nhưng thèm khát thì rõ như chiếc bánh mì nướng giòn tan nằm trên chiếc bàn đơn sơ chỉ còn lại một ít muối trằng của Chủ nghĩa xã hội. Mặn mùi hoang dại của biển và trắng tinh thứ chủ nghĩa úp mặt vào tường.

    Từ ngày tham gia vào khối cộng sản, Việt Nam xem Fidel Castro là một vị thánh sống. Fidel luôn luôn vĩ đại và nhân dân Việt Nam được nhồi vào óc rằng trên thế giới không ai chống Mỹ bằng ông ta vì vậy muốn thắng Mỹ toàn dân Việt Nam phải lấy hình ảnh của Fidel Castro làm ngôi sao dẫn đường cho tới ngày hoàn tất giấc mơ diệt Mỹ.

    Vài chục ngàn người Cuba trong nước rơi nước mắt vì Fidel ra đi. Vài chục ngàn người Cuba khác ở Miami nhảy múa ăn mừng một kẻ tội đồ của dân tộc vừa chết. Hai thái độ nghịch lý ấy là bi kịch của những đất nước cộng sản, bất cứ thứ cộng sản nào, Đông hay Tây.

    Việt Nam có Chủ tịch Hồ Chí Minh, vĩ đại và đầy uẩn khúc trong tiểu sử lẫn lịch sử. Fidel Castro ngược lại, rõ ràng và đầy tính cách, cho dù bản chất lúc “khởi nghiệp” hùng tráng bao nhiêu thì càng về sau càng làm cho đất nước bi ai bấy nhiêu.

    Trả lờiXóa
  6. Vấn đề sự thật về tình trạng sức khỏe của Fidel Castro được bao trùm bởi một bức màn bí mật đen tối. Kể từ tháng 12, 2006, khi nhà độc tài Cuba không xuất hiện trong buổi thao diễn quân đội để kỷ niệm sinh nhật 80 tuổi của mình, thì các tin đồn đãi lại càng tăng tốc. Có nguồn tin cho rằng ông bị té gãy xương tay và đầu gối. Có nguồn tin cho rằng ông bị xuất huyết nội tạng. Có nguồn tin cho rằng ông bị ung thư. Có nguồn tin cho rằng ông bệnh nặng sắp chết. Tuy nhiên tất cả những tin đồn đó vẫn kéo dài cuộc sống bệnh hoạn của ông cho đến ngày 25 tháng 11, 2016 vừa qua, khi ông trút hơi thở cuối cùng.

    Sau tháng 12, năm 2006, trên bình diện chính thức thì chính quyền CS Cuba vẫn nêu ra chiêu bài “Fidel Castro Muôn Năm” và “Hãy Lãnh Ðạo Chúng Tôi Thêm 80 năm nữa”. Tuy nhiên không ai biết thực sự tình trạng sức khỏe của con khủng long CS cuối cùng này ra sao. Các chế độ CS sống còn bằng sự bưng bít và dối trá. CS Cuba không ngoại lệ, nhất là trong tình trạng hiện tại của đảng CS Cuba: họ đang sống trong một thế giới mà chỗ chống lưng lớn nhất là Liên Xô đã tan vỡ, người lãnh đạo tối cao và hào nhoáng Castro đã quá lớn tuổi, và cả triệu rưỡi người Cuba tự do đang rình rập từ tiểu bang Florida Hoa Kỳ, chỉ cách một vùng biển nhỏ. Ngày hôm nay, Fidel Castro đã chết thật sự.

    Câu hỏi trên vành môi mọi người là: Việc gì sẽ xảy ra sau cái chết của con khủng long CS cuối cùng này?

    Một trong những điều mà các đảng CS Việt Nam, Trung Quốc và Bắc Hàn sợ nhất là cái chết của Fidel Castro. Trước hết những chế độ CS không phải là những chế độ của tương lai, vì thế họ phải sống bằng quá khứ. Mặc dù Fidel Castro đã già nua, nhưng cái quá khứ hào nhoáng và hào hùng của ông một phần nào duy trì huyền thoại cách mạng vô sản của CS quốc tế.

    Sự ra đi của ông sẽ đánh dấu một sự đoạn tuyệt với quá khứ vàng son ấy, và một phần nào nói lên tính cách giai đoạn và vô thường của những thần tượng Cộng Sản.

    Nguy hiểm hơn nữa, là cái chết của Castro có xác suất đem lại sự cáo chung của đảng CS Cuba. Trong bốn đảng CS còn lại thì Cuba là lẻ loi nhất. Lẻ loi không những về địa dư mà còn lẻ loi về văn hóa nữa.

    Trước hết Cuba không tiếp cận biên giới với bất cứ một nước CS nào để có thể nương tựa vào nhau như Trung Quốc, Việt Nam và Bắc Hàn. Mặc dù có một vài quốc gia châu Mỹ La Tinh có cảm tình với khuynh hướng chống Hoa Kỳ của Cuba nhưng các quốc gia này vẫn chấp nhận đa nguyên, đa đảng. Họ không chấp nhận đường lối ngoại giao của Hoa Kỳ. Ðiều này hoàn toàn không có nghĩa là họ theo chế độ CS Cuba.

    Các quốc gia CS như Trung Quốc, Việt Nam hoặc Bắc Hàn trên thực tế, vì sự xa cách địa dư cũng như khác biệt văn hóa (một bên là truyền thống văn hóa Ðông Á Tam Giáo nhưng không đặt nặng tôn giáo, một bên như Cuba là truyền thống Công Giáo) và Cuba không phải là một quốc gia đối tác quan trọng, nên không thể giúp đỡ thực tế lẫn nhau.

    Fidel Castro nắm quyền được lâu, không những vì kỷ luật sắt và hiến pháp độc tài, mà còn vì ông có tư thế và cá tánh riêng. Người kế vị của ông là Raul Castro, tuy bảo thủ hơn nhưng lại không có uy tín bao trùm và khả năng ứng phó của ông. Chính vì thế Fidel chưa chết, mới chỉ bị bệnh thôi, mà Raul Castro không chịu nổi áp lực, đã ngỏ lời muốn thương thuyết với Hoa Kỳ. Dĩ nhiên, dưới áp lực của Cộng đồng Cuba tự do, Hoa Kỳ không dễ dàng giải tỏa vô điều kiện các áp lực phong tỏa kinh tế Cuba. Trong tình huống đó, sự sống còn của Fidel Castro sẽ ảnh hưởng đến sự sống còn của chính quyền CS Cuba.
    ĐÀO TĂNG DỰC

    Trả lờiXóa
  7. Nhiều bạn nói rằng thấy Cuba vẫn hơn VN nhiều thứ, đặc biệt về dịch vụ y tế và sự ổn định cuộc sống cho người dân của họ. Và rằng Cuba cũng giúp đỡ VN rất hào phóng trong suốt cuộc chiến chống Mỹ. Để từ đó cho rằng Fidel thật sự có công với Cuba và ông quả đúng là người bạn tốt của nhân dân VN.

    Mình nhớ, năm 1975, mình nhận được một con “búp bê miền Nam” bằng nhựa do anh họ đi bộ đội trở về mang cho. Mình đã ngây ngất ngắm nó và nghĩ không hiểu sao “bọn đế quốc trong Nam” lại có thể làm được một vật đẹp đẽ như thế! Cũng trong năm đó, lần đầu tiên mình có được một cái áo hoa do bà nội mua cho, khi bà vào Sài Gòn thăm người em ruột và họ hàng di cư từ năm 54 chưa hề gặp lại. Con bé 9 tuổi hồi nào giờ chỉ biết mặc áo một màu trắng, xanh, nâu hoặc xám, lúc ấy ngượng nghịu sung sướng với tấm áo hoa đầu tiên trong đời nên nâng niu cất để dành đến Tết mới dám mặc…

    Mình chưa từng tới Cuba nên không biết người dân ở đó thực sự sống thế nào và nghĩ gì về những điều mà Fidel đã mang lại cho đất nước của họ. Mình chỉ suy ra từ mình – một đứa trẻ đã từng thần tượng Fidel cũng như nhiều nhà lãnh đạo khác của khối XHCN. Nhưng rồi một ngày nào đó nó chợt tỉnh và vỡ ra rằng bấy lâu nay nó khổ mà không biết mình khổ. Nó hài lòng với những gì có được mà không biết rằng nó chỉ đang được sống ở mức tối thiểu. Nó cứ tưởng nó sung sướng mà không biết rằng người ta đang thương hại nó thế nào…

    Nên hôm nay, với Fidel, mình cúi đầu chia buồn khi nghe tin về cái chết của ông như nghe tin một người quen cũ vừa qua đời. Nhưng nếu bảo tiếc thương, mình không thể tiếc thương một quá khứ nông nổi, ấu trĩ và đau buồn. Vĩnh biệt ông mà cũng mong nhân dân Cuba sẽ vĩnh biệt luôn một thời kỳ u mê, mông muội quá lâu, quá dài trong suốt chiều dài lịch sử của họ!
    NGUYỄN THỊ OANH

    Trả lờiXóa
  8. Cũng giống như những nhân vật độc tài khác, nhất là những nhân vật độc tài của chế độ cộng sản, như Lenin, Stalin, Mao Trạch Đông, Polpot, Hồ Chí Minh, Lê Duẩn, cha con nhà Kim Jong-Il, Kim Jong-un, Fidel Castro sau khi giành được quyền lực đã biến đất nước, nhân dân thành sở hữu riêng của đảng cộng sản và của mình.

    Và cũng giống như rất nhiều lãnh tụ cộng sản, “cha già dân tộc” chỉ đóng vai giản dị, nông dân trước quần chúng còn thật sự thì sống một cuộc sống xa hoa, sung sướng hơn rất nhiều lần so với đời sống bần cùng của đại đa số người dân dưới sự lãnh đạo của họ, đời sống tình dục thì vô cùng phóng đãng, vô độ, Fidel Castro cũng vậy.

    Nhiều tài liệu cho biết ông có nhiều du thuyền, dinh thự riêng, hàng ngàn người bảo vệ, đời tư thì hết sức phóng túng, ngoài các người vợ là danh sách dài các người tình lâu dài, người tình một đêm. (Ngay lãnh tụ Lenin của Liên bang Xô Viết thì sau này sự thật mới lộ ra là chết vì giang mai do bị lây nhiễm từ gái điếm Paris chứ không phải bị đột quỵ như truyền thông, sách vở Liên Xô một thời đã viết như thế…)

    Về mặt quan điểm chính trị, tư tưởng, Fidel Castro bảo thủ hơn các đồng chí cộng sản ở Trung Quốc hay VN, ông không chấp nhận đổi mới, kinh tế thị trường, kinh tế tư nhân và tuyên bố “Tôi là người theo chủ nghĩa Mác Lênin và tôi sẽ như thế cho tới ngày cuối cùng của cuộc đời mình” (“Những câu nói nổi tiếng của lãnh tụ Cuba Fidel Castro”, Pháp luật TP.HCM).

    Dưới thời Fidel Castro, hàng trăm ngàn người Cuba đã bỏ nước ra đi, cũng như người VN dưới thời cộng sản, và nếu như người Việt tỵ nạn có thủ phủ của mình là “Little Saigon” trên đất Mỹ thì người Cuba cũng có “Little Havana”. Khi được tin Fidel Castro chết, hàng ngàn người Cuba ở Little Havana, Miami, đã đổ ra đường ăn mừng.

    Ai rồi cũng chết. Chính trị gia, lãnh tụ cách mạng hay “cha già dân tộc” gì cũng thế. Điều quan trọng là di sản mà họ để lại cho đất nước, dân tộc. Và vì cái di sản ấy, họ sẽ mãi mãi được ghi nhớ công lao trong lịch sử hay sẽ đời đời bị phán xét, nguyền rủa như tội đồ của dân tộc. Cho dù tạm thời lịch sử có bị bưng bít, che dấu, bản thân họ có được vẽ rồng rắn thành huyền thoại thì rồi cũng sẽ có ngày sự thật được trả lại và không một nhân vật nào có thể thoát khỏi sự đánh giá khách quan của hậu thế. Họ có chết đi thì con cháu họ cũng vẫn phải đọc lại những trang sử ấy.

    Di sản của Fidel Castro để lại cho đất nước, nhân dân Cuba hay của Hồ Chí Minh để lại cho VN, đáng tiếc là quá tệ hại.
    SONG CHI

    Trả lờiXóa
  9. Quan hệ Việt Nam Cu Ba thì lại quá đỗi thân tình, nhìn các anh lãnh đạo hết đời này sang đời khác đến thăm Cuba để nhìn được mặt người lãnh tụ vĩ đại của phong trào cách mạng thế giới còn sót lại. Những lời tán dương Fidel hết lời, ngay cả bây giờ khi Fidel chết, lời tán tụng càng được dịp xổ ra toé le.

    Thế mới khổ cho nhân dân Việt Nam nếu Cuba không ướp xác và xây lăng Fidel. Nhân dân Việt Nam sẽ bị tổn thương ghê gớm, khi người lãnh tụ vĩ đại của nước bạn kia lại bị đối xử tầm thường, không được xứng đáng như các lãnh tụ cộng sản vĩ đại khác và giống chủ tịch Hồ. Rồi đã thế, bọn thế lực thù địch sẽ mỉa mai, khoét sâu vào nỗi đau này, chúng thâm hiểm sẽ so sánh tốn kém về việc xây dựng lăng, chúng ca ngợi đểu nhân dân Cuba đã sáng suốt không làm cái việc hao tiền, tốn bạc rước cái chuyện làm lăng vô tích sự.

    Thiết nghĩ trong bối cảnh phong trào cách mạng toàn thế giới đang cần đến uy tín, việc Cuba không xây lăng Fidel sẽ ảnh hưởng nặng nề đến tinh thần cách mạng thế giới. Việt Nam hiện nay là nước duy nhất còn có tinh thần quốc tế cách mạng, mới đấy Việt Nam đã được sự tin cậy của phong trào cách mạng thế giới khi chủ trì cuộc họp của các đảng cộng sản.

    Với tầm vóc ấy, tinh thần ấy và tình cảm của người dân Việt Nam như thế ấy.

    Các nhà lãnh đạo Việt Nam nên có ngay những tác động to lớn, không để nhân dân Cuba đi chệch hướng, ngay lập tức nhà nước Việt Nam phải có những khuyên bảo để Cuba anh em ướp xác, xây dựng lăng Fidel. Cần phải có hỗ trợ về kinh phí để động viên anh em Cuba làm điều này. Tin rằng với tình cảm của nhân dân Việt Nam đối với Fidel như bao chí Việt Nam mô tả, sẽ không khó khăn gì nếu mở cuộc quyên góp tài chính trong nhân dân Việt Nam để xây lăng Fidel.

    Làm được việc này, vừa chứng tỏ được tầm vóc của Việt Nam trong phong trào quốc tế cộng sản, vừa đáp ứng tấm lòng của nhân dân Việt Nam, vừa đập tan được những luận điệu xuyên tạc của thế lực thù địch. Nếu chúng ta không có hành động thiết thực, cao đẹp như thế. Mọi lời nói, ca ngợi của lãnh đạo ta, nhân dân ta đối với Fidel chỉ là trót lưỡi đầu môi, xảo ngôn. Hoặc chính chúng ta lợi dụng Fidel để thực hiện âm mưu nham hiểm đầu độc tinh thần lẫn nhau.
    NGƯỜI BUÔN GIÓ

    Trả lờiXóa

Best Blogger TipsBest Blogger Tips